/ 600
733

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 273

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 09.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 331, xem Tích Lũy Công Đức thứ tám.

“Trong phẩm này Bồ Tát Pháp Tạng phát đại nguyện xong, từ nguyện khởi hành, trong vô lượng kiếp, trú chân thật tuệ, thực chúng đức bổn, giáo hóa vô lượng chúng sanh, trú trong đạo vô thượng, đều phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Công đức như vậy, nói không cùng tận, cho nên phẩm này gọi là tích lũy công đức”.

Mấy câu này là giải thích đề kinh, vì sao phẩm này gọi là tích lũy công đức. Giới thiệu sơ lược về những gì phẩm này muốn nói. Là sau khi Bồ Tát Pháp Tạng phát 48 nguyện, cũng tức là phẩm thứ sáu từ nguyện khởi hành. Phẩm ở trước là nói rõ với chúng ta “tất thành chánh đẳng đệ thất”, là ấn chứng, đây là cầu cảm ứng. Phẩm này chính là từ nguyện khởi hành, phải xem ngài làm sao để thực hiện nguyện vọng của mình.

“Trong vô lượng kiếp, trú chân chật tuệ, thực chúng đức bổn”. Trong kinh nói với chúng ta là năm kiếp tu hành, vô lượng kiếp là chỉ thời gian rất dài. Hai câu dưới rất quan trọng, chính là “trú chân thật tuệ, thực chúng đức bổn”, chúng ta phải đặc biệt chú ý đến điều này.

Thông thường chúng sanh tu hành không thể thành tựu, nghĩa là nguyện đã phát, có muốn thực hiện chăng? Cũng rất muốn, vì sao không làm được? Chính là không có trí tuệ chân thật. Cho thấy câu này đúng là then chốt. Nếu ta có trí tuệ chân thật, nguyện của mình có thể thực hiện, có năng lực thực hiện nó, mới thực sự là trồng các đức. Tánh đức trong tự tánh đều hiển phát ra bên ngoài.

Tiếp theo nói: “Giáo hóa vô lượng chúng sanh, trú trong đạo vô thượng”. Học tập pháp thế xuất thế không có ngoại lệ, học tập tốt nhất chính là dạy học. Chư vị cổ đức thường nói: “Giáo học tương trưởng”, cho nên cách học tập hay nhất là dạy học, đặc biệt là đối với hàng trung hạ căn. Vì ngày ngày ta đều phải dạy, cho nên không thể không đọc, không thể không tu. Đây là gì? Là cách đối trị giải đãi, biếng nhác trong phiền não của chúng ta. Bao nhiêu người phát tâm, vì giải đãi mà thoái chuyển, trường hợp này xưa nay rất nhiều. Bởi vậy tinh tấn là thiện căn bậc nhất của Bồ Tát, đây là thiện căn duy nhất. Câu tinh tấn này nói thì dễ, làm được quả thật không dễ. Phương pháp tốt nhất là dạy học. Ngày ngày phải tu hành, không chân tu cảnh giới không tăng cao. Ngày ngày phải đọc tụng kinh điển, phải chuẩn bị bài vở. Không đọc tụng, không thể dạy người khác, lấy gì để giảng. Thân hành ngôn giáo, là phương pháp đối trị giải đãi hay nhất của Bồ Tát, giúp ta dõng mãnh tinh tấn.

Giáo hóa chúng sanh cần phải thực hành, mục đích là khiến những chúng sanh này “trú trong đạo vô thượng”. Mục tiêu rất rõ ràng, mục đích dạy học là thành Phật, phương hướng này là con đường thành Phật, có tiến không thoái. Đời này giống như ở trước nói: “quyết định tất thành vô thượng chánh giác”, ngay trong đời này. Đây là câu Phật A Di Đà thích nghe nhất.

“Đều phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm”. Hàng thượng căn lợi trí, trong nhà Phật gọi là hàng thượng thượng căn, họ được thành tựu. Hàng căn tánh trung hạ, có thể dần dần hoàn thành, trước tiên cầu được tam bồ đề tâm. Tam dịch sang tiếng Trung nghĩa là chánh, bồ đề dịch sang tiếng Trung nghĩa là giác. Tâm bồ đề tâm dịch sang tiếng Trung tức là chánh giác tâm, nhập môn.

Người thế gian cũng có giác, nhưng không thể gọi là chánh giác, vì sao vậy? Vì chánh nhất định cùng một phương hướng, cùng một con đường với vô thượng bồ đề, đây mới là chánh giác. Chánh giác là quả vị của A la hán và Bích Chi Phật, đoạn tận kiến tư phiền não, Bích Chi Phật cũng đoạn tận cả tập khí kiến tư phiền não. Lên cao hơn nữa thì sao? Là tam miệu tam bồ đề. Tam miệu dịch sang tiếng Trung nghĩa là chánh đẳng, đồng nghĩa như Phật, đây là Bồ Tát. Đồng nghĩa như Phật, vẫn chưa thành Phật. Nâng cao, tiếp tục lên cao hơn là A Nậu Đa La, A Nậu Đa La dịch là Vô Thượng. A dịch là Vô, Nậu Đa La dịch là thượng_Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đây là quả vị Diệu giác của đại thừa viên giáo, viên mãn trở về với tự tánh. Quý vị thấy, giáo hóa chúng sanh, lấy điều này làm phương hướng, làm mục tiêu.

“Công đức như vậy, nói không cùng tận”, cho nên phẩm kinh này gọi là “tích công lũy đức”. Chúng ta muốn thực hành, thì phẩm kinh này rất quan trọng, dạy chúng ta làm sao để tích lũy công đức.

Mời xem kinh văn: “A Nan, Pháp Tạng tỳ kheo ư Thế Tự Tại Vương Như Lai tiền, cập chư thiên nhân, đại chúng chi trung. Phát tư hoằng thệ nguyện dĩ, trú chân thật tuệ, dõng mãnh tinh tấn, nhất hướng chuyên chí, trang nghiêm diệu độ”.

Đoạn lớn này là như nguyện tu hành, mấy câu này là nói chung, đoạn bên dưới là thực hành.

“Sở tu Phật quốc, khai khuếch quảng đại, siêu thắng độc diệu, kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến”. Đây là nói kiến lập thế giới Cực Lạc, nghiêm tịnh Tịnh độ.

Chúng ta xem chú giải của Niệm Lão: “Bồ Tát Pháp Tạng đối trước Phật và đại chúng thiên nhân, tuyên phát hoằng thệ nguyện như trên”. Bên dưới có chú giải. “Hoằng tức là rộng. Pháp Giới Thứ Đệ giải thích rằng, nhân duyên phổ biến rộng khắp, gọi là hoằng. Tự chế tâm mình gọi là thệ, chí cầu đầy đủ cho nên gọi là nguyện”. Đây là giải thích hoằng thệ nguyện.

