/ 600
538

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 269

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 07.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 226, hàng thứ bảy, bắt đầu từ chữ thứ ba.

“Tóm lại, đoạn này là tổng kết của đại nguyện. Ở trên nói về trí vô ngại tức là cầu trí tuệ, từ câu làm việc từ mẫn trở xuống là biểu trưng cho thệ nguyện. Hội Sớ nói, nguyện là dẫn đường của vạn hạnh, tuệ tức đôi mắt của Phật đạo. Nguyện để dẫn dắt nhân hành, tuệ để chiếu soi Phật đạo. Nguyện tuệ thành tựu viên mãn, tức gọi là Như Lai, cho nên được làm tam giới hùng”.

Chúng ta xem đoạn này, đây là ý nghĩa mà Niệm Lão tổng kết câu kinh văn này. Ông nói đoạn này là tổng kết của đại nguyện, ở trên nói trí vô ngại, cầu trí tuệ, làm việc từ mẫn trở xuống là biểu trưng thệ nguyện. Trong Hội Sớ nói, nguyện là dẫn đường của vạn hạnh. Nguyện chính là hy vọng, mong cầu của chúng ta, là phương hướng và mục tiêu của mình. Có nguyện, nỗ lực sẽ có thành quả. Nếu không có nguyện giống như thuyền đi trên biển cả, không có phương hướng, không có mục tiêu, rốt cuộc nó đi về đâu? Con người ở đời, nếu có phương hướng, có mục tiêu, họ nhất định thành tựu. Bất luận là pháp thế hay xuất thế, bất luận là ngành nghề nào, họ nhất định có thành tựu khả quan. Còn như không có phương hướng, không có mục tiêu, suốt đời dù nỗ lực đến đâu, phấn đấu đến đâu, sau cùng vẫn không thành tựu. Những sự thật này đều phơi bày trước mắt chúng ta, khoảng tuổi trung niên trở lên nhận thấy rất rõ ràng điều này. Phàm những người thành công, từ nhỏ nhất định có tiên nhân dạy bảo, có thiện hữu giúp họ, bản thân họ cũng xác định phương hướng mục tiêu. Cổ nhân thường nói, mười năm có thành tựu. Nhất định có thành tựu, học Phật cũng không ngoại lệ. Nếu gặp chân thiện tri thức, bản thân có thiện căn, có phước đức, mười năm chuyển phàm thành thánh, trường hợp này rất nhiều trong lịch sử. Họ có thể thành tựu, vì sao chúng ta không thể thành tựu? Bình tâm tư duy, quan sát, phản tỉnh sẽ hiểu. Sau khi hiểu rõ, nếu xác định phương hướng mục tiêu, thêm mười năm nữa vẫn có thể thành tựu. Nếu bỏ lơ nhân duyên tốt, thành tựu rất có giới hạn. Người học Phật không thể không có nguyện, pháp thế gian gọi là không thể không có chí, chí và nguyện là cùng một vấn đề.

Khổng phu tử 15 tuổi nuôi chí học tập, ông có phương hướng, có mục tiêu. “Tam thập nhi lập”, 30 tuổi là thành tựu, thành tựu gì? Trở thành thánh nhân. Cổ nhân khiêm tốn, xưng thánh hiền quân tử. Từ một phàm phu, người bình phàm, có thể đạt đến tầng lớp quân tử. Quân tử tức là thánh hiền, nâng cao lên là hiền nhân, tiếp tục lên cao nữa là thánh nhân. Có chí, ý chí này rất quan trọng.

Học Phật phải có nguyện, có nguyện mới thật sự có thành tựu. Phát nguyện hoằng pháp lợi sanh, tục Phật tuệ mạng. Tôi tin rằng nhiều người đồng tu trẻ tuổi, phát tâm xuất gia, đều có chí nguyện này. Vì sao mười mấy hai mươi năm trôi qua, không có thành tựu? Không thể nói không có nguyện, nguyên nhân là không nỗ lực thực hiện nguyện. Chúng ta lại hỏi vì sao không thể thực hiện? Vì tình dục, đây là phiền não lớn, chưa buông bỏ. Trong pháp thế xuất thế gian, chưa học căn bản giáo dục. Vấn đề này có, ít nhất có thể truy cứu về 200 năm trước. 100 đầu của 200 năm đó, vẫn còn người nói, nhưng người thực hành rất ít, 100 năm sau đến người nói cũng không có. Nhưng trong 200 năm nay, vẫn có người thành tựu, chẳng qua số lượng so với ngày xưa thì quá ít, đây là thật. Do đây có thể biết, cổ nhân nói không sai, việc do con người làm. Hay nói cách khác, phải chính mình gánh trách nhiệm, không được oán trời trách người. Đây chính là chí nguyện có kiên định hay không, gặp trắc trở có thoái tâm không? Đây là then chốt. Bất luận gặp trắc trở gì đều không nản chí, đều không thay đổi. Người này đã thành công, họ nhất định thành công. Gặp trắc trở liền thoái tâm, gặp chướng duyên liền oán hận, đây là người có thỉ không có chung, nhân tố đầu tiên không thể thành tựu, không thể giữ vững chí nguyện mình đến cuối cùng.

Nguyện là dẫn đường của hạnh, tuệ là con mắt của Phật đạo, điều này rất quan trọng. Đặc biệt là khi gặp khó khăn, ta có tuệ nhãn, có năng lực phân biệt phương hướng, có thể phân biệt chánh tà, có thể phân biệt thiệt hơn, cho nên có thể hướng đến điều lành tránh điều dữ.

/ 600