/ 600
654

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 236

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 29.12.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 289, hàng thứ tám, bắt đầu xem từ câu: “Thiện đàm chư pháp mật yếu”. “Thiện đàm chư pháp mật yếu là nguyện thiện đàm pháp yếu thứ 34”.

Bên dưới là chú giải của Hoàng Niệm Lão. “Bí nghĩa là bí mật uyên áo, tức là nói pháp môn uyên thâm. Nghĩa bí mật còn gọi là pháp môn ẩn mật, không dễ hiển thị cho người khác thấy”. Chúng ta xem mấy câu này trước. Bí không phải bí mật, phàm là bí mật tức không thể nói với người khác, đại khái đều không phải việc tốt. Trong Phật pháp không có bí mật, nó có sự thâm mật, quá thâm sâu, lý quá sâu sắc, không dễ nói rõ ràng. Nói đều không dễ huống gì nghe? Cho nên nó có ý nghĩa thâm mật. Trong kinh điển đại thừa có Kinh Giải Thâm Mật, cho nên đích thực nó có thâm mật. Thâm mật đa phần là nói về tự tánh, tự tánh không dễ lãnh hội. Vì nó không phải hiện tượng vật chất, không phải hiện tượng tinh thần, cũng không phải hiện tượng tự nhiên. Hiện nay cái gọi là triết học, khoa học đối với nó cũng đành chịu, đều không thể tiếp xúc đến biên duyên của nó, nó rất thâm sâu. Chư Phật Như Lai đối với vấn đề này thường nói: “chỉ có chứng được mới biết”, ta không tự mình chứng được thì không thể biết được. Đa phần ví như uống nước, “như người uống nước, nóng lạnh tự biết”. Chúng ta uống ly nước này vào, quý vị hỏi rốt cuộc là lạnh hay là nóng? Rất khó nói một cách rõ ràng, nói như thế nào quý vị cũng không biết, quý vị tự uống một hớp sẽ biết. Nếu ta không tự thân nếm sẽ rất khó lý giải, đều là nói chung chung. Trong kinh điển đại thừa, trong Tông môn nói: “hướng lên trên một bậc”, tức là chỉ ý nghĩa thâm mật này.

“Pháp môn thâm sâu uyên áo”, uyên áo cũng nghĩa là thâm sâu. “Lại bí mật”, bí vẫn là thâm mật, vẫn là ý nghĩa thâm mật. “Nói pháp môn ẩn mật”, ẩn chính là tự tánh. Hiển dễ nói, dễ biết, khoa học và triết học thảo luận nghiên cứu, ẩn quá khó. Triết học nghiên cứu ẩn mật, mà khoa học hoàn toàn rõ ràng, nó nhất định phải quan sát được. Hiện nay dùng máy móc tinh vi, ví dụ quan sát vật chất, vật chất rốt cuộc là gì, mấy ngàn năm nay đều không giải đáp được. Hiện nay các nhà lượng tử lực học đã giải đáp cho chúng ta, đây là hiển không phải ẩn, ẩn họ cũng đành chịu. Tự tánh là ẩn, A lại da không phải ẩn, vì sao vậy? Vì A lại da là từ động mà sinh ra, từ hiện tượng dao động phát sinh. Hiện tượng dao động không phải ẩn, cho nên các nhà khoa học có thể quan sát được. Dùng khoa học kỹ thuật tiên tiến, máy móc tinh vi có thể quan sát được. Nếu ẩn mật thì không thể, ẩn mật không quan sát được. Như tôi vừa mới nói hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần, hiện tượng tự nhiên đều là hiển không phải ẩn. Nhưng có thể sanh có thể hiện đó là tự tánh, tự tánh thì không thể, đệ lục ý thức không duyên được tự tánh. Ngày nay bất luận nói thái không vật lý hay là nói về lượng tử lực học, đây là thế giới vi quan, tất cả đều không duyên được tự tánh. Cho nên ẩn mật hay thâm mật đều nói đến ý này, nghĩa là tâm chúng ta dùng đều là vọng tâm, không phải chân tâm. Vọng tâm vĩnh viễn không duyên được chân, những gì thuộc về chân đều không thể đạt được. Những gì thuộc về chân phải dùng cách nào mới thấy được nó? Phải dùng chân tâm, chân thấy được chân, chân có thể thấy được vọng, vọng thấy được vọng, vọng không thấy được chân. Đây là sự thật, là thật tướng các pháp. Đức Phật dạy chúng ta, buông bỏ khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, quả thật sẽ thấy được. Hãy ghi nhớ một câu rất quan trọng, chân biết được vọng, vì thế sau khi kiến tánh, thập pháp giới y chánh trang nghiêm không có gì ta không biết. Sau đó ta sẽ hiểu, các bậc cổ đức xưa nay họ không trọng tri thức, họ trọng khai ngộ. Khi đã khai ngộ, cái biết đó là cái biết chân thật, hoàn toàn không có chút sai lầm nào. Chúng ta dùng đệ lục ý thức để nhận biết nó, cái biết này có khi nhận sai, đây là điều thường xuyên xảy ra. Tự cho mình đúng, thường có tình trạng này. Nhưng người kiến tánh là cái biết chân thật, tuyệt đối không có sai lầm. Họ nói ra chúng ta không cho là đúng, nhưng họ nói là thật. Nếu chúng ta không cho là đúng là do ta thấy sai.

/ 600