/ 600
583

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 228

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 21.12.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 283, hàng thứ sáu, bắt đầu xem từ câu “nhị giả” của đoạn đó.

Nhị giả, Hội sớ viết: “định tụ, nói cho đủ là chánh định tụ, cũng nói bất thối chuyển, chính là Bồ Tát A Bệ Bạt Trí vậy. Vì sao gọi là chánh định? Tất cả chúng sanh tuy căn tánh muôn vàn sai khác, theo loại mà tụ lại, không ra ngoài ba loại, lấy ắt đọa lục thú làm tà định, lấy thăng trầm tùy duyên làm bất định, lấy định đến bồ đề làm chánh định”. Đây là ba câu, cách nói thứ hai vậy. Ở đây Niệm Lão nêu ra cho chúng ta ba cách nói, đây là cách nói thứ hai. Đây là nguyện thứ 29 nguyện trú chánh định tụ: “tất cả chúng sanh sanh đến nước ta đều đồng một tâm, trú nơi định tụ”. Nguyện này vô cùng quan trọng. Vì sao Thế Giới Tây Phương Cực Lạc được Di Đà bổn nguyện gia trì đều làm A Duy Việt Trí Bồ Tát? Ở đây nói rất rõ ràng. Tất cả chúng sanh trong thập pháp giới, trong thập pháp giới không có người đắc được chánh định. Lục đạo phàm phu là tà định, không phải không có định, họ có tu định, tứ thiền bát định chính là ví dụ rất hay. Nhân gian, ba đường, cũng có người đem tâm chuyên chú vào một chỗ, đó cũng là định. Giống như nhân gian này chúng ta thường thấy, cổ nhân chuyên tâm nơi công danh đó cũng là định, nhưng không ra khỏi lục đạo luân hồi, là tà định. Có người chuyên tâm kinh doanh buôn bán, tức là nhất tâm truy cầu giàu có, một đời truy cầu lợi dưỡng, một đời truy cầu danh vọng, điều này từ xưa đến nay trong nước nước ngoài đều có. Khoa học kỹ thuật cũng phải tinh chuyên, không chuyên tâm thì không được. Chuyên tâm chính là định, một lòng một dạ nơi công việc đó.

Tà định, tà định là gì? Nói một cách đơn giản là vì chính mình. Chấp trước thân là mình, đều là vì tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, không phải đều là vì điều này sao? Những thứ này chỉ ở trong lục đạo mới có, ngoài lục đạo không có. Tứ thánh pháp giới thì tự tư tự lợi không còn nữa. Vì sao vậy? Vì họ phá được ngã chấp rồi. Không phải là thân kiến, ngã chấp đã phá được rồi. Phá thân kiến là Tu đà hoàn, phá ngã chấp là A la hán. Cho nên chúng ta hiểu được, trong Tứ thánh pháp giới ngã chấp không còn nữa, có pháp chấp. Đây là hai loại chấp trước, họ còn có pháp chấp. Cho nên họ không ra khỏi thập pháp giới. Pháp chấp nếu phá rồi thì ra khỏi thập pháp giới. Ngã chấp phá được rồi thì ra khỏi lục đạo. Pháp chấp phá rồi thì ra khỏi thập pháp giới. Điều này phải biết. Hai loại chấp trước đều không được có. Đây gọi là tà định tụ. Chưa ra khỏi thập pháp giới vẫn còn là tà định, chưa được tính là chánh định.

