/ 600
715

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 230

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 23.12.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 284, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ hàng thứ hai.

Lại các căn môn ngày đêm lưu xuất phiền não nên gọi là lậu. Người dùng Thánh trí để đoạn tận phiền não này, xưng là lậu tận. Chúng ta tiếp tục đoạn hôm qua, đã học đến cư dân ở nơi Thế giới Cực Lạc, cảm thọ an lạc cũng như Lậu tận tỳ kheo. Lậu tận là gì? Ở đây chúng ta học tiếp. “Nhãn đẳng lục môn” chính là sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân ý. Mắt tai mũi lưỡi thân là năm căn bên ngoài. Ý chính là ý niệm, khởi tâm động niệm đây là ý căn, hợp lại xưng là sáu căn. Sáu căn đích thực là ngày đêm lưu xuất phiền não. Mắt thấy sắc, mang theo tham sân si mạn của chúng ta, đây đều là phiền não. Tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, có thể nói là sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài, đều đem đến cho chúng ta phiền não, dưỡng thành tập khí cho chúng ta, cho nên gọi là lưu xuất phiền não. Trong Phật Pháp dùng chữ lậu này để tiêu biểu cho nó. Trước đây báo cáo với chư vị rồi, lậu chính là một thứ đồ đựng giống như tách trà vậy, nếu như phía dưới bị hư tổn, có lỗ thủng, nó liền mất đi tác dụng của nó, chúng ta đựng nước vào nó liền chảy mất. Phiền não này cũng giống như lỗ thủng của sáu căn, làm cho công đức tự tánh của chúng ta toàn chảy hết, lấy ý nghĩa này vậy. Cho nên phiền não chúng ta nhận biết nó rồi, mới biết được những thứ này nguy hại đối với chúng ta nhiều quá. Trong tự tánh chúng ta có trí tuệ viên mãn, nó bị chảy ra từ đây. Có đức năng viên mãn, có tướng hảo viên mãn, đều từ lỗ thủng này mà lọt ra. Đây gọi là lậu.

Câu dưới đây nói “thánh trí giả”, thánh nhân, người có trí tuệ, họ sẽ đoạn hết những phiền não này, thông thường chúng ta nói buông bỏ, không còn dùng những thứ này nữa, có thể đoạn tận phiền não, đó gọi là vô lậu. Lậu hết rồi, chính là vô lậu.

Trí giả này là ai? Tiểu thánh trí giả là A la hán. Ở đây nói ‘trí’ được thêm sau chữ thánh, đó không phải là A la hán. A la hán xưng là tiểu Thánh. Trong pháp Đại thừa nói pháp thân, bát nhã, giải thoát gọi là ba đức. A la hán chỉ chứng giải thoát cục hạn, pháp thân chưa chứng đắc, trí tuệ chưa chứng đắc. Cho nên là tiểu Thánh. Sau chữ Thánh thêm chữ trí, đây là đại trí.

Đại Thánh là người thế nào? Là Pháp thân Bồ Tát, xưng là đại thánh. Vì sao vậy? Họ không những kiến tư phiền não đoạn rồi, trần sa phiền não, vô minh phiền não tất cả đều đoạn hết. Thực sự là lậu tận, là chỉ cho hạng người này. Thực sự chuyển phiền não thành bồ đề, chúng ta phàm phu trong lục đạo rất đáng thương, trong cuộc sống hằng ngày đích thực câu nói này nói rất hay, sáu chữ này, “ngày đêm lưu xuất phiền não”, cho nên trí tuệ không khai mở được. Đức năng, tướng hảo đều không thể hiện tiền. Nếu như thực sự hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta sẽ tự tàm quý, cảm thấy có lỗi với bản thân, đem tánh đức của bản thân tốt như vậy, làm cho mất hết đi. Mất hết, đó là ví dụ, kỳ thực là chướng ngại, chướng ngại mà không còn khởi tác dụng nữa.

