/ 600
635

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 268

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 06.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 325, bắt đầu xem từ hàng thứ sáu. Kinh văn, hàng thứ sáu kinh văn.

“Như Phật vô ngại trí, sở hành từ mẫn hành, thường tác thiên nhơn sư, đắc vi tam giới hùng, thuyết pháp sư tử hống, quảng độ chư hữu tình, viên mãn tích sở nguyện, nhất thiết giai thành Phật”. Hai bài kệ này, hai câu trước là nói “bi trí như Phật”, sáu câu sau là “thuyết pháp như Phật”. Phật A Di Đà từ bi thuyết pháp.

Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Lão.“Hai bài kệ trên”, hai bài kệ chúng ta đọc ở trước. “Nguyện cầu Phật đức, nguyện phước đức của mình đồng với Như Lai”. Đây là học Phật, đặc biệt là tu Tịnh độ, hy vọng tương lai vãng sanh tây phương Cực Lạc, không thể không có đại nguyện. Phật phước báo viên mãn, trí tuệ cũng viên mãn. Khi chúng ta đọc Tam quy y thường đọc đến: “Quy y Phật, lưỡng túc tôn”. Túc nghĩa là viên mãn, lưỡng là hai loại, hai thứ viên mãn. Thứ nhất là trí tuệ viên mãn, thứ hai là phước báo viên mãn. Từ đây có thể biết, vì sao phải học Phật, học Phật có lợi ích gì, mục đích học Phật là gì. Trả lời vấn đề này, chúng ta nghĩ rằng không có người nào không cần đến. Chúng sanh mười pháp giới, chủng tộc khác nhau, văn hóa khác nhau, tín ngưỡng bất đồng, nhưng nói đến trí tuệ và phước báo mọi người đều cần, không có giới hạn, người người đều cần. Phước tuệ viên mãn chỉ học được trong Phật pháp. Phật pháp không phải Tôn giáo, phải hiểu rõ điều này. Phật pháp thừa nhận giữa vũ trụ có thần, nhưng không tế phụng thần, không học theo thần. Chẳng những không học theo thần, trái lại thần còn học theo Phật, vì sao vậy? Vì họ muốn cầu trí tuệ viên mãn, phước đức viên mãn. Hai thứ này chỉ có Phật mới có, thần không có, vì thế thần phải đến chỗ Phật cầu phước tuệ. Phật pháp là sư đạo, phải biết điều này.

Thế giới Cực Lạc, quý vị xem chúng ta đã học nhiều như vậy. Nước Cực Lạc, nói có nước Cực Lạc, không nói đến quốc vương, chứng tỏ trong nước Cực Lạc không có quốc vương, trong nước Cực Lạc cũng không có đại thần. Trong cõi nước này chỉ có hai hạng người, một là thầy, hai là học sinh. Phật là thầy, Bồ Tát là học sinh. Rất giống một trường học, nó lại không phải trường học. Vì sao không phải trường học? Vì trường học bất luận là xưa hay nay, luôn có ba cương lĩnh chấp sự. Tức là phân công, nó có tổ chức. Thế giới Cực Lạc không có tổ chức, giống điều gì? Giống tư thục.

Lúc Đức Thế Tôn còn tại thế, những gì làm trong suốt 49 năm, rất giống thế giới Cực Lạc. Đệ tử ngài rất đông, trong kinh điển chúng ta thấy, chúng thường tùy có 1255 người. Phật đi đến đâu họ theo đến đó, chưa từng rời xa, tổng cộng có 1255 người. Không phải đệ tử thường tùy, đột xuất đến tham gia, thử nghĩ xem, có thể ít hơn 1255 người ư? Nhất định nhiều hơn, không thể ít hơn. Vậy tăng đoàn của Phật, chúng tôi dự đoán chắc phải có 3000 người. Đoàn thể 3000 người này không có tổ chức, không chia thành đại đội, tiểu đội, trung đội, không hề, mỗi ngày tiếp thu giáo huấn của Phật. Ngoài giảng kinh dạy học ra, đương nhiên Đức Phật còn giải đáp thắc mắc. Bây giờ chúng ta gọi là chia sẻ của đồng học, Thế Tôn giải đáp, có điều này. Quý vị xem kinh luận, trong luận vấn đáp rất nhiều. Bất kỳ ai cũng có thể đưa ra câu hỏi, Phật giải đáp, hoặc Bồ Tát giải đáp, chư vị đồng tu giải đáp, chúng ta thấy rất nhiều.

Cõi nước này của Phật, trong quốc độ này rất giống học đường, lại không có hình thức của trường học. Quý vị nói nó là một quốc gia, nó không có tổ chức của quốc gia, quả thật là đại tự tại. Nó không giống quân chủ, cũng không giống dân chủ. Người trong này, khi Thế Tôn giới thiệu nói rất hay: “là nơi các bậc thượng thiện nhơn câu hội”. Các hàng thượng thiện nhơn này, cần người khác quản lý họ ư? Cần người duy trì trật tự ư? Họ vốn chỉnh tề như vậy rồi. Điều này thể hiện cho chúng ta thấy một xã hội viên mãn nhất, người thế gian không làm được. Nghĩa là nói, tố chất tu dưỡng không cao như vậy, nên không làm được. Tố chất đến mức độ đó, con người không cần người khác quản lý, cũng không cần quản người khác, đúng là được đại tự tại, mỗi người phước tuệ đều viên mãn.

/ 600