/ 600
455

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 251

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 24.01.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 305, hàng thứ ba từ dưới đếm lên, xem nguyện thứ 47, “danh văn đắc nhẫn nguyện”. Trong nguyện này nói đến: thanh tịnh, hoan hỷ, đắc bình đẳng trú.

Thanh tịnh là “bổn nhiên vô nhiễm vô trước”. Câu này chú trọng tại hai chữ bổn nhiên. Tự tánh, chân tâm của bản thân chúng ta, nó vốn là thanh tịnh. Cũng giống như Huệ Năng đại sư lúc khai ngộ nói “đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”, vốn tự này chính là điều ở đây nói bản nhiên. Lúc chưa kiến tánh thì không biết. Chúng ta mê mất tự tánh, cho rằng tâm chúng ta bị ngoại cảnh làm nhiễm ô, kỳ thực không phải vậy, chân tâm xưa nay chưa từng bị nhiễm ô. Thứ bị nhiễm ô là gì? Là vọng tâm, không phải là chân tâm, không liên quan gì đến chân tâm, điều này không thể không biết. Vọng tâm là gì? Trong kinh giáo Đại thừa nói A lại da là vọng tâm. Từ A lại da diễn sanh ra tám thức 51 tâm sở toàn là vọng tâm. Những điều này không thể không biết.

Vọng tâm là tâm sanh diệt, ngày nay chúng ta nói là ý niệm. Niệm có sanh có diệt, niệm có nhiễm có tịnh. Tịnh này không phải là thanh tịnh mà ở đây nói đến. Thanh tịnh mà ở đây nói đến là tuyệt đối, không phải là thứ tương đối. Thông thường chúng ta nói tịnh, đối diện của tịnh là nhiễm. Nhiễm tịnh đó là tâm sanh diệt. Thiện ác là tâm sanh diệt. Hữu vô là tâm sanh diệt. Có thể thấy được phàm là tương đối đều là tâm sanh diệt, đều không thanh tịnh. Chỉ có chân tâm là thanh tịnh không sanh không diệt, vĩnh viễn không bị nhiễm ô. Chân tâm là bảo vật!

Vọng tâm vốn nó không có, chỉ cần buông vọng tưởng xuống chân tâm liền hiện tiền. Vọng tâm buông bỏ rồi, chân tâm liền làm chủ. Chân tâm làm chủ, chính là Pháp thân Bồ Tát. Thiên Thai đại sư gọi đó là phân chứng tức Phật, họ chân Phật không phải là giả Phật. Tiêu chuẩn này là dùng chân tâm, chính là chân Phật; dùng vọng tâm chính là chúng sanh. Phật và chúng sanh sai biệt chính tại nơi này vậy. Chúng sanh trong thập pháp giới đều dùng vọng tâm. Một khi họ dùng chân tâm, họ liền siêu việt thập pháp giới. Người dùng chân tâm không trú thập pháp giới, thập pháp giới tự nhiên sẽ không còn nữa. Cho nên cổ đức nói thập pháp giới cũng giống như nằm mộng vậy, trong mộng thì có, tỉnh lại rồi sẽ không còn nữa, thập pháp giới sẽ không còn nữa. Người dùng chân tâm là họ đã tỉnh trở lại rồi, thập pháp giới của họ không còn nữa. Sau khi tỉnh lại cảnh giới họ nhìn thấy là cõi Thật báo. Họ nhìn thấy được là 41 vị pháp thân đại sĩ ở cõi Thật báo tu hành.

Thế Giới Tây Phương Cực Lạc nói đến là quốc độ thanh tịnh, vô lượng trang nghiêm, đó là giới thiệu cho chúng ta về cõi Thật báo, dùng chân tâm mà hiện ra được. Chân tâm năng sanh năng hiện. Tương đối là thập pháp giới. Thập pháp giới là thức biến, duy thức sở biến. Trong cõi thật báo không có duy thức, không có thức, chỉ có tâm, không có thức. Đây là vô nhiễm vô trước.