Chánh định là gì? Chánh định là thú hướng đại bồ đề. Thú hướng đại Niết bàn, đây là chánh định. Trong giai đoạn hiện tiền của chúng ta mà nói, chúng ta thực sự là một tâm một ý, chuyên cầu Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, tâm này là chánh định tụ. Vì sao vậy? Sanh đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc nhất định chứng vô thượng chánh giác, tức là thành Phật, nhất định thành Phật. Hiện tại chúng ta nói, tâm chúng ta rốt cuộc là định ở đâu? Cũng tức là nói chúng ta trong một đời này, chúng ta muốn đi theo con đường nào? Thập pháp giới là thập đạo, mười con đường bày ra trước mắt quí vị, cõi trời, cõi người, hướng lên trên là cõi Thanh Văn, cõi Duyên Giác, cõi Bồ Tát, cõi Phật. Chúng ta đi theo con đường nào? Cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, con đường họ đi là Phật đạo, cùng một con đường với Phật A Di Đà. Kinh này chúng ta tuy chưa đọc xong, mới đọc đến phẩm thứ sáu. Bởi vì năm xưa có bản gốc của Kinh Hoa Nghiêm, cho nên đối với Kinh Vô Lượng Thọ có trình độ ngộ nhập tương đối khá, chúng ta hiểu được một chân tướng sự thật, Phật A Di Đà trong khắp pháp giới hư không giới là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, vô thượng bồ đề của vô thượng bồ đề. Sự hiểu biết này không dễ dàng gì. Quí vị chưa có được nhận thức này, quí vị không biết chân tướng sự thật. Quí vị sẽ để sự việc này vụt qua trước mắt, như thế là thật đáng tiếc. Đích thực là “bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ”. Mục tiêu này nhận thức rõ ràng rồi, phương hướng làm rõ ràng rồi, không còn mê hoặc. Chúc mừng quí vị, không phải là tôi chúc mừng quí vị, mười phương chư Phật chúc mừng quí vị. Vì sao vậy? Vì quí vị sắp thành Phật rồi. Nhưng then chốt thì sao? Then chốt là quí vị phải trú chánh định tụ mới được, đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc không có vấn đề gì. Đó là thật là chánh định tụ. Chúng ta ngày nay chánh định này, chính là một lòng cầu tây phương Tịnh Độ, một lòng muốn gặp Phật A Di Đà, ngoài điều này ra không có niệm thứ hai nữa. Tất cả pháp thế gian buông bỏ không chấp trước nữa, Phật Pháp cũng buông bỏ rồi, trong Kinh Kim Cang, đức Thế Tôn nói với chúng ta: “pháp còn phải xả, hà huống phi pháp”, pháp đó là Phật Pháp. Tất cả pháp mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong 49 năm, tất cả đều buông bỏ hết, chỉ định trên một pháp này- Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ, chỉ định nơi một câu Nam mô A Di Đà Phật, chúng ta sẽ thành công. Vì sao vậy? Điều này cổ đức nói, đều là Tổ sư Đại đức nói, tất cả pháp đức Thế Tôn nói trong 49 năm, đều có thể quy về Kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm giống như biển lớn, tất cả pháp ví như là sông rạch, tất cả đều chảy về biển lớn, đều quy về biển lớn, nhưng Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng lại quy về vô lượng thọ, thập đại nguyện vương quy về Cực lạc. Chúng ta chỉ cần tỉ mỉ quan sát, thiện tài đồng tử 53 lần tham học, quí vị sẽ hiểu rõ được. Cho nên chỉ cần nắm được bộ kinh này, nắm được một câu danh hiệu này, nói cho quí vị biết nghiệp chướng gì cũng tiêu trừ được, tai nạn gì cũng hóa giải được. Vì sao vậy? Vì quí vị có được bổn nguyện oai thần của Phật A Di Đà gia trì. Lúc nào vậy? Chính ngay hiện tại. Tâm quí vị vừa phát quí vị liền đạt được, tâm quí vị liền an ổn, định được rồi. Tâm quí vị vẫn là bất an, vẫn là bất định, quí vị chưa phát nguyện. Tôi phát rồi, quí vị phát đó là giả, không phải thật. Nếu như quí vị phát nguyện là thật, chắc chắn quí vị sẽ buông bỏ được. Thực sự phát nguyện là như thế nào? Thực sự phát nguyện là hiện tại tâm định rồi, tôi không lo lắng, không bồi hồi, tôi không còn mê hoặc nữa. Việc trước hết là quí vị nhìn thấu sanh tử rồi, quí vị không có sanh tử nữa. Phật A Di Đà bất cứ lúc nào cũng tiếp dẫn tôi. Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể vãng sanh. Phật A Di Đà chưa đến, vì sao chưa đến? Việc này không liên quan đến thọ mạng tôi còn hay không. Tôi ở thế gian này vẫn còn nhiệm vụ. Nhiệm vụ gì vậy? Đem Tịnh Tông biểu pháp cho mọi người thấy. Làm cho mọi người sanh khởi chánh tín, làm cho mọi người phát nguyện, học như tôi niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đây chính là nói tôi ở trong thế giới này vẫn còn một số người hữu duyên. Người hữu duyên là gì? Họ tin tưởng tôi, là người hữu duyên. Tôi đến Thế giới Cực Lạc thì nên đem những người hữu duyên này dẫn họ đi hết, chính là sự việc như vậy. Nếu như không còn duyên nữa, không còn duyên nữa thì Phật liền đến tiếp dẫn tôi, lập tức hoan hỉ mà đi rồi, đạt được Phật A Di Đà gia trì, làm đệ tử của Phật A Di Đà thật là vinh dự. Vì sao vậy? Mười phương chư Phật hộ niệm quí vị, tất cả thiện thần bảo hộ quí vị, đây là sự thật. Đây là điểm tốt thực sự của việc niệm Phật, hiện tại đã có được rồi, không phải là tương lai. Nhưng tâm quí vị nếu trú chánh định, định ngay trên sáu chữ hồng danh, định tại bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, quí vị mới có thể đạt được. Quí vị vẫn còn thế gian ba tâm hai ý, hoặc là trong Phật Pháp, tám vạn bốn ngàn pháp môn còn ba tâm hai ý, tất cả đều chướng ngại. Cho nên Phật trong Bát nhã hội dạy chúng ta xả, dạy chúng ta buông bỏ, từ bi đến cực điểm! Nên nhớ pháp còn phải xả hà huống phi pháp. Vì sao vậy? Tất cả pháp Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong 49 năm, đều là pháp phương tiện. Điều này chúng tôi bao nhiêu năm nay giảng kinh, đều đã nói với chư vị rồi. Pháp chân thật thì sao? Pháp chân thật không nói ra được, “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”. Có thể nói ra được toàn là pháp phương tiện. Cho nên biết nghe, nghe ý trong lời Phật dạy. Quí vị biết nghe điều này. Cổ nhân nói là “âm ngoài dây đàn”, nghe âm nhạc phải nghe được âm ngoài dây đàn. Đó gọi là biết nghe. Pháp chân thật chính là tự tánh.

/ 600