Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 217
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 10.12.2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 268, hàng thứ tám. Pháp sư Tân La Nguyên Hiểu, bắt đầu học từ đây.
“Trong Tông Yếu của đại sư Tân La Nguyên Hiểu luận về tâm vô thượng bồ đề rằng: Thứ nhất tùy sự phát tâm, thứ hai thuận lý phát tâm. Lời nói tùy sự, phiền não vô số, nguyện đều đoạn tận. Thiện pháp vô lượng, nguyện tu tất cả. Chúng sanh vô biên, nguyện độ tất cả. Đối với ba việc này, quyết định kỳ nguyện”.
Chúng ta xem đoạn này trước, đây là thời nhà Đường, lúc này đại sư Nguyên Hiểu người Hàn quốc lưu học tại Trung quốc, là một lưu học sinh rất xuất sắc. Sau khi trở về Hàn quốc, trở thành nhất đại tổ sư. Tông Yếu là ngài viết về chú giải Kinh Vô Lượng Thọ, gọi là Tông Yếu, trong này ngài có giải thích về tâm vô thượng bồ đề. Ngài cũng nói về tùy sự phát tâm và thuận lý phát tâm, rất tượng tự với duyên sự bồ đề tâm và duyên lý bồ đề tâm mà ta đã đọc ở trước trong Vãng Sanh Yếu Tập, ý nghĩa gần giống nhau.
Lời nói tùy sự, ở trước nói về tứ hoằng thề nguyện. Ở đây ngài chỉ nói ba loại, chỉ nói ba câu, ý nghĩa tương tự với tứ hoằng thề nguyện.
Thứ nhất_tứ hoằng thề nguyện nói: “Phiền não vô tận thề nguyện đoạn”. Ở đây ngài nói: “Phiền não vô số, nguyện đoạn tận”. Do đây có thể biết, phát tâm bồ đề không thể không đoạn phiền não, vì sao vậy? Vì tâm bồ đề là tâm giác, phiền não là mê. Vì có phiền não, tâm giác không hiện ra được. Chúng ta biết tâm giác là chân tâm của chính mình, là bản tánh của chúng ta.
Các bậc thánh hiền nói với chúng ta: “Tánh người vốn thiện”, câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh nói: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Mê là bất thiện, giác là thiện. Bản thiện trong pháp đại thừa gọi là bổn giác, các bậc cổ đức gọi là bổn thiện. Trên thực tế bổn thiện và bổn giác cùng một cảnh giới, là một vấn đề.
Bây giờ chúng ta bất thiện, bất thiện là tập tánh. Do đó dạy học rất quan trọng, dạy học quan trọng nhất cũng chính là mục tiêu dạy học đầu tiên. Cổ nhân gọi là tông chỉ, chủ yếu, nghĩa là làm thế nào để duy trì bổn thiện mà không mê hoặc. Thứ hai là đã mê mất bổn tánh, làm sao giúp họ khôi phục bổn thiện, đây mới là mục tiêu thật sự của giáo dục. Ngày xưa dạy học, học sinh đọc sách chí tại thánh hiền. Thánh nhân nghĩa là giữ được bản thiện mà không biến chất, hiền nhân nhất định là từ bất thiện trở về bổn thiện, đây là hiền nhân, quân tử. Ngày xưa dạy học, quý vị xem họ lấy mục tiêu này, giống với trong đại thừa phiền não vô tận thề nguyện đoạn.
