436

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 234

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 27.12.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 288, bắt đầu xem từ hàng sau cùng, chữ sau cùng.

“Tịnh Ảnh Sớ nói, ngôn có thể biện, ngữ mới có tài nghệ kỹ xảo, cho nên gọi là biện tài. Lại trí biện của Chư Bồ Tát thuyết pháp, gọi là tứ vô ngại trí, tứ vô ngại giải hoặc tứ vô ngại biện”. Đoạn này chúng ta xem tiếp ở trước.

Nguyện 34 là nguyện Thiện Đàm Pháp Yếu, Thiện Đàm Pháp Yếu quan trọng nhất là biện tài. Trong các trường học của thế gian, môn học này gọi là phương pháp dạy học, trong Phật pháp gọi là trí tuệ biện tài, cùng một ý nghĩa, là một môn học vấn, chúng ta cần phải lý giải.

Tịnh Ảnh Sớ là chú giải của pháp sư Huệ Viễn thời Tùy Đường. Sớ là chú giải của kinh, ngài viết chú giải, ngài ở chùa Tịnh Ảnh. Theo cổ lễ, tôn trọng đối với một người, chẳng những không gọi tên, mà đến tự cũng không gọi. Chỉ xưng nơi ở của họ, xưng tên chùa, chùa Tịnh Ảnh. Pháp sư Huệ Viễn và sơ tổ Tịnh độ tông Huệ Viễn có tên giống nhau, sơ tổ Huệ Viễn của Tịnh tông sanh vào thời Đông Tấn, còn pháp sư Huệ Viễn sanh vào thời nhà Tùy. Đại khái là rất gần thời nhà Đường, Tùy Đường, vì niên đại nhà Tùy không dài, cho nên rất gần thời nhà Đường, chúng ta thường gọi là Tùy Đường. Thời Tùy Đường hưng thịnh khoảng 300 năm, nhà Tùy rất ngắn, mấy mươi năm là mất nước.

Trong chú giải của ông, đối với hai chữ biện tài có giải thích đơn giản rằng: “ngôn năng biện liễu”. Biện là nói rõ, hiện nay chúng ta gọi là dùng pháp biện chứng logic, trong Phật pháp gọi là nhân minh, đều là một loại học vấn của biện chứng. Trong triết học nói nó là triết học thuần túy, ở đây nói là trí tuệ. Liễu là thấu triệt, thông qua biện sau đó ta mới thật sự có thể thấu hiểu, như vậy gọi là biện.

“Ngữ năng tài xảo”, ngữ là ngôn ngữ, ngôn ngữ rất thiện xảo, tài ăn nói rất khéo léo, hợp lại gọi là biện tài. Vì Phật pháp là giáo dục, Phật pháp là dạy học. Chúng ta cần phải biết điều này, phải thường nhắc nhở mình. Vì ngày nay trên toàn thế giới đều coi Phật giáo là Tôn giáo, rất nhiều người ngộ nhận nói Phật pháp là mê tín, chúng ta không thể không giải thích thêm vài câu, không thể không thường nhắc đến.

Lúc tôi còn trẻ cũng giống như mọi người vậy, cũng cho rằng Phật giáo là Tôn giáo, là mê tín, vì thế xưa nay không hề để ý đến, đến chùa cũng không vào. Đôi lúc đi tham quan du lịch, thấy nghệ thuật kiến trúc thời cổ đại, chỉ xem những thứ này mà thôi. Lại thấy người xuất gia tổ chức pháp hội, Phật sự siêu độ, điều này gây thêm cho chúng ta một quan niệm rất sai lầm, hình như Phật giáo chuyên môn phục vụ người chết, ngộ nhận này quá lớn.

Nhân duyên học Phật của tôi, là nhờ lúc trẻ yêu thích triết học, ở Đài Loan học triết học với Thầy Phương Đông Mỹ. Thầy Phương rất từ bi, giảng cho tôi nghe bộ Triết Học Khái Luận, mục sau cùng là triết học Phật giáo, lúc đó tôi rất kinh ngạc. Phật là Tôn giáo, là mê tín, trong Tôn giáo nó là Tôn giáo cấp thấp, sao lại có triết học? Tôn giáo cấp cao trong Tôn giáo chỉ có một vị thần, Tôn giáo cấp thấp gọi là phiếm thần giáo. Rất nhiều thần, thần gì cũng lễ lạy, nên nó thuộc Tôn giáo cấp thấp. Chúng tôi cho rằng nó là Tôn giáo cấp thấp, làm gì có triết học? Thầy nói với tôi, anh còn trẻ nên không hiểu đó thôi, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là nhà triết học vĩ đại nhất trên toàn thế giới, triết học Phật giáo là triết học đỉnh cao nhất trên toàn thế giới, học Phật là hưởng thụ cao nhất của đời người. Tôi đã học được bài học này từ thầy, mới thay đổi được quan niệm, có nhận thức mới về Phật giáo, quả thật không dễ! Nếu không có nhân duyên này, suốt đời này tôi không tiếp xúc đến. Quả thật như cổ nhân nói, như đạt được của báu mà bỏ lỡ mất.

Phật pháp gần 2000 năm nay, quả thật phát triển rất rộng lớn. Ông Townenbe người Anh nói không sai chút nào, người xưa tâm lượng rất lớn, có thể bao dung văn hóa dị tộc, chính là chỉ Phật giáo. Phật giáo truyền đến từ Ấn độ, người xưa có thể bao dung, có thể hấp thu. Phật giáo làm phong phú truyền thống văn hóa xưa, đây là Townenbe nói. Townenbe đối với văn hóa xưa, sự nhận thức của ông hơn hẳn người hiện tại như chúng ta. Chúng ta hiện nay không nhận thức được, nhưng người phương tây nhận thức. Mà ông còn nói ra rằng, giải quyết vấn đề của thế kỷ 21, vấn đề của xã hội này, quý vị thấy sự hỗn loạn của xã hội hiện nay, chỉ có học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp đại thừa mới giải quyết được, là thật chăng? Nếu quý vị đối với hai thứ này, quả thật thâm nhập nghiên cứu, sẽ biết lời ông ta nói hoàn toàn không sai. Vấn đề then chốt hiện nay là gì? Người bình thường không biết, có nói với họ họ cũng không hiểu. Đừng nói là người bình thường không hiểu, mà người chuyên môn nghiên cứu hán học cũng không hiểu, điều này khiến chúng ta rất thất vọng.