“Hoằng thệ nguyện, phiếm chỉ thệ nguyện hoằng pháp lợi sanh lớn lao của Phật Bồ Tát. Trong kinh này nói là tư hoằng thệ nguyện, tức chuyên chỉ 48 nguyện của Bồ Tát Pháp Tạng. Phát nguyện này xong, do nguyện sanh khởi vô biên thù thắng diệu hạnh”.

Ở trước giải thích ba chữ hoằng thệ nguyện, phổ biến rộng khắp nhân duyên này nghĩa là hoằng. Tâm lượng chúng ta phải lớn, phải biết bao dung, tâm lượng hẹp hòi không thể thành tựu. Người tâm lượng hẹp hòi, đối với pháp thế gian đều không thể thành tựu, vậy thì pháp xuất thế gian càng không hề dính đến mảy may nào. Vì sao vậy? Vì pháp xuất thế gian không có biên tế.

Ở trước chúng ta đã học, tâm không tịch, tâm diệu viên, tâm vô ngại, đều không có hạn lượng. Tâm Bồ Tát đích thực là “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, ngạn ngữ xưa gọi là lượng lớn phước lớn. Một người tâm lượng không lớn, họ có thành tựu gì? Chúng ta thấy từ xưa đến nay, người thành tựu sự nghiệp lớn_quý vị đặc biệt chú ý, những bậc đế vương khai quốc đều có tâm lượng lớn. Bất kỳ vấn đề gì đến trước mặt họ, đều trở thành đơn giản, tuyệt đối không so đo tính toán. So đo tính toán không được, không chịu đựng được uất ức cũng không được. Đặc biệt trong kinh điển nói trú vào trí tuệ chân thật, thật sự phải có trí tuệ chân thật. Ngược lại với trí tuệ chính là phiền não, chính là tâm trạng. Làm việc lớn hay nhỏ không được làm theo tâm trạng, phải dùng trí tuệ. Làm việc theo tâm trạng không thể thành tựu, cho dù thành công thì đằng sau cũng có rất nhiều di chứng.

Bởi vậy nguyện không thể không lớn, quý vị xem nguyện nguyện đều vì tất cả chúng sanh khắp biến pháp giới hư không giới mà phát. 48 nguyện, mỗi nguyện đều vì chúng sanh, không có câu nào cho riêng mình. Vì sao không vì mình? Vì chúng sanh tức là chính mình, mình và chúng sanh vốn là nhất thể, cho nên mỗi niệm đều bao hàm tất cả chúng sanh. Đây chính là trí tuệ chân thật.

“Tự chế tâm mình, gọi là thệ”. Thệ nghĩa là sao? Thệ là đối với tâm mình mà nói. Phiền não và tập khí của chúng ta rất nặng, bản thân có thể khống chế nó, khiến tập khí phiền não không khởi tác dụng gọi là thệ. “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Ta phải khắc phục tập khí phiền não của mình, vậy là thành công. Có thể khắc phục kiến tư phiền não của mình, sáu căn ở trong cảnh giới sáu trần, không có dục vọng chiếm hữu, không có dục vọng khống chế. Như vậy cần phải tự chế tâm mình, không tự chế tâm mình không làm được. Kiến tư phiền não là chấp trước, tự chế tâm mình buông bỏ chấp trước là bậc Thanh văn. Trong Phật pháp đoạn ác là đoạn hạ phẩm, đoạn hạ phẩm, tiếp tục đoạn trung phẩm. Trung phẩm là phân biệt, phân biệt quá nhiều, trong đại thừa gọi nó là trần sa phiền não. Khởi tâm động niệm chính là phân biệt, phân biệt nhiều giống như trần sa vậy, ví nó rất nhiều. Vô lượng vô biên vô tận phân biệt cũng phải buông bỏ, không phân biệt đối với tất cả pháp. Không phân biệt cao hơn không chấp trước, người không phân biệt nhất định không chấp trước, người không chấp trước họ vẫn còn phân biệt. Cho nên buông bỏ trần sa phiền não là Bồ Tát, cao hơn A la hán. Lên cao hơn nữa là buông bỏ vọng tưởng, vọng tưởng là gì? Là khởi tâm động niệm. Tuy khởi tâm động niệm, trong khởi tâm động niệm không có phân biệt chấp trước, rất cao minh. Người này là ai? Là pháp thân Bồ Tát, chính là A Duy Việt Trí Bồ Tát, quần chúng trong cõi thật báo trang nghiêm. Chỉ cần họ trú trong cõi thật báo, tuyệt đối không có phân biệt chấp trước, ra khỏi mười pháp giới. Phật trong mười pháp giới vẫn không làm được, họ làm được, đây gọi là đại anh hùng. Phật trong mười pháp giới, đều không thể gọi là đại anh hùng. Điều kiện thấp nhất của đại anh hùng là viên giáo sơ trụ, biệt giáo sơ địa, buông bỏ cả ba loại phiền não.

Tự chế tâm mình, nguyên tắc chung, cương lĩnh chung của việc tu hành là ở câu này! Chư vị thánh hiền nói: “khắc kỷ phục lễ”, công phu khắc kỷ chính là tự chế tâm mình, phục lễ chính là chí cầu đầy đủ. Đầy đủ là đầy đủ nguyện mình đã phát, nguyện mình phát ra đều thành hiện thực.

Bên dưới Niệm Lão giải thích: “Hoằng thệ nguyện”, nếu chỉ nói câu này, chính là chỉ hoằng thệ nguyện lớn lao của Phật Bồ Tát, đa phần đều nói đến tứ hoằng thệ nguyện. Có thể nói bốn điều này là cương lĩnh chung của tất cả chư Phật Bồ Tát phát nguyện khi còn ở nhân địa. Cho dù 48 nguyện của Phật A Di Đà, cũng không ra ngoài bốn phạm vi lớn này. Quý vị xem, nguyện độ chúng sanh, nguyện đoạn phiền não, nguyện học pháp môn, nguyện thành Phật đạo, tuyệt đối không ra ngoài bốn cương lĩnh này. 48 nguyện là nói tường tận về tứ hoằng thệ nguyện, tứ hoằng thệ nguyện là cương lĩnh chung. Nó là danh mục khác, nói càng rõ ràng hơn.

