/ 600
480

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 249

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 23.01.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 303, hàng thứ tư từ dưới đếm lên. Nguyện thứ 45- nguyện Định trung cúng Phật.

“Định trung cúng Phật, bất thất định ý, đồng ư Đức Tuân Phổ Hiền Phẩm trung, trú thâm thiền định, tất đỗ vô lượng chư Phật, chánh thị phổ hiền đại sĩ thậm thâm cảnh giới”.

Đây cũng là nói Bồ Tát ở thế giới phương khác, có duyên nghe đến danh hiệu Phật A Di Đà, đạt được công đức lợi ích thù thắng. Đây là định trung cúng Phật. Điều quan trọng là “không mất định ý”. Câu này vô cùng quan trọng. Vì sao có thể không mất định ý? Một câu kinh văn này trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, chúng ta nên học tập như thế nào, để nó giúp cho bản thân chúng ta đoạn phiền não, khai trí tuệ, nâng cao cảnh giới, chúng ta học rồi, mới có thể đạt được lợi ích chân thật? Đây chính là nhìn thấu buông bỏ. Hàm nghĩa của hai chữ nhìn thấu này, là thấu tỏ thông đạt đối với chân tướng sự thật, đây gọi là nhìn thấu, không có nghi hoặc đối với thật tướng các pháp. Sự việc này thông thường mà nói, nhất định phải thông qua tam học giới định tuệ, trì giới, tu định, khai huệ, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, mới có thể thông suốt rõ ràng, không còn khởi tâm động niệm nữa. Định ý này sẽ không bị mất đi.

Định này là gì? Tự tánh vốn định. Huệ Năng đại sư dạy chúng ta: “đâu ngờ tự tánh vốn không dao động”, vốn không dao động chính là tự tánh vốn định, chính là không mất định ý. Trong kinh giáo thường nói, “na già thường tại định, vô hữu bất định thời”, chính là ý nghĩa này vậy. Định trung cúng Phật là ở trong thiền định, trong định có tác dụng. Định không phải là cứng ngắc, mà định rất linh hoạt. Câu nói này chúng ta cũng có thể xem nó là quả vị Diệu giác của Chư Phật Như Lai, họ đã trở về với tự tánh rồi. Nói cách khác, đó đều ở trong định. Trong định cúng dường những gì? Thế Tôn ở trong Kinh Hoa Nghiêm nói cho chúng ta biết: “tất cả chúng sanh vốn là Phật”.

Trong Quán Kinh nói “tâm này là Phật, tâm này làm Phật”, quả vị Diệu giác của Chư Phật Như Lai, ứng hóa nơi thập pháp giới y chánh báo trang nghiêm. Có thể nói là định trung cúng Phật, không mất định ý hay chăng? Đương nhiên có thể. Đây là chân tướng sự thật. Hiểu được đạo lý này rồi. Chư Phật Như Lai làm gương cho chúng ta. Cúng Phật đây là giáo hóa chúng sanh, chân thật cúng dường. Tuy thị hiện trong thập pháp giới, trong thập pháp giới chánh báo không ảnh hưởng đến họ, chưa làm cho họ khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm đã không có, phân biệt chấp trước đương nhiên không tồn tại. Đây là Chư Phật Như Lai, pháp thân Bồ Tát, trong khắp pháp giới hư không giới, chân tướng lợi ích tất cả chúng sanh.

Niệm Lão nói tương đồng với phẩm thứ hai trong phẩm Đức Tôn Phổ Hiền đã nói đến, trú thâm thiền định, đều thấy được vô lượng chư Phật. Chư Phật này không chỉ là chư Phật trong Thường tịch quang, chúng ta biết Thường tịch quang là tánh thể của tự tánh, nó không thuộc về hiện tượng tự nhiên, cũng không thuộc về hiện tượng tinh thần, càng không phải là hiện tượng vật chất. Các nhà khoa học nói, 90% của vũ trụ không thấy được, có lẽ là trở về với Thường tịch quang, trở về với tự tánh. Không những chúng sanh trong thập pháp giới, không thể nào cảm nhận ra được, mà 41 vị pháp thân đại sĩ của cõi Thật báo, đối với họ cũng cảm thấy rất mơ hồ, không rõ ràng. Lời này có căn cứ. Phật ở trong kinh nói Đẳng giác Bồ Tát xem cảnh giới trên Như Lai quả địa có khi như cách lưới xem trăng. Ban đêm chúng ta ngắm trăng sáng, cách một tấm vải voan, cách một tấm vải voan nhìn mặt trăng bên ngoài, tức nói họ vẫn không phải là hoàn toàn rõ ràng, còn có một chút chướng ngại. Hoàn toàn không có chướng ngại, đó là chỉ có Phật với Phật mới có thể rốt ráo. Phật này là Phật Diệu giác quả, trên Đẳng Giác. Họ nhìn thấy vô lượng chư Phật trong Thường tịch quang. Ngoài Thường tịch quang thì sao? Thực sự mà nói Thường tịch quang không có trong ngoài. Chúng ta nói họ vẫn còn có mê hoặc, còn chưa trở về với Thường tịch quang, đó chính là cõi Thật báo. Y báo chánh báo trang nghiêm trong thập pháp giới. Trong đây là Thiên thai đại sư đã nói, trong lục tức Phật, phần chứng tức Phật là cõi Thật báo. Tương tự tức Phật là cõi Phương tiện của Tứ thánh pháp giới. Trong lục đạo những chúng sanh này là Danh tự tức Phật. Phàm phu chúng ta hữu danh vô thực. Thế Tôn nói tất cả chúng sanh vốn là Phật, tức là nói phàm phu thế gian chúng ta, Danh tự tức Phật. Người thực sự tu hành, chưa ra khỏi lục đạo, tu hành cũng rất giống, Thiên Thai đại sư xưng họ như vậy.

/ 600