Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 245
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 21.01.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 296, chúng ta bắt đầu xem từ hàng thứ ba, câu thứ hai, đây là một đoạn ngắn.
“Ý là, điểm vi tế của tất cả sự tướng, như một sợi lông một hạt bụi ở thế giới Cực Lạc, đều từ thực tế lý thể hiện ra, và diệu lý tương tức không hai, cho nên gọi là cùng vi”. Đoạn này khiến chúng ta nhớ đến một câu nói của nhà lượng tử khoa học, nhà vật lý học lượng tử người Đức là tiến sĩ Max Planck. Ông là thầy của Einstein, danh sư xuất cao đồ, có một học trò giỏi như thế. Ông nói, ông đối với kết luận sau cùng của việc nghiên cứu nguyên tử, thì trên thế gian này không có cái gọi là vật chất tồn tại. Đây là thầy của Einstein nói, không có vật chất. Tất cả vật chất đều đến từ một sức mạnh nhất thể, khiến nguyên tử vận động và duy trì cẩn mật. Chúng ta cần phải nhận định đằng sau sức mạnh này là ý thức và tâm trí, tâm thức là nền tảng của tất cả vật chất. Câu nói này của nhà khoa học rất gần với ý nghĩa của đoạn văn này, hầu như 3000 năm trước Đức Phật nói, cùng một vấn đề với những gì nhà khoa học lượng tử hiện đại này nói. Chính là ở đây nói về điểm vi tế của một sợi lông mảy trần. Một sợi lông một mảy trần rất nhỏ, nó từ đâu đến? Một sợi lông, lông trên thân chúng ta, một sợi lông, một điểm vi tế chính là vi trần, nó từ đâu đến? Nó là huyễn tướng do tâm thức tích lũy mà sanh ra, đây chính là điểm vi tế của một sợi lông một hạt bụi. Điểm vi tế tức là lượng tử mà ngày nay các nhà lượng tử học thường nói đến, vi điểm này là lượng tử, cũng gọi là tiểu quang tử. Tiểu quang tử từ đâu mà có? Giới khoa học nói với chúng ta rằng, nó từ không sinh ra có. Đức Phật nói cho chúng ta biết, nó từ thực tế lý thể hiện ra. Thực tế lý thể là tự tánh, là thể tánh, là từ trong thể tánh biến hiện ra. Huyễn tướng này và lý thể tương tức không hai, câu này không dễ hiểu. Ở trước thêm chữ “diệu”, nghĩa là nói diệu lý, diệu tướng. Lý diệu, tướng cũng diệu. Chữ diệu này có nghĩa là gì? Nó tượng trưng cho vật phi hữu phi vô, không thể nói nó có, cũng không thể nói nó không có. Nếu nói không có, nó giống như ánh chớp vậy, nó lóe lên một cái. Còn như nói là có, nó lập tức biến mất, không còn thấy nữa, đây gọi là diệu. Lý diệu, sự cũng diệu. Thể diệu, tướng cũng diệu. Đây gọi là diệu lý tương tức không hai, đây mới là cùng vi, là hai chữ này. Cùng nghĩa là truy tận nguồn cội, hiểu nó một cách triệt để. Vi là chỉ sự lý, sự lý này quá tinh vi.
Bên dưới là dùng giáo lý đại thừa giải thích cho chúng ta. “Mà tất cả hình tướng này”, tất cả hình tướng là nói muôn sự muôn pháp, tất cả hiện tượng khắp biến pháp giới hư không giới. Tất cả hiện tượng có thể chia thành ba loại lớn, hiện tượng tự nhiên, hiện tượng tinh thần và hiện tượng vật chất, bao hàm hết tất cả. Ở đây chỉ dùng “tất cả hình tướng”, câu này bao hàm hết thảy. Nó từ đâu mà có? Là tâm thanh tịnh hiện ra. Chúng ta có thể gọi là hiện tượng tự nhiên của tâm thanh tịnh để giải thích nó.
“Công đức vô lậu của Di Đà hiện ra”. Di Đà ở đây là chỉ người, Phật A Di Đà ở thế giới tây phương Cực Lạc, là công đức vô lậu của Phật A Di Đà. Công đức vô lậu, chúng ta bất đắc dĩ cũng có thể nói nó là hiện tượng tự nhiên, nó không phải hiện tượng tinh thần, không phải hiện tượng vật chất. Có thể nói hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần là hữu lậu, nó không phải vô lậu. Tâm hiện là hiện tượng tự nhiên, thức biến là hiện tượng tinh thần và hiện tượng vật chất, nó thuộc về hữu lậu.
“Cho nên gọi là tướng vô lậu”, tướng vô lậu này là chuyên nói đến vi điểm của một sợi lông, một mảy bụi, cũng chính là lượng tử mà ngày nay các nhà khoa học nói đến, là tướng vô lậu. Vì trong này không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước. “Nhất nhất đều là viên minh cụ đức”. Viên là viên mãn, minh là quang minh, đầy đủ vạn đức vạn năng. Như trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật nói, tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai. Minh tượng trưng cho trí tuệ, viên tượng trưng đức tướng, đức tướng viên mãn. Đây là tự tánh vốn đầy đủ, mà còn không sanh không diệt, vốn tự thanh tịnh, vốn không dao động, năng sanh vạn pháp. Ở đây cần chú ý điều gì? Chú ý hai chữ “nhất nhất”, vi diệu là ở chỗ này. Nhất nhất nghĩa là sao? Trong một sợi lông có vô số vi điểm, trong một hạt bụi có vô số vi điểm, chúng ta cần phải hiểu ý này. Thật ra vi điểm này như Bồ Tát Di Lặc nói: “một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm”, một niệm trong này chính là một vi điểm, vô số vi điểm. Một khảy móng tay của chúng ta có 32 ức trăm ngàn vi điểm, giới khoa học gọi là tiểu quang tử. Hiện nay khoa học dùng giây làm đơn vị, thời gian của giây dài, dài hơn khảy móng tay. Nếu một giây chúng ta khảy năm lần, một giây khảy năm lần vậy một giây có bao nhiêu vi điểm? Có 1600 triệu, một giây có 1600 triệu vi điểm. Hai chữ nhất nhất chính là nói đến vấn đề này, trong một giây có 1600 triệu vi điểm, mỗi vi điểm đều viên minh cụ đức. Hay nói cách khác, trong mỗi vi điểm, chúng ta dùng khoa học hiện nay để nói thì năng lượng, tin tức, vật chất đều viên mãn. Viên mãn đến mức độ nào? Không có gì khác với biến pháp giới hư không giới, trong mỗi một vi điểm đều có thế giới. Ở trước chúng ta đã học, Bồ Tát Phổ Hiền có thể đi vào thế giới này, có thể vào trong thế giới của vi điểm để tham học. Thế giới này của chúng ta không thu nhỏ, thế giới trong vi điểm cũng không phóng to, lớn nhỏ không hai, cảm quan đi vào đó hoàn toàn giống như hiện nay. Vậy chúng ta muốn hỏi, vũ trụ hiện nay của chúng ta là vũ trụ trong vi điểm, hay là vũ trụ lớn bên ngoài vi điểm? Nói cho chư vị biết, nói thật là không một cũng không hai.
