/ 600
878

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 253

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 26.01.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện- Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 307, hàng thứ bảy từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ đoạn giữa. Chúng ta từ câu “đản cứ kinh văn”, bắt đầu xem từ đây.

Trong ba nhẫn này, bao gồm cả vô sanh pháp nhẫn, thật không đáng nghi. Đây là nguyện thứ 47 “văn danh đắc nhẫn”, trong kinh văn chỉ nói nhất nhị tam pháp nhẫn, Niệm lão ở đây trích dẫn Kinh Vô Lượng Thọ bản Ngụy Dịch, bản của Khương Tăng Khải. Nguyện thứ 34 viết: “nếu tôi thành Phật, các loài chúng sanh trong mười phương vô lượng không thể nghĩ bàn của thế giới chư Phật, nghe tên của tôi mà không đắc vô sanh pháp nhẫn của Bồ Tát, các thâm tổng trì thì chưa thành chánh giác”. Đây là bản Ngụy dịch.

Bản Tống dịch, đây là bản cuối cùng. “Người nghe được tên ta, lúc đó liền đắc được sơ nhẫn, nhị nhẫn, nãi chí vô sanh pháp nhẫn, thành tựu A nậu đa la tam miệu tam bồ đề”. Cho thấy pháp nhẫn thứ ba trong nguyện văn nhất định là vô sanh pháp nhẫn vậy. Chúng ta liền có thể khẳng định nhẫn thứ ba là vô sanh pháp nhẫn.

Lại căn cứ theo Luận Chú viết- chú giải của Vãng Sanh Luận: thấy được Phật kia, Bồ Tát chưa chứng tịnh tâm, Bồ Tát chưa chứng đến tâm thanh tịnh, chỉ cho sơ địa đến thất địa, rốt ráo đắc bình đẳng pháp thân. Lại viết: pháp thân bình đẳng là Bồ Tát pháp tánh sanh thân từ Bát địa trở lên. Lại nói: Nghe chí đức danh hiệu của A Di Đà Như Lai, rốt ráo đắc bình đẳng khẩu nghiệp, đều là nghe danh hiệu Phật, chứng minh chứng đắc vô sanh pháp nhẫn. Ý nghĩa quan trọng của đoạn kinh văn này, là chứng minh cho chúng ta, chư Bồ Tát trong mười phương, nghe đến đức hiệu của A Di Đà Phật có thể chứng đến vô sanh pháp nhẫn. Có thể chứng đắc cảnh giới cao như vậy. Trong nó có sơ nhẫn, nhị nhẫn, cho đến vô sanh pháp nhẫn. Câu nói này nói rất hay. Kinh văn nói cho chúng ta nhất nhị tam pháp nhẫn. Pháp nhẫn cũng có thể nhìn nó một cách xuyên suốt, chính là nhất pháp nhẫn, nhị pháp nhẫn, tam pháp nhẫn, có thể có cách nhìn như vậy. Chư Bồ Tát nghe danh hiệu của Di Đà có những thành tựu khác nhau, bởi vì bản thân Bồ Tát thứ tự tu học khác nhau, có vị hoàn toàn là phàm phu, có thập tín Bồ Tát, có Thập trụ Bồ Tát, có thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa Bồ Tát khác nhau. Cho nên nghe đến danh hiệu A Di Đà Phật, sự cảm nhận của họ, nhận biết của họ đương nhiên không tương đồng. Đây là điều mà chúng ta có thể tưởng tượng được. Chúng ta là đồng học cùng một lớp, trong quá trình cùng học với một vị thầy giáo, mỗi một đồng học đạt được cũng không giống nhau. Ví dụ như thi cử vẫn có đứng nhất cho đến người cuối cùng. Đó chính là không giống nhau.

Chư Phật Bồ Tát trong mười phương thế giới, nghe đến đức hiệu của A Di Đà Phật, hoặc là nghe đến bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, chân thật thọ dụng mà họ đạt được cũng không tương đồng, nhưng không có ai không đắc pháp nhẫn cả. Tuy nhiên đắc được khác nhau, chắc chắn giúp đỡ họ nâng cao công phu mà họ tu hành, nâng cao cảnh giới mà họ khế nhập được, đây là điều chắc chắn vậy.

Chúng ta xem tiếp đoạn dưới đây. Đây là giải thích cho chúng ta vô sanh pháp nhẫn là gì. Danh từ này tôi tin rằng rất nhiều đồng học đều biết. Nhưng rất ít người có thể nói một cách rõ ràng, một cách thấu đáo. Đây là một cơ hội. “Vô sanh pháp nhẫn, lược nói là vô sanh nhẫn”. Người Trung Quốc thích nói đơn giản, càng đơn giản càng tốt, tuy là đơn giản nhưng ý nghĩa phải rõ ràng, phải đầy đủ. Đây mới là văn chương hay, ngôn ngữ hay. Vô sanh nhẫn, điều này dưới đây đã giải thích cho chúng ta, giải thích rất hay. Chân trí an trú nơi thật tướng lý thể bất động vô sanh vô diệt, gọi đó là vô sanh pháp nhẫn. Từ đó có thể biết nhẫn nghĩa là bất động, nhẫn nghĩa là khẳng định, nhẫn cũng có nghĩa là chúng ta thừa nhận, không nghi hoặc đối với nó, đây gọi là nhẫn. Vô sanh pháp nhẫn, Phật nói với chúng ta về thật tướng các pháp. Chân tướng là gì? Chân tướng là tất cả pháp không sanh, tất cả pháp không diệt. Hai câu nói này, chúng ta tỉ mỉ nghiền ngẫm một chút. Nếu như nói tất cả pháp không sanh, không sanh đương nhiên là không diệt. Hai chữ bất diệt này nói không có ý nghĩa gì nữa, bất sanh đương nhiên là bất diệt rồi. Vì sao phải nói bất sanh, sau đó còn nói bất diệt? Bất sanh mà sanh, diệt mà bất diệt, thêm hai chữ này nữa thì ý nghĩa đã khác rồi. Trên thực tế, bất sanh bất diệt chính là ý nghĩa như vậy. Là hiện tượng gì? Phật ở trong kinh, thường thường dùng mộng để làm ví dụ. Đây là ví dụ mà trong kinh giáo dùng nhiều nhất, “mộng huyễn bào ảnh”, bốn chữ này đều là ví dụ, nhưng mộng là ví dụ thứ nhất, là ví dụ chủ yếu, ba thứ khác đều là làm nền, có thể dùng, có thể không dùng, có hay không cũng không sao, quan trọng nhất là mộng. Mộng, mỗi người đều có kinh nghiệm nằm mộng. Mộng phải chăng vô sanh mà sanh? Suy nghĩ xem cảnh giới của mộng, sau khi tỉnh lại rồi, phải chăng là không diệt mà diệt? Không sanh mà sanh, không diệt mà diệt. Cho nên thực sự không có sanh diệt. Tất cả những cảnh giới tướng là huyễn tướng! Trong con mắt của chư Bồ Tát nhìn những hiện tượng này, tướng tức phi tướng, phi tướng tức tướng.

/ 600