/ 600
575

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 266

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 05.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 223, hàng thứ ba, bắt đầu từ chữ thứ ba.

“Nhưng trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, duy nhất Tịnh độ là diệu pháp, có thể ban cho lợi ích chân thật, khiến tất cả hàm linh đều được độ thoát. Nên biết, hàng đầu của khai pháp tạng chính là kinh này”. Đây là kết luận cuối cùng đối với vấn đề vì chúng khai pháp tạng, tư tưởng này của Niệm Lão hoàn toàn tương đồng với tư tưởng của tôi.

Từ những kinh luận trích dẫn ở trên chúng ta biết được, mục tiêu rốt ráo thành Phật, chính là giúp tất cả chúng sanh khắp biến pháp giới hư không giới vô điều kiện. Ở đây nói là “khiến tất cả hàm linh”, nghĩa là tất cả chúng sanh, “đều được độ thoát”. Thoát ly biển khổ sanh tử, sanh tử có hai loại. Thứ nhất là phân đoạn sanh tử, thứ hai là biến dịch sanh tử, hai loại sanh tử đều đã thoát ly. Đây là ai? Là Diệu giác quả Phật. Đẳng giác Bồ Tát vẫn còn một lần biến dịch sanh tử, Diệu giác vị không còn nữa, cứu cánh viên mãn chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Dụng ý của chư Phật Như Lai là như vậy, là mục đích này. Giúp ta thành Phật, giúp họ thành Phật, giúp tất cả chúng sanh thành Phật.

Tám vạn bốn ngàn pháp môn, mỗi pháp môn đều giúp chúng sanh thành Phật. Kinh Bát Nhã nói: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Vì sao có nhiều pháp môn như thế? Vì căn tánh chúng sanh không tương đồng, không phải một pháp môn có thể khiến tất cả chúng sanh đều thành tựu, mà trên thực tế cũng thật sự có pháp môn như vậy. Không đối với căn cơ chúng sanh, chúng sanh không tin, không muốn tiếp thu, Đức Phật liền đổi pháp môn khác. Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, quý vị thích tu pháp môn nào, ngài liền dạy pháp môn đó.

Trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy, 53 lần tham bái của Thiện Tài Đồng Tử, đó chính là 53 pháp môn. Trên thực tế, 53 lần tham bái là 53 loại lớn. Ví dụ tham bái vị thứ nhất là tùy kheo Kiết Tường Vân, vị này là tu pháp môn niệm Phật. Thiện Tài Đồng Tử đến tham bái, ngài liền nói 21 pháp môn niệm Phật khác nhau. 21 không phải chữ số, nó là biểu pháp. Mật tông, Kinh Hoa Nghiêm là hiển mật viên dung, không có giáo nghĩa của tông phái nào không liên quan đến Hoa Nghiêm, không tìm thấy. Hoa Nghiêm là pháp luân căn bản của Phật pháp, thầy Phương Đông Mỹ xem Kinh Hoa Nghiêm là khái yếu triết học Phật giáo, cho nên nó bao hàm tất cả Phật pháp. Vì thế triển khai 21 loại đó, có thể bao hàm tất cả pháp môn. 21 biểu trưng sự viên mãn, trong hiển giáo, bảy biểu trưng sự viên mãn. Kinh Vô Lượng Thọ đều dùng số bảy, Kinh Hoa Nghiêm lấy số mười biểu trưng sự viêm mãn. Cho nên trong Kinh Hoa Nghiêm ta thấy số mười là nhiều nhất, nó biểu trưng cho sự viên mãn, nó không phải chữ số. Tám vạn bốn ngàn biểu trưng đại viên mãn, tám vạn bốn ngàn không nhiều, nó cũng là biểu pháp, không thể xem nó như chữ số, là biểu trưng đại viên mãn. Chỉ cần khế cơ, pháp môn này nhất định có thể giúp chúng sanh quay đầu, giúp chúng sanh buông bỏ, chứng được quả vị Diệu giác.

Trong tất cả pháp môn, đích thực chỉ có phương pháp trì danh niệm Phật của Tịnh tông, “năng huệ chân thật chi lợi”, huệ là ban cho, ban cho lợi ích chân thật. Lợi ích chân thật này, chính là giúp ta chứng được quả vị cứu cánh viên mãn, đây mới gọi là lợi ích chân thật.

“Khiến tất cả hàm linh”, bây giờ chúng ta đã hiểu, điều gì không phải hàm linh? Không có, không tìm thấy. Linh là gì? Các nhà khoa học gọi là tin tức, Phật pháp đại thừa gọi là linh tánh. Ở trước chúng ta đã học, chính là nói vi điểm của một sợi lông mảy trần. Một sợi lông một hạt bụi rất nhỏ, một sợi lông là trên đầu của sợi lông. Một hạt vi trần vẫn còn rất lớn, tiếp tục phân nó ra để quan sát, nó là huyễn tướng do rất nhiều vi điểm hợp thành. Như hiện nay các nhà lượng tử học gọi là lượng tử. Vi điểm đó, điểm nhỏ bé đó, vi điểm, nó là hiện tượng vật chất, có hiện tượng tinh thần chăng? Có, bản chất của nó là tinh thần, bản chất là ý niệm, niệm chính là linh, bây giờ chúng ta gọi nó là hiện tượng tinh thần, nó không phải hiện tượng vật chất. Hiện tượng vật chất là do ý niệm biến hiện ra, cho nên tất cả vật chất đều hàm linh.

/ 600