Thứ hai, “thiện pháp vô lượng, nguyện đều tu”. Thiện pháp là gì? Lợi ích chúng sanh đều là thiện pháp, trái lại lợi ích chính mình đều không phải thiện pháp. Điểm này trong giáo lý đại thừa nói rất rõ ràng, quý vị muốn hỏi vì sao, vì sao lợi ích chính mình không phải là thiện pháp? Chúng ta thử nghĩ xem học Phật pháp đại thừa là gì? Mục tiêu cuối cùng là gì? Là muốn thành Phật. Trong kinh điển đại thừa Đức Phật thường nói: “Tất cả chúng sanh vốn là Phật”, bây giờ không phải Phật, vì sao không phải Phật? Bây giờ mọi người vì mình, chính là phàm phu lục đạo, như vậy là sai. Vì sao nói vì mình là sai? Kinh Kim Cang người Trung quốc đều phải học, người không học Phật cũng thích đọc. Quý vị xem nửa bộ trước của Kinh Kim Cang nói về phá tứ tướng: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”. Đầy đủ bốn tướng này là phàm phu lục đạo, không còn phân biệt chấp trước bốn tướng này là đi vào cửa Phật. Quý vị muốn hỏi vì sao? Vì bốn tướng là giả, không phải thật. Chấp trước là thật không chịu buông bỏ, đây gọi là mê. Mê gì? Tức là mê điều này, chúng ta không thể không biết như vậy.
Đoạn phiền não, cửa ải đầu tiên chính là buông bỏ thân kiến, nghĩa là phá bốn tướng. Ai phá được? Kinh Kim Cang nói một cách rõ ràng, Tu đà hoàn phá được, là tiểu thừa sơ quả. Đại thừa, như trong Kinh Hoa Nghiêm nói, thập tín Bồ Tát sơ tín vị. Sơ tín vị nghĩa là vừa nhập môn, giống như tiểu học vậy, lớp một tiểu học của Phật giáo đại thừa, đã phá được bốn tướng. Không phá được cửa ải này, là chưa vào lớp một, vẫn còn ở mẫu giáo, không phải đệ tử chính thức của Phật. Nhất định phải hiểu điều này. Phiền não không phá, thiện pháp không thể kiến lập. Phiền não chướng ngại thiện pháp, phá hoại thiện pháp, đạo lý là đây.
Khi tôi mới học Phật đến thỉnh giáo thầy: Phật pháp thù thắng, khiến người ngưỡng mộ, có phương pháp gì khiến chúng ta nhanh chóng khế nhập? Thầy nói với tôi hai câu: “Nhìn thấu, buông bỏ”, tức là nhập môn. Nhìn thấu là hiểu rõ chân tướng sự thật, buông bỏ nghĩa là buông bỏ phiền não. Trong phiền não, đầu tiên là buông bỏ thân kiến, vô ngã, đích thực không có cái ta. Lục đạo, mười pháp giới chấp trước cái ta này là giả, đặc biệt là lục đạo chấp trước cái ta giả này, vĩnh viễn không ra khỏi luân hồi lục đạo, chư vị nhất định phải biết.
Thế nào là chánh pháp? Đặc biệt là trong đại thừa, thuần chánh thuần viên, như vậy là sao? Là thuần tịnh thuần viên, đây là tiêu chuẩn của Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Chưa phá ngã chấp, ta không thể vào cửa được, đây gọi là chánh pháp. Trong kinh luận Đức Phật nói rất nhiều, Tu đà hoàn đoạn phiền não, đoạn những phiền não nào? Tam giới cửu địa 88 phẩm kiến hoặc, đoạn tất cả những phiền não này mới có thể chứng quả Tu đà hoàn, cũng chính là sơ tín vị của thập tín Bồ Tát.
Trong lúc dạy học, Đức Phật quy nạp tất cả phiền não này, quy nạp thành năm loại lớn. Như vậy dễ dạy, cũng dễ học. 88 phẩm kiến hoặc, phân thành năm loại lớn. Thứ nhất là thân kiến, thứ hai là biên kiến. Thân kiến nghĩa là chấp trước thân này là ta, như vậy là sai, thân không phải ta. Biên kiến như hiện nay gọi là đối lập, ta đối lập với người khác, đối lập với sự, đối lập với tất cả pháp. Ngày nay chúng ta gọi là tương đối, đây là gì? Đây là nguồn gốc của tất cả phiền não. Từ đối lập mới khởi mâu thuẫn, từ mâu thuẫn mới sinh ra xung đột, xung đột lên đến cao trào là đấu tranh. Xã hội ngày nay đều chú trọng cạnh tranh, đây là trầm luân trong luân hồi lục đạo, tuyệt đối không phải Phật pháp, trong Phật pháp không có cạnh tranh. Phật pháp nói về lục hòa, làm gì có tranh? Có ý niệm tranh, có hành vi tranh, đó là vĩnh viễn trôi lăn trong luân hồi lục đạo, mà luân hồi lục đạo đa phần ở trong ba đường ác. Quý vị xem trời người, thánh nhân, quân tử họ không tranh, họ chú trọng nhường.
