Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 242
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 19.01.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 293, hàng thứ ba, bắt đầu xem từ đoạn giữa.
Chúng ta đọc lướt qua đoạn này: “Cho nên trong kinh, chư đại Bồ Tát dự hội, đều tu theo đức của Phổ Hiền đại sĩ. Đức của Phổ Hiền là thập đại nguyện vương quy về Cực Lạc, đức tự lợi lợi tha, không có cùng tận”. Chúng ta đọc đến đây.
Thập đại nguyện vương chúng ta đã học nhiều lần, tuy văn tự không nhiều, nhưng sự lý bao hàm trong mỗi câu đều không cùng tận. Cho nên mỗi lần nói cũng bất tận, hoàn toàn không giống nhau, mọi người đều có thể tham khảo lẫn nhau.
Ở trước nói đến tùy hỷ công đức, bây giờ chúng ta nói đến nguyện thứ sáu thỉnh chuyển pháp luân. Từ thứ nhất đến thứ năm đều là thành tựu đức hạnh chính mình, tự hành. Hai câu tiếp theo là hóa tha, sau khi tự hành phải hóa tha, trước khi hóa tha nhất định phải tự hành. Khi đức hạnh và trí tuệ của bản thân chưa hiện tiền, làm sao giúp được người khác? Phát tâm hoằng dương chánh pháp không thể không siêng năng học tập mười nguyện này.
“Pháp”, trong giáo lý đại thừa đem muôn sự muôn vật khắp biến pháp giới hư không giới, dùng một chữ làm đại danh từ chung, đại danh từ này gọi là pháp. Vì thế Phật pháp vô biên. Phật nghĩa là giác ngộ, trong kinh điển Đức Phật nói vũ trụ biến pháp giới hư không giới, muôn sự muôn vật vô lượng vô biên. Ta đối với pháp vô lượng vô biên này đều thấu triệt, đều giác ngộ, điều này nói không đơn giản!
Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, tâm cung kính đối với Chư Phật Bồ Tát liền sanh khởi. Họ quả thật rất tuyệt vời, đạo đức cao siêu, trí tuệ vô lượng, vô tận phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sanh, giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Người như vậy trong tất cả chúng sanh, tìm đâu ra? Những người này đều là vô lượng kiếp tu hành tích lũy mà thành tựu.
Ngày nay chúng ta có thể làm được chăng? Có thể, vì sao có thể? Vì trong đời quá khứ chúng ta cũng có vô lượng kiếp, quý vị có thể nói trong quá khứ ta không tu ư? Không học ư? Nếu trong quá khứ không tu, hôm nay tuyệt đối ta không có nhân duyên được nghe danh hiệu của Phật, được học kinh điển của Phật, không có nhân duyên! Chúng ta có thể khẳng định, trong đời quá khứ chúng ta từng có nhiều đời nhiều kiếp tu hành. Vì sao không thành tựu? Chính là vì nghiệp chướng của mình quá nặng, cho nên tu học không có thành tựu. Căn cứ trong đời này mà nói, những cảnh giới này đều có thể lãnh hội được.
Chúng ta nghe pháp, tiếp xúc Phật pháp nhiều năm như vậy. Có người sơ học mới tiếp xúc mấy tháng, mấy tháng thành tựu là rất khả quan. Cổ nhân nói học Phật một năm Phật tại trước mắt, học Phật hai năm Phật ở trên trời, học Phật ba năm Phật biến thành mây khói, không còn nữa. Đây là gì? Là nghiệp chướng, tập khí, ta không có năng lực kháng lại. Trong đời quá khứ bản thân tuy đã học, nhưng công phu không đủ, không đắc lực. Nếu trong đời quá khứ thiện căn sâu dày, công phu đắc lực, không bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển. Hạng người này học, khoảng mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, Phật đều ở trước mắt, không thay đổi.
Từ hiện tượng này chúng ta có thể lãnh hội rằng, trong đời quá khứ ta chắc chắn có học, thiện căn phước đức nhân duyên không đủ, đây đều do nghiệp chướng sâu nặng. Làm sao để bù đắp? Phương pháp bù đắp như cổ nhân nói: “Cần cù bù khả năng”. Cần cù trong Phật pháp gọi là tinh tấn, chỉ có tinh tấn mới có thể bù đắp chỗ tu hành thiếu của ta trong đời quá khứ.
Tinh nói một cách đơn giản là phải chuyên nhất, đây là tinh. Không được học nhiều, không được học tạp, học nhiều học tạp là không tinh. Dùng sức nhiều mà thành tựu ít, nếu tinh tấn chuyên nhất, dùng sức ít mà thành tựu lớn, không giống nhau. “Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”. Phật tổ từ bi giáo huấn, chúng ta đã lơ là. Chúng ta từng nghe lời này, không phải chưa nghe, bản thân cũng nói được nhưng không thực hành. Chúng ta quan sát tường tận người tu hành thành tựu từ xưa đến nay, điều khiến họ tu hành thành tựu thực tế mà nói chính là ở nơi một chữ “cần”, tinh tấn. Cho nên trong lục độ, thập độ, tinh tấn là thiện căn hàng đầu của Bồ Tát, thiện căn có thể sanh ra tất cả thiện pháp. Chúng ta tu học, sai lầm chính là làm tinh lực chúng ta phân tán, thời gian phân tán. Cho nên học nhiều năm, chỉ học được chút thường thức bên ngoài, không đạt được tinh túy trong Phật pháp, không nếm được pháp vị giống như người xưa nói. Nếm được pháp vị ta mới có pháp hỷ, gọi là pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỷ, hoàn toàn khác nhau!