Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 241
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 19.01.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 293, hàng thứ ba, bắt đầu xem từ đoạn giữa.
“Cho nên trong kinh này, chư đại Bồ Tát dự hội đều tu theo đức của Phổ Hiền đại sĩ. Đức của Phổ Hiền là thập đại nguyện vương, quy về Cực Lạc, đức tự lợi lợi tha, không có cùng tận”. Chúng ta đọc đến đây, hôm qua đem thập đại nguyện vương của ngài Phổ Hiền, giới thiệu đến đến nguyện thứ ba là “Quảng tu cúng dường”. Các bậc đại thánh đại hiền của thế xuất thế gian đều dạy chúng ta phải tu phước, tu tuệ. Người xưa coi trọng truyền thống luân lý đạo đức, vì thế cũng không sơ suất đối với vấn đề tu phước. Thời xưa, chúng ta thường gọi là cổ thánh tiên vương, lý niệm trị nước của họ, trong đó cũng có tam bảo, tam bảo này nói như hiện nay tức là phước báo. Họ nói về đại nông, nông nghiệp, coi trọng nông nghiệp. Đại công, chú trọng công nghiệp. Đại thương, chú trọng thương nghiệp. Đại nông, đại công, đại thương là tam bảo của đất nước. Cho nên họ không lơ là phương diện vật chất, không lơ là về mặt tài phú.
Chư Phật Như Lai trong kinh điển đều xưng là nhị túc tôn, túc là viên mãn đầy đủ. Nhị là gì? Thứ nhất là phước báo, thứ hai là trí tuệ, trí tuệ và phước báo đều đầy đủ viên mãn, đây là Phật.
Chúng ta xem lại xã hội hiện tại, mọi người chỉ coi trọng phước, không coi trọng tuệ, vì vậy vấn đề mới xảy ra. Thật ra tuệ quan trọng hơn phước nhiều, có phước không có tuệ họ dễ tạo ác nghiệp. Ác nghiệp chiêu cảm nơi thân mình chính là tai họa, tai họa này là bệnh khổ, ưu tư, lo lắng. Đối với hoàn cảnh cư trú, đó là thiên tai nhân họa. Bây giờ chúng tôi nói câu này, tôi tin mỗi vị đồng học đều có cảm xúc rất sâu sắc. Chúng ta thấy tin tức, thấy truyền hình đưa tin, mỗi ngày trên toàn thế giới không biết phát sanh bao nhiêu lần thiên tai. Tần suất không ngừng tăng cao, thảm họa ngày càng nặng. Con người ở trên địa cầu, có thể nói mỗi người đều không có cảm giác an toàn, lo lắng trùng trùng, khổ không tả xiết. Đây là gì? Là do không có trí tuệ, không có trí tuệ thì phước báu đó không phải là thật, phước báu có trí tuệ là phước báo có lợi ích chân thật. Không có trí tuệ, phước báo nhỏ không tạo nghiệp nặng, tuy đời này khổ nhưng đời sau có thể không đọa địa ngục. Nếu không có trí tuệ mà phước báo lớn, đời sau không đọa vào ba đường ác, điều này rất ít có. Vì sao vậy? Vì họ rất dễ tạo nghiệp nặng. Trong nghiệp báo, đáng sợ nhất là vô cớ làm tổn thương tất cả chúng sanh, tội này rất nặng. Cổ kim trong ngoài, văn hiến ghi chép rất nhiều về điều này, vấn đề là khi chúng ta nhìn thấy phải tin. Đây là thật không phải giả. Nâng tâm cảnh giác cao độ, đoạn ác tu thiện, cải tà quy chánh, đoan chánh tâm niệm, điều này quan trọng hơn tất cả.
Nói đến cúng dường, cúng dường là dùng tâm cung kính nhất để cung cấp, thông thường chư vị Bồ Tát gọi là bố thí. Bố thí và cúng dường là một việc, nhưng dùng tâm khác nhau. Dùng tâm chí thành cung kính để bố thí gọi là cúng dường, khác nhau ở điểm này. Đức Phật dạy chúng ta, cúng dường của cải được giàu có, cúng dường pháp được thông minh trí tuệ, cúng dường vô úy được mạnh khỏe sống lâu. Những gì là cúng dường vô úy? Tài cúng dường và pháp cúng dường ở trước đã nói, cúng dường vô úy là giúp chúng sanh xa lìa sợ hãi bất an, đây thuộc về vô úy. Con người sanh bệnh, bệnh khổ, ta có thể chăm sóc họ. Hoặc là dùng tài lực, hoặc là dùng vật lực đều được, giúp đỡ để họ được an ủi, khiến bệnh khổ có thể sớm ngày bình phục, khôi phục sức khỏe. Nếu họ có ưu tư, có sợ hãi, chúng ta giúp họ trong khổ nạn có thể được thân tâm an ổn, làm được chăng? Được. Làm như thế nào? Khi đã hiểu rõ đạo lý, thông đạt nhân quả, họ có thể buông bỏ sự ưu tư lo sợ của mình, tự biết cần ứng phó như thế nào. Bởi vậy trí tuệ có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề. Chúng ta nói về ba loại quả báo là của cải, trí tuệ, vô úy. Trong nhà Phật thường gọi là pháp thân, bát nhã, giải thoát, đó là nói đến cứu cánh viên mãn, đều phải từ trong trí tuệ mới thật sự đạt được.
