/ 600
592

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 240

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 18.01.2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 293, hàng thứ hai, bắt đầu xem từ ở giữa, từ câu: “Nhị ước chư vị”.

“Thứ hai, ước chư vị, khúc tề vô di gọi là Phổ, lân cập á thánh gọi là Hiền”. Đây là nghĩa thứ hai của Phổ Hiền. Thứ nhất là từ tánh đức mà nói, tất cả chúng sanh đều là Phổ Hiền. Thứ hai và thứ ba đều là tu đức, tu đức từ sơ phát tâm, nếu chúng ta phát nguyện tu hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, y theo phẩm sau cùng của Kinh Hoa Nghiêm, nhập pháp giới phẩm tu học, mỗi niệm tuân theo thập đại nguyện vương. Cần nhớ câu ở trước: “Phát tâm bồ đề, nhất hướng chuyên niệm”, đây chính là tu hạnh Phổ Hiền. Bởi vậy quí vị học pháp môn Tịnh độ, mỗi người đều tu hạnh Phổ Hiền.

“Chư vị”, chư là nhiều, nhiều vị thứ như thế, có bao nhiêu địa vị? Trong kinh liệt kê cho chúng ta thấy là có 50 địa vị, thập tín vị, thập trụ vị, thập hạnh vị, thập hồi hướng vị, thập địa vị, tổng cổng có 50 địa vị. Giống như đi học vậy, lớp một, lớp hai, lớp ba đến lớp 50. Lên trên nữa là Đẳng giác Bồ Tát, đó là á thánh. Ở đây nói “lân cập á thánh”, thập địa và Đẳng giác là hàng xóm. Từ sơ phát tâm, 50 địa vị này gọi là chư vị.

Khúc là uốn lượn uyển chuyển, địa vị cao thấp không giống nhau. Từ sơ tín đến đệ lục tín, sáu địa vị này chưa ra khỏi lục đạo, vẫn còn trôi lăn trong lục đạo. Tuy chưa ra khỏi lục đạo, nhưng họ không giống với chúng sanh trong lục đạo, vì sao vậy? Vì chúng sanh lục đạo mê hoặc điên đảo, họ tạo nghiệp luân hồi lục đạo. Bồ Tát sơ tín vị, phương hướng và mục tiêu của họ rất chính xác, họ nhất tâm nhất niệm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Tuy công phu chưa thành tựu, nhưng họ đã đoạn 88 phẩm kiến hoặc trong tam giới. Vì thế tuy chưa ra khỏi luân hồi lục đạo, nhưng tuyệt đối không đọa vào ba đường ác, cũng không đọa vào trong đường La sát tu la. Họ còn lui tới hai cõi trời và người sáu lần nữa là thoát ly luân hồi lục đạo. Sáu lần lui tới này là nguyên nhân gì? Vì chưa đoạn tận tư hoặc, mới đoạn tận kiến hoặc, họ còn 81 phẩm tư hoặc, ở cõi người và cõi trời họ tiếp tục buông bỏ nó.

Nếu nhìn từ Tiểu thừa, ý nghĩa sẽ rất rõ ràng. Tiểu thừa tổng cộng có tám địa vị, tứ quả tứ hướng. Sơ quả hướng có thể nói là không có địa vị, chứng được sơ quả là có địa vị. Ngày nay chúng ta thuộc địa vị nào? Là thuộc sơ quả hướng. Nếu trong đại thừa, chúng ta là sơ tín hướng, ta hướng đến địa vị sơ tín tiến tới. Chứng được sơ quả, trong đại thừa nghĩa là chứng được sơ tín vị. Bồ Tát sơ tín vị giống như lớp một tiểu học vậy. Hiện nay chúng ta đến lớp một tiểu học cũng chưa đạt được. Tuy tu học chương trình của lớp một tiểu học, nhưng thi đều không đạt điểm, vì thế chúng ta không được thừa là học sinh lớp một.

Sơ quả cần điều kiện gì? Trong bao nhiêu năm nay, tôi thường khuyên mọi người, tu Tịnh độ, học đại thừa cần phải buông bỏ tự tư tự lợi, vì sao vậy? Vì có ý niệm này, đường đạo bồ đề vô cùng khó đi. Cho dù ta tinh tấn nỗ lực đến đâu, vẫn đứng nguyên vị trí, không hề bước ra ngoài bước nào. Cần phải hiểu điều này, tự tư tự lợi hại người rất thê thảm, cho nên việc trước tiên là buông bỏ nó. Phải buông bỏ danh văn lợi dưỡng, buông bỏ ngũ dục lục trần. Đối với danh lợi, đối với tài sắc danh thực thùy, sắc thanh hương vị xúc pháp quả thật đã buông bỏ. Không còn khống chế, không còn chiếm hữu, tâm bắt đầu hướng về phương hướng thanh tịnh. Còn phải buông bỏ tham sân si mạn, điều nầy rất khó buông bỏ, buông bỏ tham sân si mạn, không dễ buông bỏ, nhưng phải làm nhạt nó. Phải chăng đây là sơ tín vị? Không phải vậy, đây là địa vị gì? Đây gọi là sơ quả hướng, ta hướng theo phương hướng này.

Thế nào gọi là sơ quả? Chính là trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là Bồ Tát sơ tín vị, đoạn tận năm loại kiến hoặc là chứng được. Thứ nhất là thân kiến, chắc chắn không còn chấp trước thân này là ta. Tôi thường nói thân không phải tôi, vậy nó là gì? Là tôi sở hữu, đây là thân kiến, hãy nhớ rằng, còn có tôi sở hữu. Buông bỏ biên kiến, biên kiến nói như cách nói hiện nay là đối lập. Người khác đối lập với tôi, tôi không đối lập với họ, không có ý niệm đối lập. Chư vị phải biết, con người ở nhân gian phiền não vô lượng vô biên, căn bản của phiền não ở đâu? Là ở chỗ đối lập, cần phải nhổ tận gốc phiền não, không đối lập với tất cả mọi người, đối lập với tất cả pháp, không đối lập với tất cả vạn pháp. Đối lập là sai lầm, vì sao vậy? Vì biến pháp giới hư không giới với mình là nhất thể, nhất thể làm sao đối lập được!

/ 600