Trong kinh nói rất hay, tương tức tương nhập. Chúng ta cần phải buông bỏ vọng niệm về phân biệt chấp trước, mới có thể thấy được. Vì sao vậy? Vì có phân biệt, có chấp trước là có vọng tưởng nghiêm trọng. Vọng tưởng chướng ngại ta kiến tánh, đây là tánh đức, cảnh giới minh tâm tiến tánh. Không những là viên minh cụ đức, mà “nhất nhất đều viên viên quả hải”, ý nghĩa viên viên quả hải này chúng ta rất ít gặp. Trong Hiển Mật Viên Thông nói: “Chỉ đức như biển của quả vị thánh giác viên mãn vô thượng”. Trong Kinh Hoa Nghiêm là Diệu giác Phật quả chứng được, nói cách khác Đẳng giác Bồ Tát vẫn không thấy được, Diệu giác mới thấy được.
“Đương thể tức là thật tướng”, thật tướng chính là tự tánh, nghĩa là đã kiến tánh, thấy được chân tướng của vũ trụ vạn hữu. Thật tướng là tướng chân thật, không phải vọng tướng. Chư vị phải biết rằng, những gì hiện nay chúng ta thấy toàn là vọng tướng. Chúng ta nhìn thấy lục đạo là vọng tướng, thập pháp giới là vọng tướng, pháp giới hư không giới là vọng tướng. Thậm chí nhìn thấy thế giới Cực Lạc cũng là vọng tướng, vì sao vậy? Vì một vọng thì tất cả đều vọng, chúng ta chưa buông bỏ cái vọng. Vọng tưởng là vọng, phân biệt là vọng, chấp trước là vọng, toàn là hư vọng. Khi nào chúng ta có thể đem những hư vọng này, buông bỏ hết vọng tưởng phân biệt chấp trước, chân lập tức hiện tiền. Những gì ta thấy được hoàn toàn tương đồng với trong kinh điển đại thừa nói, kinh điển đại thừa có thể chứng minh, chúng ta có thấy sai không, đối chiếu với kinh điển sẽ biết.
Thật tướng là gì? “Tướng mà vô tướng, vô tướng mà tướng, cho nên gọi là cực diệu”. Tất cả mọi hiện tượng không thể nói nó có, cũng không thể nói nó không, thực tế thì tướng này ngay trước mắt chúng ta. Đặc biệt rõ ràng là ta cảm nhận được, như mỗi ngày ta xem ti vi, mỗi ngày dùng vi tính để tiếp thu tin tức qua mạng. Công việc này người thời đại chúng ta hầu như mỗi ngày không thể tách rời, nó cùng một đạo lý với trong kinh nói. Màn hình chính là vi điểm, tất cả hiện tượng trong màn hình cũng là vi điểm. Trong vi điểm có màn hình viên mãn, trên màn hình có vi điểm viên mãn. Tướng tức vô tướng, ta có thể nhìn thấy nó chăng? Vô tướng mà tướng, hai câu này chẳng phải ngay trước mắt chúng ta sao? Nếu ta có thể nhận ra điều này là đã ngộ nhập cảnh giới Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm là gì? Trong màn hình này hiện tướng, chính là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Trên màn hình vi tính hiển thị ra cũng là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, không một cũng không hai, đây gọi là cực diệu. Thật sự có thể thấu suốt thật tướng, xin chúc mừng, tâm thanh tịnh của quý vị đã hiện tiền. Hay nói cách khác, tâm thanh tịnh của quý vị soi chiếu vạn vật, không nhiễm chút bụi trần. Vì sao vậy? Vì vạn vật không tự tánh, vạn vật không có nhiễm tịnh, vạn vật không có sanh diệt, vạn vật không có thiện ác, vậy nhiễm ô đâu ra! Như lục tổ Huệ Năng nói: “Xưa nay không một vật, nơi nào dính bụi trần”. Chúng ta khởi tâm động niệm cho rằng nó đã ô nhiễm, đó là giả không phải thật. Ta cho rằng nhiễm tức là nhiễm, còn cho rằng tịnh tức là tịnh sao? Không có. Bất luận trên màn hình hiện ra hình ảnh gì, thị phi, nhiễm tịnh, thiện ác đều không tồn tại! Những thị phi, nhiễm tịnh, thiện ác này là sao, rốt cuộc là sao? Một câu trong kinh điển đại thừa đã giải đáp cho chúng ta: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Bài kệ trong Kinh Kim Cang nói rất hay: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh”. Lúc này chúng ta có thể lãnh hội được những gì các bậc cổ đức xưa nay nói, tìm chân vọng liễu bất khả đắc, tìm tà chánh liễu bất khả đắc, tìm nhiễm tịnh bất khả đắc, tìm thiện ác cũng bất khả đắc. Xin chúc mừng, quý vị đạt được thanh tịnh bình đẳng giác, đạt được thanh tịnh bình đẳng giác tức là thành Phật. Thành Phật mới là cùng vi cực diệu, đây là cảnh giới của Như Lai quả địa.
Bên dưới, “kế viết”, tiếp tục nói. “Quảng lược tương nhập, không thể nghĩ bàn, cho nên gọi là vô năng xưng lượng”. Quảng là rộng lớn, lược là thu nhỏ. Quảng lược tương nhập là rộng ở trong hẹp, hẹp ở trong rộng. Chúng ta thay đổi hai chữ mọi người càng dễ hiểu hơn, đó là lớn nhỏ. Lớn là gì? Lớn là vũ trụ, pháp giới lớn, hư không pháp giới lớn. Nhỏ là gì? Nhỏ là vi điểm, đây là thuật ngữ trong kinh Phật. Vi điểm cũng là vi của cực vi, vật nhỏ nhất trong hiện tượng vật chất, không thể phân tách, tiếp tục phân tách tức không còn, gọi là vi của cực vi. Có thể cái hiện nay được gọi là lượng tử. Toàn thể vũ trụ chứa đựng trong lượng tử, lượng tử này cũng ở trong vũ trụ. Vũ trụ nhập vào lượng tử, vũ trụ không thu nhỏ, lượng tử không phóng to, làm sao có thể dung nạp? Chúng ta không sao lý giải được. Vũ trụ xưng tánh, lượng tử cũng xưng tánh, tánh không có lớn nhỏ, cho nên nó tương tức tương nhập. Tánh không phải bất kỳ hiện tượng nào, nó không phải hiện tượng tự nhiên, không phải hiện tượng vật chất, cũng không phải hiện tượng tinh thần, nó có thể sanh ra mọi hiện tượng, năng và sở không hai! Năng bao hàm sở, bao hàm tất cả sở sanh, điều này chúng ta dễ hiểu. Nhưng bất kỳ một vi điểm nào trong sở sanh, nó cũng bao hàm tự tánh viên mãn, điều này chúng ta không hiểu, không thể lý giải được. Trong kinh nói: “không thể nghĩ bàn”, thực tế câu này rất tuyệt diệu. Chỉ cần ta không tư không nghị là thấy được, là minh bạch. Tư là ta suy nghĩ, càng nghĩ càng sai. Nghị là thảo luận về nó, nghị luận nó, như vậy cũng sai, vì sao vậy? Vì cảnh giới này không phải lời lẽ có thể nói được. Nghị là tiền ngũ thức, tư là thức thứ sáu, thứ bảy, thứ tám. Dùng tám thức chính là vọng tâm, không thấy được chân tướng, không thấy được thật tướng.
