/ 600
465

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 263

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 04.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 319, chúng ta bắt đầu xem từ câu thứ hai trong hàng thứ ba.

Cho nên hai câu này giải thích đơn giản. Hai câu này chính là “tiêu trừ tam cấu minh, minh tế chúng ách nạn”, là hai câu này. Hai câu này giải thích đơn giản là, tiêu trừ cấu uế hôn ám của tam độc tham sân si cho chúng sanh, rộng cứu vô số thống khổ và thiên tai. Ách nạn nhiều vô số, cho nên gọi là chúng ách nạn. Tình trạng nói ở đây, hoàn toàn giống với hoàn cảnh của chúng ta hiện nay.

Ánh sáng trí tuệ của Phật, đều có thể soi sáng cứu độ. Như Hội Sớ nói, tam cấu là tham sân si, ba thứ này cấu nhiễm tâm tánh, cho nên gọi là cấu. Khiến chúng sanh mù quáng, cho nên gọi là minh. Là nhân lưu chuyển, nhân lưu chuyển sanh tử, nghĩa là nguyên nhân chính của luân hồi sanh tử. Chúng ách nạn là quả của nó, gọi là lục thú tứ sanh, đây chính là luân hồi lục đạo.

Quả thật chúng ta hiện nay, mỗi ngày thông qua ti vị, mạng internet, truyền thông đưa tin về thiên tai thảm họa. Mức độ không ngừng tăng cao, xu hướng thiên tai cũng ngày càng nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân gì? Kinh điển dạy chúng ta rằng, là tam độc tham sân si của chúng sanh, và vô số ngôn hành bất thiện chiêu cảm nên. Có nhân tất có quả, có quả tất có nhân, nghiệp nhân quả báo không sai chút nào, chúng ta không thể không biết.

Làm sao để có thể hóa giải thiên tai? Trong kinh cũng nói rất rõ ràng: “Phật chi trí quang, tất năng minh tế”. Nhân của luân hồi lục đạo, trong kinh điển Đức Phật dạy cho chúng ta rất nhiều, nói chung là kiến tư phiền não. Nói sơ lược về kiến tư phiền não, nghĩa là chúng ta đối với chân tướng của nhân sinh vũ trụ, thấy sai, nghĩ sai, do đó chúng ta làm sai, làm sai là tạo nghiệp. Nghĩ sai, thấy sai là ý nghiệp, nói sai là khẩu nghiệp, làm sai là thân nghiệp. Tam nghiệp thân khẩu ý gây ra, hiện nay là quả báo lưu chuyển sanh tử trong lục đạo. Ở đây đặc biệt thêm vào một câu là “chúng ách nạn”, nghĩa là nói thiên tai nhiều vô số. Hôm nay chúng ta đọc câu kinh văn này cảm xúc rất sâu sắc, vì nó ở ngay trước mắt chúng ta. Hiện nay chúng ta đang gặp những điều này.

Phật quang phổ chiếu, là nguyên nhân chính cứu khổ cứu nạn. Lại nói tiếp, “Phật quang phổ lưu”, có nghĩa là phổ chiếu. Đức thanh tịnh, hoan hỷ, trí tuệ, giúp chúng ta tiêu trừ ba chướng. Thanh tịnh tiêu trừ tham dục, hoan hỷ tiêu trừ sân nhuế, trí tuệ tiêu trừ ngu si. Thanh tịnh, hoan hỷ, trí tuệ là tánh đức, tiều trừ sự u tối của ba chướng tham sân si.

Chúng ta rất may mắn, đời này được thân người, được nghe Phật pháp, chúng ta có tiêu trừ được ba chướng chăng? Ba chướng này thường gọi là nghiệp chướng. Chư vị học Phật, tôi tin rằng mỗi người, đối với nghiệp chướng của mình, nghĩ mọi cách để tiêu trừ nó, vì sao không trừ được? Chúng ta tuân theo giáo huấn trong kinh điển, giáo hóa của Phật Bồ Tát, ngày ngày tu trì, tụng kinh, niệm Phật, bái sám, làm việc tốt, lợi ích xã hội, lợi ích đại chúng. Hình như đối với nghiệp chướng tiêu trừ không bao nhiêu, thậm chí nghiệp chướng còn có thể ngày càng tăng trưởng, quả thật là tham sân si mạn nghi đang tăng trưởng. Nguyên nhân gì vậy? Vì chúng ta tu học không như pháp, quả đức tu học không hiện tiền. Quả đức là gì? Là thanh tịnh, hoan hỷ, trí tuệ, thực tế chính là trên đề kinh này nói về thanh tịnh bình đẳng giác. Hoan hỷ là bình đẳng, trí tuệ là giác, chưa hiện tiền. Hay nói cách khác, chúng ta tu hành, không có được kết quả như ý, do đó hoài nghi đối với Phật pháp ngày càng nghiêm trọng. Trong xã hội ngày nay, rất nhiều người học Phật, đều cùng gặp vấn đề này. Chúng ta phải giải quyết như thế nào, ứng phó như thế nào? Không thể không biết. Tu hành xảy ra vấn đề, chỉ đạo của Phật là chính xác tuyệt đối, tam học giới định tuệ, không được bỏ qua thứ tự. Nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ. Chúng ta cũng biết, cũng nói được, nhưng quả thật rất lơ là trên phương diện giới luật, không hạ công phu vào đây.

Trong nhiều năm nay, chúng tôi đi qua rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người học Phật. Tại gia lơ là Thập Thiện Nghiệp Đạo, không chú trọng Thập Thiện Nghiệp, không phụng hành Thập Thiện Nghiệp. Vì thế công phu không đắc lực, nghiệp chướng không tiêu trừ. Còn người xuất gia lơ là Sa Di Luật Nghi, đó là giới căn bản của người xuất gia. Không giữ Sa Di Luật Nghi, chẳng phải hàng xuất gia đệ tử Phật. Không hành trì Thập Thiện Nghiệp Đạo, chẳng phải hàng đệ tử tại gia của Phật. Nói cách khác, ngày nay chúng ta gọi đệ tử nhà Phật, không phải thật, có danh không có thực. Làm sao bổ sung sự thiếu sót này, điều này rất quan trọng, nếu không nỗ lực bổ khuyết thì đời này trôi qua một cách vô ích. Bắt đầu bổ sung từ đâu? Tịnh Nghiệp Tam Phước là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất của tu Tịnh độ, ta không thể không tuân thủ. Điều thứ nhất của Tam Phước là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, bốn câu, 16 chữ. Chư vị đại đức tổ sư dạy chúng ta, dùng truyền thống Nho và Đạo giáo làm nền tảng, đặt nền tảng giới luật, căn bản hành môn, dễ hơn so với học tiểu thừa. Nền tảng hành môn của Nho giáo chính là ngũ luân, ngũ thường, tứ duy, bát đức, là bốn khoa mục này.

/ 600