/ 600
861

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 221

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 14.12.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 271, bắt đầu xem từ câu thứ nhất.

“Ở trên nguyện thứ 19 là nhân, nguyện thứ 20 là quả của nó. Nếu người phát tâm niệm Phật như nguyện thứ 19, tức khi lâm mạng chung, Di Đà và chư vị Bồ Tát ở thế giới Cực Lạc, cùng đến tiếp dẫn, hiện ra trước người đó, trải qua một khoảnh sát na, chỉ thời gian rất ngắn, căn cứ Đại Tập Kinh tức 48 phút ngày nay. Người này vãng sanh đến Cực Lạc Tịnh độ, làm A Duy Việt Trí Bồ Tát. Trên đây là thứ 20, nguyện lâm chung tiếp dẫn”. Ở trước chúng ta học đến đây, bây giờ chúng ta xem tiếp.

“Hiện rõ quả giáo tha lực, phương tiện diệu dụng không thể nghĩ bàn. Đầy đủ sự trói buộc, nhưng phàm phu có thể đới nghiệp hoặc vãng sanh, đều do nguyện này của Phật Di Đà. Lâm chung thánh chúng hiện tiền, sức mạnh từ bi nhiếp thọ”. Chúng ta xem đến đây.

Hai nguyện này, niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Ở đây Hoàng Niệm Lão giải thích cho chúng ta “hiện rõ quả giáo”, quả Phật của thế giới tây phương Cực Lạc, thế giới Cực Lạc là quả độ, vì sao vậy? Vì đến đó là thành Phật. Trong quá trình tu học này là nhân, đến đó là thành Phật. Người ở thế giới tây phương Cực Lạc, cho dù là cõi đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh, cũng có thể nói họ là pháp tánh thân. Pháp tánh thân là quả thân, thân hiện tại của chúng ta là thân nghiệp báo. Thân nghiệp báo có sanh tử, có luân hồi, quả thân không có. Người đới nghiệp vãng sanh chưa đoạn tận tập khí phiền não, đến thế giới Cực Lạc sao liền chứng quả được? Đây là oai thần bổn nguyện của 48 nguyện gia trì, không phải tự mình tu được, là Phật A Di Đà giúp ta. Giúp ta cũng phải có điều kiện, điều kiện gì? Nghĩa là phải thâm tín đối với Phật A Di Đà, đây là điều kiện thứ nhất. Điều kiện thứ hai là tiếp thu sức gia trì của ngài. Nếu không tin chính mình, cảm thấy bản thân tội nghiệp sâu nặng, sao dám nhận sức gia trì của Phật? Khách sáo như thế là coi như xong, điều này không được khách sáo, nhất định phải đón nhận, đây là điều kiện thứ hai. Điều kiện thứ ba là phải y giáo phụng hành, hành là gì? Hành ở đây chính là buông bỏ, nếu ở đây không buông bỏ được thì không thể vãng sanh. Đây là tín nguyện hạnh, không phải hạnh nào khác, mà là phải buông bỏ. Thông thường người ta nói hạnh là niệm Phật A Di Đà, ở đây chúng ta nói không phải là niệm Phật A Di Đà, mà là buông bỏ. Buông bỏ một câu Phật hiệu là đủ, không buông bỏ mười vạn câu Phật hiệu cũng không đi được, không thể không biết điều này. Đối với thế gian này hoàn toàn không có chút lưu luyến nào, đây gọi là thực hành. Còn chút lưu luyến nào cũng không được, tuy có tín nguyện cũng không đi được. Bởi vậy cần phải đầy đủ ba điều kiện này.

Đây là quả giáo, quý vị thấy không phải tự lực, mà là tha lực, hoàn toàn là Phật A Di Đà, ngài đại từ đại bi, đem công đức tu tập của mình, trong kinh nói năm kiếp, năm kiếp là tu thế giới Cực Lạc. Trước năm kiếp đó, là ngài tu thành từ trong vô lượng kiếp. Đặc biệt năm kiếp này là vì chúng ta mà tu, quả thật là phương tiện diệu dụng không thể nghĩ bàn.

“Cụ phược phàm phu”, phược nghĩa là phiền não, phiền não như sợi dây trói buộc chúng ta lại không thể nhúc nhích, đây là thật. Phàm phu đúng là suốt đời đều do mạng, hoàn toàn không do người. Trong kinh Đức Phật nói rất hay: “dục tri tiền thế nhân”, đời trước chúng ta tạo nhân gì. “Kim sanh thọ giả thị”, tức là những gì đời này nhận lãnh, quả báo, đây là nghiệp báo. “Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị”, đời sau ta chịu quả báo như thế nào, đều do hành vi ngôn ngữ tạo tác trong đời này của mình gây nên. Đời này gây nhân, đời sau quả sẽ chín muồi. Không học Phật không biết, học Phật rồi mới hiểu. Đời sau mặc dù làm chuyển luân thánh vương, làm đại phạm thiên vương, ma hê thủ la thiên vương, phước báo đó rất lớn, nhưng không ra khỏi luân hồi lục đạo. Tuy thọ mạng của thiên vương rất dài, nhưng cũng đến lúc kết thúc, thọ mạng kết thúc cũng phải chết, sau khi chết cũng phải đọa lạc, họ không thể tiến lên. Khi hưởng hết phước, những nghiệp bất thiện tạo ra trong đời quá khứ lại hiện tiền. Đây là nguyên nhân vì sao họ đọa lạc, ác nghiệp của họ chưa tiêu.

/ 600