Ngày xưa cổ nhân dạy học, dạy trẻ con, từ nhỏ đã dạy chúng nhường. Đầu tiên là nhẫn nhường, dần dần học cách khiêm nhường, đi dần lên, khiêm nhường. Đến cảnh giới cao là lễ nhường, nhường đến cùng! Làm gì có ý niệm tranh? Ý niệm và hành vi tranh giành, quân tử hoàn toàn không có, không có đạo lý này. Cho nên có thể buông bỏ biên kiến, buông bỏ đối lập, xã hội hòa thuận, hóa giải xung đột.
Thứ ba là giới thủ kiến, thứ tư là kiến thủ kiến. Chúng ta có thể kết hợp hai loại này lại, người xưa gọi là thành kiến. Người đó rất có thành kiến, thành kiến có hai loại. Thành kiến thuộc về nhân gọi là giới thủ kiến, thành kiến thuộc về quả gọi là kiến thủ kiến, hai loại này người xưa hợp lại gọi là thành kiến. Người không có thành kiến tâm địa thanh tịnh, ở thế gian này tất cả đều có thể như Bồ Tát Phổ Hiền: “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Đối với ngài tất cả đều tốt, không có gì không tốt, vì sao vậy? Vì ngài không có phân biệt, không có chấp trước.
Loại sau cùng là tà kiến, nghĩa là trừ bốn loại lớn ở trên, không thuộc bốn loại lớn này, tất cả những tư tưởng sai lầm đều quy về loại này, gọi là tà kiến. Không có những thứ này, mới vào cửa Phật. Cửa Phật không phải nói quý vị nghiên cứu bao nhiêu bộ kinh, hay trì giới, hành thiện, niệm Phật. Không phải như thế, không liên quan đến điều này, then chốt là ta còn phiền não chăng? Nó chướng ngại tự tánh. Chư vị nên biết rằng, mục tiêu sau cùng của học Phật là minh tâm kiến tánh. Không chỉ là Thiền tông nói, mà tám vạn bốn ngàn pháp môn, mục đích sau cùng của mỗi pháp môn đều là minh tâm kiến tánh. Trong Kinh Bát Nhã Đức Phật nói rất hay: “pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”, vì sao vậy? Vì đến sau cùng đều kiến tánh, không có gì khác nhau, chỉ là phương pháp tu học không giống nhau. Đường đi không tương đồng, nhưng phương hướng là nhất trí, mục tiêu chỉ có một. Đây chính là nói Phật Phật đạo đồng, pháp môn bình đẳng nghĩa là như thế.
Vì sao Đức Phật nói rất nhiều pháp môn? Vì phiền não quá nhiều, căn tánh mỗi người lại khác nhau, nhiều pháp môn là để tiện lợi cho mọi người tu học. Ta cảm thấy pháp môn nào thích hợp với mình, thì áp dụng pháp môn đó, nhưng nhất định là phiền não nhẹ, trí tuệ tăng, như vậy là tu đúng. Nếu như ta tu học pháp môn này, không đoạn được phiền não, thậm chí phiền não càng nhiều, như vậy là hoàn toàn sai. Công phu đắc lực hay không đắc lực, là tâm thanh tịnh có hiện tiền hay không. Trên đề kinh này, tiêu chuẩn này là thanh tịnh bình đẳng giác ngộ. A la hán chứng được tâm thanh tịnh, Bồ Tát được tâm bình đẳng, Phật là đại triệt đại ngộ. Chữ giác, giác là Phật. Điều này rất lợi ích!