“Trong kinh này nói tư hoằng thệ nguyện”, thêm chữ tư vào ở trước, tư nghĩa là ở đây. Hoằng thệ nguyện này, tức chuyên chỉ 48 nguyện của Bồ Tát Pháp Tạng. “Sau khi phát 48 nguyện, do nguyện sanh khởi vô biên thù thắng diệu hạnh”. Vì sao vậy? Vì dùng hành để thực tiễn nguyện vọng của ngài, mỗi nguyện ngài đều làm được, thật sự làm được. Không phải làm được trong thời gian ngắn, cần thời gian rất dài. Nguyện nguyện đều không ngoại lệ.

Quý vị muốn hỏi vì sao? Đáp án rất rõ ràng, bản thân chúng ta bình tĩnh quan sát tường tận sẽ hiểu. Trước khi chưa phát nguyện là phàm phu, phàm phu trong lục đạo thập pháp giới, thời gian bao lâu? Vô lượng kiếp, vô lượng kiếp tiêm nhiễm những tập khí phiền não này, quý vị xem rộng biết bao, sâu biết bao, dễ đoạn được như vậy sao?

Chư vị tổ sư dạy chúng ta, học tập phải nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Dùng hành thực hiện nguyện cũng không lìa khỏi phương pháp này, chúng ta cũng phải đoạn từng phiền não một. Đoạn tham, đoạn sân, đoạn si, đoạn mạn, đoạn nghi, đây là phiền não căn bản. Còn đoạn ác kiến, tất cả tư duy sai lầm đều phải đoạn. Về sự phải đoạn, về lý cũng phải đoạn, về tướng phải đoạn, về tánh cũng phải đoạn.

Tỳ kheo Pháp Tạng, dùng thời gian năm kiếp tự chế tâm mình, không hề đơn giản. Hành vi đoạn phiền não của ngài, hành vi trồng thiện căn, đều là thù thắng diệu hạnh. Thù thắng diệu hạnh không phải một, mà vô lượng vô biên. Nguyện đang chỉ đạo ngài, mỗi nguyện mỗi nguyện, làm sao mới có thể thực hiện. Nguyện không ít, 48 nguyện. Làm sao để đoạn tận, đoạn tận tập khí phiền não.

Nuôi dưỡng tâm thái tốt đẹp đều cần thời gian dài, đều phải trải qua vô số khảo nghiệm, mới thành tựu được, không vượt qua thử thách không được. Thông thường nói thuận cảnh thiện duyên là tốt, dễ sanh tâm hoan hỷ, dễ khởi tâm tham luyến, đây chính là phiền não. Trong thuận cảnh, thiện duyên khởi phiền não. Ta phải tự chế tâm mình, trong thuận cảnh, thiện duyên không sanh tham luyến. Trái lại trong nghịch cảnh, ác duyên_hoàn cảnh không tốt là nghịch cảnh, ác duyên là gặp những người không tốt, đều đối đầu với mình, không phải họ giúp mình, mà là gây phiền phức. Trong hoàn cảnh này rất dễ sanh khởi oán hận, bất bình, cần phải tự chế tâm mình. Nghịch cảnh, ác duyên không sanh sân nhuế, không có oán hận. Bất luận cảnh giới nào hiện tiền, đều có thể giữ được sự thanh tịnh bình đẳng. Đây là công phu, là tu hành chơn chánh. Chỉ có tâm địa thanh tịnh ôn hòa, họ sanh trí tuệ, không sanh phiền não. Trí tuệ có thể giúp ta giải quyết vấn đề, viên mãn triệt để, khởi phiền não là hỏng hết, có thể làm phá hoại việc tốt của mình.

Từ câu này chúng ta có thể lãnh hội được, sau khi Bồ Tát Pháp Tạng phát nguyện, tu hành là việc không phải dễ. Thật khó được, vô biên thù thắng diệu hạnh ngài đều viên mãn.

Xem tiếp đoạn dưới: “Mở đầu phẩm này nói rất rõ ràng, câu thứ nhất của phẩm này nói rằng, trú trong trí tuệ chân thật. Câu này là nền tảng vững chắc của tất cả diệu hạnh, để vô lượng người trời khai chánh nhãn”. Kinh Vô Lượng Thọ có ba loại chân thật, các kinh khác rất ít có. Trong kinh nói với chúng ta, chân thật rốt ráo, trí tuệ chân thật, lợi ích chân thật, nói đến ba loại chân thật.

Tích lũy công đức, câu đầu tiên nói “trú chân thật tuệ”, phải an trú tâm trong trí tuệ chân thật. Câu này chính là ở phẩm trước, phần sau cùng của Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận nói về 10 loại tâm, là trú chân thật tuệ. Trú trong tâm không tịch, tâm diệu viên, vô ngại, vô trụ, vô tác, vô ngoại, vô nội, quang minh, bình đẳng vốn đầy đủ của tự tánh, đây là nền tảng căn bản của tất cả diệu hạnh.

“Vì vô lượng người trời khai chánh nhãn”. Nếu người trời muốn tu hành, muốn chứng quả, không thể không đi theo con đường này của Bồ Tát Pháp Tạng. Ngài đi con đường này, chúng ta đi theo con đường này. Ngài thành công, chúng ta nhất định cũng thành công.

“Phẩm Đức Tuân Phổ Hiền của kinh này”, đây là phẩm thứ hai nói: “Khai hóa hiển thị chân thật rốt ráo. Đại Giáo Duyên Khởi, trong phẩm thứ ba có câu này: “Muốn cứu bạt quần manh, ban cho lợi ích chân thật, trong kinh này gọi là trú chân thật tuệ. Ba câu này tuy có khác nhau, nhưng sự chân thật của nó không hề khác biệt”, ba loại chân thật.

“Chân tức là chân như, thật tức thật tướng”. Trong lục đạo mười pháp giới, mọi người phải biết, không có ba loại chân thật này. Tâm hành quả báo của lục đạo chúng sanh, chư Phật Như Lai đều than rằng; kẻ đáng thương! Cần phải biết. Vì sao vậy? Vì không có ba loại chân thật này. Nói cách khác, trong lục đạo mười pháp giới không có gì chân thật cả, “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, làm gì có chân thật? Chân thật rốt ráo là tự tánh, vốn tự thanh tịnh, vốn không sanh diệt, đây là chân thật rốt ráo.

Lợi ích chân thật là vĩnh viễn không mất đi, đó là gì? Đó là phá mê khai ngộ, ta vĩnh viễn không bị mất, đây là lợi ích chân thật. Ở đây lại nói với chúng ta “trú chân thật tuệ”, trí tuệ chân thật có thể thành tựu vạn đức trang nghiêm, có thể thành tựu tích công lũy đức.

Chân như, thật tướng đều là biệt danh của tự tánh. Hay nói cách khác, ba câu này là tánh đức, nó vốn có trong tự tánh của tất cả chúng sanh.

