/ 600
458

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 250

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 23.01.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 304, bắt đầu xem kinh văn, hàng thứ năm từ dưới đếm lên.

“Ngã tác Phật thời, tha phương thế giới, chư Bồ Tát chúng, văn ngã danh giả, chứng ly sanh pháp, hoạch đà la ni.” Đây là nguyện thứ 46 nguyện- Hoạch đà la ni. “Thanh tịnh hoan hỷ, đắc bình đẳng trú, tu Bồ Tát hạnh, cụ túc đức bổn, ứng thời bất hoạch, nhất nhị tam nhẫn.” Tiểu tiết này là nguyện thứ 47- Văn danh đắc nhẫn. “Ư chư Phật Pháp, bất năng hiện chứng, bất thoái chuyển giả, bất thủ chánh giác”. Câu cuối cùng là hiện chứng bất thoái. Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm lão, đây là nguyện cuối cùng, chương thứ 24.

Chương bên phải có ba nguyện, ba nguyện trong chương này, từ hộ đà la ni trở lên là nguyện Hoạch đà la ni thứ 46. Từ nhất nhị tam nhẫn trở lên là nguyện Văn danh đắc nhẫn thứ 47. Từ đây trở xuống là nguyện hiện chứng bất thoái thứ 48.

Nguyện thứ 46, “ly sanh giả, ly sanh tử dã. Tam thừa hành nhân, nhập ư kiến đạo, nhân kiến đế lý, đoạn kiến tư hoặc, vĩnh ly tam giới chi sanh, thị vân chánh tánh ly sanh.” Ly sanh này, trong chú giải nói rất rõ ràng, là lìa sanh tử vậy. Sanh tử đây là lục đạo luân hồi. Tam thừa hành nhân, Tiểu thừa là A la hán, Thanh văn, trung thừa là Bích Chi Phật, Đại thừa là quyền giáo Bồ Tát. Họ nhập vào kiến đạo. Đạo chính là chân tướng sự thật, không phải là hoàn toàn kiến đạo, nghĩa là đã hiểu được sơ bộ rồi. Vì sao vậy? Họ có thể đoạn được kiến tư phiền não, trong Đại thừa thường nói tam giới 88 phẩm kiến hoặc, kiến là kiến giải, hoặc là mê hoặc. Vì kiến giải quí vị có mê hoặc, cho nên quí vị đối với những thứ đã thấy được, hoàn toàn là ngộ nhận, chưa nhìn thấy chân tướng sự thật. Đây là điều nghiêm trọng nhất trong phiền não.

Học Phật thì phải bắt đầu đoạn từ nơi này, đoạn phiền não thì phải bắt đầu đoạn từ đây. Ngoài kiến hoặc ra còn có tư hoặc. Tư là quí vị nghĩ sai, là bệnh chung của chúng sanh trong lục đạo. Quí vị nghĩ sai, quí vị nhìn sai, tư hoặc có 81 phẩm, ba cõi 81 phẩm. Kiến hoặc tuy rất mạnh mẽ, nhưng vẫn dễ đoạn, tư hoặc không dễ đoạn. Cổ nhân có một ví dụ, đoạn tư hoặc giống như ngó đứt tơ còn vương, ngó sen cắt đứt rồi, sợi tơ nó vẫn còn vương. Cho nên tư hoặc khó đoạn hơn kiến hoặc.