Sau khi đoạn phiền não mới có thể tu thiện pháp, mới biết như thế nào gọi là thiện. Ta hiểu rõ định nghĩa của chữ thiện, thiện này không phải thiện của thiện ác, thiện của thiện ác là tương đối, là đối lập, như vậy là bất thiện. Trong lục đạo nói đến thiện ác, tu thiện sanh vào ba đường lành. Tạo ác thì sao? Như vậy sẽ sanh vào ba đường ác, không ra khỏi luân hồi lục đạo. Nó không phải là thiện mà Đức Phật nói, thiện Đức Phật nói vượt thoát luân hồi lục đạo.
Đoạn tận năm loại kiến hoặc, còn có tư hoặc, tư hoặc là sai lầm về mặt tư tưởng. Tam giới cửu địa tất cả có 81 phẩm, Đức Phật cũng quy nạp nó thành năm loại lớn, là tham sân si mạn nghi, năm loại lớn này cũng cần phải đoạn. Không những không có hành vi này, mà ý niệm cũng không có, ý niệm tham sân si mạn nghi đều không có. Nghi, đặc biệt là đối với thánh giáo, đối với giáo huấn của thánh hiền, nếu có hoài nghi, nói lên điều gì? Chứng tỏ ta không thể ra khỏi luân hồi lục đạo. Nếu muốn ra khỏi luân hồi lục đạo, cần phỉa tin vào giáo huấn của thánh hiền. Cổ nhân nói, không nghe lời người lớn, thiệt thòi ngay trước mắt.
Vì sao không được hoài nghi? Thánh hiền là người khai ngộ minh tâm kiến tánh, còn chúng ta thì đang mê hoặc. Trong lục đạo mê rất sâu, tứ thánh pháp giới mê ít hơn, nhưng cũng chưa khai ngộ. Trong tứ thánh pháp giới có Thanh văn nghĩa là A la hán, có Bích chi Phật, có Bồ Tát, cao nhất là Phật. Phật ở đây cũng chưa đại triệt đại ngộ, Phật trong mười pháp giới. Bởi vậy thập pháp giới_ngày nay chúng ta gọi lục đạo là phàm phu, trong kinh điển Đức Phật chia phàm phu thành hai loại. Trong lục đạo gọi là nội phàm, bên trong lục đạo. Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật gọi là ngoại phàm, là bên ngoài lục đạo, họ vẫn là phàm phu.
Vì sao nói họ là phàm phu? Vì họ dùng vọng tâm, không dùng chân tâm, nhưng vọng tâm của họ dùng chánh, chánh ở đâu? Vì họ không hoài nghi đối với Phật Bồ Tát, hoàn toàn tiếp nhận, y giáo phụng hành, cho nên hành vi họ đúng đắn. Phật trong mười pháp giới tuy không phải chân Phật, nhưng rất giống chân Phật. Họ khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác rất giống chân Phật. Nghĩa là giáo huấn trong tam tạng kinh điển, họ đều hành trì, thực hành rốt ráo. Nếu họ có thể chuyển bát thức thành tứ trí, họ chính là chân Phật, không phải giả Phật, không còn ở trong mười pháp giới. Nói cho quý vị biết mười pháp giới cũng là giả, không phải thật, nhưng họ dùng chân tâm, không phải dùng vọng tâm. Do đây có thể biết, trong mười pháp giới toàn là dùng bát thức 51 tâm sở, dùng những thứ này. Tứ thánh pháp giới giác, dùng vọng tâm, nhưng họ giác. Họ nương Phật, gọi là quy y Phật, thật sự quy y Phật. Lục đạo chúng ta là giả, không phải quy y thật.