Kinh Quán Phật Tam Muội nói: “quả đức Phật địa, chân như thật tướng, đệ nhất nghĩa không”. Thế nào gọi là đệ nhất nghĩa không? Đệ nhất nghĩa không là thuật ngữ. Phật Học Đại Từ Điển nói: “Đối với niết bàn của tiểu thừa, mà gọi niết bàn chí cực của đại thừa là đệ nhất nghĩa không. Tiểu thừa gọi là thiên không, thiên chân đản không. Niết bàn của đại thừa không cũng không”. Không chấp trước cái không, đây là đặt cho nó một danh từ khác. Gọi là không của thật tướng trung đạo, cho nên gọi là đệ nhất nghĩa, thật ra chấp vào danh tướng đều sai.

Câu đầu tiên trong Đạo Đức Kinh Lão tử nói: “Danh khả danh, phi thường danh, đạo khả đạo, thi phường đạo”. Đạo thật sự không nói ra được, có thể nói ra danh tướng, danh tướng đều là giả, người học Phật không thể không biết điều này.

Trong Khởi Tín Luận, Bồ Tát Mã Minh dạy chúng ta phương pháp tụng kinh nghe giảng, đây là chúng ta thường dùng nhất. Nghe giảng nghĩa là lên lớp nghe giảng, đọc tụng, cần phải hiểu ba nguyên tắc. Thứ nhất không chấp trước tướng ngôn thuyết, chúng ta nghe kinh đừng chấp trước vào ngôn ngữ của họ, phải nghe ý nghĩa họ muốn nói. Họ nói dài nói ngắn, nói sâu nói cạn đều không bận tâm, không sao cả. Phải nghe ý nghĩa họ muốn nói, không chấp trước tướng ngôn thuyết. Xem kinh thì sao? Xem kinh đừng chấp trước tướng văn tự. Chấp trước tướng ngôn ngữ là sai, chấp trước tướng văn tự cũng sai, không được chấp tướng.

Thứ hai, không được chấp tướng danh tự. Ví dụ ở đây gọi tiểu thừa là danh tự, niết bàn cũng là danh tự, đệ nhất nghĩa không cũng là danh tự, thiên chân đản không vẫn là danh tự. Tướng danh tự này là giả, cũng không được chấp trước, hiểu ý nghĩa của nó là được. Tùy họ nói gì, không sao cả, chỉ cần ta lãnh hội được ý nghĩa.

Thứ ba, không chấp trước tướng tâm duyên, tướng tâm duyên là gì? Người xưa gọi là thấy chữ đoán nghĩa. Tức là sau khi nghe xong, tôi có tư duy của riêng mình, không được, vì sao không được? Vì Phật không nói ra ý nào, như vậy sao ta nghe rồi lại có ý nghĩ được? Ý nghĩa đó là của mình, không phải của Phật. Cho nên “nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai”, sanh khởi ý của riêng mình, chứ không phải nghĩa chân thật của Như Lai. Như vậy mới gọi là biết nghe, khi đọc tụng biết đọc. Đọc tụng như vậy, nghe kinh như vậy sẽ được tam muội, sẽ được định, sẽ khai ngộ. Nếu như chấp tướng, chấp tướng bất luận là chấp tướng ngôn thuyết, tướng danh tự, tướng tâm duyên, đều không thể được định, đều không thể khai ngộ. Nói như chúng ta hiện nay, chấp tướng ba loại này, những thứ quý vị học là Phật học, là tri thức. Không chấp trước ba loại tướng này, thứ ta được là trí tuệ, sẽ được định, sẽ khai ngộ. Đây là thái độ tu học khác nhau giữa Phật pháp và thế pháp. Chúng ta hiểu rõ đại lý này, mới biết ngày nay ta học Phật là học những gì.

Tu học Phật pháp, bất luận dùng phương pháp gì, tám vạn bốn ngàn pháp môn tất cả đều là giới định tuệ, xa lìa giới định tuệ không phải pháp môn của Phật giáo. Pháp môn của Phật giáo nhất định tương ưng với giới định tuệ. Ví dụ như tụng kinh, tụng một biến từ đầu đến cuối Kinh Vô Lượng Thọ. Người mới học tụng khoảng hai tiếng, đọc rõ ràng từng câu từng chữ, không chấp trước tướng văn tự, không chấp trước tướng danh tự, cứ đọc như vậy, bản thân không hề khởi ý niệm. Có ý niệm là sao? Giống như chiếu soi vậy, vừa nhìn thấy liền giác ngộ, đó là chiếu kiến, không dùng tư tưởng, tôi suy nghĩ xem ý này là gì, suy nghĩ là rơi vào ý thức, không được nghĩ. Vừa nghe, hiểu thì hiểu, không hiểu cũng không sao, đọc tiếp lần thứ hai. Đọc sách ngàn lần, tự hiểu nghĩa của nó, nhất định có lần ý nghĩa xuất hiện. Ta giữ phương pháp này chính là trì giới, y giáo phụng hành tức là tu định, vì thế mà được tam muội, khai ngộ. Đây là điểm khác nhau của học tập Phật pháp và pháp thế gian, mọi lúc mọi nơi đều không xa lìa tam học giới định tuệ.

Trong Tam Tạng Pháp Số nói: “trong các pháp, tối đệ nhất pháp, gọi là niết bàn”. Niết bàn là tiếng Phạn, có thể dịch sang tiếng Trung, trong tứ đế dịch là diệt. Mọi người đều biết tứ đế khổ tập diệt đạo, hai loại nhân quả. Thế gian chính là khổ và tập, khổ là quả. Tập là gì? Tập tức là phiền não, tập là nhân. Vì có tập, cho nên mới có khổ. Quý vị thử nghĩ xem, mỗi ngày ta đang tập những gì, chúng ta gọi là thu thập, mỗi ngày ta thu thập những gì? Nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, đều đang thu thập phiền não. Thấy sắc nghe âm thanh và thất tình ngũ dục trong đó hỗn hợp với nhau, ta thu thập những thứ này. Thu thập hằng ngày, quả báo chính là luân hồi lục đạo. Đây là Đức Phật nói cho chúng ta biết, lục đạo từ đâu mà có? Do như vậy mà có. Vì sao lục đạo khổ như thế? Vì ngày ngày ta thu thập nhân của khổ, đương nhiên thứ đạt được là khổ.