Đức Phật vì thuận lợi cho việc dạy học, đem nó quy nạp thành năm loại lớn, kiến hoặc năm loại, tư hoặc cũng có năm loại. Kiến hoặc, chúng ta thường nhắc đến, thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến. Năm loại lớn này. Tư hoặc là tham, sân, si, mạn, nghi. Nghi này là hoài nghi đối với thánh giáo, hoài nghi đối với thánh nhân, hoài nghi đối với giáo huấn của thánh nhân. Hoài nghi như vậy thì quí vị không học được gì. Giáo huấn của Thánh Hiền phải dùng tâm thái như thế nào quí vị mới có thể học được? Nhất định phải có tâm cung kính. Không có tâm cung kính thì học không được gì. Như vậy xem ra chúng ta mới thực sự thể hội được, việc liễu sanh tử, xuất tam giới, thoát ly lục đạo luân hồi, thực sự không dễ dàng gì! Vì sao đức Phật nói như vậy? Vì lục đạo luân hồi là kiến tư phiền não tạo thành, có kiến tư phiền não liền có lục đạo luân hồi, có nhân thì có quả. Nếu như đoạn được kiến tư phiền não, lục đạo luân hồi sẽ không còn nữa. Lục đạo luân hồi đích thực không phải là thật, giống như nằm mơ vậy. Quí vị ở trong mộng có cảnh giới này, tỉnh lại rồi, cảnh giới này sẽ không còn nữa. Nếu như kiến tư phiền não đoạn rồi, quí vị sẽ tỉnh trở lại, quí vị mới biết lục đạo căn bản không tồn tại, hoàn toàn là giả. Cảnh giới sau khi tỉnh trở lại chính là pháp giới tứ thánh. Chúng ta dùng lời của thế giới Cực Lạc để nói lục đạo luân hồi là cõi Phàm thánh đồng cư. Tứ thánh pháp giới là cõi Phương tiện hữu dư, vậy thì mọi người dễ hiểu rồi. Cho nên cõi Phàm thánh đồng cư không thấy nữa, tỉnh lại rồi, cõi Phương tiện hữu dư xuất hiện, quí vị hoàn toàn tiến vào các tầng không gian khác. Nhưng điều này vẫn không phải là thật. Nó tạo thành như thế nào? Phật nói với chúng ta, trần sa phiền não và vô minh phiền não tạo thành. Trần sa phiền não, trần sa là ví dụ cho phiền não nhiều quá nhiều quá. Nó đến như thế nào? Từ phân biệt mà có, tâm phân biệt của chúng ta, dùng tâm này đối với vũ trụ vạn vật, lúc khởi tác dụng liền phân biệt rồi. Phân biệt vô lượng vô biên, ví dụ nó với trần sa, phiền não này tuy nhẹ hơn kiến tư phiền não, nhưng vẫn chướng đạo, chướng ngại quí vị minh tâm kiến tánh, cho nên phải đoạn, sau khi đoạn rồi, trong tứ thánh pháp giới quí vị liền chứng được Bồ Tát. Bồ Tát tuy trần sa phiền não đã đoạn được rồi, họ vẫn còn có vô minh phiền não, vô thỉ vô minh. Vô thỉ vô minh nếu như đoạn được rồi, tứ thánh pháp giới không thấy nữa, cho nên là giả, không phải thật. Tứ thánh pháp giới không thấy nữa, xuất hiện cảnh giới gì? Cõi thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai. Chúng ta nói Chư Phật Như Lai, nếu như nói cõi thật báo trang nghiêm của bản thân chúng ta, thì cũng nói thông được, đích thực là như vậy. Cho nên nói “phàm có hình tướng đều là hư vọng”, đều không phải là thật. Cõi thật báo hiện tại chúng ta cũng rõ rồi, cũng thấu đáo rồi. 41 vị pháp thân đại sĩ, nơi họ cư trú, 41 cấp bậc này Thiên Thai đại sư đều xưng là Phật, họ là chân Phật, không phải là giả Phật. Cũng tức là nói người của 41 cấp bậc này, họ dùng là chân tâm, không phải là vọng tâm. Thập pháp giới trở xuống lục đạo toàn là dùng vọng tâm, họ không phải dùng chân tâm, dùng A lại da. Tứ thánh pháp giới không dùng A lại da. Vậy Tứ thánh pháp giới là thật sao? Tứ thánh pháp giới so với lục đạo dưới đó mà nói nó là thật, lục đạo là giả, tứ thánh pháp giới là giả, không phải là thật. Nếu như so sánh với Thường tịch quang mà nói thì nó vẫn là giả. Với Kinh Hoa Nghiêm đây là viên giáo. Từ sơ trụ đến đẳng giác 41 địa vị, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, 40 thứ bậc, trên đó còn có một bậc nữa là Đẳng giác, họ trú báo độ. Hướng lên cao hơn một bậc nữa là Diệu giác vị. Cõi thật báo cũng không thấy nữa. Cho thấy Phật nói câu: “phàm có hình tướng đều là hư vọng”, cõi thật báo cũng không ngoại lệ. Ngài không nói cõi thật báo là ngoại lệ, cõi thật báo cũng không ngoại lệ. Hướng lên trên nữa là thường tịch quang, thường tịch quang không có tướng, có thể hiện tất cả tướng. Ngay cả cõi thật báo cũng là thường tịch quang hiện ra. Vậy là hoàn toàn trở về với tự tánh rồi, đạt đến cứu cánh viên mãn, cho nên Kinh Hoa Nghiêm xưng là Diệu giác quả vị, vô thượng chánh đẳng chánh giác. Dùng những danh từ này để xưng tán Ngài.

/ 600