Thật tướng là gì? Tướng mà vô tướng, vô tướng mà tướng, ta không thấy được. Buông bỏ tâm ý thức mới có thể thấy, nó có thể tương tức tương nhập. Hai câu ở đây giải thích rõ ràng, vì sao có thể tương tức tương nhập? Tướng tức vô tướng, vô tướng tức tướng, cho nên nó có thể tương tức tương nhập. Nhờ vậy chúng ta mới nhận biết rõ ràng hai câu này, khen ngợi nó là cực diệu, cho nên vô năng xưng lượng. Nó có lượng chăng? Không có lượng!
Hoàng Niệm Lão lại đem tổng kết ý nghĩa đoạn này nói với chúng ta. “Ý là thế giới Cực Lạc toàn hiển lộ pháp giới sự sự vô ngại”. Quý vị xem “một và nhiều tương tức, lớn và nhỏ tương dung, rộng hẹp tương nhập, trùng trùng vô tận, vượt ngoài tình kiến, ngôn ngữ đạo đoạn, cho nên không thể bàn, tâm tư lộ tuyệt, nên không tư duy. Ngôn ngữ tư duy không thể sánh được làm sao có thể xưng lượng? Cho nên gọi là vô năng xưng lượng”, giải thích quá tuyệt diệu!
Chúng ta thử nghĩ xem, cảnh giới trước mắt mình so với thế giới Cực Lạc là giống nhau hay khác nhau? Nếu là giống, vậy thế giới Ta bà này chẳng phải là thế giới Cực Lạc sao? Có giống chăng? Nói cho chư vị biết, giống thật không phải giả, sự giống lý cũng giống. Vậy khác ở đâu? Khác ở chỗ người ở thế giới tây phương Cực Lạc giác ngộ, chúng ta không giác ngộ. Họ buông bỏ, chúng ta chưa buông bỏ. Họ buông bỏ tâm ý thức, chúng ta vẫn chấp chặt tâm ý thức, khác nhau ở điểm này. Thế giới tây phương Cực Lạc, vi điểm của một sợi lông mảy bụi đều cùng vi cực diệu. Thế giới Ta bà này, vi điểm của một sợi lông một hạt bụi, cũng cực diệu tinh vi như thế giới Cực Lạc, không có gì khác. Chỉ là họ thấy được, còn chúng ta thì không. Không thấy được, nhưng nó có, ngay trước mắt. Giới khoa học đã chứng minh cho chúng ta, có thể nói họ đã nhìn thấy dấu tích của nó, nhìn thấy vấn đề này. Biết sự hiển nhiên của nó, nhưng không biết nguyên nhân của nó. Vì sao nó như vậy, giới khoa học không nói, nhưng Phật đã nói ra.
Mấy câu ở đây nói: “Sự sự vô ngại, một và nhiều tương tức, lớn nhỏ tương dung, rộng hẹp tương nhập, trùng trùng vô tận, vượt ngoài tình kiến”, nghĩa là họ đã nhìn thấy, đây là nói về điều gì? Chính là nói vi điểm của một sợi lông mảy trần, giới khoa học phát hiện vi điểm, nhưng không nói ra được. Bồ Tát Hoa Nghiêm nhìn thấy, thì ra trên thế gian lý vô ngại, sự vô ngại, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, sao họ có thể không được đại tự tại!
Xuất sanh vô tận là hiện tượng tự nhiên, tức ngay tại đây, xưa nay chưa từng để Bồ Tát khởi tâm động niệm, chiêu này rất tuyệt. Phàm phu chúng ta nhìn thấy cảnh giới bên ngoài liền khởi tâm động niệm, vị cảnh giới xoay chuyển. Đây gọi là định công của Bồ Tát, tự tánh bổn định. Đại sư Huệ Năng nói: “đâu ngờ tự tánh vốn không dao động”, nghĩa là tự tánh chúng ta vốn định.
Bị cảnh giới bên ngoài dao động là sao? Là vọng tâm, là tâm trạng, nó dễ bị cảnh giới bên ngoài nhiễu loạn. Tự tánh thanh tịnh tâm không bị cảnh giới bên ngoài mê hoặc, vì sao vậy? Vì cảnh giới là tướng mà vô tướng, vô tướng mà tướng, như vậy sao bị quấy nhiễu được! Giống như hình ảnh trên màn hình ti vi vậy, đem hai câu này ra đối chiếu, quán chiếu. Khi xem ti vi, tập trung tinh thần ý chí, ta thấy gì? Thấy tướng mà vô tướng, vô tướng mà tướng. Không hề ảnh hưởng bởi những hình ảnh trên ti vi, chỉ chuyên chú vào tướng mà vô tướng, vô tướng mà tướng, ta thấy điều này. Xem lâu ngày sẽ được tam muội, khi được tam muội liền đại triệt đại ngộ.
Trong giáo lý đại thừa nói: “các pháp bình đẳng, không có cao thấp”. Kinh Hoa Nghiêm có thể giúp ta khai ngộ, màn hình ti vi cũng có thể giúp ta khai ngộ. Thử hỏi màn hình ti vi và Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm có bình đẳng chăng? Bình đẳng. Then chốt ở đâu? Then chốt ở chỗ ta có biết chăng, nếu biết sẽ khai ngộ, không biết thì không khai ngộ. Không biết dù ngày ngày đọc Kinh Hoa Nghiêm cũng không khai ngộ, người biết thì xem ti vi cũng khai ngộ, xem ti vi thành Bồ Tát, thành Phật. Tuyệt diệu! Cho nên trong kinh gọi là cực diệu.
Chúng ta lại hỏi thêm câu nữa, Bồ Tát Long Thọ ở Long cung, trong Long cung của Đại Long Bồ Tát, thấy Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, tam thiên đại thiên thế giới vi trần kệ, nhất tứ thiên hạ vi trần phẩm, đó là gì? Nói thật với quý vị, đó chính là chúng ta từ sáng sớm thức dậy cho đến tối đi ngủ, suốt ngày này sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, những gì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân thể tiếp xúc, sự tưởng tượng, chính là Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, tức ngay tại đây! Vì sao vậy? Vì tướng mà vô tướng, vô tướng mà tướng.
Ta cũng có thể nhập vào cảnh giới của quốc sư Hiền Thủ. Cảnh giới của ngài là gì? Ngài quy nạp Kinh Hoa Nghiêm thành ba loại chu biến. Ý niệm vừa khởi_Ý niệm này chính là vi điểm của một sợi lông một hạt bụi, ý niệm này vừa khởi lập tức chu biến pháp giới, ý niệm vừa khởi liền xuất sanh vô tận, ý niệm này vừa khởi liền hàm dung không hữu. Phải chăng đây là cùng vi? Phải chăng đây là cực diệu? Không có một pháp nào không ngay tại đây, chính là ngay tại đây!
Nghe dạy không chấp tướng ngôn ngữ, không chấp trước tướng danh tự, không chấp trước tướng tâm duyên, như vậy là đã khế nhập. Thông thường chúng ta nghe kinh nghe pháp, vì sao không thể khế nhập? Vì chấp tướng, không biết tướng mà vô tướng, vô tướng mà tướng, đó gọi là thật tướng, là chân tướng. Chúng ta đều là vọng tâm, rơi vào trong cảnh giới tướng hư vọng, vì thế vĩnh viễn không thể khai ngộ, vĩnh viễn không thể trở về thanh tịnh bình đẳng, đạo lý là như vậy.