Phật pháp cũng có nhân quả, quả của Phật pháp là gì? Quả là diệt, diệt tức là niết bàn, diệt điều gì? Diệt khổ nhân, diệt khổ quả, diệt tất cả nhân và quả trong lục đạo, lục đạo không còn. Dùng phương pháp gì để diệt? Diệt có nhân, diệt là quả. Có quả tất có nhân, nhân là đạo. Tu đạo có thể chứng được quả diệt, cho nên diệt là diệt phiền não, diệt quả khổ, trong tứ đế dịch là diệt. Diệt không phải là việc xấu, là việc tốt. Diệt tận lục đạo, diệt tận mười pháp giới, vì sao vậy? Vì nó vốn không có gì, toàn là giả, “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Thứ này diệt đi, tự tánh liền hiện tiền. Lục đạo thập pháp giới diệt, cõi tự tánh thanh tịnh liền hiện tiền, tự tánh thanh tịnh chính là cõi thật báo trang nghiêm liền hiện tiền. Giả diệt tận, thật hiện tiền.

“Pháp niết bàn, không vô hữu tướng, là đệ nhất nghĩa không”. Chúng ta khởi tâm động niệm là bất không, tức là rơi vào tập. Ta không chấp trước, không phân biệt, buông bỏ tất cả, không có gì. Trong tâm ta còn chăng? Có. Sao không có được? Còn có cái “không có gì cả”, còn có cái “tôi đã không rồi”, ta vẫn còn chứa những thứ này trong đó. Đây không phải là chân không, không phải là đệ nhất nghĩa không, đệ nhất nghĩa không đến những ý niệm này cũng không có, mới thật sự gọi là đệ nhất nghĩa. Cho nên A la hán không có đệ nhất nghĩa không, A la hán có không, nhưng không có đệ nhất nghĩa không. A la hán có buông bỏ, nhưng ý niệm “buông bỏ” đó họ vẫn chưa buông bỏ, vẫn chưa buông bỏ.

“Kinh Niết Bàn quyển 27 giải thích rằng, Phật tánh gọi là đệ nhất nghĩa không, đệ nhất nghĩa không gọi là trí tuệ. Gọi là không tức là không thấy không và bất không”. Không và bất không đều không có, mới gọi là chân không. Không và bất không là nhị biên, nhị biên không còn gọi là trung đạo. Trung đạo xuất hiện, vẫn là không thanh tịnh, vẫn rơi vào nhị biên. Trung đạo cũng không có, có trung đạo là sai.

Phật tánh là đệ nhất nghĩa không, Phật tánh là gì? Là giác tánh, Phật nghĩa là giác, tự tánh giác là đệ nhất nghĩa không, tự tánh bổn giác. Tự tánh này không phải tu được, gọi là bổn giác. Trong Khởi Tín Luận nói: “bổn giác bổn hữu, bất giác bổn không. Bất giác chính là mê, là khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, nhất niệm này vốn không có. Vốn không có nhất định có thể đoạn tận, vì nó vốn không có. Vốn có chắc chắn có thể chứng được, bổn giác bổn hữu, nhất định có thể khôi phục, chỉ cần ta buông bỏ những cái bất giác đó, giác tánh tự nhiên hiện tiền. Hiện tiền như thế nào? Không chấp trước, không phân biệt, không khởi tâm, không động niệm, giác tánh liền hiện tiền, ngay lúc này, không cầu tự được. Vì chúng ta cầu, bổn giác có khởi tác dụng chăng? Khởi tác dụng, có khởi tác dụng, nhưng bị lệch lạc. Nó khởi tác dụng gì? Chính là ta khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, đó đều là giác tánh. Vì ta không biết nó, còn tưởng rằng mình rất có bản lĩnh, hoàn toàn khiến bổn giác lệch lạc. Bổn giác không hề mất đi, chỉ là biến chất. Nếu buông bỏ tất cả khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, nó lại khôi phục như thường. Khôi phục bình thường chính là đại giác, là chân trí tuệ, ở đây gọi là trí tuệ chân thật. Bởi vậy khái niệm không và bất không đều không được có.

“Đại Trí Độ Luận quyển 31”, Đại Trí Độ Luận có 100 quyển, quyển thứ 31 nói: “Có thể khiến thật tướng các pháp không, gọi là đệ nhất nghĩa không”. Thật tướng các pháp không là gì? Là hiểu rõ ràng minh bạch câu này, đối với nó không khởi tâm không động niệm, không phân biệt không chấp trước, nó sẽ không. Nếu còn có một thật tướng các pháp không, như vậy là bất không. Tâm phải tịch tịnh, tịch tịnh là chân tâm, trong chân tâm không có bất kỳ thứ gì.

Kinh Kim Cang nói rất hay: “Pháp còn phải bỏ, huống gì phi pháp”. Pháp là gì? Là Phật pháp. Tất cả pháp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong suốt 49 năm, không được chấp trước dù chỉ một chữ. Chỉ cần chấp trước một chữ cũng sai, Đức Phật rơi nước mắt, ở bên cạnh nói, xin lỗi, ta đã hại con, Phật quả thật đã hại quý vị. Phật không hại ai, là quý vị tự hại mình, quý vị hiểu sai ý nghĩa.

Bồ Tát Mã Minh đã nói một cách rõ ràng như vậy, dạy ta đừng chấp trước tướng ngôn thuyết. Hay nói cách khác, văn tự là phù hiệu của ngôn ngữ, không được chấp trước ngôn ngữ lời nói, không được chấp trước văn tự, không chấp trước danh từ thuật ngữ, không khởi tâm không động niệm. Nghe giảng như vậy, đọc tụng như vậy sẽ khai ngộ, sẽ đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh.

Nhưng mấy người có thể làm được? Đại khái như đại sư Huệ Năng, nhân vật như thế có thể làm được. Người khác đều không được, xem kinh chấp trước tướng văn tự, nghe giảng chấp trước tướng ngôn thuyết. Cho nên nghe như thế nào, nghe ra sao đều là ý của riêng mình, chưa hiểu được nghĩa chân thật của Như Lai, quý vị chưa hiểu nghĩa chân thật của Như Lai, chính là chấp trước tướng!

Lìa tất cả tướng, ba tướng này đều phải lìa, không được chấp trước. Cho nên người giảng kinh nói mà không nói, không nói mà nói. Người nghe giảng kinh, nghe mà không nghe, không nghe mà nghe, như vậy mới tuyệt diệu. Cho nên đệ nhất nghĩa, khó!

“Kinh Quán Phật Tam Muội nói: quả đức Phật địa, chân như thật tướng đệ nhất nghĩa không”. Đệ nhất nghĩa chính là nói quả đức của Phật Như Lai, quả đức của Diệu giác vị. Chân như thật tướng là đệ nhất nghĩa không. Nói không sai, chúng ta như thế nào? Chấp trước hoàn toàn. Tướng văn tự cũng chấp trước, tướng danh tự cũng chấp trước. Chúng ta nói với người khác cũng nói những điều này, như vậy là gì? Đây gọi là Phật học, không phải học Phật. Nếu là học Phật, họ đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, họ học Phật.

