/ 600
521

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 272

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 09.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 330, hàng thứ bảy từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu “Pháp Tạng đại sĩ”.

“Pháp Tạng đại sĩ vừa phát nguyện xong, không trung bèn phát ra lời khen ngợi rằng, quyết định tất thành vô thượng chánh giác. Vì sao vậy?” Đây là đưa ra một câu hỏi. Bồ Tát Pháp Tạng vừa phát nguyện xong, “xong” nghĩa là viên mãn, kết thúc. Đại địa chấn động, không trung rải hoa, nhạc trời, còn có khen ngợi, quyết định tất thành vô thượng chánh giác, vì sao vậy? Do nhân duyên gì?

“Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận giải thích, vô cùng tinh yếu, ở đây dùng ý này, mà tóm tắt như vậy”. Đoạn bên dưới đều là trong Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận nói. Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận do cư sĩ Bành Tế Thanh thời vua Càn Long nhà Thanh trước tác, vị cư sĩ này rất đáng nể, thông tông thông giáo, hiển mật viên dung, là một vị cư sĩ rất giỏi. Nói như cách nói ngày nay, ông sanh ra trong gia đình cán bộ cao cấp, thân phụ ông là binh bộ thượng thư của hoàng đế Càn Long, hiện nay là bộ trưởng bộ quốc phòng. Ông thuộc dòng quý tộc. Khi còn rất trẻ, chắc là chưa tròn 20 tuổi thi đậu tiến sĩ. Suốt đời không làm quan, yêu thích đạo Phật, chuyên tâm học tập, thành tựu không thua gì các bậc cao tăng đại đức. Để lại không ít trước tác, cung cấp cho người đời sau làm tham khảo.

Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận, là một trong các tác phẩm của ông, trong này có một đoạn nói rằng: “Tất cả cõi Phật, không lìa nhất niệm tâm thanh tịnh của chúng sanh, mà được thành lập”, câu này rất quan trọng. Hai chữ “tất cả” ở trước, là nói rõ tất cả cõi nước chư Phật trong ba đời mười phương từ đâu mà có. Là nhất niệm tâm thanh tịnh của chúng sanh, sở sanh, sở hiện, duy tâm sở hiện. Giống như ngài Huệ Năng nói: “đâu ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”, đây chính là năng sanh vạn pháp.

Thế giới tây phương Cực Lạc nó như thế nào? Bên dưới nói: “Pháp Tạng đại sĩ phát hoằng nguyện này, chỉ vì phá trừ vọng chấp cho chúng sanh”. Vọng là vọng tưởng, chấp là chấp trước. Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Thế Tôn nói, tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai, do vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc. Cư sĩ Bành Tế Thanh nói, Bồ Tát Pháp Tạng phát 48 đại nguyện, chính là để phá trừ vọng tưởng chấp trước của chúng sanh.

“Khai mở hiển lộ đương nhơn vốn có tâm lượng”. Đương nhơn là bản thân mỗi chúng ta, tâm lượng vốn có của mỗi chúng ta bao lớn? “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, không có gì khác với chư Phật Như Lai, đây là tâm lượng vốn có của chúng ta. “Khiến biết Tịnh độ”, dạy chúng ta biết cõi thật báo trang nghiêm của mười phương chư Phật là Tịnh độ, Tịnh độ của Phật Di Đà cũng không ngoại lệ. “Tức là pháp tánh vốn như vậy, không phải từ bên ngoài vào”. Ở trước nói, không lìa nhất niệm tâm thanh tịnh của chúng sanh, nhất niệm tâm thanh tịnh của Phật Di Đà, nhất niệm tâm thanh tịnh của tất cả chúng sanh. Hình tướng dù nhiều, vô lượng vô biên chư Phật chúng sanh, tâm hiện là một, một tự tánh thanh tịnh viên minh thể, là hiện ra như thế.

Hiện cõi hiện thân tức là pháp tánh vốn như vậy, không phải được từ bên ngoài. Ngoài ở đây là bên ngoài tâm tánh, bên ngoài tâm tánh không có một pháp nào. Cho nên pháp pháp không lìa tự tánh, pháp pháp không lìa bổn tâm, nhất định phải hiểu đạo lý này. Trí tuệ này thuộc đạo chủng trí, đạo là đạo lý, vì sao phát sanh vấn đề này? Có tướng nhất định có tánh, có sự nhất định có lý, hiểu rõ đạo lý là thật sự giác ngộ.

Bên dưới tự mình đưa ra câu hỏi, “vì sao vậy”. Vì sao vậy, nói như hiện nay là vì sao? Bên dưới giải đáp: “Tự tánh không tịch, lìa các đường ác”. Thập pháp giới, tam đồ lục đạo đều gọi là đường ác, vì sao vậy? Vì tự tánh không tịch, vốn không có! Đây là nói từ tự tánh lý thể. Bên dưới nói, “tự tánh vi diệu viên mãn, đầy đủ tướng hảo”. Hai câu trước nói từ thể, hai câu này nói từ tướng.

Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm nói cho chúng ta biết về thể tướng dụng. Khái quát tất cả pháp thế xuất thế gian, không ngoài ba phương diện này, có thể, có tướng, có dụng. Cho nên tự tánh vi diệu viên mãn, đầy đủ tướng hảo. “Các” là bao gồm tất cả mọi hiện tượng, bây giờ chúng ta thường nói là phân nó thành ba loại lớn, các tướng, hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần, hiện tượng tự nhiên, ba loại lớn này đều bao hàm hết.

/ 600