Mấy đoạn văn này văn tự không dài, nghĩa lý sâu rộng vô tận. Câu quan trọng nhất là “siêu tình ly kiến”. Ngày nay chúng ta không thể siêu tình, cũng không thể ly kiến, cho nên đọc những điều này không hiểu. Chữ đọc không sai, ý nghĩa hình như hiểu, lại hình như không hiểu, vì thế không được lợi ích. Phải học như thế nào? Bốn câu dưới nói với chúng ta: “Ngôn ngữ đạo đoạn, cố bất khả nghị”. Nghị là gì? Là nghiên cứu thảo luận, không được, chỉ có thể nghe. Vì sao không được nghị luận? Vì nghị luận chưa siêu tình ly kiến, nghị luận là tình kiến. Tình kiến không thể kiến tánh, bởi thế không cho phép ta nghị luận.
Quý vị xem Thiền tông, xem Ngũ Đăng Hội Nguyên, xem Truyền Đăng Lục, trong này rất nhiều điển tích. Hòa thượng trắc nghiệm người học trò, hỏi người này: “Đạo nhất cú lai”, nghĩa là ông nói một câu tôi nghe xem. Người học trò này bắt đầu mở miệng nói, lập tức đánh một quyền vào miệng không cho nói. “Đạo nhất cú lai”, học trò nghĩ ra rồi vì sao không cho nói? Ngôn ngữ đạo đoạn, quý vị đạo gì chứ? Động tác che miệng học trò lại, người này liền khai ngộ, thủ pháp này rất cao minh. Hay nói cách khác, hòa thượng có thần thông, có trí tuệ, nhìn thấy học trò này, khi nào? Khi sắp ngộ mà chưa ngộ, ngay thời điểm then chốt đó, chỉ thiếu một chút đó mà họ không thể khai ngộ. Chiêu này vừa biểu diễn ra, họ hoát nhiên đại ngộ. Nếu chưa đến mức độ nhân duyên này, dù cho bịt miệng đến ngộp thở vẫn không khai ngộ, hà tất như thế! Phương pháp này không phải có thể ứng phó với bất cứ người nào, chỉ đối với người họ có nhân duyên đặc thù, phải người như thế. Muốn một người khai ngộ, phương pháp đó quả thật là thiên biến vạn hóa, không có phương pháp nhất định. Người khai ngộ họ biết, khai ngộ tức là thành Phật, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Họ biết, người chưa khai ngộ không biết. Ta chưa khai ngộ, học theo những phương pháp đó của họ, sai lầm, điều này không học được.
“Tâm tư lộ tuyệt, cố bất khả tư”. Suy nghĩ được chăng? Không được suy nghĩ, suy nghĩ là ý thức khởi tác dụng, A lại da khởi tác dụng, Mạt na khởi tác dụng, Ý thức khởi tác dụng. Đây là ba tâm, ba tâm hai ý. Vọng tâm, vọng tâm vĩnh viễn không duyên được chân tâm, buông bỏ vọng tâm, chân tâm liền hiện tiền, vấn đề là như vậy.
Phải triệt để buông bỏ, đến thân đều không chấp trước. Lục đạo chúng sanh, chúng sanh nào không chấp trước thân này là ta, là chính mình? Người giác ngộ không chấp trước, biết thân này không phải là ta, cái gì là ta? Biến pháp giới hư không giới là chính ta. Hoàn toàn khẳng định không chút hoài nghi. Trong kinh điển gọi người này là gì? Là pháp thân Bồ Tát. Họ không phải lấy thân này làm thân, họ lấy tất cả pháp làm thân, có đạo lý chăng? Có đạo lý. Đạo lý gì? Chính là những gì ba đoạn trước trong Hoàn Nguyên Quán nói, từ nhất thể khởi nhị dụng. Nhất thể, tự tánh thanh tịnh viên minh thể. Khởi nhị dụng, thứ nhất là chánh báo, thứ hai là y báo. Chánh báo là chính mình, y báo là môi trường sống, bao gồm hư không pháp giới. Ba loại chu biến, chu biến pháp giới, xuất sanh vô tận, hàm dung không hữu, đây là pháp thân Phật. Kinh Hoa Nghiêm gọi là pháp thân đại sĩ, pháp thân Bồ Tát, họ trú trong cõi thật báo trang nghiêm. Họ chứng được thân kim cang bất hoại, là thân pháp tánh. Môi trường cư trú là cõi pháp tánh, pháp tánh bất sanh bất diệt.
Đoạn bên dưới nói: “Cho thấy Cực Lạc Tịnh độ, chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu tột, ngoài Phật ra tất cả chúng sanh trên đến Đẳng giác, ở giữa đến tất cả chúng sanh lớn nhỏ phàm thánh đầy đủ thiên nhãn, đều không thể nói hết hình sắc, quang tướng, danh số của nó, càng làm sao có thể tuyên thuyết chung tất cả?” Đây là giới thiệu thế giới Cực Lạc cho chúng ta. Sự tốt đẹp của thế giới Cực Lạc, sự thù thắng của thế giới Cực Lạc. Đến thế giới Cực Lạc thân cận Phật A Di Đà để học tập những gì? Những gì trong đoạn này nói, cũng chính là những gì thầy Phương Đông Mỹ nói, là triết học đỉnh cao nhất, và khoa học đỉnh cao nhất, nói rõ ràng minh bạch về nguồn gốc của vũ trụ vạn pháp. Tánh tướng, sự lý, nhân quả của tất cả pháp đều nói rõ hết. Ngày nay chúng ta gọi là học thuật, tất cả mọi học thuật đến đây gọi là đại viên mãn, nói đến tận cùng. Người hiếu học, đến tha phương thế giới cầu học, học vấn không có cảnh dừng. Đến thế giới Cực Lạc cầu học, mới đạt được đại viên mãn. Hơn nữa ngay trong đời này còn chứng được cứu cánh viên mãn, thành tựu vô thượng bồ đề, không thể không biết điều này. Cho nên “thế giới tây phương Cực Lạc chỉ có Phật với Phật mới có thể cứu cánh”, Phật ở đây là Diệu giác quả Phật.
Bên dưới nói càng rõ hơn: “Ngoài Phật ra”, chính là quả vị này, “còn tất cả chúng sanh, trên đến Đẳng giác, giữa có người đầy đủ thiên nhãn”, tức có ngũ thông hoặc lục thông. Những hàng đại thánh, tiểu thánh, phàm phu_phàm phu là chúng sanh, thánh là thánh nhân. “Đều không thể phân biệt hết hình sắc”, có thể phân biện nhưng không thể phân biện hết. Chỉ có thể phân biệt, nhận thức giới hạn, nhưng không thể nhận thức viên mãn, không thể.
Hình sắc ở thế giới Cực Lạc, hình là hình trạng, sắc là màu sắc. Quang tướng, quang là quang minh, tướng là tướng hảo. Danh số, vật này gọi là gì, số lượng bao nhiêu, ta đều không thể phân biệt được. Không thể phân biệt rõ hết, đương nhiên làm sao có thể tuyên thuyết tất cả được? Vì vậy giới thiệu thế giới Cực Lạc cho chúng ta, chỉ có Phật mới làm được. 48 nguyện là Phật A Di Đà tự nói, Kinh Vô Lượng Thọ cũng được tuyên thuyết từ kim khẩu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đẳng giác Bồ Tát đều không nói được. “Cho nên nói”, đoạn này là tổng kết trong nguyện văn. “Có người có thể phân biệt hình sắc, quang tướng, danh số và tuyên thuyết tất cả, không thành chánh giác”. Nghĩa là mười phương thế giới muốn đến thế giới Cực Lạc xem, không thể nói rõ ràng mọi thứ ở thế giới Cực Lạc, họ không có năng lực này, không có trí tuệ này.