Từ trong những câu này, chúng ta biết đệ nhất nghĩa không ở đâu? Nếu chúng ta thật sự làm được, mọi lúc mọi nơi, trong tất cả cảnh duyên. Cảnh là hoàn cảnh vật chất, duyên là hoàn cảnh nhân sự, ở trong này giữ vững tâm thanh tịnh của mình. Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, không khởi tâm không động niệm, không phân biệt không chấp trước, không có gì không phải đệ nhất nghĩa, mỗi một pháp đều là đệ nhất nghĩa không. Ta chứng được đệ nhất nghĩa không, chúc mừng, quý vị đã thành Phật. Phật pháp ở đâu? Phật pháp không lìa xa chúng ta. Thật ra chúng ta không phải đều là trú trong đệ nhất nghĩa không sao. Không biết, đây gọi là mê.

Sau cùng vẫn còn một đoạn: “Niết bàn của tiểu thừa cũng gọi là đệ nhất nghĩa không”, nghĩa là sao? “Kinh Tạp A Hàm quyển 13 nói”, cũng là quyển thứ 13: “nay ta vì các ông nói pháp, sơ trung hậu thiện”. Sơ thiện, trung cũng thiện, hậu cũng thiện, thiện này là chân thiện. “Thiện nghĩa thiện vị, thuần nhất mãn tịnh, phạm hạnh thanh bạch, gọi là đệ nhất nghĩa không kinh”. Đây là niết bàn của tiểu thừa, trong Kinh A hàm nói. Trong này chú trọng đến thiện nghĩa thiện vị, quý vị xem đây không phải nói về văn tự, không phải nói đến lời nói thiện, hành vi thiện, không phải vậy. Thiện ngôn, thiện hạnh không phải đệ nhất nghĩa không. Nghĩa thú nghĩa vị trong ngôn hành gọi là pháp vị, ta lãnh hội được ý nghĩa, nếm được pháp vị, thuần nhất mãn tịnh. Tâm hành của ta thanh bạch, không hề ô nhiễm, đây là đệ nhất nghĩa không. Chúng ta không được chấp trước.

Ở đây nói đến đại thừa và tiểu thừa, đại thừa tiểu thừa chúng ta đều không nói, nói phàm phu chúng ta có đệ nhất nghĩa không chăng? Phàm phu nếu sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, chưa từng học Phật pháp, sáu căn trong cảnh giới sáu trần, thật sự làm được không phân biệt không chấp trước, không khởi tâm không động niệm, chính là đệ nhất nghĩa không. Trong này quan trọng nhất là khởi tâm động niệm, không khởi tâm không động niệm, đương nhiên không có phân biệt chấp trước. Phân biệt là sau khi khởi tâm động niệm mới có, chấp trước là sau khi phân biệt mới có. Vì thế không khởi tâm không động niệm, tuyệt đối không có phân biệt chấp trước, tương ưng với tự tánh. Tiểu thừa không phải không có, ít, rất ít, quả thật là thiện căn sâu dày mới có thể đạt được.

Chúng ta xem tiếp chú giải: “Căn nguyên cùng cực của chân như thật tướng, gọi là chân thật chi tế”. Tế là biên tế, đến biên tế chân thật, căn nguyên chân thật, nguồn gốc chân thật, nền tảng, đây gọi là rốt ráo chân thật. Hay nói cách khác, chính là triệt ngộ tự tánh, ý nghĩa giống với điều này, giác ngộ triệt để. Bình thường chúng ta gọi là đại ngộ, tiểu ngộ, tầng thứ của ngộ chưa triệt để. Triệt để giác ngộ chính là rốt ráo chân thật.

“Đương lai tất cả hàm linh”, đương lai là tương lai, cũng có thể nói đương là hiện tại, lai là vị lai. Chính là hiện tại và vị lai, cũng có thể nói như vậy. “Tất cả hàm linh, đều nhờ nhất thừa nguyện hải của Phật Di Đà, sáu chữ hồng danh, mà được độ thoát, lợi ích chân thật”. Đây là nói ra lợi ích chân thật. Lục đạo là giả, dù sở hữu nhiều đến đâu cũng không đạt được, khi thân thể này chết đi lập tức bị luân hồi, không có gì là của mình. Có câu: “vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân”. Hiểu được đạo lý này, con người sống ở đời phải làm nhiều việc tốt, thiện nghiệp, vì sao vậy? Vì nghiệp có thể mang theo, ngoài nghiệp ra, thì không có gì mang theo được. Hiểu được điều này tuyệt đối không tạo ác nghiệp, tạo ác nghiệp được ác báo, hành thiện nghiệp mới được thiện báo, thiện báo hay ác báo đều không ra khỏi luân hồi lục đạo.

Chúng ta đã hiểu, vậy hôm nay chúng ta tạo nghiệp gì? Hôm nay chúng ta tạo là tịnh nghiệp, đoạn ác tu thiện. Đoạn ác không chấp tướng đoạn ác, tu thiện không chấp tướng tu thiện. Chẳng những không thể chấp tướng, cũng không được chấp danh. Cũng không chấp trước ý niệm, tôi đã làm bao nhiêu việc thiện, ý niệm này đều không cần, vì sao vậy? Vì ta tương ưng với đệ nhất nghĩa không. Đệ nhất nghĩa không là thật, chân như thật tướng không phải là giả. Ta tu thiện đoạn ác, trong ý niệm còn có hình ảnh, đều là giả. Buông bỏ hình ảnh, tâm thanh tịnh, như cổ đức nói: “Làm mà không làm”, thật sự đã làm. Trong tâm thì sao? Trong tâm không có nhiễm, dấu vết đều không có, giống như không hề làm vậy. Làm mà không làm, ngày ngày đang làm.

Lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại thế, ngày ngày giảng kinh thuyết pháp cho chúng ta, suốt 49 năm chưa nghỉ ngày nào. Rất tinh tấn, luôn thực hành. Trong tâm Phật không có chút dấu vết, không làm gì cả. Đây là lúc Thế Tôn tại thế, làm gương cho chúng ta, làm điển hình cho chúng ta. Chúng ta học Phật phải học tập theo ngài, học như ngài làm mà không làm, không làm mà làm. Quý vị xem, ngài suốt đời giảng kinh dạy học, đối với danh văn lợi dưỡng của thế gian không hề dính mắc. Suốt đời sống giống nhau, ba y một bát, ngày ăn một bữa, đêm ngũ dưới gốc cây, mỗi ngày ra ngoài khất thực. Đây nói lên điều gì? Đây là thị hiện đệ nhất nghĩa đế, đệ nhất nghĩa không, an trú trong đệ nhất nghĩa.

