/ 600
586

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 256

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 29.01.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện – Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 311, hàng thứ hai, “tất thành chánh giác đệ thất”.

Chú giải của Niệm Lão. Tỳ kheo Pháp Tạng ở chỗ Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai phát 48 nguyện xong. Dĩ nghĩa là nói xong rồi. Lại ở trước Phật mà nói kệ tụng biểu thị hạnh nguyện này và xin được chứng minh. Vì đại nguyện chân thành sâu rộng, nên ứng thời cảm đắc được mưa hoa đất rung, không trung khen rằng: nhất định thành Phật.

Trên đây là nội dung của phẩm này. Mấy câu đơn giản đã giới thiệu ra rồi.

Chúng ta xem kinh văn.

“Phật cáo A nan, nhĩ thời Pháp Tạng tỳ kheo, thuyết thử nguyện dĩ, dĩ kệ tụng viết”. Dùng thể kệ tụng để tán thán,

“Ngã kiến siêu thế chí. Tất chí vô thượng đạo. Tư nguyện bất mãn túc. Thệ bất thành đẳng giác”.

Chúng ta biết “siêu thế chí” này, chính là 48 nguyện. Di Đà đã thành Phật rồi, nguyện của ngài toàn bộ đều viên mãn.

“Phục vi đại thí chủ. Phổ tế chư cùng khổ. Linh bỉ chư quần sanh. Trường dạ vô ưu não. Xuất sanh chúng thiện căn. Thành tựu bồ đề quả”.

Sau khi đại nguyện thành tựu rồi, tiếp theo chính là phổ độ chúng sanh. Độ chúng sanh không phải là việc bình thường, là phải khiến cho tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật đạo. Cho nên sau đó nói thành tựu quả bồ đề. Câu này rất quan trọng, câu này chính là thành Phật.

“Ngã nhược thành chánh giác, lập danh vô lượng thọ”. Phật A Di Đà thành Phật rồi, danh hiệu của Ngài là Vô lượng thọ. “Chúng sanh văn thử hiệu, câu lai ngã sát trung”. Đây là tất cả chúng sanh tiếp xúc với Di Đà, đều sẽ phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ.

“Như Phật kim thân sắc, diệu tướng tất viên mãn”. Đây là như thân tướng của Phật.

“Diệc dĩ đại bi tâm, lợi ích chư quần phẩm, ly dục thâm chánh niệm, tịnh tuệ tu phạm hạnh”. Những đại chúng vãng sanh đến thế giới Cực Lạc này, cũng giống như Di Đà, dùng tâm đại từ bi, cảm ứng đạo giao với chúng sanh trong khắp pháp giới hư không giới, chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng, phổ độ chúng sanh giống như Phật. Đây là “lợi ích khắp các phẩm” vậy.

Bây giờ chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Lão. “Ngã kiến siêu thế chí”, kiến là kiến lập, là lập vậy. Nói về siêu thế chí, các nhà chú giải kinh có rất nhiều cách giải khác nhau. Đối với câu nói này, tổ sư đại đức có một số cách nhìn khác nhau. Vậy siêu thế chí là gì? “Tịnh Ảnh vân”, đây chính là chú giải của Khương Tăng Khải, ở Trung Quốc bản này lưu thông rộng rãi nhất. “Tiền sở phát trung, cầu pháp thân nguyện, cầu Tịnh Độ nguyện, danh siêu thế nguyện.” Tịnh Ảnh dùng bản Ngụy Dịch, tức là bản của Khương Tăng Khải. “Quang minh vô lượng nguyện, thọ mạng vô lượng nguyện, dữ chư Phật xưng dương nguyện, vi nhiếp pháp thân nguyện. Quốc độ thanh tịnh nguyện, quốc độ nghiêm sức nguyện, vi nhiếp Tịnh Độ nguyện”. Tịnh Ảnh chỉ gọi năm nguyện này là siêu xuất thế gian. Vị này là Tiểu Huệ Viễn. Hậu nhân tôn kính Ngài không gọi danh xưng của Ngài, mà gọi tên chùa của Ngài, ngôi chùa mà Ngài trú trì là chùa Tịnh Ảnh. Ở đây chúng ta nhìn thấy Tịnh Ảnh, Niệm Lão trích dẫn rất nhiều, chính là đại sư Huệ Viễn. Ngài và Tổ sư Tịnh Tông Huệ Viễn danh hiệu hoàn toàn tương đồng, hai chữ đều giống nhau. Một người là thời Đông Tấn, một người là thời Nhà Tùy. Cho nên xưng là tiểu Huệ Viễn. Phật môn chúng ta xưng Ngài là tiểu Huệ Viễn, chính là chùa Tịnh Ảnh. Ông cho rằng trong hoằng nguyện, năm loại nguyện này vô cùng quan trọng, tức là vừa rồi chúng ta đọc đến: Quang minh vô lượng, thọ mạng vô lượng, chư Phật xưng dương. Đây là pháp thân. Quốc độ thanh tịnh, quốc độ nghiêm sức, đây là nguyện nhiếp Tịnh Độ. Năm loại nguyện này siêu xuất thế gian.

“Cảnh Hưng đồng chi”. Nghĩa Tịch, Vọng Tây những vị đại đức này, họ nói “tổng chỉ cho 48 nguyện”. “Hậu thuyết thậm thị”, câu nói này là Hoàng Niệm Lão nói, Hoàng Niệm Lão tán thành cách nói của các vị Đại đức Nghĩa Tịch, Vọng Tây. Siêu thế nguyện trên thực tế chính là chỉ cho 48 nguyện, mà không phải là chỉ có năm nguyện ở trước. Đây là những cách nhìn nhận khác nhau. Cho nên người nhân ắt gặp nhân, người trí ắt gặp trí, quí vị xem cùng là một câu kinh văn, mà giải thích khác nhau.

/ 600