/ 600
591

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 247

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 22.01.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 299, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên. Bắt đầu xem từ câu Kinh Hoa Nghiêm lại nói.

“Thí như thanh tịnh sáng suốt phát ra ánh sáng, như tấm kính kim pha lê và mười thế giới, trong tấm kính này thấy vô lượng cõi, tất cả núi sông, tất cả chúng sanh, địa ngục ngạ quỷ, dù xấu dù đẹp, hình loại khác nhau, đều hiện trong đó”. Đây là một đoạn kinh văn trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Thế Tôn dùng thí dụ để nói.

Bên dưới nói đến kính pha lê, ví như một tấm kính, chúng ta thường nói kính hoa thủy nguyệt, hàm nghĩa chân thật là tất cánh không bất khả đắc. Kính này là “minh”, quang minh, thanh tịnh, còn phát quang. Ở đây “kim” cũng là ví dụ, ví với sự vĩnh hằng bất biến, cho nên kim là kim loại quý trọng, đạo lý là như vậy. Đây là kính pha lê.

“Với mười thế giới...”, là ví sự lớn nhỏ của chiếc gương này, chiếc gương này rất lớn, có mười thế giới. Một thế giới là khu vực giáo hóa của một vị Phật, chính là một tam thiên đại thiên thế giới. Cho thấy chiếc gương này rất lớn, lớn bằng mười tam thiên đại thiên thế giới. Kinh Hoa Nghiêm thường dùng con số này làm ví dụ.

Ví dụ Bồ Tát Đại Long, đem bộ kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, mà Thế Tôn giảng trong định suốt hai tuần khi thị hiện thành Phật, phân lượng bao nhiêu? Cũng là mười đại thiên thế giới vi trần kệ, đều dùng mười đại thiên thế giới làm ví dụ. Thực tế mà nói mười không phải là số lượng, mà tượng trưng vô lượng vô biên không có cùng tận, biểu trưng ý này, biểu trưng sự viên mãn, ở đây cũng như vậy.

Bên dưới nói: “Chiếu soi tất cả núi sông”, y báo thế gian, tất cả chúng sanh là chánh báo thế gian. Đặc biệt nói cho chúng ta biết về ba đường ác, “địa ngục ngạ quỷ”, trong này cũng có “xấu đẹp”, “hình loại khác nhau”, rất nhiều, “đều hiện trong đó”. Trong địa ngục ngạ quỷ cũng có đẹp xấu, ví dụ địa ngục tốt, chịu tội nhẹ hơn, thời gian ngắn hơn. Còn như xấu, chịu tội cực kỳ nghiêm trọng, thời gian rất dài, trong chiếc gương này có thể thấy hết tất cả, thấy một cách rõ ràng minh bạch.

“Chúng sanh là chỉ thế giới Cực Lạc và tất cả chúng sanh khắp mười phương”, chúng sanh ở đây là trong kinh văn, “chúng sanh nhìn thấy, sanh tâm hy hữu”. Không riêng chỉ chúng sanh ở thế giới Cực Lạc, còn bao gồm tất cả chúng sanh khắp mười phương thế giới. Đương nhiên chúng sanh ở thế giới Ta bà, và trên địa cầu này cũng ở trong đó, có ai nhìn thấy chăng? Có, chẳng những kinh điển nói có, mà trong bút ký ngữ lục của cổ đức ghi chép cũng có.

Lại nói chúng ta hiện nay, có một vài chúng sanh có nhân duyên, cũng có nhìn thấy. Hoặc thấy ở trong định, hoặc thấy trong mộng, hoặc thấy trong lúc bệnh. Họ đem những tình huống thấy được này chia sẻ với chúng ta. Chúng ta biết trong kinh điển Đức Phật nói những ví dụ này, không phải hư vọng. Những chúng sanh này, “nếu thấy thế giới Cực Lạc chiếu soi tướng mười phương”, ánh quang minh của thế giới Cực Lạc, chiếu khắp pháp giới hư không giới. Trong tất cả chúng sanh, người nhân duyên đầy đủ đều có thể nhìn thấy. “Nhìn thấy đều sanh khởi tâm bồ đề vô thượng thù thắng”. Chúng ta nói một câu đơn giản, họ sẽ sanh khởi lòng tin chân thật.

Mới biết công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn, đặc biệt là khi bệnh nặng. Suốt đời chưa từng tiếp xúc Phật pháp, không tin lợi ích của việc niệm Phật. Nhưng khi bệnh nặng, thuốc men không còn hiệu quả, thiện hữu hoặc gia thân quyến thuộc, lúc này niệm Phật hồi hướng cho họ. Nỗi đau bệnh tật của họ giảm nhẹ, dần dần sanh khởi niềm tin và niệm Phật theo. Nếu thọ mạng còn bệnh họ khỏe dần, còn như thọ mạng đã hết họ sẽ nhìn thấy Phật, tiếp dẫn về thế giới Cực Lạc, sanh tâm đại hoan hỷ.

Những vấn đề này, chư vị học Phật phải dùng thái độ cung kính cẩn thận để nhìn nhận, tuyệt đối không được sanh ngộ nhận, dùng tâm may mắn, hy vọng khi bản thân lâm mạng chung được Phật đến tiếp dẫn, như vậy là sai. Bình thường không tinh tấn, hy vọng khi lâm chung được Phật tiếp dẫn, chẳng phải không có hạng người này, có nhưng không nhiều.

Người như vậy cũng chẳng phải không có nguyên nhân, đại đa số, có thể nói là tuyệt đại đa số, trong đời quá khứ túc căn sâu dày. Nghĩa là đời này không có duyên gặp Phật pháp, nhưng nhiều đời kiếp trong quá khứ đã từng tu học, trong A lại da có thiện căn sâu dày. Khi lâm chung, khoảnh khắc ngắn ngủi đó, thiện tri thức vừa nhắc nhở, chủng tử trong A lại da của họ liền hiển lộ ra, lập tức khởi tác dụng. Nếu nói trong A lại da không có chủng tử Phật pháp, dù Phật đến tiếp dẫn họ cũng không tin, vẫn cực tuyệt. Đạo lý này chúng ta không thể không hiểu.

/ 600