Quy là quay đầu, y là nương tựa. Từ mê hoặc điên đảo quay đầu lại, nương vào giác mà trong kinh điển dạy, đây gọi là quy y Phật. Cần phải hiểu ý nghĩa quy y. Ai là chân thật quy y? Tứ thánh pháp giới là chân thật quy y. Quy y pháp, chánh mà không tà. Quy y Tăng, tịnh mà không nhiễm. Quý vị xem, trong lục đạo chúng ta đã thọ tam quy, nhưng vẫn mê mà không giác, tà mà không chánh, nhiễm mà không tịnh. Như vậy không phải là giả ư, hữu danh vô thực. Tứ thánh pháp giới là danh đúng với sự thật.
Chuyển bát thức thành trí là chân tâm, chuyển thức thứ sáu, tức không dùng thức thứ sáu, đó là gì? Diệu quan sát trí hiện tiền, trí tuệ của tự tánh, diệu quan sát trí. Chuyển mạt na thức thành bình đẳng tánh trí, đây là đức hạnh trong tự tánh. Chuyển thức thứ tám thành đại viên cảnh trí, bát nhã vốn có trong tự tánh hoàn toàn hiện tiền. Chuyển năm thức trước thành thành sở tác trí, được đại tự tại. Đây là dùng chân tâm, dùng chân tâm là chân Phật, dùng vọng tâm không phải là chân Phật. Tông Thiên Thai nói Phật trong mười pháp giới là “Tương tự tức Phật”, không phải thật, tương tự, rất giống, chúng ta không thể không biết điều này.
Trong kinh điển đại thừa nói về thiện, thông thường chúng ta hiểu thành thiện của thiện ác, như vậy là sai, thiện của thiện ác ở trong phiền não. Ở đây nói về thiện, ít nhất chúng ta dùng bốn tịnh đức mà quốc sư Hiền Thủ nói trong Hoàn Nguyên Quán, đây là thiện. Tùy duyên diệu dụng, oai nghi hữu tắc, nhu hòa chất trực, đại chúng sanh khổ, đây là thiện. Pháp thân Bồ Tát là thiện. Nguyện tu tất cả. Chúng ta phát nguyện phải giống như địa thượng Bồ Tát vậy, chân tu.
“Thứ ba, chúng sanh vô biên, nguyện độ tất cả”, câu này giống nguyện thứ nhất trong tứ hoằng thệ nguyện: “Chúng sanh vô biên thề nguyện độ”, phải giúp những chúng sanh khổ nạn, độ như thế nào? Dạy họ, chúng sanh giác ngộ, quay đầu, đây gọi là được độ. Đương thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại thế suốt đời dạy học, chư vị phải biết điều này. 30 tuổi ngài khai ngộ, sau khi khai ngộ bắt đầu dạy học, dạy suốt cả đời, 79 tuổi viên tịch. Giảng kinh hơn 300 hội, thuyết pháp 49 năm.
Chúng sanh khổ, khổ từ đâu đến? Mê mất tự tánh là khổ, họ có phiền não, có tập khí, họ tạo ác nghiệp phải chịu khổ báo. Phật Bồ Tát thương xót mọi người, giúp mọi người lìa khổ được vui. Giác ngộ tức là lìa khổ, hiểu rõ tức là được vui. Trong kinh điển đại thừa, Chư Phật Như Lai thật sự là đang độ chúng sanh, giúp chúng sanh lìa khổ được vui, phương pháp của họ là dạy học. Không những dùng ngôn giáo, quan trọng nhất là dùng thân giáo, ngài thể hiện cho chúng ta thấy.
“Đối với ba việc này, quyết định kỳ nguyện”. Nghĩa là ở trên nói về ba vấn đề này, quyết định. Kỳ là kỳ vọng, hy vọng nguyện này phải viên mãn.
Bên dưới giải thích, giải thích rất hay: “Sơ”, đoạn phiền não, đoạn phiền não, “Như Lai đoạn đức chánh nhân”. Đây là nói về tam đức, đoạn đức, trí đức, ân đức. Trong điện Phật, chúng ta thấy điện thờ Phật, trên bức hoành viết Đại Hùng Bảo Điện, nghĩa là sao? Phật là đại anh hùng, anh hùng nghĩa là sao? Nghĩa là người khác không làm được ngài làm được, đây gọi là anh hùng. Chúng sanh lục đạo không làm được, do vì chưa đoạn được phiền não. Đức Phật có phương pháp có thể đoạn tận phiền não, cho nên gọi là đại anh hùng.
