558

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 220

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 13.12.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 270, hàng thứ sáu, bắt đầu xem từ câu sau cùng.

“Nhất tâm niệm ta”. Nhất tâm, ở trước có giải thích, là chỉ thực thể chân như của vạn hữu. Trong kinh này nói một cách đơn giản, là niềm tin duy nhất kiên định, không vì tha tâm mà dao động, gọi là nhất tâm. Nhất tâm niệm ta, câu này rất quan trọng.

Hôm qua, có mấy vị cư sĩ từ Đông Bắc đến, trong đó có hai vị nói với tôi. Trước đây họ cũng bị bệnh rất nặng, nhưng không đi khám bác sĩ, cũng không uống thuốc, chỉ niệm rốt ráo một câu Phật hiệu. Các bệnh nặng nhờ vậy đều lành, thân thể rất mạnh khỏe. Năm nay đã 70 tuổi, nhưng thể lực như người trẻ tuổi vậy. Vốn người nhà đều không tin Phật, bây giờ thấy ông có thành tựu như thế, cả gia đình đều tin Phật, mấu chốt không có gì khác ngoài nhất tâm. Có một số người niệm Phật không có cảm ứng, niệm thời gian rất dài nhưng hiệu quả không bao nhiêu, nguyên nhân là gì? Vì niệm Phật tâm tán loạn, không đạt được nhất tâm.

Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta phương pháp niệm Phật: “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”, đó gọi là nhất tâm niệm Phật. Bình thường chúng ta đã thành thói quen, tâm luôn rong ruỗi bên ngoài. Ý niệm này, mắt tham sắc tướng bên ngoài, tai tham trước âm thanh, sáu căn đều duyên cảnh giới bên ngoài. Đây gọi là tâm tán loạn, ngày nay chúng ta gọi là ý niệm không thể tập trung. Đô nhiếp lục căn, chính là tập trung ý niệm, không hoài nghi, không xen tạp. Đây gọi là nhất tâm, cũng gọi là tịnh niệm. Tương tục là duy trì liên tục không gián đoạn, hiệu quả này rất thù thắng.

Quả thật như những đồng học này nói, họ khai thiên nhãn, thiên nhĩ cũng khai mở, nghĩa là họ có thể nhìn thấy những gì người khác không nhìn thấy. Có một số người đã khai thiên nhĩ, tuy không thấy nhưng họ có thể nghe thấy, đều do nhất tâm. Đại sư La Thập phiên dịch Kinh Di Đà: “Nhất tâm bất loạn, tâm không điên đảo”. Nhất tâm bất loạn là niệm Phật tam muội, tâm không điên đảo là trí tuệ. Thật sự có thể nhìn thấu, có thể buông bỏ, cảm ứng không thể nghĩ bàn, vấn đề là chúng ta có biết hay không?

Câu này quan trọng hơn bất kỳ điều gì, câu này là nguyên văn trong kinh. Ở đây Hoàng Niệm Lão nói với chúng ta: “Duy nhất tín tâm kiên định, không vì tha tâm làm dao động, gọi là nhất tâm”. Tha tâm là vọng tâm, ngày nay chúng ta gọi là chuyên nhất, chuyên tâm nghĩa là nhất tâm. Còn ảnh hưởng bởi cảnh bên ngoài, như vậy không phải nhất tâm, nhất tâm không còn, quả thật phải buông bỏ vạn duyên!

Xã hội hiện nay, bất luận là lịch sử Trung quốc hay lịch sử thế giới, xưa nay chưa có cục diện hỗn loạn, dùng lời nói yêu mị mê hoặc quần chúng, tình trạng này rất nhiều, chúng ta rất thường gặp. Phải ứng phó như thế nào? Đừng trách cứ họ, cũng đừng phê bình họ, chắp tay A Di Đà Phật là được. Chúng ta có thể làm được như như bất động. Họ nói việc của họ, ta niệm Phật của mình, ta không vì điều này làm dao động. Nếu họ thấy được rõ ràng minh bạch, giác ngộ, họ cũng có thể buông bỏ. Chúng ta phải làm tấm gương tốt cho mọi người noi theo, bất kỳ cảnh giới nào đều không bị mê hoặc. Tam quy dạy chúng ta nguyên tắc này, giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm, ba câu này rất quan trọng.

Khi tôi mới học Phật, đại sư Chương Gia nói, ông nói Tam quy giống điều gì? Đại sư đưa ra một ví dụ, lúc đó chúng tôi ở Đài Bắc, ông nói từ Đài Bắc đến Cao Hùng phải ngồi xe lửa. Tam quy chính là vé tàu, chúng ta phải thường để trong người sợ bị kiểm tra. Từ khi lên tàu đến khi xuống tàu, đều không được làm mất vé. Nghĩa là nói từ khi phát tâm đến thành Phật đạo, tấm vé này đều không được làm mất, mỗi niệm phải giữ chặt.

Quy y Phật, quy là quay đầu, y là nương tựa, Phật là gì? Phật là giác ngộ, không mê tín. Giác mà không mê chính là quy y Phật, tuyệt đối không được để ngoại cảnh mê hoặc. Ngoại cảnh là gì? Là tài sắc danh thực thùy. Không được bị nội tâm mê hoặc, nội tâm có những gì? Là tham sân si mạn nghi. Nội ngoại đều không mê, như vậy mới giác ngộ. Sự giác ngộ này rất đáng quý, không có gì khác với Chư Phật Bồ Tát. Chỉ cần ta duy trì là có thể dần dần nâng cao, ánh sáng của Tam quy dần dần hiển lộ ra, đây gọi là quy y Phật.