/ 600
535

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 270

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 07.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 327, hàng thứ bảy, bắt đầu xem từ câu cuối cùng.

“Thanh tịnh này có hai loại, cần phải biết, hai loại nào? Thứ nhất là khí thế gian thanh tịnh. Thứ hai là chúng sanh thế gian thanh tịnh. Kinh này nói, tất cả đều thành Phật, hiện rõ sự thanh tịnh của hai loại này”, bài trước chúng ta học đến đây.

Nghĩa thú bao hàm trong kinh văn quả thật không thể nghĩ bàn. Đặc biệt là câu tất cả chúng sanh đều thành Phật, hàm nghĩa rất sâu rất rộng. Từ tự tánh mà nói, là ngay tại đây. Từ nguyện hạnh thành Phật mà nói, nguyện tức là 48 nguyện, hạnh là câu Phật hiệu này, công đức Phật hiệu không thể nghĩ bàn.

Chúng ta thấy vào niên đại của vua Càn Long, pháp sư Từ Vân Quán Đảnh nói, hoàn toàn tương đồng với những gì ở đây nói. Chúng ta gặp chướng ngại nghiêm trọng không thể tiêu trừ, gặp thiên tai nghiêm trọng không thể hóa giải, tất cả các nghi thức kinh sám đều không khởi tác dụng. Sau cùng còn câu danh hiệu này, câu danh hiệu này giải quyết được mọi vấn đề cho chúng ta, công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn.

“Phẩm Tuyền Trì Công Đức của kinh này”, đây là phẩm thứ 17 nói: “Nước trong ao này đều tùy theo ý của chúng sanh, gợn sóng tuyên dương vô lượng âm thanh vi diệu. Hoặc nghe âm thanh của Phật Pháp Tăng, âm thanh ba la mật, âm thanh thọ vị cam lồ quán đảnh. Được nghe vô số âm thanh như thế, tâm họ thanh tịnh, không có các phân biệt, chánh trực bình đẳng, thiện căn thuần thục, tùy ý mà được nghe, tương ưng với pháp. Người nghe nguyện này, chính là không nghe những điều không muốn nghe, hiểu những gì mình chưa nghe. Vĩnh viễn không thoái chuyển đối với A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm”.

Đây là đưa ra một ví dụ, ví dụ này là những gì kinh này nói, giới thiệu về thế giới Cực Lạc, nước tám công đức trong ao thất bảo, và lợi ích của nước này. Lợi ích thứ nhất, nước này có thể tùy ý người, “nước này nhất nhất có thể tùy theo ý của chúng sanh”. Nhất nhất nghĩa là mỗi một giọt nước, mỗi giọt nước đều có thể tùy ý của chúng sanh. Vãng sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc là hưởng thụ được. Nước cũng có sóng. Thế giới cực lạc không có gió lớn chỉ có gió nhẹ, khiến người tiếp xúc với ngọn gió này đều cảm thấy rất dễ chịu. Gió thổi trên mặt nước, làn sóng phát ra vô lượng âm thanh vi diệu. Ở đây chúng ta chú ý đến vô lượng âm thanh vi diệu, vì sao vậy? Vì mỗi người nghe âm thanh không giống nhau, điều này rất vi diệu. Không như chúng ta ở đây, chúng ta ở bên bờ biển, thường nghe sóng vỗ. Sóng biển có âm thanh, nhưng nó chỉ có một loại âm thanh, không thể tùy ý người. Nước của thế giới Cực Lạc không như vậy, có thể tùy ý người. Hoặc là nghe Phật Pháp Tăng là tam bảo, nghe âm thanh của tam bảo, nghe âm thanh của ba la mật, nghe âm thanh thọ vị của cam lồ quán đảnh. Đưa ra vài ví dụ, còn nhiều điều không kể xiết. Sau khi nghe những âm thanh này đều được pháp ích, có người được tâm thanh tịnh, có người không còn các phân biệt. Phân biệt là trần sa phiền, ở đây tẩy sạch trần sa phiền não. Được tâm thanh tịnh, là đoạn tận kiến tư phiền não, nó có lợi ích lớn như vậy.

“Chánh trực bình đẳng, thiện căn thuần thục”. Trên kinh đề nói đến thanh tịnh bình đẳng giác, tất cả đều đạt được. Từng giờ từng phút nghe tiếng nước chảy, phiền não tập khí tự nhiên tiêu trừ. Thiện căn thuần thục, đương nhiên người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc đều có thiện căn. Trong Kinh Di Đà nói rất rõ ràng: “không thể thiếu thiện căn phước đức mà được sanh về nước này”. Người không có thiện căn, niệm Phật cũng không thể vãng sanh, cho nên thiện căn rất quan trọng. Thiện căn là gì? Ba thiện căn của thế gian đương nhiên phải đầy đủ. Thiện căn thế gian còn không đầy đủ, thì thiện căn xuất thế gian làm sao đầy đủ được? Thiện căn thế gian là không tham, không sân, không si, tất cả thiện pháp thế gian đều sanh ra từ căn bản này. Thiện căn xuất thế gian thì sao? Trong giáo lý đại thừa nói, Bồ Tát chỉ có một thiện căn là tinh tấn. Pháp môn niệm Phật của Tịnh tông, thiện căn cầu sanh Tịnh độ là gì? Chư vị phải nhớ, chính là trong bộ kinh này, phần tam bối vãng sanh nói với chúng ta: “Phát tâm bồ đề, nhất hướng chuyên niệm”, đây là thiện căn của người niệm Phật. Tâm bồ đề là gì? Là nhất tâm nhất ý cầu sanh Tịnh độ. Đây chính là tâm bồ đề, đây chính là đại nguyện. Có nguyện, có hạnh, hạnh chính là niệm Phật, nguyện tức là muốn vãng sanh, như vậy là phù hợp với điều kiện trong kinh điển nói. Sanh đến thế giới Cực Lạc thiện căn đã thuần thục, không những có thiện căn, mà có nhiều thiện căn, đến đây thì thuần thục.

/ 600