/ 600
570

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 260

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 02.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 316, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên.

“Cũng lấy tâm đại bi, lợi ích các loài chúng sanh. Hai câu trên chỉ thân đức, hai câu này biểu trưng tâm đức”. Hai câu trước là “thân Phật như kim sắc, diệu tướng đều viên mãn”, đây là thân đức. “Cũng dùng tâm đại bi, lợi ích chư chúng sanh”, đây là tâm đức. “Hai chữ “cũng dùng” ở đầu câu này, rất dễ chú ý”, đây là Niệm Lão đặc biệt nhắc nhở chúng ta, hai chữ này hàm nghĩa rất sâu sắc, hàm nghĩa gì? Bên dưới nói ra cho chúng ta biết.

“Nguyện phàm người đến nước ta, cũng có thể như ta”. Ta ở đây là Bồ Tát Pháp Tạng, chính là Phật A Di Đà. Phật dùng tâm đại bi lợi ích tất cả chúng sanh trong mười pháp giới, phàm là người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, không có ngoại lệ, cũng như Bồ Tát Pháp Tạng vậy, “lấy tâm đại từ bi lợi ích chúng sanh, cho nên gọi là ‘cũng lấy’. Nguyện nhân dân trong nước, đều có thể như Phật, xem chư chúng sanh đồng đẳng nhất thể, đều phát tâm đồng thể đại bi”. Đây là sự trang nghiêm thù thắng vô tận trong giáo lý đại thừa.

Xã hội hiện nay văn hóa phương tây lan tràn, văn hóa phương tây coi trọng cá nhân, gọi là lấy người làm gốc. Ý nghĩa về con người đây thuộc về nghĩa hẹp, là lấy tự ngã làm gốc. Từ quan niệm này xuất phát, hình tượng của họ là cạnh tranh, đến đấu tranh, đến chiến tranh. Đây là phương hướng phát triển của họ, cũng là nguồn gốc của mọi động loạn trên địa cầu ngày nay.

Truyền thống văn hóa xưa và Phật pháp đại thừa nói về gốc, căn bản không giống với quan niệm của người phương tây. Truyền thống văn hóa phương đông, bao gồm Phật giáo, đều khẳng định toàn thể vũ trụ, trong Phật pháp nói biến pháp giới hư không giới với ta là nhất thể. Chính là ở đây nói: “xem chư chúng sanh đồng đẳng nhất thể”, đẳng là bình đẳng. Câu nói này là thật. Muôn sự muôn pháp khắp biến pháp giới hư không giới từ đâu mà có? Trong Kinh Hoa Nghiêm nói rằng: “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Tánh thức là tâm. Từ tánh mà nói đây gọi là chân tâm. Thức chính là A lại da, từ A lại da mà nói đây là vọng tâm. Chân tâm năng sanh năng hiện, A lại da năng biến. Thập pháp giới y chánh trang nghiêm là A lại da biến hiện ra, cho nên nói tâm hiện thức biến. Thức chính là phân biệt chấp trước, nó có biến hóa. Biến pháp giới hư không giới với mình đích thực là nhất thể, một tự tánh thanh tịnh viên minh thể biến hiện ra. Chúng sanh mê muội không biết chân tướng sự thật, trong mọi hiện tượng phân biệt mình và người. Vọng tâm chấp trước tạo thành khổ báo của luân hồi lục đạo, trên thực tế có hiện tượng này hay không?

Đức Phật nói với chúng ta_bây giờ chúng ta cũng dần dần lãnh hội được, các nhà khoa học cũng đã chứng minh, chứng minh điều gì? Trong kinh Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh”. Các nhà lượng tử khoa học cận đại đã phát hiện điều này, những gì đức Phật nói trong 3000 năm trước. 2500 năm trước, Phật giáo chưa truyền đến Trung quốc, Lão tử nói rằng: “Trời đất với ta đồng căn, vạn vật và ta là nhất thể”. Trong tư tưởng người xưa không phải lấy con người làm gốc, họ lấy trời đất vạn vật với chính mình là nhất thể.

Bốn chữ này rất hay: “đồng đẳng nhất thể”, cho nên tự nhiên sanh khởi tâm đồng thể đại bi, vô duyên đại từ. Bi là thương xót, không nhẫn tâm thấy chúng sanh chịu khổ. Từ là ban vui cho chúng sanh, gọi là bạt trừ điều khổ đem đến an vui. Đồng thể vô duyên, duyên là điều kiện, vô duyên là không có điều kiện. Tư tưởng này, lý niệm này tương đồng với chân tướng sự thật, Phật pháp đại thừa gọi là thật tướng các pháp.

Chúng ta niệm Phật tu Tịnh độ, mục tiêu rốt ráo nhất, là hy vọng vãng sanh thế giới Cực Lạc, thân cận Phật A Di Đà. Như vậy cần phải học tập theo Phật A Di Đà, quan niệm của Phật A Di Đà là chính xác, là điều chúng ta cần phải học tập. Phải lấy đại từ đại bi đối đãi với tất cả chúng sanh, tất cả chúng sanh là bao gồm tình và vô tình. Chúng ta phải hiểu ý chính của hai chữ chúng sanh, nó có nghĩa gì. Hiện tượng do chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi, gọi là chúng sanh. Chúng sanh đương nhiên bao gồm loài người, bao gồm động vật, bao gồm thực vật, bao gồm khoáng vật. Nói như các nhà khoa học hiện nay, bao gồm hiện tượng vật chất, bao gồm hiện tượng tinh thần, bao gồm hiện tượng tự nhiên, tất cả đều là chúng duyên hòa hợp mà sanh ra. Hai chữ chúng sanh phạm vi rất lớn, nó bao gồm tất cả, hết thảy những điều này với mình quả thật là đồng đẳng nhất thể. Chúng ta phải dùng trí tuệ chân thật, đồng thể đại bi đối đãi với tất cả chúng sanh. Cây cỏ hoa lá, sơn hà đại địa, mọi hiện tượng giữa vũ trụ đều từ tâm tưởng sanh. Trong tâm sung mãn chân thành, trí tuệ, từ bi. Vũ trụ là hòa hợp, vũ trụ là mỹ mãn, giữa vũ trụ không thể có bất kỳ thiên tai nào phát sanh.

/ 600