Đương lai là hiện tại, tương lai. Tất cả hàm linh là tất cả chúng sanh, bao gồm tình và vô tình. Trước đây chúng ta cảm thấy hàm linh là chúng sanh hữu tình, không bao gồm vô tình chúng sanh. Vô tình là gì? Là thực vật, khoáng vật, sơn hà đại địa, không bao gồm những thứ này. Bây giờ chúng ta biết, Kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”. Câu này nói với chúng ta, tất cả hàm linh thực tế mà nói là bao gồm cả vô tình, bao gồm cả thực vật, bao gồm cả khoáng vật, bao gồm cả hư không, đều ở trong đó.

Chúng ta nghe đối thoại giữa Thế Tôn và Bồ Tát Di Lặc, mới thấu triệt chân tướng của ngũ uẩn. Ngũ uẩn là căn bản của tất cả pháp, là cơ sở của tất cả pháp. Bồ Tát Di Lặc nói rất hay: “Niệm niệm thành hình, hình đều có thức”. Niệm niệm thành hình là sắc, hình đều có thức, thức là thọ tưởng hành thức, hợp lại gọi là ngũ uẩn.

Ngũ uẩn từ đâu mà có? Từ khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm là nghiệp tướng vô minh, ngày nay giới khoa học gọi là năng lượng. Động, động sanh khởi năng lượng, năng lượng biến hiện ra chính là thọ tưởng hành thức, tiếp tục biến là hiện tượng vật chất. Vật chất và tinh thần cũng do ngũ uẩn đồng thời phát sanh. Đối với sự biến hóa của nó, biến thành vũ trụ này, vạn vật vô lượng vô biên vô tận vô số, đều do phân biệt chấp trước biến hiện ra. Có số lượng chăng? Không có số lượng, quả thật không có số lượng, tùy theo ý niệm mà biến hóa. Giống như ống vạn hoa vậy, ở đây tôi còn có đạo cụ, đây là ống vạn hoa. Cấu tạo của ống vạn hoa rất đơn giản, ba miếng thủy tinh, đặt vào trong đó vài mảnh vụn màu sắc khác nhau. Không nhiều, lấy ra đếm thử, cũng có khoảng mười mấy hai mươi cái. Nhưng khi ta xoay chuyển nó, dùng máy hình chụp lại hình ảnh này, chụp từng tấm một. Quý vị cứ xoay chuyển liên tục như thế, không tìm thấy hai hình ảnh hoàn toàn giống nhau.

Thức biến giống như đạo lý này vậy, bất luận biến như thế nào đều là giả, đừng cho là thật, vì sao vậy? Vì nó sát na không ngừng, tốc độ nhanh chóng không thể tưởng tượng được. Một giây tần suất của nó là 1600 triệu, một giây. Cõi nước của tất cả chư Phật khắp biến pháp giới hư không giới, trong này lục đạo thập pháp giới đều đang biến hóa.

Trong Hoàn Nguyên Quán nói một câu, nói rất hay, gọi là xuất sanh vô tận. Dùng bốn chữ đã nói về nó một cách rõ ràng minh bạch, chúng ta thường hình dung gọi là thiên biến vạn hóa. Chúng ta từ nguyên lý của ống vạn hoa để giải thích, hiểu được chân tướng sự thật này.

Tất cả hàm linh đều nhờ nhất thừa nguyện hải của Di Đà, chính là 48 nguyện, vì sao nói 48 nguyện là nhất thừa? Nhất thừa là Phật thừa. Ở trước chúng ta đã học câu, tất cả đều thành Phật, 48 nguyện mỗi nguyện đều giúp chúng sanh thành Phật. Cho nên nó là pháp nhất thừa, không phải tam thừa, ngũ thừa.

Chuyển phàm thánh thánh, phương pháp chúng sanh thành Phật quá tuyệt diệu. Chính là sáu chữ hồng danh, nam mô A Di Đà Phật, sáu chữ này. Nhất định phải để sáu chữ này trong tâm, buông bỏ tất cả những thứ rác rưỡi tạp nham trong tâm, phải tẩy rửa tâm này thật sạch sẽ. Trong đó chỉ có một vị Phật A Di Đà, ngoài Phật A Di Đà ra không còn gì cả, như vậy là được độ.

Người căn tánh sắc bén lập tức thành Phật, như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện, như đại sư Huệ Năng thị hiện, lập tức thành Phật. Phàm phu thành Phật đúng là chỉ trong một niệm. Kẻ căn tánh chậm lụt, không thể buông bỏ, mê quá sâu, mê quá nặng, vãng sanh sẽ thành Phật. Cần phải thông qua vãng sanh, đến thế giới Cực Lạc thành Phật. Hàng lợi căn thành Phật ở đây, không cần đến thế giới Cực Lạc. Tuy thành Phật ở đây, họ lui tới thế giới Cực Lạc tự do tự tại, trên thực tế thế giới Cực Lạc và chúng ta không có khoảng cách. Báo thân của Phật A Di Đà, và nhục thân hiện tại của chúng ta cũng không có khoảng cách. Thân thể này của chúng ta là giả không phải thật, cho nên có thể tương ưng với báo thân Như Lai, nếu là thật thì không thể nào. Nó không phải thật, mà là giả. Như thế nào gọi là lợi ích chân thật, nhất định phải hiểu rõ. Không vãng sanh, không thành Phật, lợi ích đều là giả, chỉ có vãng sanh thành Phật mới là lợi ích chân thật.

“Có thể hiển lộ chân thật rốt ráo này, ban cho lợi ích chân thật này, tức là trí tuệ chân thật”. Trí tuệ chân thật rất quan trọng! Không có trí tuệ chân thật, hai thứ trước đều không đạt được. Hiển thị chân thật rốt ráo chính là minh tâm kiến tánh, ban cho lợi ích chân thật chính là Phật A Di Đà, đại nguyện của ngài, phương pháp của ngài, tâm của Phật A Di Đà, nguyện của Phật A Di Đà. Phật A Di Đà chính là phương pháp chấp trì danh hiệu, là lợi ích chân thật. Mỗi ngày chúng ta niệm câu Nam mô A Di Đà Phật, tức là một câu lợi ích chân thật. Niệm 100 câu, được 100 câu lợi ích chân thật, không có gì chân thật hơn điều này. Có rất nhiều người một ngày niệm 3000 câu Phật hiệu, ba vạn câu Phật hiệu. Công phu thâm sâu, một ngày năm vạn câu Phật hiệu, mười vạn câu Phật hiệu. Những người này vì sao họ làm như vậy? Vì họ biết đó là lợi ích chân thật, làm sao họ biết? Vì họ có trí tuệ chân thật.