Chúng ta học Phật, đầu tiên phải học đoạn đức của Phật, đoạn nghĩa là buông bỏ, đây là Như Lai đoạn đức chánh nhân. Không đoạn phiền não làm sao được, đoạn phiền não như thế nào? Nếu không thể thâm nhập kinh tạng thì không thể đoạn được. Bởi thế thầy dạy tôi, trước phải nhìn thấu, sau đó mới buông bỏ. Vì sao không buông được? Vì chưa nhìn thấu, cho nên không buông được. Nhìn thấu tự nhiên sẽ buông bỏ, nhìn thấu giúp buông bỏ, buông bỏ thì sao? Buông bỏ lại giúp nhìn thấu, cảnh giới nâng cao lên.
Trong pháp đại thừa, từ sơ tín của thập tín vị cho đến Đẳng giác. Trong Kinh Hoa Nghiêm sắp xếp 51 địa vị giống như 51 tầng lầu vậy. Tôi buông bỏ tầng thứ nhất mới lên được tầng thứ hai, buông bỏ tầng thứ hai mới đến được tầng thứ ba. Buông bỏ tầng thứ ba mới lên đến tầng thứ tư. Cho nên nhìn thấu, buông bỏ, hai phương pháp này hỗ tương thành tựu. Buông bỏ là phiền não vô tận thề nguyện đoạn, nhìn thấy là pháp môn vô lượng thề nguyện học, không thể không học. Không học khi đến một cấp bậc thì không thể tiếp tục nâng cao được, không lên được nữa. Nguyên nhân là gì? Vì họ không chịu học, học không có cảnh dừng. Cổ nhân nói, sống đến già học đến già vẫn không học hết, phải dõng mãnh tinh tấn mới có thể học đến cảnh giới của Phật.
“Thứ đến, thiện pháp vô lượng, nguyện tu tất cả. Là Như Lai trí đức chân nhân”. Trí tuệ ở đâu? Trí tuệ từ hành thiện.
Trưa nay có một vị đồng học từ Thẩm Quyến đến thăm tôi, lần trước khi đến thăm tôi, ông là một thương nhân, một nhà xí nghiệp. Tôi nói với ông ta, Như Lai nói có con đường lớn phát tài, ông có muốn nghe chăng? Đương nhiên thích, phát tài mà! Làm xí nghiệp chính là muốn phát tài. Đức Phật nói với chúng ta vì sao mà được phát tài? Tài là nhờ bố thí mà có, nếu ông có thể tu tài bố thí sẽ được tài phú, nếu có thể tu pháp bố thí sẽ được thông minh trí tuệ, nếu tu bố thí vô úy sẽ được mạnh khỏe trường thọ. Là thật, không phải giả.
Điều này 60 năm trước đại sư Chương Gia dạy cho tôi, tôi đã học suốt 60 năm, chứng minh đại sư nói là thật, không phải giả. Ông ta nghe xong rất vui, thật sự thực hành, ông thành lập siêu thị. Trong nước có 105 siêu thị dây chuyền, bán phẩm vật thường dùng, thứ cần thiết trong cuộc sống, như dầu, gạo, muối, đường, rau tươi. Ông làm thật, rất phổ biến. Hơn 100 tiệm này của ông đã áp dụng phương pháp gì? Ông ta gọi là linh lợi nhuận cộng cấp, nghĩa là ông ta mua về bao nhiêu tiền, ông cũng dùng giá tiền đó bán ra. Cho nên hàng của ông rẻ, rẻ hơn các tiệm khác, thức ăn vừa tốt vừa rẻ, cho nên ông buôn bán rất thuận lợi.