“Hoan hỷ giả, thích duyệt tại tâm, tịch diệt vi lạc dã”. Hoan hỷ này là một hình dung từ, không phải là từ hoan hỷ mà chúng ta thông thường lý giải đó. Sự hoan hỷ này là điều không thể nào tưởng tượng được, là trong chân tâm, nó vốn có đủ đại đức, hoan hỷ, chúng sanh trong thập pháp giới không có. Trong kinh giáo Đại thừa thường nói thường sanh tâm hoan hỷ, là chỉ cho hoan hỷ này vậy, tuyệt đối không phải là điều phàm phu chúng ta thường nói hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục. Hỷ đó là hoan hỷ, đó gọi là thất tình, thất tình lục dục là phiền não, không phải là trí tuệ. Hoan hỷ của người ta là trí tuệ. Thánh nhân thế gian cũng có thể nếm được một phần nhỏ cục bộ, giống như Khổng Tử nói “học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ”. Câu nói này phía trên có “tử viết”, là Khổng Tử nói. Phải chăng bản thân Khổng Tử, thực sự bản thân Khổng Tử nói vậy? Nói với quí vị rằng, rất khó nói. Bởi vì phu tử từng nói với chúng ta, ông một đời “thuật nhi bất tác”, ông không có sáng tác, không có phát minh, vậy thì câu “học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ”, có thể là lời của cổ nhân nói. Ông đem nó viết lại thành văn tự để lưu lại, điều này rất có khả năng như vậy. Phu tử “tín nhi háo cổ”, thật quý hóa! Trong Phật Pháp, trong giáo dục truyền thống, người có tâm thái như vậy là học trò tốt nhất. Bởi vì họ có thể tiếp thu sự giáo huấn của thầy giáo, họ có thể thiết thực thi hành, họ có thể thừa truyền, họ có thể đem những điều cổ thánh tiên hiền dạy lại phát huy rộng lớn, chính tại nơi câu “tín nhi háo cổ” này vậy. Tin sâu không nghi, yêu thích lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền. Đây không phải đã nói rồi sao? Mười phần thành kính, họ được mười phần lợi ích. Chúng ta chỉ có một hai phần thành kính, được lợi ích cũng chỉ có một hai phần mà thôi. Vậy người không có lòng thành kính, ngày ngày đọc, ngày ngày học, họ không đạt được điều gì cả. Họ đạt được chỉ là những thường thức ngoài da, tinh túy mà Thánh hiền nhân tu học họ không đạt được. Chúng ta muốn học Thánh hiền, muốn thành Phật, muốn thành Bồ Tát, phải biết đây là điều đầu tiên bắt buộc phải đầy đủ điều kiện. Không thành, không kính, vậy là quí vị sai rồi, quí vị không đạt được thứ gì cả. Cho nên tâm thái tu học này của Khổng Tử đáng được chúng ta học tập. “Tín nhi háo cổ”, đây là điều quan trọng nhất. “Thuật nhi bất tác”, đây là tu dưỡng của ông, là đức hạnh của ông. Nhất định không có mảy may kiêu ngạo, không có mảy may tâm danh lợi, thật thà trung thực. Hoàn toàn tuân theo giáo huấn của Cổ thánh tiên hiền. Chăm chỉ nỗ lực y giáo phụng hành. Chắc chắn không nói tôi phải vượt qua họ. Vượt qua họ, vậy thì cổ đại đức, thầy giáo nếu như khích lệ đối với học trò, đó gọi là trò giỏi hơn thầy, hậu sanh khả úy. Hi vọng đời sau đời này siêu việt hơn đời trước, là lời khích lệ, quí vị thực sự có thể siêu việt không? Ở Trung Quốc tiêu chuẩn của Cổ thánh tiên hiền, Thánh là đến cực điểm, không thể nào vượt qua được nữa. Trong kinh giáo Đại thừa Phật đến cực điểm, cực hạn, viên mãn rồi, quí vị có thể đạt đến sự viên mãn như Ngài vậy, nhưng quí vị không thể nào siêu việt được nữa. Ngài giống như một trái bóng, một diện tích tròn đầy, tròn rồi không thể nào vượt qua được nữa. Đạt đến viên mãn giống như Ngài vậy. Làm sao để có thể đạt được? Thực sự mà nói, Phật nói rất hay: tất cả chúng sanh vốn là Phật, không phải là đã viên mãn rồi sao? Mọi người đều giống nhau. Không phải là một mình Ngài viên mãn, người người vốn là viên mãn, không những người người vốn đã viên mãn, thập pháp giới y báo chánh báo trang nghiêm vốn đã là viên mãn rồi. Siêu việt chỉ là vọng tưởng. Siêu việt là phiền não. Siêu việt chỉ có thể đọa lạc đi xuống, không thể tiếp cận viên mãn. Điều này không thể không biết.

/ 600