Phật pháp dạy học là dạy những gì? Là lấy trí tuệ làm chủ yếu. Quý vị thấy khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, suốt đời ngày dạy_12 năm đầu tiên là đặt nền tảng giáo dục, giáo dục căn bản, tất cả chúng sanh cần phải học tập. Trong Phật pháp gọi là Kinh A Hàm, nói suốt 12 năm, chúng ta ví nó như tiểu học. 12 năm sau nâng cao hơn, Đức Phật giảng Phương Đẳng tám năm, Phương Đẳng là sơ cấp của đại thừa. Sau tám năm Phương Đẳng, chư vị thử nghĩ xem, đã học được 20 năm. A Hàm 12 năm, Phương Đẳng 8 năm là 20 năm. Có nền tảng của 20 năm này có thể học trí tuệ, gọi là Bát Nhã, Phật giảng Kinh Bát Nhã bao lâu? Giảng suốt 22 năm. Quý vị biết cuộc đời Đức Thế Tôn giảng kinh thuyết pháp 49 năm, Bát Nhã mất hết 22 năm, chẳng phải Bát Nhã là môn tu chủ yếu sao. Như vậy chúng ta có thể nói một cách tổng kết, Phật dạy những gì? Phật dạy chúng ta khai trí tuệ. Người bình thường chúng ta không thể khai trí tuệ, vì nghiệp chướng quá nặng. 20 năm trước là tiêu nghiệp chướng, vun bồi phước tuệ, đặt nền tảng này, nhờ vậy khi nghe Kinh Bát Nhã mới có thể đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh tức thành Phật. Tám năm sau cùng Phật giảng Pháp Hoa, Pháp Hoa nói về vấn đề gì? Pháp Hoa là nói đến thành Phật. Mở đầu Kinh Pháp Hoa, Đức Phật đưa ra tông chỉ tu hành, chỉ có pháp nhất thừa, không hai cũng không ba, nhất thừa nghĩa là nhất Phật thừa. Không có 22 năm trí tuệ bát nhã, Phật không giảng nhất thừa, giảng nhất thừa không ai hiểu. Thông qua học tập trí tuệ suốt 22 năm, lúc này có thể nói nhất thừa. Trong pháp nhất thừa là khai thị ngộ nhập tri kiến Phật. Trong hội Hoa Nghiêm Thế Tôn khai thị cho mọi người, thính chúng đều được ngộ nhập. Ngộ là hiểu rõ, đại triệt đại ngộ, nhập là nhập vào cảnh giới Phật. Nói tường tận về cảnh giới Phật chính là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, đây là nói tỉ mỉ. Làm sao để khế nhập? Khế nhập nghĩa là sao? 53 lần tham bái của Thiện Tài Đồng Tử đã biểu diễn cho chúng ta thấy, đó là cảnh giới Phật. Cảnh giới Phật, cảnh giới chúng sanh, cảnh giới thiên nhân, cảnh giới nhị thừa, cảnh giới Bồ Tát, thật ra không hai không khác. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói, một tức là nhiều, nhiều tức là một. Cảnh giới hiện tại của chúng ta phải chăng là cảnh giới Phật? Đúng vậy. Phải chăng là cảnh giới thiên nhân? Phải. Phải chăng là cảnh giới ba đường ác? Đúng vậy. Phải chăng là cảnh giới Bồ Tát? Đúng vậy. Cảnh giới không có khác, là cảm quan không giống nhau, cảm nhận và cách nhìn của ta không giống nhau. Trong kinh Đức Phật nói với chúng ta, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Nghĩa là nói tâm tưởng ta không giống nhau, nên tất cả pháp không giống nhau. Buông bỏ tâm tưởng, tất cả pháp liền giống nhau, không có sai biệt.