Chương này chúng ta học đến đây, bây giờ xem tiếp chương sau:
“Ngã tác Phật thời, quốc trung vô lượng sắc thọ, cao hoặc bách thiên do tuần, đạo tràng thọ cao, tứ bách vạn lý, chư Bồ Tát trung, tuy hữu thiện căn liệt giả, diệc năng liễu tri”. Đoạn này là nguyện thứ 40, “nguyện vô lượng sắc thọ”. Tất cả chúng sanh đều yêu thích cây cỏ hoa lá, thế giới tây phương Cực Lạc cũng không ngoại lệ, cây cỏ hoa lá rất nhiều.
Chúng ta xem tiếp nguyện 41: “Dục kiến Chư Phật, tịnh quốc trang nghiêm, tất ư bảo thọ gian kiến. Do như minh kính, đổ kỳ diện tượng, nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác”. Nguyện sau cùng này rất thù thắng: “Nguyện thọ hiện Phật sát”. Mười phương cõi nước Chư Phật, quý vị muốn xem, tất cả đều hiện ra từ trên thân cây. Gốc cây đó giống như ti vi, như máy chiếu hiện nay vậy, ta muốn xem gì thì kênh đó liền hiện ra, cõi nước Chư Phật. Muốn xem chúng ta từ thế giới Ta Bà, đến thế giới Cực Lạc, muốn xem tình trạng ở thế giới Ta Bà. Giữa cây báu ta nhìn thấy thế giới ta bà, thấy địa cầu này, thấy hệ mặt trời, nhìn thấy rất õ ràng, cây hiện cõi Phật.
Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Lão: “Hữu chương”, chương bên phải, “đủ hai nguyện”, đầy đủ hai nguyện. “Từ câu cũng có thể hiểu trở lên”, chúng ta vừa đọc xong, “nói rõ nguyện vô lượng sắc thọ thứ 40”. “Muốn thấy cõi nước trang nghiêm thanh tịnh của Chư Phật trở xuống, là nguyện thọ hiện Phật sát thứ 41”. “Trong nước cây có vô lượng màu sắc, cao đến trăm ngàn do tuần. Cây vô lượng màu sắc là chỉ tất cả cây báu trong nước, do bảy báu hóa thành, màu sắc quang diệu, ngay hàng thẳng lối, rễ mọc theo lớp, là các cây báu biến khắp nước này”. Người thế gian, có thể nói là không phân biệt quốc gia, không phân chủng tộc, không phân tín ngưỡng, không ai không thích châu báu. Cho thấy châu báu là vật mà tất cả chúng sanh yêu thích.
Trong kinh Đức Phật thường dạy rằng: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, trong tâm thích những thứ này, nó liền hiện ra. Những hiện tượng vật chất này từ đâu mà có? Trong kinh Đức Phật dạy là do tâm hiện thức biến. Tâm hiện là bình đẳng, thức biến thì không giống nhau, đúng là tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng. Tâm chúng sanh thích gì nó hiện ra thứ đó.
Chúng ta xem chúng sanh hiện nay, tâm chúng sanh trên địa cầu này, họ thích điều gì? Họ thích tài sắc danh thực thùy, ngũ dục lục trần, họ thích những thứ này. Cổ nhân cũng yêu thích, cổ nhân thích của cải, thích châu báu. Bây giờ thích của cải, thích ngân phiếu, một tờ giấy mỏng, họ thích điều này, cho nên nó bay khắp bầu trời. Người ngày xưa thích kim ngân châu báu, quả thật thứ châu báu của cổ nhân hình như nhiều hơn chúng ta hiện nay. Chúng ta thấy trong sách cổ, đế vương thưởng cho đại thần, một lần ban tặng là ngàn lượng hoàng kim. Có thể thấy thời đó nhiều vàng, nhiều kim ngân, hiện nay hình như không có, đã thất tán, nghĩa là sao? Là chúng sanh không có phước báo, chỉ dùng tiền để thay thế, cho nên dùng tiền giấy. Ngày xưa dùng tiền vàng, tiền bạc, dùng vàng bạc. Bây giờ dùng tiền giấy, ngày xưa tiền giấy là ma quỷ dùng, quý vị nghĩ xem xã hội hiện nay thành ra như thế nào? Dùng tiền giấy, người và quỷ cùng chung sống.
Thích cây cỏ hoa lá là bản tánh tự nhiên, cây cỏ hoa lá ở thế giới Cực Lạc vô cùng tươi tốt, mà tất cả đều do trân bảo tạo thành. Bên dưới nói: “bảy báu hóa thành”, bảy không phải con số, nó là biểu pháp, biểu trưng sự viên mãn, nghĩa là ta thích châu báu gì liền hiện loại đó. Báu là vô lượng vô biên, cũng không có số lượng. Nếu có thể nói rõ tên và số lượng trân bảo ở thế giới Cực Lạc, điều này không thể, chỉ Phật và Chư Phật mới có thể nói rõ được, mới có thể nói được, Đẳng giác trở xuống đều không thể nói được.
Bảy tượng trưng sự viên mãn, là bốn phương, trên dưới tức là sáu, thêm ở giữa nữa là viên mãn, bảy tượng trưng ý này. Bốn phương, trên dưới, ở giữa tượng trưng sự viên mãn.
“Tất cả châu báu, biến hóa thành tựu”. Vinh là tốt tươi, cây cao lớn, cành lá hoa quả rất sum suê. Sắc là màu sắc, quang tức quang minh_Màu sắc tươi tốt sáng chói, diệu là khen ngợi. “Hàng hàng lớp lớp, rễ mọc thành hàng”. Cây này là trưởng thành, không phải do nhân công trồng trọt chăm sóc, tự nhiên, thẳng hàng thẳng lối, còn hoàn mỹ hơn cả thiết kế, thiết kế cũng không được đồ án đẹp như vậy. “Các cây báu biến khắp cõi nước này”, cõi nước thế giới Cực Lạc, đại đạo tràng của Phật A Di Đà. Học trò tứ độ tam bối cửu phẩm, đây là nói về học trò. Những cây báu này biến khắp cõi nước, cây cao 100 do tuần cho đến 1000 do tuần, cây cối ở đây quá cao lớn. Do tuần là đơn vị đo lường, đơn vị đo khoảng cách.
Bên dưới nói: “Ở đây 40 dặm đến 60 dặm, xem kỹ chú giải ở trước”, ở trước có chú giải. Vào thời Ấn độ cổ, một do tuần dài bao nhiêu? Dùng Trung quốc để so sánh, do tuần của Trung quốc có đại do tuần, trung do tuần, tiểu do tuần, chia thành ba bậc. Đại do tuần là 80 dặm của Trung quốc, trung do tuần là 60 dặm, tiểu do tuần 40 dặm.
Lúc Đức Thế Tôn ra đời là vào thời nhà Chu Trung quốc, trong sử Phật giáo ghi chép rất rõ ràng. Năm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời, là năm giáp dần thứ 24 của Chu Chiêu Vương. Khi Phật diệt độ là năm thứ 53 của Chu Mục Vương, Phật trú thế 80 năm. Người xưa tính tuổi mụ, 80 tuổi, người nước ngoài nói 79 tuổi.