Trong sáu thần thông năm thông trước có hữu lậu thông, chỉ có lậu tận thông là vô lậu thông. Tiền ngũ thông là thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng, còn có một thứ là thần túc thông. Thần túc là phi hành biến hóa, giống như Tôn Ngộ Không nói trong Tây du ký vậy, năm loại thần thông đều đầy đủ. Ông ấy không có thần thông thứ sáu. Cho nên ông ấy không thể xưng là thánh nhân, tự xưng là tề thiên đại thánh, người khác không thừa nhận. Đó là bản thân ông ta tự phong bản thân, người khác không thừa nhận. Chứng tỏ trước Tiểu thừa A na hàm, tam quả, sơ quả, nhị quả, tam quả, họ đạt được là thần thông hữu lậu, duy chỉ có chứng đắc quả A la hán. Đây mới đắc lậu tận thông. Kiến tư phiền não đoạn tận, siêu việt lục đạo luân hồi. Đây là vô lậu thông.

Tỳ kheo phiền não đã đoạn tận, xưng họ là lậu tận tỳ kheo, tức A la hán, cho nên A la hán mới xưng là lậu tận tỳ kheo, phía trước A la hán đều không thể xưng là lậu tận, đều là thần thông hữu lậu. “Pháp Tạng Bồ Tát nguyện bỉ quốc chúng sanh”, hi vọng tất cả chúng sanh ở Thế giới Cực Lạc “thọ lạc vô cực”. Vô cực chính là không có giới hạn. Bất luận là từ trên thời gian mà nói, hay từ mỗi phương tiện thân tâm để nói, nhất định không có cảm thọ những điều khổ. Có khổ có nạn, Thế giới Cực Lạc không có những sự việc này. Hơn nữa cảm thọ an lạc tâm không bị nhiễm trước như A la hán, đoạn tận các lậu. Đây là nói cõi phàm thánh đồng cư, Thế giới Cực Lạc chuyên môn nói vãng sanh trong cõi phàm thánh đồng cư, gọi là đới nghiệp vãng sanh. Thực sự là nhất phẩm phiền não còn chưa đoạn được, nhưng những người này ở Thế giới Cực Lạc có được những hưởng thụ tương đương với A la hán. Đây là điều rất đáng cho chúng ta tư duy. A la hán, lạc mà họ hưởng thụ được rốt cuộc là lạc như thế nào? Mấy câu dưới đây hình dung, quí vị xem, “đối với cảm thọ khoái lạc không nhiễm trước”. Chúng ta ngày nay cảm thọ khoái lạc có nhiễm có trước. Nhiễm trước này là phiền não, trong lạc xen tạp phiền não, cho nên cổ nhân nói “lạc cực sanh bi”, hưởng thụ của người ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, sẽ không sanh bi, sẽ không biến thành bi ai. So với thế giới của chúng ta điểm này rất khác, thế giới của chúng ta hưởng lạc quá đà, chắc chắn bi ai xuất hiện. Thí như quí vị ăn thức ăn, rất vui! Ăn một bát rất vui, vẫn còn muốn ăn thêm một bát, nếu như bảo quí vị ăn không ngừng, ăn hai mươi bát, ba mươi bát, vậy thì tội nghiệp quí vị, quí vị khổ rồi. Cho nên lạc đến cuối cùng nó liền trở thành bi ai, Thế giới Cực Lạc không như vậy, họ nhất định sẽ không có chuyện sinh bi ai. Đây là đạo lý gì? Từ trên một nguyên lý tổng, chúng ta có thể hiểu rõ được, người ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, ngày ngày tiếp thu sự giáo huấn của Phật A Di Đà, còn tiếp thu sự gia trì của mười phương chư Phật, phước báo này lớn quá, cho nên trong tâm của họ, là sanh trí tuệ không sanh phiền não. Niệm niệm đều tương ưng với tánh đức, đương nhiên họ biết tất cả những hiện tượng không phải là thật, “phàm có hình tướng đều là hư vọng”. Chỉ cần đối với tướng của tất cả cảnh giới không chấp trước, không phân biệt, khổ lạc nhị biên đều bất khả đắc. Đây mới gọi là chân lạc! Cho nên “Như A la hán đoạn tận các lậu”, các lậu này là kiến tư phiền não. “Không chấp trước đối với các pháp thế gian”, không còn chấp trước nữa, không còn chấp tướng nữa. Chúng ta biết được tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, trong tâm chỉ cần không chấp trước, hiện tượng không có chướng ngại.

/ 600