Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 239
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 18.01.2011
Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện_Úc Châu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 292, chúng ta bắt đầu xem từ hàng thứ ba, đây là một đoạn.
“Bên dưới là nguyện thứ 36, nguyện tùy ý hóa độ. Như nguyện ở trên nói rõ, người sanh vào nước này, trú trong cõi nước Cực Lạc, đều chứng bổ Phật, thành Đẳng chánh giác”. Đây là nguyện thứ 36. “Nhưng Bồ Tát thành Phật mỗi người đều có nguyện lực, như nguyện khoác giáp hoằng thệ, trở lại cõi uế, phổ lợi quần sanh, giáo hóa hữu tình. Tức nhờ nguyện lực của Phật Di Đà gia trì, tùy ý giáo hóa, tất cả đều viên mãn, là ý của nguyện này”.
Ở trước chúng ta đã học đoạn này, mấy ngày qua chúng tôi đến Singapore, Malaysia, Indonesia phỏng vấn, vì vậy mà việc học tập của chúng ta bị gián đoạn. Hôm nay chúng ta ôn tập lại đoạn kinh văn này, tuy nói là ôn tập nhưng vẫn có ý mới, đích thực hiển thị ra công đức bổn nguyện của Phật Di Đà không thể nghĩ bàn.
Trong mấy tháng gần đây, có người đồng học phát tâm trợ niệm vãng sanh nói với chúng tôi rằng. Người trợ niệm, bất luận là người tại gia hay xuất gia, nếu dùng tâm chân thành, tâm chí thành, đều có thể khiến người suốt đời chưa từng tiếp xúc Phật pháp, người hoài nghi đối với Phật pháp, có thể giúp họ vãng sanh đến biên địa nghi thành. Tin tức truyền đến, mọi người đều biết họ đã đến biên địa nghi thành, do đó càng nỗ lực, dùng tâm chân thành chí tâm hồi hướng giúp họ. Lại có thể trong mấy ngày, trong một tuần hai tuần họ được nhập phẩm vị, quả là không thể nghĩ bàn. Trong kinh Đức Phật nói, sanh đến biên địa nghi thành, thời gian dài nhất đương nhiên không quá 500 năm, 500 năm này là thời gian của nhân gian chúng ta. Họ ở đó tu hành, quan trọng nhất là tu tín tâm. Đối với pháp môn này, đối với công đức bổn nguyện của Phật A Di Đà không còn hoài nghi nữa. Đoạn nghi sanh tín, họ liền có thể nhập phẩm, nhập phẩm này là cõi phàm thánh đồng cư hạ phẩm hạ sanh. Chúng ta nỗ lực dùng một tuần, hai tuần cho đến bảy tuần 49 ngày, giúp họ từ nghi thành sanh vào hạ hạ phẩm, công đức này không thể nghĩ bàn. Thậm chí còn có thù thắng hơn, giúp người này vãng sanh, sanh đến cõi đồng cư. Người này như thế nào? Họ vẫn chưa tắt thở. Hay nói cách khác, trong bệnh viện, bác sĩ chưa tuyên bố họ chết thì họ đã đến thế giới Cực Lạc, nhưng chúng ta lại thấy họ như bất tỉnh hôn mê vậy. Họ thật sự đã đến thế giới Cực Lạc, Phật A Di Đà đã tiếp dẫn họ đi. Đến thế giới Cực Lạc gặp Phật A Di Đà họ lại trở về, trở lại sống thêm hai ba ngày rồi ra đi, họ nói lại cho chúng ta nghe những gì nhìn thấy. Như vậy nghĩa là sao? Chúng ta có suy nghĩ và quan sát tường tận chăng? Đây là từ bi vô tận của Phật Di Đà.
Khi thế gian này của chúng ta xuất hiện đại thiên tai, thiên tai thảm họa xuất hiện chúng ta phải làm sao? Chúng ta tin rằng rất nhiều người trở tay không kịp, không biết phải làm sao. Sự thị hiện của Phật A Di Đà, nói lên lòng từ bi vô tận, nguyện lực chân thật. Người thâm tín không nghi, cho dù gặp thiên thai, chúng ta có niềm tin kiên định rằng Phật sẽ đến tiếp dẫn mình. Ý nghĩa này rất thâm sâu, rất lớn, rất rộng, chúng ta không thể không biết.
Chúng ta đọc lại nguyện tùy ý giáo hóa này, thực tế mà nói ý chính là nhân duyên. Ta dạy học ở thế giới này, không có ai tin, đó là không có nhân duyên, như vậy ở lại thế gian này cũng vô ích, vì không độ được chúng sanh. Thế gian này vẫn còn một người tin tưởng, người ta thích nghe mình nói, không hề nghi ngờ, đây là có nhân duyên. Có nhân duyên, dù hoàn cảnh gian nan, khốn khó đến đâu, đệ tử của Phật Di Đà là Bồ Tát, không phải phàm phu. Bồ Tát và phàm nhân khác nhau điều gì? Khác nhau ở tâm bồ đề, dụng tâm không giống nhau. Phàm phu khởi tâm động niệm đều vì mình, đại tâm phàm phu niệm thứ hai nghĩ đến chúng sanh, gọi là suy mình ra người. Nhưng hàng đệ tử chơn chánh của Phật, họ không nghĩ đến mình, vì sao vậy? Vì họ biết tất cả chúng sanh, bao gồm sơn hà đại địa với chính mình cùng một tự tánh thanh tịnh viên minh thể, là nhất thể. Như Lão tử nói: “trời đất với tôi cùng một gốc, vạn vật với tôi là nhất thể”, cho nên không hề nghĩ đến mình. Không có chính mình, chỉ có chúng sanh. Biết chúng sanh có nhân duyên với mình, đương nhiên hy vọng trú thế thêm vài năm, vì sao vậy? Để giúp những người có nhân duyên này vãng sanh Tịnh độ, đây là nghĩa chân thật của nguyện tùy ý giáo hóa. Có năng lực này chăng? Chúng ta chưa học hết 48 nguyện, chỉ mới học được 35 nguyện ở trước, biết rằng trí tuệ, đức năng, thần thông, phương tiện thiện xảo. Tuy không phải chính mình tu được, nhưng thật sự được oai thần bổn nguyện của Phật Di Đà gia trì. Như đoạn này Niệm lão nói với chúng ta: “Trở lại cõi uế, phổ lợi quần sanh, giáo hóa hữu tình, tức nhờ vào nguyện lực của Phật Di Đà, tùy ý giáo hóa, tất cả đều được viên mãn”. Đây là thật, không phải giả. Niệm lão nói mấy câu này không sai, là chân tướng sự thật, chúng ta nghe xong hiểu rõ ràng minh bạch.