Thước đo thời nhà Chu, thước đo nhà Chu dài bao nhiêu? Đầu năm dân quốc, đại sư Hoằng Nhất từng làm một cuộc khảo cứu, ngài có viết một bài văn có tên là Chu Xích Khảo. Nói cho chúng ta biết, một mét thời nhà Chu tương đương với sáu tấc hiện nay, thước của nhà Chu không lớn. Hay nói cách khác, đại do tuần 80 dặm cũng chỉ bằng 40 dặm hiện nay, tiểu do tuần là 20 dặm, trung do tuần là 30 dặm hiện nay. Là dặm của Trung quốc, không phải cây số, cây số lại phải giảm đi một nửa. Cũng khá cao, nếu cây số giảm mất một nửa, một đại do tuần 40 dặm Hoa tức là 20 cây số, tiểu do tuần mười cây số. Mười cây số, bây giờ chúng ta đi máy bay, thường bay ở độ cao khoảng 10 cây số, mười ngàn mét. Cây cao đến mức độ đó, máy bay mới bay lên đến đọt cây, thế giới Cực Lạc quả là không thể nghĩ bàn! Cây cao chúng ta cũng liên tưởng đến người cao lớn, nếu như người nhỏ mà cây cao như thế, như vậy không tỷ lệ thuận. Do đây có thể biết, độ cao của người ở thế giới Cực Lạc.
Hiện nay chúng ta sống, môi trường sống ở Úc châu, cây cũng rất cao lớn, cao khoảng bằng mười mấy người. Người đứng dưới gốc cây cảm thấy rất nhỏ bé, khi so với độ cao của cây thấy mình nhỏ bé vô cùng. Thấy hiện tượng này, nghĩa là người thế giới tây phương Cực Lạc có phước báo lớn. Ở trước chúng ta đã học, vãng sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc, ở đó là hóa sanh, không có thai sanh. Thai sanh, noãn sanh, thấp sanh đều không có, chỉ có hóa sanh. Vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, Phật A Di Đà đến tiếp dẫn. Đến thế giới Cực Lạc, thời gian rất nhanh chóng, trong sát na đã đến được đó. Đến đó thân tướng hoàn toàn giống với Phật A Di Đà, thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp. Thế Tôn vô lượng thọ, vô lượng quang, ta giống như Thế Tôn, cũng là vô lượng thọ, vô lượng quang. Cõi phàm thánh đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh, cũng được oai thần 48 nguyện của Phật A Di Đà gia trì, một đời chứng được quả vị Diệu giác viên mãn. Chư vị phải cố gắng tư duy xem, có nên đến đây chăng? Rất muốn đến đó, không có ai không muốn. Nhưng đi bằng cách nào? Phải buông bỏ tất cả những gì thuộc thế gian này, điều này rất khó, lại không muốn buông bỏ. Có thể mang tất cả những gì thuộc thế gian này theo chăng? Không thể mang theo, đến thân thể này cũng không mang theo được, vì sao vậy? Vì thân thể này không tương xứng với thân thể ở thế giới Cực Lạc. Nếu thân thể hiện tại của chúng ta cũng là thân kim cang bất hoại, cũng là thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp, như vậy có thể đi, tương đồng với bên đó. Đáng tiếc thân chúng ta không giống họ, thân này quá tệ, không cần nó nữa. Chư vị nên biết rằng, thân còn không cần, huống gì vật ngoài thân! Chỉ cần buông bỏ được, không có ai không vãng sanh. Khi lâm mạng chung Phật A Di Đà không đến tiếp dẫn cũng không được trách ngài, ngài biết, ngài biết điều gì? Ngài biết ta chưa buông bỏ, cho nên không đến tiếp dẫn. Nếu buông bỏ hoàn toàn, nhất định ngài đến tiếp dẫn. Chỉ cần còn một chút vướng mắc, Phật sẽ không đến, nhất định phải hiểu rõ ràng minh bạch điều này.
Trên thế gian này, dù làm bao nhiêu việc tốt, tích lũy công đức, nhất định phải tam luân thể không. Nếu còn nghĩ rằng tôi đã làm không biết bao nhiêu công đức, như vậy không thể vãng sanh, đang tự chướng ngại mình, vì sao vậy? Vì tích lũy công đức là việc đáng phải làm, không có gì đáng vinh dự, là bổn phận của mình. Phải tẩy trừ sạch sẽ những tạp niệm này, tâm thanh tịnh và cõi thanh tịnh tương ưng. Trong kinh điển thường nói: “Tâm tịnh tức cõi Phật tịnh”, thế giới Cực Lạc là Tịnh độ.
Xem tiếp: “Trong đạo tràng còn có thọ vương, gọi là đạo tràng thọ, tức bồ đề thọ”, bây giờ chúng ta gọi là bồ đề thọ. Đạo tràng thọ nghĩa là sao? Là nơi Phật A Di Đà giảng kinh thuyết pháp, cây bên ngoài giảng đường gọi là đạo tràng thọ. “Đi về phương tây nam trước núi Chánh Giác của Tây Vực khoảng 14, 15 dặm, có cây Tất bát la, Đức Phật ngồi dưới cội cây này thành chánh giác, cho nên gọi là bồ đề thọ”. Duy Ma Kinh Bồ Tát Hạnh Phẩm Triệu Chú_Đây là chú giải của đại sư Tăng Triệu, có một đoạn nói rằng: “Đức Phật thành đạo dưới cội cây, cây gọi là bồ đề. Cây này ánh sáng chói lòa, hương thơm bát ngát, hình sắc vi diệu, tùy theo sở thích mà thấy”. Ở đây nói đến Tây Vực, là chỉ cho hướng tây nam của Trung quốc. Đức Phật ra đời tại nước Ca Tỳ La Vệ, tức là Nepal hiện nay, phía nam rạng Himalayas, phía bắc là Tây Tạng. Quê hương của Phật ở phương nam rạng Himalayas, ngày xưa thường gọi là Tây Vực. “Đi về 14, 15 dặm phía tây nam núi Chánh Giác”. Tây Vực Ký của đại sư Huyền Trang thời Đại Đường, nghĩa là ngài đến Ấn Độ du học 17 năm, những nơi ngài trải qua đều có ghi chép. Ngài viết thành một cuốn sách, có thể gọi là du ký. Bộ sách này rất có giá trị, trong này có ghi chép, phải tìm Đại Đường Tây Vực Ký xem, ở đây hiện nay là địa phương nào. Đi về 14,15 dặm ở hướng tây nam núi Chánh Giác, có cây tất bát la. Đương thời Đức Thế Tôn thành chánh giác giới cội cây này, ngồi thiền nhập định dưới cây này. Khi xuất định, buổi tối nhìn thấy sao trên trời, ngài đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, về sau cây này được gọi là cây bồ đề.
Trong chú giải Kinh Duy Ma của đại sư Tăng Triệu nói: “Đức Phật thành đạo dưới cội cây, cây gọi là bồ đề. Cây này ánh sáng chiếu diệu”. Cây này phóng ánh sáng, còn tỏa hương thơm. “Hương thơm bát ngát, hình sắc vi diệu, tùy theo sở thích mà được thấy”, câu này rất quan trọng.
