/ 600
454

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 244

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 20.01.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 294, hàng thứ ba từ dưới đếm lên.

“Bên dưới là nguyện ứng nguyện thọ cúng thứ 38, Tống Dịch nói, tất cả Bồ Tát, phát đại đạo tâm, muốn lấy chân châu anh lạc, bảo cái tràng phan, y phục ngọa cụ, ẩm thực thuốc thang, hoa hương kỹ nhạc, thừa sự cúng dường vô lượng vô biên Chư Phật Thế Tôn ở tha phương thế giới, mà không thể đến đó. Khi đó ta khiến Chư Phật Thế Tôn tha phương này, mỗi người đều đưa tay vào trong nước ta, nhận sự cúng dường, khiến người này nhanh chóng được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”.

Đây là một đoạn trong Kinh Vô Lượng Thọ của Tống Dịch. Ở đây Hoàng Niệm Lão trích dẫn, nói cho chúng ta biết một chân tướng sự thật. Trong kinh nói tất cả Bồ Tát khắp biến pháp giới hư không giới, tất cả những người tu Bồ Tát đạo, phát đại đạo tâm. Đại đạo tâm chính là tâm đại bồ đề, thông thường gọi là phát tâm bồ đề. “Dục dĩ” nghĩa là muốn dùng, bên dưới đưa ra một ví dụ là chân châu anh lạc, đây thuộc về châu báu. Bảo cái tràng phan là thuộc về dụng cụ trang nghiêm. Ẩm thực thuốc thang, hương hoa kỹ nhạc, kỹ nhạc là nghệ thuật diễn xuất, ngày nay chúng ta gọi là văn nghệ diễn xuất. “Thừa sự cúng dường”, tượng trưng sự tôn kính của Bồ Tát đối với Phật, sự báo ân của đệ tử đối với thầy. Cúng dường ai? Cúng dường tha phương thế giới, vô lượng vô biên Chư Phật Thế Tôn. Nhưng nguyện trái với sự thật, có nguyện vọng này nhưng về sự không làm được. Ngày nay chúng ta đâu phải là không muốn đi cúng dường Chư Phật? Đều biết cúng dường Chư Phật Bồ Tát là đại phước báo. Chúng sanh trong lục đạo, phước báo nhân thiên tu từ đâu mà có? Từ cúng dường Phật, cúng dường pháp, cúng dường tỳ kheo tăng. Tỳ kheo tăng là người luôn y giáo phụng hành, hiện tại họ chưa chứng được quả vị, nhưng phàm là người y giáo phụng hành, tương lai nhất định có thể chứng quả. Đức Phật dạy rằng: “Tất cả chúng sanh vốn là Phật”, hôm nay chúng ta có duyên được thân người, nghe Phật pháp, lại nghe được đệ nhất kinh vô cùng thù thắng của đại thừa.

Như ở trước nói, Đức Thế Tôn có nguyện: “Nghe danh được độ”, nhưng trong câu này ý nghĩa rất sâu sắc. Nếu chúng ta chỉ xem trên mặt văn tự, không hiểu được nghĩa lý của nó. Lỗi lầm không ở kinh văn, không do Phật Bồ Tát, mà do mình quá sơ ý. Trong chữ văn bao hàm có tư có tu, là tam tuệ của Bồ Tát. Nếu văn mà không tư không tu, như vậy sao có thể đạt được? Văn tư tu là một vấn đề, một là ba, ba là một. Đối với hàng sơ học gọi là tam học giới định tuệ, đối với Bồ Tát gọi là tam tuệ văn tư tu. Tuệ này từ đâu mà có? Chính là tuệ của giới định tuệ. Quý vị xem, đầu tiên có giới, mới đến định, sau đó trí tuệ khai, nhờ vậy vừa nghe đại thừa là có thể được độ. Giới định tuệ là nền tảng của văn tư tu, chúng ta không hạ công phu ở giới định tuệ thì làm sao có văn tư tu?

Tôi nhớ tôi từng nói với mọi người, vấn đề này vào khoảng 40 năm trước, khi pháp sư Đạo An còn tại thế. Ngài rất từ bi, mượn đạo tràng hội Phật giáo Trung quốc, để tổ chức giảng tọa đại học chuyên khoa Phật học. Ngài mời tôi làm chủ giảng, tổng chủ giảng, lúc đó tôi còn rất trẻ. Giảng tọa này tổ chức rất thành công, khi nhân số nhiều nhất hơn 800 người. Một hôm có đồng học đến nói với tôi, họ nói thầy ơi, con từng nghe kinh suốt hai năm trong giảng tọa, bắt đầu từ ngày mai con không đến nữa. Tôi hỏi vì sao vậy? Họ nói con nghe suốt hai năm, nghe cũng không ít, con phải ở nhà học tập. Tôi hỏi phải chăng anh trở về làm công tác tư duy? Hai năm nay anh nghe, bây giờ trở về tiếp tục tư, tiếp tục tu, phải chăng là ý này? Anh ta nói đúng vậy. Tôi hỏi hôm nay anh có nghe giảng chăng? Hôm nay có, nhưng ngày mai không đến nữa. Trong buổi giảng đó, tôi nói cho mọi người nghe một cách đơn giản về ý nghĩa của văn tư tu. Thế nào gọi là văn tư tu? Văn là tiếp xúc, vừa nghe liền giác ngộ gọi là tư. Tư không phải là đi nghiên cứu, nghiên cứu là sai. Vì sao nói nghiên cứu là sai? Vì nghiên cứu là rơi vào thức thứ sáu, ta dùng gì để nghiên cứu? Dùng tâm thức nghiên cứu, như vậy là sai, đó đâu phải Bồ Tát? Cổ nhân nói nghe một biết mười, nghe liền khai ngộ, khai ngộ chẳng phải là hết mê rồi sao? Chẳng phải đã phá mê hoặc rồi sao? Đây gọi là tu. Nó là một vấn đề, gọi là tam tuệ của Bồ Tát, Bồ Tát như trong kinh này nói, đến cõi nước Chư Phật khắp mười phương để cúng Phật, nghe pháp, đó là tăng trưởng tam tuệ. Nền tảng giới định tuệ của họ rất thâm sâu, cho nên gọi là văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ, dùng danh từ này. Chứ không phải sau khi nghe xong trở về nghiên cứu, như vậy là hỏng.

/ 600