Người biết niệm, mỗi câu Phật hiệu đầy đủ tam học giới định tuệ, mỗi câu Phật hiệu đầy đủ 48 nguyện của Phật Di Đà. Trong mỗi câu Phật hiệu, đầy đủ vô số tâm không tịch, tâm diệu viên, câu Phật hiệu này đầy đủ viên mãn.

Bên dưới nói đến tuệ, “Đại Thừa Nghĩa Chương quyển hai nói, cứ hành phương tiện, quán thấu đạt là tuệ. Theo sự thật mà nói, chân tâm thể sáng, tự tánh không tối, con mắt làm tuệ”. Niệm Lão nói: “lấy minh tự bản tâm, kiến tự bản tánh, mới gọi là tuệ”. Cứ hành phương tiện, cứ là y giáo phụng hành. Đức Phật dạy chúng ta trì giới, Phật dạy chúng ta thực hành sáu ba la mật, đều là phương tiện. Phương tiện cũng chính là tùy duyên.

Câu đầu tiên của tứ đức trong Hoàn Nguyên Quán, “tùy duyên diệu dụng”. Diệu dụng là tuệ, diệu dụng là quán đạt, tuệ quán thông đạt. Quán điều gì? Quán tự tánh không tịch, mỗi một pháp liễu bất khả đắc. Liễu bất khả đắc, vì sao còn phải hành?

Ngày nay chúng ta hành là độ chính mình, chúng ta mê trong phương tiện không ra được. Cho nên chúng ta phải nương theo con đường mà tất cả chư Phật đã đi, tam học giới định tuệ, đi ra khỏi luân hồi lục đạo, đi ra khỏi mười pháp giới. Nếu không đi theo con đường này, muốn tự mình tìm con đường khác, vậy là sai. Từ xưa đến nay, mười phương thế giới, tất cả Bồ Tát đều đi con đường này, vì sao ta không đi? Lại sáng tạo ra con đường mới, không thể đi thông suốt. Vì sao con đường này của họ là chánh lộ? Quý vị suy nghĩ là biết, con đường của họ là đường gì? Con đường buông bỏ khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, quý vị có thể tìm ra con đường thứ hai chăng? Không còn, chỉ một con đường này thôi. Không buông bỏ, vậy thì có ngàn vạn con đường, vô lượng vô biên con đường. Buông bỏ chỉ có một con đường, con đường này thông nhập tự tánh, thông đến đại bát niết bàn. Buông bỏ mới đi được con đường này! Quá nhiều, quá tạp là hại chính mình.

Chúng ta cũng thấy chư vị tổ sư đại đức xưa nay, cũng quảng học đa văn, chẳng lễ chúng ta không thể học họ chăng? Không phải không thể, nếu ta có bản lĩnh như họ là được, quảng học đa văn không có chướng ngại. Không có bản lĩnh như các ngài, học coi như là hư. Bản lĩnh gì? Như ở trước vừa nói, bản lĩnh không chấp tướng mà Bồ Tát Mã Minh đã dạy, tướng ngôn thuyết, tướng văn tự, tướng danh tự, tướng tâm duyên đều không chấp trước. Đó là gì? Là học mà không học, không học mà học.

Đối với chúng ta, ngàn kinh vạn luận chỉ có lợi ích, không có hại, vì sao vậy? Vì nó không gây chướng ngại cho ta, không bị nó ảnh hưởng, điều này bản thân có thể thử xem. Ngày hôm nay, hôm nay tôi đọc hai cuốn kinh, ba cuốn luận, trong đầu phải chăng có những thứ này? Có, chấp trước tất cả, như vậy là hỏng, như vậy là sai. Sau khi đọc nhiều thứ như thế, trí tuệ khai phát, không hề chấp tướng, vậy là được, rất đúng. Chỉ khai trí tuệ, không lưu lại ấn tượng. Một ngày ta xem mười loại, 20 loại, 100 loại, 200 loại, không sao. Nếu không có bản lĩnh này, vẫn còn chấp tướng, ta chỉ có thể chấp một tướng, vì sao vậy? Vì dễ đoạn trừ nó, dễ buông bỏ. Chấp trước quá nhiều, không buông được, không phải chính là như vậy ư? Đối với tuyệt đại đa số người mà nói, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Có thể lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp, không còn ở trong phạm vi này nữa.

Ở đây “cứ hành phương tiện, quán đạt là tuệ”, chúng ta phải hiểu, phải có phương tiện, phải có trí tuệ. “Tức theo sự thật mà nói, chân tâm thể sáng, tự tánh không tối”. Chân tâm thể sáng là thường tịch quang, thân và cõi trong thường tịch quang là một không phải hai. Thân gọi là tự tánh thân, cõi gọi là tự tánh cõi, toàn là trí tuệ, mà trí tuệ đều không có tướng.

Tự tánh không phải vật chất, không phải tinh thần, cũng không phải hiện tượng tự nhiên, tất cả đều không phải. Nếu muốn thấy nó, sáu căn ở trong cảnh giới sáu trần, thật sự làm được không khởi tâm không động niệm, vậy là thấy được. Khởi tâm động niệm là mê. A lại da từ đâu mà có? Từ khởi tâm động niệm, không khởi tâm không động niệm, không có a lại da.

Cõi thật báo trang nghiêm, trong đó không có biến hóa. Nghĩa là nói, cảnh giới đó là tự tánh bổn định, năng sanh vạn pháp. Tất cả pháp sanh ra cũng đều là tự tánh bổn định, con người không có sanh lão bệnh tử, cây cỏ hoa lá không có xuân sanh hạ trưởng, tất cả vạn vật đều đầy đủ tánh đức viên minh. Đó là cảnh giới không thể nghĩ bàn, nó có thật. Không khởi tâm không động niệm là thấy được, mới có thể ngộ nhập cảnh giới.

Thật sự tu hành, thật sự dụng công, tức tu hành trong lúc sáu căn tiếp xúc với lục trần. Rèn luyện gì? Rèn luyện không khởi tâm không động niệm, đây là thượng thượng. Công phu thượng thượng không làm được, lại hạ xuống một bậc, hạ xuống một bậc là gì? Là không phân biệt. Không phân biệt cũng không làm được, hạ thêm một bậc nữa là không chấp trước. Không chấp trước làm không được, vậy thì hết cách rồi. Đó chính là phàm phu lục đạo, đúng là lục đạo, không ra khỏi luân hồi lục đạo. Làm được không chấp trước, không làm được không phân biệt, không ra khỏi mười pháp giới.

Ý đoạn này vẫn chưa nói hết, tiếp theo bên dưới là “chân thật”, cũng là trong Đại Thừa Nghĩa Chương nói. Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.

Hết tập 273

/ 600