/ 600
642

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 262

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 03.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 317, hàng thứ ba từ dưới đếm lên, mời xem kinh văn.

“Nguyện ngã trí tuệ quang, phổ chiếu thập phương sát, tiêu trừ tam cấu minh, minh tế chúng ách nạn, tất xả tam đồ khổ, diệt chư phiền não ám, khai bỉ trí tuệ nhãn, hoạch đắc quang minh thân, bế tắc chư ác đạo, thông đạt thiện thú môn, vi chúng khai pháp tạng, quảng thí công đức bảo”. Ba câu đầu là nói đến “trí quang diệu dụng”, hai câu trước là nói về “trí quang phổ chiếu”. Bài kệ bên dưới nói, “trừ não tế nạn, khai tuệ đạt thiện”. Hai câu sau cùng là “khai tạng thí bảo”, công đức bố thí báu.

Chúng ta xem chú giải của Niệm Lão: “Đoạn trên”, ở trước nói, đoạn ở trước nói về vô lượng thọ, đoạn này chúng ta nói về vô lượng quang. “Vô lượng thọ là thể, vô lượng quang là tướng, là tác dụng. Từ thể- tướng- dụng này hiển lộ ra vô biên hóa đức hóa ích”. Hóa là giáo hóa, công đức giáo hóa, lợi ích giáo hóa.

“Trong Định Thiện Nghĩa đại sư Thiện Đạo nói, mỗi một thệ nguyện vì chúng sanh, nay bài kệ tụng này chánh hiển là tâm, nguyện ánh sáng trí tuệ của ta, chiếu soi mười phương cõi”. Danh hiệu của Phật A Di Đà, trong tiểu bổn Đức Thế Tôn nói rõ ý nghĩa cho chúng ta biết. Nói vắn tắt về hai loại, vô lượng thọ, vô lượng quang. Phật A Di Đà cũng gọi là Vô Lượng Thọ Phật, cũng gọi là Vô Lượng Quang Phật, đều là xưng Phật A Di Đà.

Vô thượng thọ là từ thể mà nói, từ tánh thể mà nói, bất sanh bất diệt, cho nên dùng vô lượng thọ để biểu pháp. Quang là từ tướng mà nói, từ dụng mà nói, quang minh biểu trưng cho trí tuệ. Tác dụng là dùng ở việc giáo hóa chúng sanh, tự thọ dụng là dùng trí tuệ mới có thể đoạn tất cả phiền não, thành tựu quả vị diệu giác. Sau khi thành Phật, chỉ có một việc là giáo hóa chúng sanh. Giáo hóa chúng sanh có lý niệm và phương pháp, đây thuộc về đức. Chúng sanh tiếp thu giáo huấn của Phật, y giáo phụng hành, phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, đây là lợi ích. Kinh này nói đến ba loại chân thật, lợi ích chân thật, trí tuệ chân thật, từ thể mà nói là rốt ráo chân thật.

Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đại sư Thiện Đạo, nói về định thiện và tán thiện. Trong Định Thiện Nghĩa có nói rằng: “mỗi một thệ nguyện đều vì chúng sanh”. Mỗi một thệ nguyện này là chỉ 48 nguyện, mỗi một nguyện trong 48 nguyện đều là vì chúng sanh, không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Phật Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, hoàn toàn là do tánh đức viên mãn hiển lộ ra. Chỉ có một mục đích, giúp chúng sanh viên thành Phật đạo, ân đức này lớn biết bao. Chúng sanh dùng phương pháp gì để báo ân? Không có phương pháp gì.

Ở trước chúng ta đã học 20 loại không trong Kinh Bát Nhã, chúng ta biết tâm Phật thanh tịnh, không chút nhiễm ô. Chúng ta nói dùng vật chất báo ân Phật, ngài không nhận. Dùng tinh thần để báo ân Phật, ngài cũng không tiếp nhận. Chúng ta tu hành thành Phật, thành Phật nghĩa là vốn là Phật, ta trở về bản lai diện mục của mình. Chỉ có phương pháp đó, sau khi thành Phật, giống như Phật vậy, dùng từ bi vô tận giúp tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, giúp tất cả chúng sanh viên thành Phật đạo, đây chính là báo ân Phật. Ngoài phương pháp này ra, Đức Phật không cần bất kỳ điều gì, vấn đề này là gì? Là bổn phận của người đó, cũng tức là bổn phận của chính mình, cần phải làm, pháp vốn như thế, giống như Phật vậy.

Ba bài kệ này chính là hiển lộ tâm Phật. “Nguyện ngã trí tuệ quang, phổ chiếu thập phương sát”. Ánh sáng trí tuệ có hai nghĩa: “Thứ nhất, như Kinh Niết Bàn nói, quang minh gọi là trí tuệ. Kinh Siêu Nhật Minh Tam Muội lại nói, trí tuệ lớn phát ra bên ngoài, có thể chiếu pháp giới, gọi là quang minh. Xem tường tận chú giải ở trước về nguyện quang minh tuệ biện thứ 33”, ở trước chúng ta đã học.

“Trí tuệ phát ra bên ngoài”, trí tuệ này có đối nội, có đối ngoại. Đối nội là chiếu soi 20 loại không, dung hợp thành nhất thể với thật tướng các pháp, đây là nội chứng. Phát ra bên ngoài là lợi ích chúng sanh, có thể chiếu pháp giới. Chân tướng của pháp giới, 20 loại không trong Kinh Bát Nhã nói rất rõ ràng, nói đến mọi phương diện. Không, chúng ta phải nhớ rằng, không không phải là vô, đại thừa nói về nghĩa không rất khó hiểu, ý nghĩa rất thâm sâu. Tuy là không vô sở hữu, nhưng có thể sanh vạn pháp, tuy sanh vạn pháp nhưng không đánh mất tánh không, vi diệu là ở chỗ này. Tất cả pháp, tướng có- tánh không, người tu hành từ trong tướng có, lãnh hội được tánh không, đây gọi là khai ngộ. Lục đạo phàm phu không như thế, họ cho rằng tướng là có thật, không biết bản chất của mọi hiện tượng, không biết.

/ 600