/ 600
490

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 278

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 12.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 335, hàng thứ sáu.

“Siêu thắng độc diệu”. “Diệu”, trong Kinh Pháp Hoa nói: “diệu gọi là tinh vi thâm viễn”. Đại Nhật Kinh Sớ Nhất nói: “diệu tức là cao nhất không gì sánh được, càng không có nghĩa nào hơn. Vô tỷ vô thượng gọi là diệu”.

Ở trước giải thích cho chúng ta về “bao la rộng lớn”. Tiếp theo nói về “siêu thắng độc diệu”, đều là tán thán y báo thù thắng trang nghiêm của thế giới Cực Lạc. Chữ “diệu” này có rất nghiều nghĩa, trong Pháp Hoa Du Ý gọi là tinh diệu. Tinh, chúng ta gọi là tinh hoa, tinh tế. “Vi” chúng ta thường liên kết với “diệu”, vi diệu, vi nghĩa là diệu. Thâm viễn, thông thường chúng ta không dễ lãnh hội, không dễ dùng ngôn từ tưởng tượng quan sát được, đây gọi là diệu.

Trong Đại Nhật Kinh Sớ, nói về ý này dễ hiểu hơn, tức không thể sánh được với nó, cũng không có hơn nó, đây gọi là diệu. Thế tục chúng ta gọi là đạt đến đỉnh điểm.

“Tịnh Ảnh Sớ nói, siêu thắng độc diệu, nói về sự vượt bậc của cõi nước. Hội Sớ cũng nói, siêu thắng độc diệu, nói rõ đặc biệt rộng lớn, việc trang nghiêm trong đó”. Thân là chánh báo, cõi là y báo, “y chánh đều là đệ nhất không gì sánh được”, trang nghiêm đến cùng cực! “Hơn hẳn cõi nước chư Phật, tối thượng là tinh, cho nên gọi là siêu thắng”. Hội Sớ nói một cách cụ thể hơn.

Bên dưới lại nói: “Duy nhất cõi nước này, tối thượng không thể nghĩ bàn, cho nên gọi là độc diệu”, siêu thắng độc diệu. Đây không phải là lời tán thán, không phải lời hình dung, nó là chân tướng sự thật, điều này rất quan trọng.

“Bên dưới lại đưa ra bảy vấn đề, làm hiển thị sự độc diệu của thế giới Cực Lạc”. Ngài còn đưa ra sự thật, đưa ra bảy sự việc. Bảy tượng trưng cho sự viên mãn. Cho thấy từng câu từng chữ hàm nghĩa rất tinh diệu.

“Sớ viết”, đây là trong Hội Sớ nói. Thứ nhất. “Vị pháp báo ức hóa, sở xuất bổn quốc cố”. Ý nghĩa câu này quả thật là thâm diệu cùng cực, nghĩa là nói pháp thân, báo thân, ứng thân, hóa thân của Phật. Pháp thân là thể, là bản thể, báo thân, ứng thân, hóa thân là tác dụng. Báo thân là độ pháp thân đại sĩ. Ứng hóa thân là độ thập pháp giới hữu tình chúng sanh. Có thể có dụng.

Câu tiếp theo nói rất vi diệu cùng cực, quả thật không thể nghĩ bàn: “sở xuất bổn quốc cố”, bổn quốc là thế giới Cực Lạc. Ý này nghĩa là nói, tất cả cõi nước chư Phật trong mười phương, cõi thật báo, cõi phương tiện, cõi đồng cư, đây là y báo. Báo thân Phật, ứng thân Phật, hóa thân Phật, đây là chánh báo, biến hiện ra đều là thế giới Cực Lạc. Ý này chính là nói, tất cả chư Phật Như Lai, tất cả cõi nước chư Phật, đều từ Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc hiển thị ra.

Đại sư Thiện Đạo nói rằng: “Chư Phật sở dĩ hưng xuất thế, chỉ thuyết Di Đà bổn nguyện hải”. Ý nghĩa rất tương đương với câu này. Chúng ta phải xem vấn đề này như thế nào? Thật ra trong kinh điển đều có, chư vị tổ sư từng nói, y báo của thế giới Cực Lạc là cõi pháp tánh, chánh báo của thế giới Cực Lạc là thân pháp tánh. Chúng ta có thể nói, muôn sự muôn pháp khắp biến pháp giới hư không giới, tự tánh năng sanh vạn pháp, tất cả pháp không lìa tự tánh, nghĩa là tất cả pháp đều là pháp tánh. Không lìa tự tánh, đều là pháp tánh, là nói đến Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc hiển lộ ra, có thể nói như vậy.

Bên dưới nói: “Trong cõi nước này, tức chỉ thế giới Cực Lạc. Cực Lạc là cõi tam thân quả Phật, pháp thân Phật, báo thân Phật, ứng hóa thân Phật, cho nên siêu việt cõi hóa của chư ứng Phật”. Đây là một cách nói. Cách nói khác là nhân địa của Phật A Di Đà, ngài muốn kiến tạo một thế giới, hy vọng thế giới này, có thể hơn hẳn tất cả cõi nước chư Phật.

Chúng ta biết, trong thật tướng các pháp, Phật Phật bình đẳng, không ai hơn ai, vì cùng một lý thể. Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến, pháp giới bình đẳng, hòa thuận đối với tất cả chúng sanh, đây là chân tướng sự thật. Di Đà muốn kiến tạo một cõi nước, nghĩa là chúng ta nói kiến tạo đạo tràng, hơn hẳn tất cả các đạo tràng.

Thế Gian Tự Tại Vương Phật là thầy của ngài, từng đưa ngài đi tham bái tất cả cõi nước chư Phật. Ngài rất dụng tâm, chúng ta dùng phương tiện để nói rằng, là lấy ưu điểm của tất cả cõi nước của chư Phật, từ bỏ cái không hay trong tất cả cõi Phật, cho nên thế giới của ngài siêu thắng độc diệu. Thế giới Cực Lạc, bất luận là y báo chánh báo, là tập đại thành y chánh của chư Phật Như Lai. Tập đại thành! Ở trước kinh này có nói, có căn cứ, siêu thắng độc diệu là như vậy.

/ 600