/ 600
593

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 235

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 28.12.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 289, hàng thứ hai, bắt đầu xem từ câu “tứ vô ngại giả”.

“Tứ vô ngại, thứ nhất là pháp vô ngại, danh văn cú là giáo pháp năng thuyên, gọi là pháp. Thuyên là đầy đủ, là thiện, cũng là lời nói, đối với giáo pháp không có đình trệ, gọi là pháp vô ngại”.

Tứ vô ngại trí là phương pháp quan trọng mà chư Phật Bồ Tát giáo hóa chúng sanh. Bốn loại này ở trước chúng ta đã học, nó cũng gọi là tứ vô ngại trí. Tóm lại mà nói, là lấy trí tuệ làm thể, lấy thiện xảo phương tiện làm tác dụng. Bốn loại này có thể có dụng, nó nghiêng nặng về tác dụng, cho nên nó còn gọi là tứ vô ngại giải, tứ vô ngại biện, biện tài.

Pháp, đầu tiên nói về danh, danh là danh tướng. Lão tử nói rất hay, chúng ta xem trong Đạo Đức Kinh, bài đầu tiên Lão tử nói: “Đạo khả đạo, phi thường đạo, danh khả danh, phi thường danh”. Ở đây nói đến danh chính là những gì Lão tử nói, vốn không có danh, danh đều là do con người kiến lập nên, vì thế danh đều gọi là giả danh, nhất định phải biết điều này. Anh tên là gì? Đều là giả danh, vì sao vậy? Vì anh thích thì anh sẽ đổi, nó không phải nhất định, không phải vĩnh hằng. Cho dù đời này, ví dụ đời này tôi xuất gia gọi là Tịnh Không, nhưng đời trước tôi không phải dùng tên này, đời sau cũng không biết đầu thai vào đường nào, cũng không phải tên gọi này. Bởi vậy tên gọi đều là giả danh, không cần để ý đến. Nếu chấp trước vào danh tướng, chết trong danh cú, như vậy đều là mê hoặc, đều là sai lầm. Đó không phải trí tuệ, mà là phiền não, vì thế danh cũng phải buông bỏ, gọi là danh văn lợi dưỡng. Quý vị thấy danh văn đặt ở trước, sau đó mới đến lợi dưỡng.

Do đây có thể biết, người thế gian, chúng sanh trong lục đạo đối với danh phận chấp trước rất nặng nề. Cho nên rất khó ra khỏi lục đạo, khó vô cùng! Khó ở đâu? Chúng ta quan sát tường tận, nghĩ đến vấn đề này sẽ hiểu, không khó lý giải. Ngôn ngữ không lìa khỏi danh tướng, nếu lìa khỏi danh từ thuật ngữ chúng ta đều không biết nói chuyện. Tôi nói con người, con người cũng là một danh từ, động vật cũng là một danh từ. Đức Phật dạy tất cả chúng sanh cũng phải thành lập rất nhiều danh tướng, là thuật ngữ chuyên môn trong Phật học. Trong Phật Học Đại Từ Điển đã khởi tác dụng này, ta cần phải hiểu hàm nghĩa trong danh từ. Đây gọi là nghĩa lý, ở sau danh có ý nghĩa, hiểu được nó chính là trí tuệ, không hiểu sẽ tạo thành phiền não.

Thứ hai là cú, cú là ngôn ngữ. Nói chuyện có thể dùng những ngôn từ rất đơn giản, rất ngắn, có thể biểu đạt rõ ràng những gì ta muốn nói, ngôn ngữ này là ngôn ngữ hay. Viết chữ hay viết văn cũng đều như thế, từ xưa đến nay con người đối với ngôn ngữ văn tự yêu cầu bốn chữ, là “giản yếu tường minh”.

Tứ Thư từ sau khi Chu Hy biên tập hoàn thành, đến nay gần 1000 năm. Ông là người thời nhà Tống, Tống Nguyên Minh Thanh cho đến nay, hầu như đây là cuốn sách mà người Trung quốc phải học, ai ai cũng biết đến, bộ sách này biên tập rất hay. Sau khi học Phật tôi có một suy nghĩ, Chu phu tử biên tập cuốn sách này, rất có thể là chịu ảnh hưởng của Kinh Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm là một bộ kinh lớn, Chu phu tử từng học kinh Phật, mà trình độ khế nhập cũng khá thâm sâu. Kinh Hoa Nghiêm có lý luận viên mãn, có phương pháp thiện xảo, ở sau còn kèm theo biểu diễn, thể hiện ra cho chúng ta thấy, đó là hành chứng. Đại sư Thanh Lương phân bộ kinh này thành bốn phần, tín giải hành chứng, đây là một bộ triết học hoàn mỹ. Thầy Phương Đông Mỹ nói, trên toàn thế giới không tìm đâu ra bộ sách triết học nào hay như thế, ông nói nó là triết học đỉnh cao nhất trên toàn thế giới, triết học đứng hàng đầu, có đạo lý!

Tứ Thư rất giống, quý vị thấy Trung Dung là lý luận, Đại Học là phương pháp, giản yếu tường minh, Luận Ngữ, Mạnh Tử là biểu diễn. Luận Ngữ lấy Khổng tử làm tượng trưng, thánh nhân đã thực hành, thể hiện những gì trong Trung Dung và Đại Học nói, là cảnh giới của thánh nhân, Mạnh tử là cảnh giới của hiền nhân. Có lý luận, có phương pháp, có biểu diễn, rất giống với khuôn mẫu của Kinh Hoa Nghiêm. Đại Học và Trung Dung là lấy hai bài trong Lễ Ký, quả là tinh hoa của Lễ Ký, hai bài quan trọng nhất, đích thực cũng là triết học cao cấp. Mọi người đọc cuốn sách này, trong cuốn sách này, ở đây chúng ta nói về danh, cú, văn. Đơn giản biết bao, không có một chữ nào dư thừa. Nếu giảm bớt một chữ nó sẽ không viên mãn, còn như thêm vào một chữ sẽ thành ra rườm rà, thật sự đạt được không tăng không giảm, đây là bài văn hay. Ngôn ngữ đạt đến trình độ này là ngôn ngữ hay, là tiêu chuẩn của các bậc thánh hiền đặt ra, không hề có chút phiền phức nào. Nếu chư vị thật sự chuyên tâm học văn cổ sẽ biết, lời nói đơn giản ý nghĩa sâu sắc. Ngôn ngữ đơn giản, ý nghĩa rất viên mãn.

/ 600