/ 600
735

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 252

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 25.01.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện- Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 306 hàng thứ năm, bắt đầu xem từ câu thứ hai.

“Cái vị thập phương đại sĩ, nhược ư A Di Đà Như Lai, đỗ tướng, văn danh, kiến quang, tri ý giả, giai nhập Như Lai chi thất, dĩ văn danh cố, đắc tất cánh bình đẳng chi nghiệp ”. Đây là lời tổng kết của Niệm Lão về bình đẳng được nói đến trong Vãng Sanh Luận Chú. “Nhập Như Lai gia” có thể đắc được bình đẳng ba nghiệp thân khẩu ý. Chữ “nhập” ở đây chính là chỉ cho việc vãng sanh. Chỉ cần sanh đến cõi Đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh đều có thể được Di Đà bình đẳng tam nghiệp. Tin tức này so với trước đây chúng ta học qua, trong Di Đà đại nguyện, trong nguyện thứ 20 nói với chúng ta, những vị Bồ Tát vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, phàm thánh đồng cư độ hạ hạ phẩm vãng sanh đều xưng là Bồ Tát. Bồ Tát như thế nào? A Duy Việt Trí Bồ Tát. Bất luận là quí vị từ cõi nào niệm Phật vãng sanh Thế giới Cực Lạc, cũng bất luận nghiệp quí vị mang nặng bao nhiêu, đến Thế giới Cực Lạc rồi đều làm A Duy Việt Trí Bồ Tát. Đây là 48 nguyện của Di Đà gia trì.

Trong Vãng Sanh Luận Chú tin tức này vượt qua rồi. Trong nguyện thứ 20 chỉ nói đến Thế giới Cực Lạc, trí tuệ, thần thông, đạo lực của họ và Pháp thân Bồ Tát của Cõi Thật báo không có gì khác nhau. Đây chính là bổn nghĩa của A Duy Việt Trí Bồ Tát.

Đoạn này trong Luận Chú, vào nhà Như Lai, rốt ráo đắc thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp bình đẳng của Phật A Di Đà. Điều này không thể nghĩ bàn. Vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, quí vị sẽ giống với Phật A Di Đà, không có gì sai khác. Đắc được là ba nghiệp thân ngữ ý bình đẳng. Tin tức này siêu việt A Duy Việt Trí Bồ Tát mà trước đây đã giảng. A Duy Việt Trí Bồ Tát là viên giáo sơ trụ trở lên, 41 vị pháp thân đại sĩ, A Duy Việt Trí Bồ Tát, thân ngữ ý nghiệp bình đẳng với Phật, siêu việt rồi. Đó là gì? Đó là quả báo Diệu giác vị viên mãn. Chúng ta tin rằng tin tức này là chân thật, không phải là giả dối. Nếu như có vấn đề lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ sẽ không trích dẫn nó vào đây, trích dẫn vào chỗ này đó chính là khẳng định ông nói không sai. Cho nên tổng kết ý nghĩa đoạn Luận chú này, nên gọi là mười phương đại sĩ, người vãng sanh trong mười phương, người ở cõi đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh cũng xưng là đại sĩ. Vì sao vậy? Họ đích thực phát bồ đề tâm nhất hướng chuyên niệm, vậy mới có thể vãng sanh, không phù hợp tiêu chuẩn này thì không thể vãng sanh.

Những người này, nếu thấy thân tướng của A Di Đà Như Lai, nghĩa là đã thấy Ngài rồi, không nói thấy Ngài bằng phương thức nào. Nằm mơ nhìn thấy Ngài có tính hay không? Có lẽ nên tính. Ông không nói thấy tướng ở đây, trong mơ nhìn thấy tướng có tính hay không. Ông không nói câu này, không ghi chú câu này. Không có câu này, có thể trong mộng nhìn thấy cũng được tính, hà huống là những lúc khác! Quí vị nhìn thấy tượng của Phật A Di Đà, quí vị nhìn thấy tượng vẽ, nhìn thấy tượng đúc, đều là quí vị từng nhìn thấy tướng rồi.

Nghe danh, nghe được một câu danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, bất luận là vào lúc nào, bất luận là tại nơi nào, nghe được một câu danh hiệu này, thấy quang, Phật tướng phóng quang, danh hiệu cũng phóng quang.

Tri ý, điều này tương đối khó hơn một chút, nhất định phái có. Vì sao vậy? Đọc tụng kinh điển liền biết ý. Đối với tâm tư của Phật A Di Đà quí vị hiểu được, Phật A Di Đà niệm niệm không bỏ chúng sanh. Chúng ta từ trong 48 nguyện để xem, niệm niệm đều muốn độ thoát tất cả chúng sanh trong khắp pháp giới hư không giới, đặc biệt là chú trọng chúng sanh khổ nạn của lục đạo luân hồi.

Đều vào nhà Như Lai, vãng sanh chính là vào nhà Như Lai. Nhờ nghe danh này, “đắc tất cánh bình đẳng chi nghiệp”, tất cánh là cứu cánh, bình đẳng viên mãn về ba nghiệp thân ngữ ý. Nói như vậy vãng sanh không phải là thành Phật rồi sao? Đây không phải là giả. Nhưng trong kinh đích thức cũng nói đới nghiệp vãng sanh. Tập khí phiền não nhất phẩm cũng chưa đoạn, đến Thế giới Cực Lạc liền giống như Phật A Di Đà vậy, không có gì khác. Đây chính là nói “pháp khó tin”. Nếu quí vị hỏi bất cứ vị Bồ Tát nào, họ đều sẽ lắc đầu nói với quí vị không thể được. Làm gì có sự việc như vậy! Nhưng trong bộ kinh này chúng ta đã đọc được là Phật Thích Ca, Phật Di Đà đích thân tuyên dương cho chúng ta rồi, đương nhiên không phải là vọng ngữ. Chúng ta tin Thế Tôn thuyết pháp cũng giống như trong Kinh Kim Cang nói vậy, là chân ngữ, thật ngữ, là như ngữ, là bất cuồng ngữ. Cho nên chúng ta tin tưởng. Phật nói rất hay, cho đến những sự việc ở thế giới Cực Lạc, Ngài nói duy chỉ có Phật và Phật mới có thể rốt ráo, lời nói này làm cho nghi hoặc của chúng ta được hóa giải. Sự việc ở thế giới Cực Lạc vô cùng đặc biệt. Chỉ có Phật và Phật mới hiểu được một cách rốt ráo. Nói cách khác, Đẳng giác trở xuống, đối với tình hình ở thế giới Cực Lạc, vẫn là mơ hồ, không hiểu rõ hoàn toàn, hà huống là phàm phu chúng ta? Chúng ta nghe rồi, chỉ có tin tưởng, thâm tín không nghi, y giáo tu hành. Chúng ta liền được lợi ích.

/ 600