Hiện nay giao thông phương tiện, rất nhiều người đến Ấn độ chiêm bái thánh tích. Hình như có hai ba lần có người mời tôi đi, tôi chưa đi, chưa từng đến Ấn độ. Suốt đời tôi là giảng kinh, cũng đi qua rất nhiều quốc gia trên thế giới, đều là mời tôi đến giảng kinh, xưa nay không hề đi du lịch. Trong lúc giảng kinh có thời gian rảnh thì đi loanh quanh một chút, xem phong cảnh các nơi. Đây là tranh thủ thôi, mục đích không phải là đi du lịch. Những năm lại đây cũng có khi xuất ngoại, đa phần đều là tham gia hội nghị hòa bình quốc tế, hội nghị Tôn giáo, cũng không phải đi du lịch. Tôi tin rằng rất nhiều đồng tu, đều đã đi chiêm bái những thánh tích đương thời của Thế Tôn, bồ đề thọ vẫn còn. Những địa điểm ngày xưa ngài giảng kinh thuyết pháp như núi Linh Thứu, vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, những di tích này vẫn tồn tại.
Bây giờ chúng ta thấy những cây này, cây có phóng ánh sáng chăng? Có nghe hương thơm chăng? Phải chăng nó có hình sắc vi diệu như trong kinh nói? Hình như đều không có, chắc là thời gian quá lâu, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cách chúng ta 3000 năm, có thể ngày xưa có ánh sáng, có hương thơm, bây giờ không còn, thời gian quá lâu, đây là một cách giải thích. Thật ra câu giải thích thật sự là ở câu sau cùng: “Tùy theo sở thích mà thấy được”, vẫn là câu “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Nếu có tâm chân thành cung kính khi đi chiêm bái thánh tích của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có thể nhìn thấy ánh sáng, có thể ngửi thấy hương thơm. Nếu dùng tâm nông nổi, tâm không thanh tịnh để đi chiêm bái, thì chẳng cảm nhận được điều gì cả, chỉ thấy một cây bồ đề bình thường. Không nhìn thấy ánh sáng của nó, không ngửi được hương báu của nó.
Bên dưới vẫn còn mấy câu: “Cây phát ra pháp âm, tùy sở thích mỗi người mà nghe, đây là Như Lai báo ứng thọ”. Càng vi diệu! Cây biết nói pháp. Đây là quả báo của Như Lai, ứng hóa của Như Lai. “Chúng sanh gặp được tự nhiên ngộ đạo”, đây là thế giới Cực Lạc, đây không phải là cây nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, là đạo tràng thọ ở thế giới tây phương Cực Lạc, là nơi Phật A Di Đà giảng kinh thuyết pháp. Ta không nghe Phật thuyết pháp, ngồi dưới gốc cây bên ngoài, không vào giảng đường, ngồi dưới gốc cây, cây thuyết pháp cho ta nghe, ta cũng có thể ngộ đạo.
“Thành tựu trong kinh văn của kinh này, lại nói: Lại do nhìn thấy cây này, cho nên đạt được ba loại nhẫn. Thứ nhất là âm hưởng nhẫn, hai là nhu thuận nhẫn, ba là vô sanh pháp nhẫn”. Ba loại nhẫn này tức là ba loại định, phía sau kinh này có giải thích tường tận. Đây thật sự như những gì trong kinh giáo nói, đây là quả báo của Phật A Di Đà, do ứng hóa hiện ra. Đức Thế Tôn thường dạy rằng, thế giới Cực Lạc là do vô lượng công đức của Phật A Di Đà thành tựu nên.
Từ những cây báu và công đức vô tận của thế giới Cực Lạc, chúng ta tin chắc vào câu nói của Phật, ngài nói không sai. Điều này cũng nói rõ vì sao tu hành ở thế giới Cực Lạc dễ thành tựu, vì sao tu hành ở thế gian chúng ta gian nan đến thế? Đây là do môi trường khác nhau. Tu hành ở thế gian chúng ta, môi trường toàn là ô nhiễm, toàn là tiêu cực, trái với tánh đức. Sát đạo dâm vọng, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, ác khẩu, tham sân si mạn, chúng ta sống trong môi trường này. Bây giờ quan sát tường tận, cây cỏ hoa lá ở thế gian này, những loại động thực vật với những gì trong sách cổ ghi chép, phát sanh biến hóa lớn lao. Nếu lưu ý từ điểm này, chúng ta sẽ đề cao tâm cảnh giác. Các loại cây trái, nó kết trái mỗi năm, khi ăn mùi vị không giống nhau, trái cây không thơm ngon như trước, không có mùi vị đó. Hiện nay rau xanh, rau xanh cũng không tươi ngon như trước, đã thay đổi. Vì sao có sự thay đổi này? Vì tâm người thay đổi. Con người ngày xưa tâm địa trung hậu thành kính, cổ nhân không những thành kính đối với người, mà đối với cây cỏ hoa lá, đối với núi sông đại địa đều rất kung kính. Phật pháp cũng không ngoại lệ, chúng ta thấy trong Kinh Hoa Nghiêm kể ra hơn 40 loại thần linh. Có thần núi, thần cây, thần hoa, thần cây cỏ, có thần biển, thần sông, thần suối, thần rạch_Thần rạch cũng có long vương, như giếng nước, giếng nước cũng có long vương. Sống trong ngôi nhà này có thần thủ hộ, có thần cửa, có ông táo. Từ những điển tích này, chúng ta có thể nghĩ đến, cổ nhân quả thật là “vô bất kính”, không có gì họ không cung kính. Chúng ta cung kính nó, nó cũng tôn trọng chúng ta. Ta ở trên mảnh đất này là có nhân duyên, ngay đời này chúng ta gặp được, có thể tương thân tương ái, quan tâm lẫn nhau, săn sóc lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau tu hành, như vậy hoàn cảnh sẽ không giống nhau.
Vườn rau chúng tôi có trồng mướp, đây là sư Ngộ Khiêm nói với tôi. Mấy năm trước có trái mướp báo mộng cho cô, yêu cầu đến hái vì nó đã quá già, mọi người không đến hái, cho nên đến báo mộng. Ngày hôm sau cô ra xem, quả nhiên tìm thấy, tìm thấy gì? Đúng là mướp quá già, không ăn được, phải giữ lại làm giống. Quý vị xem, mướp trong vườn cũng biết báo mộng, có thể nói nó không có linh tánh chăng? Vườn rau chúng tôi không dùng phân bón, không dùng thuốc sâu. Chúng tôi chia một mảnh nhỏ trong vườn, chuyên cung cấp cho sâu bọ. Trong vườn trồng rất nhiều cây trái, cũng chỉ định mấy cây cho chim chóc. Đều rất giữ chữ tín, chúng tôi chung sống rất hòa thuận, hai bên quan tâm lẫn nhau, đúng là hai bên hợp tác rất tốt đẹp, tuyệt đối không tổn thương đến bất kỳ chúng sanh nào, cần phải hiểu đạo lý này.
Người thời nay không có lòng yêu thương, đến bản thân mình họ còn không biết thương yêu thì làm sao yêu thương người khác? Vì thế họ không biết yêu thương cha mẹ, không biết yêu thương anh em, không biết có tôn trưởng. Cho nên hiện nay núi sông, cây cỏ hoa lá, linh khí đó không còn nữa. Linh khí không còn, quý vị thử quan sát tường tận xem, nó có gì? Nó có tà khí, không bình thường lắm.
