/ 600
465

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 277

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 11.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 334, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu sau cùng.

“Lại vì mỗi mỗi là đại giác chân tâm, quả giác diệu đức của Phật Di Đà. Mỗi mỗi lại là ngã đẳng đương nhơn, đầy đủ trí tuệ đức tướng của Như Lai. Những gì Di Đà hiển thị là bản tâm của ta, là vật báu của ta, không phải có được từ bên ngoài. Phát tâm niệm Phật, giống như ánh sáng hạt châu, chiếu sáng thể hạt châu. Thân thiết tự nhiên, không hao tổn công lực, cho nên có thể rộng thí lợi ích chân thật”.

Đây vẫn là nói “trú chân thật tuệ, trang nghiêm diệu độ”, nói rõ nguyên nhân gì có thế giới Cực Lạc. Sau khi hiểu rõ, đoạn tận nghi hoặc đối với vấn đề niệm Phật vãng sanh, tín tâm kiên định tự nhiên sanh khởi. Đây là một đoạn khai thị rất quan trọng. Ở trước nói đến y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc. Lớn đến vũ trụ, nhỏ đến vi điểm của sợi lông hạt bụi, đều là viên minh cụ đức, đều là viên viên quả hải, chân thật rốt ráo.

Bây giờ xem tiếp: “Lại vì mỗi mỗi là đại giác chân tâm, quả giác diệu đức của Di Đà”. Đại giác chân tâm và quả giác diệu đức, ở đây có ý nghĩa giống nhau, đều là đức năng vốn đầy đủ trong tự tánh. Trong giáo lý đại thừa Đức Phật thường nói: “ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”. Tâm nghĩa là chân tâm, ở đây gọi là đại giác chân tâm. Chân tâm năng sanh năng hiện, vạn pháp là sở sanh sở hiện, năng sở là một không phải hai. Từ tướng mà nói, đây là diệu đức của quả giác. Từ tánh mà nói, là đại giác chân tâm. Trong này phải đặc biệt chú ý, câu tiếp theo, Niệm Lão nói rất hay, không đơn giản!

“Mỗi mỗi lại là ngã đẳng đương nhơn”. Đương nhơn là chính mình, là chính chúng ta, tự tâm vốn đầy đủ trí tuệ đức tướng của Như Lai. Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Thế Tôn nói, tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai, nó liên quan rất mật thiết với chúng ta. Chúng ta với chư Phật Như Lai và Phật A Di Đà đích thực là nhất thể, chỉ là mê ngộ bất đồng mà thôi.

Ngã đẳng đương nhơn nhất niệm giác, là thành Phật, chính là Phật A Di Đà. Đúng như thiền sư Trung Phong khai thị trong Hệ Niệm Phật Sự: “tâm tôi tức là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà tức là tâm tôi”, tâm này là chân tâm. “Ở đây tức là Tịnh độ, Tịnh độ tức là ở đây”, quả giác diệu đức.

Phật A Di Đà hiện ra thế giới Cực Lạc, bản chất của nó là gì? “Là bản tâm ta”, là tâm tánh của chính chúng ta. “Là báu vật trong nhà ta”, vật báu trong nhà, báu là trân bảo. Chính là trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “trí tuệ đức tướng của Như Lai”. Như Lai là tự tánh, trí tuệ đức tướng vốn có trong tự tánh. “Không phải đạt được từ bên ngoài”, đây là “ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”. Thế giới Cực Lạc như vậy. Thế giới hiện tại của chúng ta thì sao? Nói cho chư vị biết, nó cũng như vậy. Nơi chúng ta ở đây và thế giới Cực Lạc không hai không khác, đều là tâm hiện thức biến. Vì sao hai thế giới này có sự khác biệt lớn lao như vậy? Khác nhau không phải ở tự tánh, khác biệt không phải ở chân tâm, khác nhau là vọng tâm.

Ở trước có nói, nhất niệm bất giác, trong tự tánh liền xuất hiện A lại da. Chư vị phải biết, A lại da không phải tự tánh, nhưng A lại da cũng không ngoài tự tánh. Chư vị tổ sư đại đức của pháp tướng Duy Thức Tông nói với chúng ta, A lại da là chân vọng hòa hợp, vấn đề là như vậy.

Thể là chân như tự tánh, tướng là hư vọng, nó không phải tự tánh, vì sao vậy? Tự tánh là bất sanh bất diệt. Tướng là pháp sanh diệt, “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Thể tánh của tự tánh, trong bốn cõi của Tịnh tông gọi là thường tịch quang, đó là tự tánh. Trong thường tịch quang cả ba loại hiện tượng đều không tồn tại, ba loại hiện tượng này là hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần, hiện tượng tự nhiên đều không tồn tại.

Nhất niệm bất giác, xuất hiện huyễn tướng. Cổ nhân dùng hình và ảnh để ví dụ, ví dụ này rất đáng cho chúng ta học tập. Mặt trời chiếu trên người chúng ta tạo thành chiếc bóng, chiếc bóng này từ đâu mà có? Chiếc bóng này tuyệt đối không phải thân thể, nhưng cũng không rời thân thể, giống như a lại da vậy, ví dụ này rất giống nhau. Vì sao xuất hiện chiếc bóng này? Chúng ta biết đây là dưới ánh mặt trời, xuất hiện chiếc bóng. Ánh nắng là duyên, sự xuất hiện của A lại da, A lại da là chiếc bóng của chân tâm, chiếc bóng là vọng tâm. Vì sao nó xuất hiện? Do một niệm bất giác sanh ra, nhất niệm bất giác này từ đâu mà có, do nguyên nhân gì? Đây là vấn đề lớn, Đức Phật nói với chúng ta, nhất niệm bất giác không có nguyên nhân, không có nguồn gốc. Có nguồn gốc nó chính là thật, không có nguồn gốc nó là hư vọng. Cho nên vô minh gọi là vô thỉ vô minh. Vô thỉ là gì? Không có bắt đầu.

/ 600