/ 600
469

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 257

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 30.01.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 314, bắt đầu xem từ giữa hàng thứ hai.

“A Di Đà Phật, quang trung cực tôn, Phật trung chi vương. Cho thấy, nguyện của Bồ Tát Pháp Tạng siêu thế, cũng vượt trên nguyện của Chư Phật”, chúng ta xem từ đây.

Ba câu nói về Phật A Di Đà này, là Thế Tôn tán thán Phật A Di Đà. Sự tán thán này không phải chỉ riêng Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài làm đại diện, đại diện cho tất cả Chư Phật Như Lai trong mười phương ba đời tán thán Phật A Di Đà. Mấy câu tán thán đó, chúng ta không được coi thường.

“Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, từ hai câu này tự nhiên chúng ta lãnh hội được một cách sâu sắc. Ở đây Niệm Lão nói: “Cho thấy nguyện của Bồ Tát Pháp Tạng siêu thế”. Trong kinh văn nói: “Ta lập chí siêu thế”. Chí là chí nguyện, tức là chỉ 48 nguyện, vượt trên tất cả Chư Phật, vượt trên tất cả thế giới mười phương. Siêu việt Chư Phật là nói từ chánh báo, siêu việt thế giới là nói từ y báo, y chánh trang nghiêm, không phải tha phương Chư Phật Như Lai có thể sánh bằng. Chúng ta làm sao để lãnh hội câu nói này? Trong kinh điển đại thừa Đức Thế Tôn thường nói, chư Phật bình đẳng, không có cao thấp, sao Phật A Di Đà lại đặc biệt siêu việt, làm gì có đạo lý này

Bên dưới có giải thích điều này: “Thế giới Cực Lạc, vô lượng thanh tịnh trang nghiêm, hoàn toàn hiển lộ tự tánh đương nhơn, tâm tác tâm thị, lý sự vô ngại”. Mấy câu này nói rất hay. Quý vị muốn hỏi vì sao thế giới Cực Lạc có thể siêu việt thế giới tha phương, đạo lý trong năm câu này.

Trong kinh luận đại thừa Đức Phật thường nói: “tướng do tâm sanh, cảnh tùy tâm chuyển”. Quả thật Phật Phật đạo đồng, nhưng trong hàng đệ tử của ngài đạo không đồng, chúng ta phải lý giải điều này. Lý giải từ đâu? Từ trong việc dạy học ta hoàn toàn hiểu rõ, một người thầy dạy 20 học sinh, dạy 30 học sinh. Trình độ học sinh không ngang nhau, người học cùng lớp trình độ cũng không giống nhau. Khi thi cử vẫn có người nhất, nhì, ba, như vậy sao bằng nhau được? Đây là sự thật.

Cõi nước của mười phương chư Phật Như Lai, y báo và chánh báo cũng không giống nhau. Y báo không giống nhau đó là vì chánh báo, y báo chuyển theo chánh báo. Vì sao thế giới tây phương Cực Lạc y báo chánh báo đều bình đẳng, siêu việt thập phương? Trong nguyện văn ở trước chúng ta đã học, câu cuối trong nguyện thứ 20. Phật A Di Đà nói, phàm những người sanh đến thế giới Cực Lạc, đều làm A Duy Việt Trí Bồ Tát, như vậy chánh báo như nhau rồi. A Duy Việt Trí Bồ Tát, thông thường trong các kinh luận đại thừa gọi là pháp thân Bồ Tát. Chúng ta đã học trong Kinh Hoa Nghiêm, pháp thân Bồ Tát có 41 địa vị. Thực tế thì 41 địa vị này không thể nói có, cũng không thể nói không có. Cõi thật báo trang nghiêm quả thật là thế giới bình đẳng, thật sự bình đẳng. Mười pháp giới không bình đẳng, nhưng mười pháp giới của thế giới Cực Lạc bình đẳng. Nó không có mười pháp giới, nó có cõi phàm thánh đồng cư, trong cõi phàm thánh đồng cư không có ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh và a tu la. Cõi đồng cư của thế giới Cực Lạc chỉ có hai cõi là người và trời, trong lục đạo chỉ có cõi người cõi trời, ngoài ra đều không có. Đây là oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì.

Quý vị xem 48 nguyện, nguyện thứ nhất ngài nói, trong nước của ngài không có ba đường ác, đương nhiên không có a tu la. Nguyện thứ hai, phàm là người sanh đến thế giới Cực Lạc, từ đây về sau nhất định không đọa vào ba đường ác. Điều này tức là ở bất kỳ thế giới tha phương nào giáo hóa chúng sanh, họ đều không đọa ba đường ác, đây là nguyện siêu thế. Chư Phật Như Lai khác đều không phát nguyện này, cũng không thực hiện nguyện lực này.

Ngày nay chúng ta thấy, Bồ Tát Pháp Tạng sau khi phát nguyện, tu hành năm kiếp. Dùng thời gian dài như thế để thực hiện tất cả các nguyện, điều này thật không thể nghĩ bàn. Ngài phát thệ nguyện, nếu không thực hiện được thệ nguyện thề không thành Phật. Bây giờ ngài ở thế giới Cực Lạc, thành Phật đã mười kiếp, cho thấy mỗi nguyện đều đã thực hiện.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và mười phương chư Phật tán thán Phật A Di Đà: “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Đây không phải giả, đây không phải là tâng bốc. Không phải chư Phật không làm được, mà chưa nghĩ đến. Tất cả Chư Phật, trí tuệ, thần thông, đạo lực, tướng hảo nhất định đều bình đẳng. Tuy bình đẳng, có khi không nghĩ đến, Phật Di Đà đã nghĩ đến. Chư Phật có cần học theo chăng? Không cần, vì sao vậy? Trong Kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “một là tất cả, tất cả là một”, cần gì phải tranh cường, phải hiếu thắng? Phật đâu như vậy, như vậy là không phải Phật. Phật Di Đà làm được, lấy Phật Di Đà làm đầu, giới thiệu cho tất cả chúng sanh khắp ười phương thế giới, đến thế giới của Phật Di Đà thành Phật. Đây là Chư Phật Bồ Tát làm gương cho chúng ta thấy, chúng ta phải xem hiểu, đây thật sự là trở về tự tánh. Cho nên Cực Lạc y chánh trang nghiêm hoàn toàn hiển lộ tự tánh đương nhơn.

/ 600