/ 600
588

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 246

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 21.01.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 297, hàng cuối cùng, bắt đầu từ câu cuối cùng.

“Bồ đề bảo thọ của cõi nước này, có thể khiến người thấy tự nhiên ngộ đạo, chứng nhập vô sanh pháp nhẫn. Công đức cây này thật là vô thượng hy hữu, vi diệu khó nghĩ. Cho nên biết cây báu này là nguyện vương bí mật trang nghiêm tâm của Phật A Di Đà hiển lộ ra”. Chúng ta xem đến đây, đoạn này vẫn là nói rõ về nguyện vô lượng sắc thọ.

Trong kinh Đức Phật dạy rằng, thấy cây là có thể được ba loại nhẫn, âm hưởng nhẫn, nhu thuận nhẫn, vô sanh pháp nhẫn. Vì loại sau cùng là vô sanh pháp nhẫn, cho nên chư vị tổ đức đều cho rằng đây là cảnh giới của Bồ Tát địa.

Hôm nay chúng ta đọc tiếp kinh văn của Đại Kinh Giải, Hoàng Niệm Lão nói, bồ đề bảo thọ của cõi nước này, có thể khiến người thấy tự nhiên ngộ đạo, mà còn có thể chứng nhập vô sanh pháp nhẫn. Hay nói cách khác là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật.

Ở thế giới Cực Lạc nghe kinh nghe pháp sẽ khai ngộ, nhân duyên khai ngộ mỗi người đều khác nhau. Đích thực có người ở trong hội của Thế Tôn nghe pháp khai ngộ, thế giới Cực Lạc cũng có, khi cúng dường mười phương Chư Phật Như Lai, nghe kinh nghe pháp khai ngộ. Nhân duyên khai ngộ quá thù thắng, vì sao chúng ta phải coi trọng nhân duyên này như vậy? Vì nhân duyên này có liên quan mật thiết với thiện căn tu học trong nhiều đời kiếp quá khứ. Trong quá khứ, nhiều đời kiếp tu học pháp môn này, đời này chưa gặp được, gặp pháp môn không giống với pháp môn tu học trong quá khứ, như vậy thì rất khó. Nếu như gặp được pháp môn tương đồng với trong nhiều đời kiếp quá khứ đã học, bây giờ rất thuần thục. Người xưa gọi là quen tay hay việc, sẽ rất dễ khai ngộ, đạo lý là như vậy.

Nhân duyên khai ngộ của thế giới Cực Lạc quá rộng quá sâu, những hiện tượng sáu căn tiếp xúc, đều có thể giúp ta khai ngộ. Mắt nhìn thấy cây, ngửi được hương thơm của cây, đây đều là duyên. Không nhất định duyên gì giúp ta khai ngộ, giúp ta chứng được vô sanh pháp nhẫn. Công đức của cây này, quả thật là vô thượng hy hữu, vi diệu khó nghĩ, không thể tưởng tượng. “Cho nên biết cây này quả thật là tâm bí mật trang nghiêm của A Di Đà nguyện vương hiển lộ ra”. Câu này nghĩa là oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì. Từ lý mà nói, tất cả chúng sanh khắp mười phương thế giới, luôn luôn được Phật A Di Đà gia trì. Hôm nay chúng ta cũng được bổn nguyện của Phật Di Đà gia trì, mới có thể xem hiểu những kinh văn này, mới nhận ra trong kinh văn này có rất nhiều ý nghĩa, nhưng vẫn không sánh bằng thế giới Cực Lạc. Vì sao vậy? Rất rõ ràng, ở thế giới Cực Lạc tâm luôn thanh tịnh bình đẳng. Ở thế gian này của chúng ta, dù công phu tốt đến đâu, đều không tránh khỏi sự ô nhiễm của hoàn cảnh. Ô nhiễm của hoàn cảnh vật chất, ô nhiễm của hoàn cảnh tinh thần, còn ô nhiễm của hoàn cảnh tự nhiên, chúng ta đều phải lãnh chịu, không thể không biết điều này. Thế giới Cực Lạc thuần tịnh thuần thiện, sáu căn tiếp xúc đều là vô thượng diệu pháp, đều là nguyện vương bí mật trang nghiêm của Phật Di Đà hiển lộ.

Bên dưới Hoàng Niệm Lão nói: “Tâm này Mật giáo phân là đệ thập trụ tâm”. Phật giáo tại Trung quốc, từ xưa đến này có mười tông phái, Mật tông là một trong mười tông phái đó, phân giáo của mỗi tông phái không giống nhau. Đây là đưa ra Mật tông phân đệ thập trụ. “Đệ thập trụ tâm là cứu cánh quả Phật, đệ thập nhất địa là quả vị Như Lai chứng được, cho nên có thể ban cho chúng sanh lợi ích rốt ráo chân thật”. Nếu Phật không chứng được, không thể giúp đỡ tất cả chúng sanh. Phật chứng được cứu cánh viên mãn, nghĩa là chỉ cần người học Phật, bất luận là căn cơ sâu hay cạn, sức mạnh của Phật đều có thể dùng được. Lợi ích này vô cùng thù thắng, có thể giúp chúng sanh vãng sanh Tịnh độ ngay trong đời này, cũng chính là vãng sanh thế giới Cực Lạc.

Y chánh trang nghiêm trong bốn cõi ở thế giới Cực Lạc, tuy chúng ta chưa học hết kinh này, chưa đến một nửa, những đại khái cũng đã hiểu rõ tình tiết. Không những hiểu mà còn thâm tín không nghi, đặc biệt là 48 nguyện trong phẩm thứ sáu. Chúng ta đã học 40 nguyện, ở sau còn tám nguyện là hoàn thành phẩm này. Phẩm kinh này là chính Phật A Di Đà tuyên thuyết, Phật Thích Ca Mâu Ni thuật lại cho chúng ta, đúng y như lời Phật A Di Đà, không sửa dù một chữ, thuật lại cho chúng ta. Khiến chúng ta dần dần nhận thức rõ về thế giới Cực Lạc, tín tâm mới kiên định, mới thật sự buông bỏ.

/ 600