/ 600
415

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 265

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 05.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 321, hàng thứ ba từ dưới đếm lên. “Thông đạt thiện thú môn”, bắt đầu xem từ đây, câu này là kinh văn.

“Thông đạt là thông suốt vô ngại”, không có chướng ngại. “Môn, đầy đủ có hai nghĩa, thứ nhất là sai biệt, hai là thú nhập. Đại Thừa Nghĩa Chương Nhất nói, môn biệt khác nhau, cho nên gọi là môn. Nghĩa là phân môn biệt loại, như bộ môn, môn loại. Lại có thể thông nhập thú nhập gọi là môn”. Ý nghĩa hòa toàn tương đồng với ở trước. “Pháp có vô số sai biệt, tức là có vô số môn, đều có thể khiến người thú nhập niết bàn”. Câu này rất quan trọng, đây là nghĩa của môn, tức là môn nghĩa. “Cho nên chỉ pháp trong kinh là môn”, pháp môn, có tám vạn bốn ngàn pháp môn, vì sao vậy? “Vì mỗi pháp môn đều có thể thông nhập niết bàn”. Đều có thể thông đến niết bàn, cho nên pháp môn bình đẳng, không có cao thấp, chính là ý này vậy.

Môn tuy thông, nhưng căn tánh chúng sanh không tương đồng. Do đó cửa mà người khác đi được, chưa chắc chúng ta cũng đi được. Cửa này chúng ta đi thông suốt, biết đâu người khác đi không thông. Ví dụ Thiền tông là đi cửa giác, thật ra vô lượng vô biên pháp môn, quy nạp đến sau cùng là minh tâm kiến tánh. Chỉ có ba cửa, cửa giác, cửa chánh, cửa tịnh, ba cửa chánh giác tịnh. Trong tám tông phái của Phật giáo đại thừa, có hai tông đi giác môn. Thiền tông đi giác môn, Tánh tông đi giác môn, là những người như thế nào? Là hàng thượng thượng căn, chúng ta gọi là thiên tài, họ có năng lực đi con đường này. Ba căn thượng trung hạ không đi được cửa này, mới biết cửa này rất khó.

Thứ hai là chánh môn, căn tánh thượng trung hạ đều đi được. Đại khái hàng thượng căn có thể đi thông suốt, hàng trung hạ căn cũng có lợi ích, nhưng không thể khế nhập niết bàn. Giống như đi học vậy, từ tiểu học, trung học, đại học, học hành đều không tệ, nhưng chưa tốt nghiệp, tốt nghiệp đó là kiến tánh. Phải hàng thượng căn mới có thể tốt nghiệp, hàng thượng trung hạ căn có thể học đến đại học, một hai năm thì nghỉ, không thể tiếp tục tiến lên nữa.

Thứ ba là tịnh môn, tu tâm thanh tịnh, cũng có thể minh tâm kiến tánh. Đây cũng có hai tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Chư vị phải biết, Mật tông cũng tu tâm thanh tịnh, sự thanh tịnh của Mật tông còn thù thắng hơn Tịnh độ. Tịnh độ tông là viễn ly ô nhiễm mà được thanh tịnh, lìa nhiễm tôi được thanh tịnh. Mật tông không phải vậy, Mật tông ở trong nhiễm họ cũng không nhiễm, đó gọi là chân tịnh.

Do đây có thể biết, Mật tông khó hơn Tịnh độ, họ không lìa ô nhiễm, họ có bản lĩnh này. Trong ô nhiễm tâm họ không nhiễm ô, thật thanh tịnh. Nhưng Tịnh độ tông, có công đức siêu việt chánh giác tịnh. Điều này quả thật không thể nghĩ bàn, điều này đúng là không có gì sánh được. Chúng ta học Kinh Vô Lượng Thọ mới biết, đó là đới nghiệp vãng sanh. Sanh đến thế giới Cực Lạc, được 48 nguyện của Phật A Di Đà gia trì. Quý vị muốn hỏi họ, họ sanh đến thế giới Cực Lạc, mang theo một thân tội nghiệp, nhưng họ thật sự đã vãng sanh. Vãng sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc là như thế nào? Quý vị đọc 48 nguyện, đó chính là tình hình họ ở thế giới Cực Lạc, quá thù thắng! Thiền thông, Tánh tông, Tông môn, Giáo môn, đến Mật tông cũng không sánh bằng họ, quý vị mới biết pháp môn này thù thắng vô cùng. Chúng ta gặp được nó, nếu không nắm bắt thật chặt, trong đời này chắc chắn thành tựu, như vậy là sai lầm của chúng ta.

Tôi thường khuyên chư vị đồng học, trong tâm chúng ta chỉ có một vị Phật A Di Đà. Phật A Di Đà tức là tâm tôi, tâm tôi tức là Phật A Di Đà. Trong Hệ Niệm Pháp Sự, thiền sư Trung Phong khai thị cho chúng ta như vậy. Lời này là thật, không phải giả, chúng ta không được xem thường, nó rất quan trọng. Tương ưng với điều này, ở đây tức là Tịnh độ, Tịnh độ tức là ở đây, ý này càng sâu sắc. Khi nào ta chứng được? Trong tâm toàn là Phật A Di Đà, ngoài Phật A Di Đà ra dù chỉ một hạt bụi cũng không dính mắc. Quý vị đã nhìn thấy, ngay ở đây nhìn thấy thế giới Cực Lạc. Đây chính là Bồ Tát Đại Thế Chí nói, nhớ Phật niệm Phật, hiện tại tương lai nhất định thấy Phật, không tuyệt vời ư? “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, chỉ có pháp này là thật, nó không phải hư vọng. Ở đây chúng ta phải đặc biệt chú trọng, thú nhập đại niết bàn, đây gọi là pháp môn.

/ 600