Gần đây tôi nghe nói rất nhiều nơi có từng đàn chim chết, từ trên không trung rơi xuống mà chết, nguyên nhân gì vậy? Giới khoa học hiện nay chưa tìm ra nguyên nhân. Trong Phật pháp nói, do lòng người chúng ta bất thiện, oán khí này gây ô nhiễm sơn hà đại địa, khí phát ra từ cây cỏ hoa lá, cũng là những chất bất thiện này. Cơ thể những loài chim này quá nhỏ, sức đề kháng yếu, chúng hít không khí này dẫn đến tử vong, chúng bị trúng độc. Tham sân si mạn nghi gọi là ngũ độc, oán hận não nộ phiền đều là độc, khí chất đạo đức nhân lễ nghĩa ngày xưa không còn, hiện nay biến thành như thế. Quan sát tường tận không khó phát hiện.
Hiểu rõ môi trường xung quanh, chúng ta không còn lưu luyến môi trường này nữa, phải tận tâm tận lực giúp cải thiện hoàn cảnh, đó chính là giúp cải thiện nhân tâm. Đến ông Baladen người Mỹ cũng nói đến phương pháp để chúng ta ứng phó dự ngôn thảm họa năm 2012, phải dùng biện pháp bỏ ác dương thiện, cải tà quy chánh, đoan chánh tâm niệm mới ứng phó được vấn đề nan giải giải, mới có thể hóa giải thảm họa này. Không những hóa giải, còn có thể đưa địa cầu đến một tương lai tươi sáng đẹp đẽ hơn.
Như trong kinh nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, Đức Phật nói: “Tướng do tâm sanh, cảnh tùy tâm chuyển”, chúng ta mới hiểu rằng hai thế giới không giống nhau. Thế giới tây phương Cực Lạc người người đều tu thượng thiện, như trong Kinh Di Đà Đức Phật nói, thế giới đó là nơi hàng thượng thiện nhơn câu hội. Vậy xã hội hiện nay của chúng ta thì sao? Cũng là thượng, nhưng chữ ở dưới đã thay đổi, là thượng ác, người nào không tạo mười ác nghiệp? Sát đạo dâm, thân hành sát đạo dâm. Khẩu vọng ngữ, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, nói lời ngon ngọt để lừa bịp chúng sanh, ác khẩu. Còn ý thì tham sân si, gây ra mười ác nghiệp nặng nề, vì thế cảnh giới bên ngoài thay đổi. Đối với bản thân mà nói, tai họa của bản thân là tật bệnh, phiền não, âu lo. Thiên tai bên ngoài là xã hội động loạn, địa cầu thiên tai dồn dập, như lũ lụt, gió bão, núi lửa phun trào, động đất, động vật không ngừng bị diệt chủng. Vấn đề này đối với nhân loại đang sinh tồn trên địa cầu, tạo nên sự uy hiếp nghiêm trọng. Khởi nhân đều là do ý niệm bất thiện, hành vi bất thiện tạo thành. Có thể cứu vãn chăng? Có thể, chỉ cần biết quay đầu hướng thiện, quay đầu là bờ, từ bỏ mười điều ác, nỗ lực tu mười điều thiện.
Những năm lại đây, chúng tôi đề xướng cùng nhau học tập Đệ Tử Quy, học Cảm Ứng Thiên, học Thập Thiện Nghiệp Đạo. Học giáo huấn có liên quan đến luân lý, giáo huấn đạo đức, giáo huấn nhân quả trong kinh điển Tôn giáo, thế giới này sẽ được cứu. Thiên tai có thể hóa giải, thân thẻ chúng ta có rất nhiều độc bệnh cũng đều khôi phục bình thường. Khiến sơn hà đại địa, cây cỏ hoa lá, ngũ cốc lương thực, có thể sanh trưởng lại như xưa. Nhân dân tôn trọng nhau, thương yêu nhau, quan tâm nhau, và hợp tác lẫn nhau.
Thế giới Cực Lạc là thế giới đại đồng, chúng ta không sánh bằng, nhưng cũng có thể đạt đến bậc trung, thế giới bậc trung cũng có thể khiến cho cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Chư Phật Bồ Tát, chư vị thánh hiền đều luôn khuyến khích chúng ta. Chúng ta đọc đến những đoạn kinh văn này, nhất định phải nghĩ đến xã hội ngày nay, chúng ta phải thực hành như thế nào? Chúng ta phải thay đổi tâm thái, dùng tâm thiện, dùng ý tốt để xử sự đối nhân tiếp vật, bản thân chịu thiệt thòi. Cổ nhân dạy rằng, thua thiệt là phước, chiếm lợi ích không phải phước báo, chiếm lợi ích là họa, là tai họa. Nếu thông đạt thấu triệt nhân quả báo ứng, tuyệt đối ta không khởi tâm động niệm muốn chiếm lợi ích của người. Đứng giữa lợi và hại, ta nên gáng vác thiệt hại, lợi để nhường người khác. Việc tốt dành cho người, việc xấu mình lãnh chịu, đây mới thật sự là tích lũy công đức. Chư vị thánh hiền dạy chúng ta làm như thế, Chư Phật Bồ Tát cũng dạy chúng ta như thế. Phải chăng làm như vậy là rất thua thiệt? Tuyệt đối không thua thiệt, phước báo ở đằng sau. Nếu tinh tấn dõng mãnh tích cực tu tập, không cần đợi đến đời sau, lúc lớn tuổi là nhận được hiệu quả. Suốt đời nhẫn nhường, suốt đời đi sau, nhìn vẻ bên ngoài hình như rất khổ rất đáng thương. Suốt đời sống rất cần khổ, nhưng sao? Nhưng phiền não nhẹ, trí tuệ tăng trưởng, thân thể mạnh khỏe sống lâu. Rất khổ, không có ai chăm sóc, nhưng bản thân mạnh khỏe sống lâu, quý vị dám nói đây không phải phước báo ư? Con người nhất định phải nhiều người hầu hạ ư? Tự chăm sóc mình không phải càng tốt sao?
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện cho chúng ta thấy, suốt đời ngày ăn một bữa, đêm ngủ dưới gốc cây, ba y một bát. Quý vị dám nói ngài không có phước báo chăng? Sau khi chết cho đến nay, quý vị thấy mỗi ngày có biết bao nhiêu người đảnh lễ, bao nhiêu người tán thán, bao nhiêu người học tập theo di huấn của ngài, bao nhiêu người nhận lợi ích của ngài. Đây chính là phước báo của ngài, chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng. Không phải ở đây ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà lớn, không phải những thứ đó, không liên quan đến những vấn đề này.
Chúng ta phải hưởng thụ phước báo chân thật, những điều hư giả này xin nhường cho người khác không biết tu. Không khởi xung đột với người, họ cần ta không cần, thứ ta cần họ không cần, làm sao có xung đột được? Nếu họ cần ta cũng cần sẽ khởi xung đột ngay.
Ví dụ nói ta muốn ăn chay, ta muốn ngày ăn một bữa, họ không muốn_về phương diện ẩm thực tuyệt đối không khởi xung đột. Họ muốn ở nhà cao cửa rộng, tôi thích ở nhà tranh, ở ngôi nhà tranh nhỏ bé, họ không muốn_về môi trường sống chúng tôi không khởi xung đột. Quý vị muốn công danh phú quý, tôi không cần những thứ đó, tôi cần đọc sách thánh hiền. Ngày ngày đọc sách, vui hơn bất kề điều gì, như vậy sẽ không khởi xung đột! Không tranh giành với người, không mong cầu gì thuộc thế gian. Không khởi xung đột với người, cũng không xung đột với thế gian, được vậy thì tự tại biết bao, an vui biết bao!
Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.
Hết tập 245