/ 600
441

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 255

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 28.01.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện – Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 310, hàng thứ bảy từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ giữa, câu “hựu Hội Sớ, bắt đầu xem từ đoạn này.

Hội Sớ viết: “vị nan tư nguyện lực, nhất đắc nhất thiết đắc, bất thoái dữ tam nhẫn, đồng thời cụ túc cố. Thâm hiển Di Đà nhất thừa nguyện hải, cứu cánh phương tiện chi diệu dụng”. Đoạn trước chúng ta học đến chỗ này rồi. Hội Sớ đoạn này vô cùng quan trọng, đặc biệt là hiển thị ra cho chúng ta 48 nguyện của Phật A Di Đà, uy lực không thể nghĩ bàn. Đích thực là một được thì tất cả đều đạt được. Chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi. Tất cả pháp thế xuất thế gian không có gì là quí vị không đạt được. Nguyên nhân gì vậy? Vì xứng tánh. Tất cả pháp thế xuất thế gian đều là tâm hiện thức biến, thức cũng không rời khỏi tâm, tâm là bản thể của thức, thức là tác dụng của tâm, nhưng tác dụng này là tác dụng sai lầm. Mê mất tự tánh nó khởi tác dụng, chánh dụng của tự tánh là không khởi tâm không động niệm, chúng sanh có cảm, pháp tự có ứng. Hiện tại chúng ta gọi nó là hiện tượng tự nhiên, trong kinh này “pháp nhĩ như thị”, danh từ này vi diệu không thể nghĩ bàn, không có thể nói, chỉ miễn cưỡng dùng một từ là hiện tượng tự nhiên để nói về nó. Nó còn sâu sắc hơn ý nghĩa tự nhiên nữa. Chúng ta thường nói là “tự nhiên nhi nhiên” thì tương đối gần hơn một chút. Tất cả pháp thế xuất thế gian y báo chánh báo trang nghiêm đều là tự tánh sở hiện. Quí vị nếu như kiến tánh rồi, đây gọi là nhất đắc. Thể, tướng, dụng của tự tánh, quí vị đều đạt được rồi. Đây gọi là một đắc tất cả đều đắc. Trong đó bao hàm gồm bất thoái và tam nhẫn. Ba loại bất thoái, ba loại nhẫn đồng thời đầy đủ. Chúng ta chưa chứng đắc cảnh giới này, chưa minh tâm kiến tánh, nhưng phát tâm nhất hướng chuyên niệm cầu sanh Tịnh Độ, đây là điều chắc chắn có thể được, nhất định ngay trong đời này có thể làm được. Sanh đến Thế giới Cực Lạc được 48 nguyện của Phật A Di Đà gia trì, và công đức lợi ích một được tất cả được không có gì khác nhau.

Nói cách khác họ và Bồ Tát minh tâm kiến tánh, bất luận là trí tuệ, thần thông hay đạo lực đều là tương đồng. Bồ Tát pháp thân đại sĩ kiến tánh, đồng thời đầy đủ, vãng sanh tịnh độ cõi phàm thành đồng cư, Bồ Tát hạ hạ phẩm vãng sanh cũng là đồng thời đầy đủ. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn, nhân duyên thù thắng vô cùng. Ngày nay chúng ta không dễ dàng gì gặp được, thực sự là giống như bài kệ khai kinh nói: “bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”, chúng ta gặp được rồi, gặp rồi thì vấn đề là quí vị có thể nắm bắt được hay không? Quí vị có thể nắm bắt được chắc chắn quí vị trong đời này thành Phật. Nếu như quí vị sơ suất mất, thì quí vị về sau cũng đời đời kiếp kiếp lưu trong chuyển lục đạo, không thể tránh khỏi. Điều này không thể không biết. Niệm lão nói mấy câu này hiển thị sâu sắc Di Đà nhất thừa nguyện hải, diệu dụng phương tiện rốt ráo.

Dưới đây, lại thập trụ trong Tỳ Bà Sa Luận viết: “nếu người muốn nhanh đến địa vị bất thoái chuyển, nên dùng tâm cung kính để chấp trì xưng danh hiệu”. Mấy câu nói này ở đây nhắc nhở chúng ta, giả sử một người muốn nhanh chóng đạt được bất thoái chuyển, ngay trong đời này của chúng ta nhất định chứng đắc, phải dùng phương pháp gì? Chính là một câu dưới đây: nên dùng tâm cung kính chấp trì xưng danh hiệu, thì quí vị có thể đạt được. Trong đây then chốt nhất là bốn chữ “cung kính chấp trì” này. Chân thành cung kính, trong tâm quí vị không có mảy may hư ngụy. Hư ngụy là gì? Nghi hoặc là hư ngụy, tạp niệm là hư ngụy. Trong tâm không có nghi hoặc, đối với cổ thánh tiên hiền, đối với Phật Bồ Tát chí thành cung kính. Cổ nhân làm được điều này không khó, nguyên nhân là gì? Gia giáo tốt, mẹ dạy tốt. Từ nhỏ mẹ đã dạy quí vị chân thành cung kính. Đây là đại căn đại bản để làm người. Người hiện tại không hiểu được dạy những thứ này, đối với lý niệm và phương pháp dạy học của cổ nhân, có những nghi hoặc rất sâu. Cho rằng người hiện tại nếu học trung thực, tương lai đi vào xã hội thì không thể cạnh tranh với người ta. Có thể tương lai ăn cơm sanh tồn đều trở thành vấn đề. Cho nên từ nhỏ đã dạy họ cạnh tranh. Sai lầm rồi. Vì vậy giáo dục ngày nay từ nhỏ đã dạy sai cho con cái, phương hướng sai, mục tiêu sai. Vậy nên cuộc sống một đời thật đau khổ. Bất luận làm ngành nghề gì, không có được hạnh phúc, không có được an vui.

/ 600