822

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 238

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 04.01.2011

Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 291, hàng thứ ba, bắt đầu xem từ câu sau cùng.

“Lại như Hội Sớ nói: Nhất sanh bổ xứ là Đẳng giác vị, còn có nhất sanh vô minh, nên nói đầy đủ là nhất sanh phân tướng vô minh chưa phá, cho nên gọi là nhất sanh. Vô minh của phẩm này, sức của nó lớn nhất. Duy chỉ có hậu tâm này, dùng kim cang trí phá, tức bổ Diệu giác vị, cho nên gọi là bổ xứ”.

Trong buổi giảng hôm nay, chư vị đồng học vô cùng may mắn, cũng rất hy hữu. Hy vọng chúng ta đều có thể ngay trong đời này, chứng được bổ xứ Bồ Tát, địa vị này cao nhất. Đoạn này Hoàng Niệm Lão trích dẫn một đoạn văn trong Vô Lượng Thọ Kinh Hội Sớ của pháp sư Nhật Bản, nói rõ về nhất sanh bổ xứ, nhất sanh bổ xứ là Đẳng giác vị.

Bây giờ chúng ta biết phiền não rất nhiều, vô lượng vô biên, Đức Thế Tôn dạy học quy nạp nó thành ba loại lớn. Loại thứ nhất là từ sanh khởi của phiền não, đó là vô thỉ vô minh, gọi là vô minh phiền não. Thứ hai là trần sa phiền não, là phân biệt khởi lên. Thứ ba là chấp trước khởi lên, gọi là kiến tư phiền não. Kiến là kiến giải, tư là tư tưởng, cũng chính là nói đối với rất nhiều vấn đề chúng ta thấy sai, đây là kiến phiền não. Nghĩ sai gọi là tư phiền não, hợp lại gọi là kiến tư phiền não. Chúng ta thấy sai nghĩ sai, đương nhiên cũng nói sai làm sai. Nói sai làm sai tức là tạo nghiệp, nghiệp chiêu cảm lấy quả báo. Thiện nghiệp chiêu cảm ba đường lành, ba đường lành trong lục đạo. Ác nghiệp chiêu cảm ba đường ác trong lục đạo, nghiệp nhân quả báo vĩnh viễn đang tuần hoàn. Đây chính là lục đạo từ đâu sanh ra, đã hiểu rõ ràng.

Nếu chúng ta đoạn tận kiến tư phiền não, lục đạo không còn, quả thật lục đạo giống như giấc mộng vậy. Trong mộng hình như có cảnh giới này, sau khi tỉnh mộng cảnh giới không còn. Lục đạo cũng như thế, đến khi nào chúng ta tỉnh giấc mộng này, lục đạo biến mất. Lục đạo không còn, tỉnh lại thì cảnh giới nào xuất hiện? Là tứ thánh pháp giới Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật, đó gọi là Tịnh độ. Lục đạo là uế độ, ô nhiễm nghiêm trọng. Bốn pháp giới ở trên là pháp giới thanh tịnh, vì sao vậy? Vì trong đó không có phiền não. Tập khí, A la hán vẫn còn tập khí, sau khi đoạn tận tập khí, A la hán nâng cao thêm một bậc gọi là Bích Chi Phật. Bích Chi Phật cả kiến tư phiền não và tập khí phiền não đều không còn, nhưng họ còn trần sa phiền não. Trần sa phiền não từ phân biệt sanh ra, đoạn tận tâm phân biệt, đối với tất cả pháp không còn phân biệt. Vì sao không phân biệt nó? Vì nó là giả, không phải thật. Vì sao ngày nay chúng ta không thể đoạn được phiền não? Chính là vì coi giả thành thật, thật thì hoàn toàn không biết, mê mất. Đây là nhân duyên trong mười pháp giới, vì sao có mười pháp giới.

Bích Chi Phật đã đoạn tận phân biệt, nghĩa là đoạn tận trần sa phiền não, họ nâng cao lên thành Bồ Tát. Bồ Tát không có phân biệt, chư vị phải biết điều này, Bồ Tát vẫn còn tập khí của phân biệt. Bởi vậy ở địa vị Bồ Tát, họ nhất định phải đoạn tận tập khí, đoạn tận tập khí họ sẽ thành Phật. Chư vị phải biết, đây là Phật trong mười pháp giới. Đại sư Thiên Thai, tức là đại sư Trí Giả nói với chúng ta, đây là tương tự tức Phật, họ không phải chân Phật, nhưng rất giống Phật, phàm phu chúng ta chắc chắn không nhận ra. Làm sao phân biệt chân Phật và tương tự Phật? Trong Phật pháp nói rất đơn giản, dùng chân tâm tức là chân Phật, dùng vọng tâm tức là tương tự Phật, vọng tâm chính là A lại da. Họ vẫn dùng A lại da, dùng tám thức 51 tâm sở, nhưng họ dùng chánh đáng. Làm sao phân biệt tà và chánh? Chánh chính là kinh giáo, hay nói cách khác, hoàn toàn thực hành theo lời trong kinh dạy, hoàn toàn làm được. Về hình tướng mà nói, họ không khác gì với Phật, chúng ta tuyệt đối không chỉ ra được lỗi lầm của họ, nên gọi là tương tự tức Phật. Chỉ là chưa chuyển vọng tâm thành chân tâm.

Vọng tâm là gì? Là vô minh, gọi là vô minh phiền não. Vô minh là gì? Chúng ta nói cạn cợt một chút để mọi người dễ hiểu, là khởi tâm động niệm, điều này rất vi tế. Chúng ta khởi tâm động niệm ta có biết chăng? Không biết, hoàn toàn không biết, quá vi tế. Bồ Tát Di Lặc nói, một khảy móng tay khởi tâm động niệm bao nhiêu lần? 32 ức trăm ngàn niệm, cho nên điều này vô cùng gian nan, không dễ nhìn thấy nó. Nếu có thể buông bỏ nó nghĩa là phá được vô minh, phá vô minh tức chứng được pháp thân. Trong Thiền tông gọi là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, chính là cảnh giới này. Kiến tánh thành Phật, đây là chân Phật, không phải giả Phật. Vì sao vậy? Vì họ dùng chân tâm, không còn dùng tám thức 51 tâm sở. Pháp tương tông nói chuyển bát thức thành tứ trí, thật sự chuyển, thập pháp giới không còn, thập pháp giới cũng không phải thật, không có gì là thật cả. Thập pháp giới không còn, lại giống như là một giấc mộng, trong lục đạo là mộng trong mộng. Sau khi tỉnh mộng cảnh giới gì xuất hiện? Nhất chân pháp giới xuất hiện, cõi thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai. Chư vị phải nhớ, cũng chính là cõi thật báo trang nghiêm của chính mình xuất hiện. Cõi thật báo của chính mình, không có gì khác với cõi thật báo của Chư Phật.