/ 600
687

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 259

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 01.02.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 315, hàng thứ bảy từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ đoạn Hội Sớ.

“Hội Sớ nói, dùng tài cứu tế người nghèo thế gian, dùng pháp lợi ích người không có phước, cho nên gọi là đại thí chủ. Gọi là lấy tài thí, cứu tế người nghèo cùng khốn khổ của thế gian. Lấy pháp thí phổ lợi người không có phước nghe pháp, cho nên gọi là đại thí chủ”. Hôm qua chúng ta học đến đây, đại thí chủ nhất định là tài pháp đều bố thí.

Đoạn này chúng ta phải đặc biệt chú trọng, câu này nói: “Pháp bố thí phổ lợi người không có phước nghe pháp”. Do đây có thể biết, suốt đời có thể nghe được Phật pháp, là phước báo lớn nhất, so với làm vua trời của thế gian- ngày xưa xưng tán đế vương là phú hữu tứ hải, nghĩa là được của cải khắp toàn thế giới, trở thành kim luân thánh vương của thế gian. Đây là phú quý nhân gian đến tột bậc, phải chăng là người có phước? Không phải, vẫn là người không có phước. Vì sao vậy? Vì địa vị cao sang của quý vị, vô lượng của cải chỉ có thể hưởng thụ một đời, sau khi chết rồi thì sao? Ta không thể mang theo bất kỳ thứ gì, sau khi chết vẫn phải tùy nghiệp thọ báo. Lúc này mới biết bản thân thật sự không có phước báo.

Người có cơ hội nghe được Phật pháp, đời này dù nghèo khó, dù không có địa vị. Nếu đời này có nhân duyên, nhân duyên này rất thù thắng, đời này họ sẽ thành Phật. Hiểu một vấn đề là hiểu hết tất cả, đây là đại phước báo. Đời này không có nhân duyên, không thể thành tựu, đời sau kiếp sau nhất định gặp nhân duyên, gặp nhân duyên họ liền thành tựu, đây là phước báo chân thật. Chủng tử nghe pháp trong A lại da thức gọi là hạt giống kim cang, vĩnh viễn bất hoại, vĩnh viễn bất diệt.

Chúng ta biết rằng, đại thí chủ thế xuất thế gian dù lớn đến đâu cũng không thể sánh bằng Phật. Đức Phật bố thí gì? Bố thí Phật pháp. Người thế gian bố thí là của cải và pháp thế gian, không phải Phật pháp. Nếu là Phật pháp thì rất vi diệu phải không? Rất vi diệu, chúng ta phải nhớ những điều này. Vì sao vậy? Vì đời này của chúng ta có phước duyên rất thù thắng, nhưng vấn đề là gì? Vấn đề là chúng ta không nhận thức được giá trị của nó, không biết đây là trân bảo không gì sánh được của thế xuất thế gian. Do vậy mà bỏ qua cơ hội ngay trước mắt, bỏ lỡ cơ duyên thành Phật của đời này. Chủng tử Phật pháp trong A lại da thức vĩnh viễn bất diệt, phải đợi đến đời sau kiếp sau. Đời sau kiếp sau ở trong luân hồi, lại không biết phải chịu bao nhiêu thiệt thòi, chịu bao nhiêu tội. Điều này không còn cách nào khác, không thể oán trời trách người, tự làm tự chịu.

Chúng tôi từng gặp người thông minh tuyệt đỉnh, khoảng bốn năm năm trước, cư sĩ Hoàng Trung Xướng ở Thẩm Quyến thông minh tuyệt đỉnh, mới 30 tuổi đã thành tựu. Ông nghe được nhân duyên này, không giống với tư tưởng người khác. Nghe đến thế giới Cực Lạc, ông thật sự muốn vãng sanh, muốn đi về đó. Nghe nói niệm Phật ba năm được vãng sanh, có thể thành tựu, ông liền bế quan ba năm, Hướng Tiểu Lợi hộ quan. Phước báo của Hướng Tiểu Lợi từ đâu mà có? Nhờ ba năm hộ quan này. Ông ta chuyên tu một bộ Kinh Vô Lượng Thọ, một câu A Di Đà Phật, mỗi ngày không gián đoạn. Dùng phương pháp hòa thượng Đế Nhàn truyền thọ, niệm mệt thì nghỉ, nghỉ khỏe lập tức niệm. Niệm đến 2 năm 10 tháng, thiếu hai tháng nữa là đầy ba năm, ông biết trước giờ chết và vãng sanh, đến thế giới Cực Lạc làm Phật. Đây là gì? Là người thông minh bậc nhất.

Chứng minh cho mọi người thấy_Đức Thế Tôn nói tam chuyển pháp luân, ba phương thức dạy học. Loại thứ nhất là đối với hàng thông minh, chỉ thị quý vị. Hạng người này thiện căn phước đức sâu dày, rất thông minh, vừa nói là họ hiểu ngay. Hoàng Trung Xướng chính là người như vậy, ông ta không còn lưu luyến thế gian này, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, đã thành công. Hạng người thứ hai chiếm đại đa số, căn tánh bậc trung, không phải thượng căn, cũng không phải hạ căn. Dùng cách gì? Dùng khuyên, khuyên bảo. Đức Phật giảng kinh thuyết pháp 49 năm đều là đối với hạng người này, không thượng không hạ, tự cho mình rất thông minh, rất nhiều ý kiến, tư tưởng, nhận xét rất nhiều, làm mất thời gian. Hạng người thứ ba là hàng hạ căn, khuyên cũng không được, họ không tin, phải như thế nào? Cần có chứng cứ, tận mắt chứng kiến mới tin, chưa nhìn thấy là không tin, cho nên gọi là chứng chuyển. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng minh cho chúng ta thấy, lịch đại chư vị tổ sư đều làm chứng cho chúng ta. Hoàng Trung Xướng đặc biệt thị hiện chứng minh, 2 năm 10 tháng công đức viên mãn, chúng ta không sánh bằng.

/ 600