Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 218
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 11.12.2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 269, hàng thứ sáu, bắt đầu xem từ câu thứ hai.
“Tùy sự phát tâm, nghĩa là có thể thoái, người tánh bất định, cũng có thể phát. Thuận lý phát tâm, tức không thoái chuyển, người tánh bồ tát, cũng có thể phát. Phát tâm như thế, công đức vô biên. Giả sử Chư Phật cùng kiếp diễn thuyết các công đức này, cũng không cùng tận”.
Tiếp theo chư vị tổ sư khai thị cho chúng ta, về công đức phát tâm không thể nghĩ bàn. Tu học đại thừa, phát tâm đại thừa là việc lớn hàng đầu. Nghĩa là nói, chúng ta muốn đi đâu trước tiên phải biết mục đích, phải biết phương hướng. Đây không phải là đi ra bình thường, đây là ra khỏi cánh cửa tam giới, ra khỏi cách cửa mười pháp giới. Mục đích của chúng ta là thế giới Cực Lạc, đi gặp Phật A Di Đà. Phương hướng của chúng ta là phương tây của thế giới Ta Bà, đây chính là phát tâm bồ đề. Không phát tâm bồ đề, không có phương hướng, không có mục đích, bất luận tinh tấn nỗ lực như thế nào, rốt cuộc cũng không đạt được mục tiêu. Không thể không biết điều này.
Ở trước chư vị tổ sư cao tăng, nói với chúng ta hai loại phát tâm. Một loại là tùy sự, một loại là tùy lý. Tùy sự chính là tứ hoằng thệ nguyện, thật sự phát tâm, tu học theo phương hướng và mục tiêu này, nhất định có thành tựu. Người học Phật đã thọ tam quy, thậm chí thọ ngũ giới cũng phát tứ hoằng thệ nguyện. Tứ hoằng thệ nguyện là chư Phật Bồ Tát phát, chúng ta cũng phát theo. Các ngài phát đều thực hiện, còn chúng ta có phát nhưng không làm được, căn bản là không hề thực hành. Thực tế mà nói, đời này thời gian quá ngắn ngủi, 100 năm nói thì rất dài, thật ra chỉ trong khoảng khảy móng tay, thời gian qua đi rất nhanh. Từ nhỏ đến lớn, đến già chết, không có chút thành tựu nào, đây là nguyên nhân gì? Là quên đi phương hướng và mục tiêu mà đời này ta phải nỗ lực, vấn đề chính là như thế.
Hôm nay chúng ta xem đoạn văn này, cảm xúc rất sâu sắc: “Tùy sự phát tâm, nghĩa là có thể thoái”, có khả năng thoái chuyển. “Chúng sanh vô biên thề nguyện độ”, thực tế mà nói tứ hoằng thề nguyện chỉ có nguyện này. Chư Phật Như Lai ở nhân địa tu hành những gì? Chính là vì vấn đề này, không có vì mình. Nếu vì mình rất dễ thoái chuyển, còn như thật sự vì chúng sanh, đặc biệt là khi thấy rất nhiều chúng sanh đau khổ. Bây giờ thông thường chúng ta nhìn thấy, là cùng một tầng không gian với chúng ta, không cùng tầng không gian chúng ta không nhìn thấy. Nhưng cũng có người nhìn thấy, chúng ta tin đó không phải giả, vì không chỉ một người nhìn thấy. Vài người nhìn thấy, cảnh giới họ nhìn thấy giống nhau, không hoàn toàn tương đồng thì cũng gần giống, như vậy tức không phải giả. Khi nhìn thất mới biết có càng nhiều chúng sanh. Chúng sanh trong lục đạo thấy được hoàn toàn, như vậy cần có nhân duyên đặc biệt. Người tu hành có công năng đặc biệt, không phải hàng phàm phu có thể thấy được. Ta nhìn thấy càng nhiều, thấy cảnh giới càng rộng lớn, mới biết rằng trong lục dạo không biết có bao nhiêu chúng sanh đang chịu khổ, không thể tính kể! Phải chăng ta giống như Chư Phật Bồ Tát, thật sự phát tâm này để giúp họ? Phát tâm này không tệ, nhưng muốn giúp họ cần phải có năng lực, bằng không lấy gì để giúp họ? Cho nên ba nguyện ở sau, chính là sử dụng đến thành tích của mình, ta mới có năng lực giúp đỡ họ. Đoạn phiền não là đức hạnh, bản thân chưa đoạn phiền não không thể giúp được người khác. Điều này chắc chắn như thế, vì bản thân còn mê hoặc, vẫn trầm luân trong luân hồi sanh tử, như vậy làm sao giúp người khác ra khỏi luân hồi?
Đoạn phiền não là việc lớn hàng đầu, đoạn như thế nào? Chúng tôi ở thế gian này, đã đi qua rất nhiều quốc gia, chúng tôi thấy người tại gia học Phật chưa thực hành được thập thiện. Người xuất gia, chưa thực hành căn bản Sa Di Luật Nghi. Như vậy là chúng ta đã mê mất phương hướng, cũng mê mất mục tiêu. Vì sao vậy? Vì chúng ta khởi tâm động niệm chỉ nghĩ đến mình, đặt mình ở vị trí đầu tiên, như vậy có gì không tốt? Đối với người thế gian mà nói không có gì không tốt, nhưng trong Phật pháp mà nói thì vấn đề rất nghiêm trọng. Nghiêm trọng ở đâu? Quý vị phải biết, luân hồi từ đâu đến, luân hồi lục đạo từ đâu đến? Trong kinh điển đại thừa Đức Phật nói rất nhiều, do chấp trước mà có luân hồi lục đạo. Nghĩa là chấp trước có cái ta, chấp trước thân này là ta, không chịu buông bỏ. Do chấp trước mà hiện ra cảnh giới, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, có một tâm tưởng như thế, hiện ra cảnh giới là luân hồi lục đạo. Cho nên luân hồi lục đạo, không phải Phật Bồ Tát tạo, không phải thượng đế tạo, cũng không liên quan đến vua Diêm la. Thuật ngữ trong kinh nói, là do nghiệp lực của chính mình biến hiện ra.