/ 600
483

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 261

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 03.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 317, hàng thứ nhất.

“Lìa dục chánh niệm thâm sâu, tịnh tuệ tu phạm hạnh. Dục chỉ cho tham dục. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói, ly dục thanh tịnh là thù thắng tối diệu nhất. Chánh niệm là một phần của Bát chánh đạo, lìa tà phân biệt mà niệm pháp thật tánh, gọi là chánh niệm. Quán Kinh Sớ nói, xả tướng nhập thật, gọi là chánh niệm. Tịnh tuệ, Hội Sớ nói tịnh tuệ tức là bát nhã ba la mật, không phải bất tịnh tuệ của nhân thiên tiểu thừa, cho nên gọi là tịnh tuệ. Phạm hạnh là hạnh thanh tịnh vô dục, là một trong ngũ hạnh của Kinh Niết Bàn”.

Ngũ hạnh trong Kinh Niết Bàn, thứ nhất là thánh hạnh, thứ hai là phạm hạnh, phạm hạnh nói về mười một cái không. Chúng ta dùng 20 cái không trong Kinh Bát Nhã, nói tường tận hơn 11 cái không. Mục đích giúp ta nhìn thấu, giúp ta buông bỏ. 20 cái không trong Kinh Bát Nhã, 11 cái không ở trước chúng ta đã học, học đến Tán không. “Như ngũ ấm ly tán, con người bất khả đắc”. Nếu mở rộng hơn phạm vi này, bây giờ chúng ta biết, tất cả mọi hiện tượng vật chất đều là huyễn tướng do ngũ ấm tụ hợp mà hiện ra. Khi ngũ ấm phân tán, hiện tượng vật chất là bất khả đắc. Hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần, hiện tượng tự nhiên cũng không tách rời được. Một có tất cả đều có, một lìa tất cả đều lìa. Trong Kinh Bát Nhã Đức Phật nói cho chúng ta biết một nguyên tắc chung, đó là “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, không có gì là chân thật cả. Chân tướng sự thật này trong kinh gọi là thật tướng các pháp, chúng ta không thể không biết.

Hôm nay chúng ta học tiếp điều thứ 12 là vô biến dị không. “Tất cả pháp như như bất biến, liễu bất khả đắc”. Những cái không ở sau ý nghĩa đều rất thâm sâu, quả thật là thật tướng các pháp. Tất cả pháp như như bất biến là nói trên phương diện thể tánh, thể tánh là gì? Chính là chân như, còn gọi là tự tánh, cũng gọi là chân tâm, cũng gọi là pháp tánh, cũng gọi là thường tịch quang, cũng gọi là đệ nhất nghĩa. Trong kinh luận đại thừa có mấy mươi tên gọi, vì sao một vấn đề mà Đức Phật dùng nhiều danh tướng như thế? Đây là phương tiện thiện xảo trong lúc dạy học, dạy chúng ta đừng chấp trước vào danh tướng. Danh tướng là giả, không phải thật, từ danh tướng chúng ta ngộ nhập nghĩa lý mới là vấn đề quan trọng. Tất cả chúng sanh căn tánh bất đồng, có người chỉ nghe một danh tướng là có thể ngộ nhập, có người ngộ nhập trên một danh tướng khác, có người ngộ nhập từ nhiều danh tướng. Chúng sanh căn tánh không tương đồng, Như Lai tùy theo căn cơ mà nói.

Như như bất biến là thể tánh của tất cả pháp, thể tánh không phải hiện tượng. Nó không phải hiện tượng vật chất, không phải hiện tượng tinh thần, đến hiện tượng tự nhiên cũng không phải. Trong giáo lý đại thừa thường dùng một câu là “pháp nhĩ như thị”. Pháp tức là tất cả pháp, nhĩ nghĩa là nó vốn như vậy, ta đừng suy nghĩ, cũng đừng nghiên cứu, cũng đừng nghị luận, nó chính là như vậy. Thế mới đúng, quý vị đã giác ngộ. Chân tướng sự thật này, tâm tư ngôn ngữ đều không đạt được. Ngôn ngữ nói không rõ ràng, cho nên nói “ngôn ngữ đạo đoạn”, đoạn tuyệt con đường ngôn ngữ, không thông suốt. “Tâm hành xứ diệt”, tâm hành là tư tưởng của chúng ta, tư duy cũng không đạt được, liễu bất khả đắc. Nó có tồn tại chăng? Tồn tại, không những tồn tại, đại sư Huệ Năng nói: “đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”, câu này nói rất hay. Không những tồn tại, nó đầy đủ tất cả pháp, gặp nhân duyên, tất cả pháp liền hiện tiền. Nếu nó không đầy đủ tất cả pháp, làm sao có thể hiện tất cả pháp. Nó có thể hiện tất cả pháp, đương nhiên là đầy đủ tất cả pháp.

Ngày nay chúng ta đang học tập, đối diện kinh văn chúng ta có thể đọc tụng, không được tưởng tượng. Chúng ta có thể nói, nhưng không được phân biệt, không được chấp trước. Nếu chúng ta dùng tâm chân thành, tâm cung kính, thế nào gọi là chân thành? Nhất niệm bất sanh gọi là chân thành. Hay nói cách khác, trong các buổi giảng thường nói, không phân biệt không chấp trước, không khởi tâm không động niệm. Đó chính là chân thành, chính là cung kính. Chân thành, cung kính lâu ngày đột nhiên khai ngộ, họ thấu triệt. Sau khi thông suốt, sau khi đại triệt đại ngộ cũng không được tư duy tưởng tượng, cũng không được nghị luận. Vi diệu là ở đây, cho nên gọi nó là diệu pháp.

/ 600