Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 258
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 31.01.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 315, hàng thứ hai.
“Lại làm đại thú chủ, muốn cứu tế tất cả những người cùng khổ. Đại thí chủ là người hành đại bố thí với tất cả mọi người, đối với những gì bố thí là tài hay là pháp? Đại sư Tịnh Ảnh nói, pháp thí hóa ích gọi là pháp thí. Đại sư Cảnh Hưng không nói như thế, muốn cứu tế người bần khổ cần phải bố thí của cải, gọi là tài bố thí”. Chúng ta xem đến đây.
Sau khi Đức Phật Bổn Sư A Di Đà thành tựu 48 nguyện, liền thể hiện ra hành động này. Hành động này là “lại làm đại thí chủ”, tự hành hóa tha. Trong kinh văn có sáu câu, năm câu sau là: “Cứu tế hết thảy những người cùng khổ, khiến các chúng sanh này, đêm dài không phiền não, sanh ra các thiện căn, thành tựu quả bồ đề”, quả bồ đề chính là thành Phật. Sự bố thí này khiến tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật, đây là đại thí chủ đúng với sự thật, chúng ta cần phải học tập theo Phật. Những gì bố thí là tài hay là pháp? Tài và pháp đều đầy đủ. Đại sư Tịnh Ảnh, tức là đại sư Huệ Viễn chú trọng pháp bố thí, “pháp thí hóa ích”.
Nghèo khổ của chúng sanh từ đâu mà có? Do mê hoặc mà có, tất cả mọi thứ khổ, đều do mê mất tự tánh, rất đáng thương! Đối với vũ trụ vạn hữu, họ nghĩ sai, thấy sai, do đó họ cũng nói sai và làm cũng sai, tạo vô lượng vô biên nghiệp. Quả báo của nghiệp chính là mười pháp giới, trong mười pháp giới có nhiễm có tịnh, có thiện có ác, cũng có khổ có vui. Đức Phật dạy khổ là thật, vui là giả, rất nhiều người không biết điều này. Vì sao họ không biết? Vì quá sơ ý, nếu như quan sát tường tận thì họ đã biết.
Khổ, tám khổ, thật vậy, mọi người đều biết là khổ. Vui, Phật nói vui là hoại khổ, niềm vui này không phải vui thật, giống như thuốc tê vậy, không phải thật. Chúng ta biết đói khát rất khổ, ăn ngon là rất vui, nhưng cái khổ đói khát là thật. Thức ăn ngon có thể duy trì được bao lâu? Duy trì một ngày, duy trì không được một ngày, chỉ vai tiếng. Vài tiếng sau lại đói, lại muốn đi tìm thức ăn ngon, như vậy chẳng khác nào là uống thuốc độc? Chỉ có thể tạm thời ngưng cái khổ của đói khát, ngừng đau giống như thuốc giảm đau vậy. Khi thuốc hết công hiệu, hiện tượng khổ lại hiện ra, đó là cái khổ thật sự.
Đức Phật quả đúng là bậc đại y vương, cũng là vị đại thí chủ. Ngài biết nguyên nhân khổ của chúng sanh, giúp ta nhổ tận gốc, đó chính là phá mê khai ngộ. Sau khi khai ngộ, là vĩnh viễn thoát ly đau khổ. Sau khi khai ngộ mới đạt được cái vui chân thật, niềm vui này không liên quan đến ngũ dục lục trần. Có thể nói hoàn toàn không liên quan đến sáu căn, sáu trần, sáu thức, đây gọi là cái vui chân thật, không còn bị mười pháp giới làm dao động, như vậy cần phải bố thí pháp.
Lúc Đức Thế Tôn tại thế thị hiện cho chúng ta thấy, suốt 49 năm giảng kinh thuyết pháp là bố thí pháp. Chúng sanh nghe pháp, trong kinh điển chúng ta thấy, quả thật có không ít người thiện căn sâu dày, căn tánh sắc bén. Nghe xong một bộ kinh, họ liền giác ngộ, quay đầu là bờ, không còn tạo nghiệp. Thậm chí còn có người căn tánh rất lanh lợi, chưa nghe hết bộ kinh, chỉ nghe được một nửa, nghe mới 1/3 họ đã khai ngộ. Công đức bố thí pháp không thể nghĩ bàn, công đức bố thí pháp cứu cánh viên mãn. Bố thí pháp là trị gốc, bố thí tài là trị ngọn. Đức Phật rất từ bi, gốc và ngọn đều trị.
Đại sư Cảnh Hương nghiêng nặng về bố thí tài: “Muốn cứu tế bần khổ, cần phải bố thí tài”. Chúng ta thấy người nghèo khổ liền khuyên họ học Phật, ngày ba bữa cơm họ cũng chưa no, còn tâm tình đâu nghĩ đến chuyện học Phật? Nếu giải quyết được cuộc sống cơ bản cho họ, lúc đó khuyên họ học Phật họ sẽ tiếp thu ngay. Trong đại thừa Phật giáo Đức Phật dạy Bồ Tát, đối với tất cả chúng sanh, trước tiên phải dùng lợi ích dụ dỗ, sau mới đưa họ nhập vào trí Phật. Trước tiên lấy lợi ích dẫn dắt họ, đó chính là tài bố thí. Phật dạy Bồ Tát Tứ Nhiếp Pháp, nhiếp thọ tất cả chúng sanh. Điều đầu tiên trong Tứ Nhiếp Pháp chính là tài bố thí, đây là bố thí. Họ rất cần, phải giúp đỡ họ. Bố thí tài họ lập tức cảm nhận ân huệ, liền sanh thiện cảm với ta, lúc này khuyên học Phật họ liền tiếp thu. Quý vị là người tốt, không phải hại tôi.