/ 600
487

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 233

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 26.12.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 288, bắt đầu xem từ hàng thứ ba.

“Tân Dịch Nhân Vương Kinh nói: Thế Tôn đạo sư thể kim cang, tâm hành tịch diệt chuyển pháp luân. Lương Bôn Sớ nói: Thể tức là thân, thân Phật kiên cố, giống như kim cang. Nếu căn cứ mật ý, tức vãng sanh, cũng như Thế Tôn được thể kim cang bất hoại. Cho nên đều thọ mạng vô lượng, thân đầy đủ sức kim cang kiên cố”. Đoạn này là trong Tân Dịch Nhân Vượng Kinh, chú giải của đại sư Lương Bôn. Ngài nói: “Thể kim cang, kiên cố đầy đủ”, những điều này đều tương đồng với ở trước nói, hoàn toàn tương đồng, đặc biệt nói rõ thể này là chỉ thân thể, “thân Phật kiên cố, do như kim cang”.

Ở trước chúng ta căn cứ trong kinh điển đại thừa nói về thân pháp tánh và cõi pháp tánh, nghĩa là kiên cố, chúng ta có thể lý giải. Sự kiên cố của nó là tuyệt đối, không phải tương đối, trong pháp tướng đều là tương đối. Kiên cố và lỏng lẻo là tương đối, chánh và tà là tương đối, thiện và ác là tương đối. Trong pháp tướng có tương đối, pháp tánh không có, vì sao vậy? Vì pháp tánh lìa tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước, vì thế pháp tánh sở hiện. Cõi thật báo trang nghiêm là pháp tánh hiện, trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là tâm hiện thức biến. Trong cõi pháp tánh chỉ có tâm hiện không có thức biến, cho nên thân giống như thân kim cang bất hoại vậy. Kim cang trong pháp tướng vẫn bị mất đi, không thật sự kiên cố, pháp tánh mới kiên cố. Vấn đề này thâm nhập một chút vào kinh điển đại thừa, là có thể lãnh hội được. Chứng được pháp tánh, minh tâm kiến tánh, họ đạt được thể kim cang bất hoại, nhưng họ vẫn có nhục thân.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện cho chúng ta thấy, năm 30 ngài chứng quả, dưới cội bồ đề lúc sao mai vừa mọc, ngài đại triệt đại ngộ, thành Phật. Thành Phật nghĩa là chứng được thân pháp tánh, nhưng nhục thân của ngài vẫn còn, trong Phật pháp đại thừa gọi là hữu dư y niết bàn. Ngài chứng được niết bàn, nhưng nhục thân vẫn còn. Nhục thân là hữu dư, gọi là hữu dư y, nhục thân này vẫn bị hoại. Vì thế năm 79 tuổi, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện nhập niết bàn. Nhưng thân pháp tánh bất hoại, thân pháp tánh và pháp tướng không giống nhau, đạo lý này rất sâu sắc, rất vi tế.

Như ngài Huệ Năng là lục tổ của Thiền tông, ngài thị hiện vào thời nhà Đường. Ngài ở trong phòng phương trượng của Ngũ tổ nghe Kinh Kim Cang mà khai ngộ, ngài ngộ cũng là chứng được thân kim cang bất hoại, nhưng thân thể vẫn còn, hơn 70 tuổi viên tịch. Nhất định phải phân biệt rõ ràng về pháp tánh và pháp tướng, tất cả đều từ trong tự tánh hiển lộ ra. Một bên không có khởi tâm động niệm, nhưng nó có tập khí vô thỉ vô minh. Nếu không có tập khí, pháp tánh sẽ không hiện tướng.

Thân pháp tánh, cõi pháp tánh nó vẫn có tướng, có khởi tâm động niệm chăng? Không có, điều này rất kỳ lạ. Vì sao không khởi tâm động niệm? Họ có tập khí khởi tâm động niệm. Đích thực không có khởi tâm động niệm, tập khí không sao, tập khí đoạn tận tướng tự nhiên không hiện hành, khi chưa đoạn tướng này vẫn còn. Là tập khí khiến tướng này tồn tại, tập khí này ở sau chúng ta sẽ nói đến, vô công dụng đạo. Không thể đoạn được, Phật cũng không có cách. Đoạn như thế nào? Thời gian lâu dài tự nhiên nó không còn. Vì thế các bậc cổ đức dùng mùi trong bình rượu để làm ví dụ, điều này chúng ta lãnh hội được. Bình đựng rượu, đổ hết rửa sạch sẽ, thật sự không còn một giọt nào, nhưng ngửi vẫn nghe mùi, đó gọi là tập khí. Có cách gì để lau sạch tập khí chăng? Không lau sạch được, chỉ có cách mở nắp bình rồi để vậy, để khoảng hai ba tháng ngửi lại không thấy nghe mùi nữa, chính là ý này. Tập khí vô thỉ vô minh này, cần thời gian bao lâu mới đoạn tận? Thời gian rất dài. Trong kinh điển đại thừa Đức Phật nói là ba đại a tăng kỳ kiếp, nghĩa là ba a tăng kỳ kiếp, tập khí tự nhiên không còn nữa.

Từ đây chúng ta biết, người ở thế giới Cực Lạc là vô lượng thọ, trên thực tế họ là hữu lượng, thời gian bao lâu? Ba a tăng kỳ kiếp, thời gian dài như thế. Đến khi tập khí hoàn toàn không còn, họ thành tựu Diệu giác vị, không phải Đẳng giác. Diệu giác đã đoạn tận tập khí, Diệu giác không trú trong cõi thật báo. Trú cõi thật báo là từ sơ trụ đến Đẳng giác, 41 vị pháp thân đại sĩ trú trong cõi báo, nghĩa là cõi thật báo trang nghiêm.

/ 600