Ông đến nói với tôi, thầy nói không sai. Mà khi kinh doanh, trước đây lo toan đủ thứ, bây giờ rất thoải mái. Trước đây rất phan duyên, bây giờ không phan duyên, kinh doanh ngày càng tốt, mọi người đến chỗ ông mua đồ. Rau quả không có lợi nhuận, hoàn toàn bán theo giá gốc, rất hay! Tôi lại nói với ông ta tu pháp bố thí được thông minh trí tuệ, tu bố thí vô úy mạnh khỏe sống lâu. Bảng hiệu của ông gọi là Tân Nhất Giai, rất nhiều người biết đến.
Những gì Đức Phật nói với chúng ta đều là thật, không phải giả. Không chịu bố thí quý vị cũng phát tài, của cải đó là số quý vị có. Số mạng không có, của cải từ đâu đến? Đọc Liễu Phàm Tứ Huấn sẽ hiểu, lời cổ nhân nói không sai: “Suốt đời đều là mệnh, tất cả chẳng do người”. Bất luận dùng phương pháp thủ đoạn nào để được của cải, đều là số mạng có. Số mạng không có, không thể đạt được. Số mạng không có làm sao để đạt được? Bố thí sẽ đạt được, thật sự tu pháp bố thí sẽ được của cải, đây đều là thật. Chúng tôi học suốt 60 năm, nhận thấy đúng như vậy, cho nên rất cảm ân thầy, cảm ân Phật Bồ Tát. Trong kinh điển đã dạy chúng ta như thế.
“Tâm thứ ba, thứ ba là chúng sanh vô biên, nguyện độ tất cả”, đây là “ân đức chánh nhân”. Nghĩa là sao? Là bố thí vô úy. Nếu chúng ta năm bắt được ba câu này, nhất định được của cải. Quý vị xem điều thứ nhất, khi đoạn phiền não ta sẽ được tài phú, khi tu thiện pháp liền khai trí tuệ. Mỗi niệm đều vì chúng sanh khổ nạn, đây là vô úy, liền được mạnh khỏe sống lâu, ân đức. Đừng vì mình, phải vì chúng sanh, vì mình thì sao? Đây chính là nói, vì mình là tăng trưởng tự tư tự lợi, như vậy là sai.
Phật pháp trước tiên giúp ta đoạn tận tự tư tự lợi, nói về vô ngã. Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng, đây là vượt thoát luân hồi lục đạo, nâng lên đến tứ thánh pháp giới. Kinh Kim Cang còn nửa bộ sau, nửa bộ sau cảnh giới càng cao. Không phải nói vô ngã tướng, mà nói là vô ngã kiến, kiến là gì? Là ý niệm. Vô ngã kiến, vô nhân kiến, vô chúng sanh kiến, vô thọ giả kiến, ý niệm không còn, nghĩa là siêu việt mười pháp giới. Vượt thoát mười pháp giới đi về đâu? Vãng sanh đến cõi thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai. Đây là thật, là chân lý, là sự thật.
Câu bên dưới là tổng kết: “Tam đức hợp thành quả vô thượng bồ đề”. Điều sau cùng trong tứ hoằng thề nguyện: “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Thực hành được ba điều trước, điều sau cùng này tự nhiên sẽ thành tựu. “Tức là tam tâm luôn là nhân của vô thượng bồ đề. Nhân quả tuy khác nhau, nhưng xa rộng như nhau, không bỏ sót điều gì, đều bao hàm tất cả”. Đây là lúc mới học Phật, Chư Phật Như Lai khai thị cho chúng ta về cương lĩnh chung, mục tiêu chung, phương hướng chung. Dùng phương pháp gì để đạt được mục tiêu này? Đó chính là tám vạn bốn ngàn pháp môn. Mỗi người có thể không tương đồng, nhưng nên biết rằng tám vạn bốn ngàn pháp môn phương hướng là nhất trí, mục tiêu chỉ có một.
Chúng ta chọn một pháp môn, ngày nay chúng ta chọn phương pháp trì danh niệm Phật. Ta chọn pháp môn này, nhưng đối với các pháp môn khác đều tôn trọng, không được khinh mạn, khinh mạn là có tội. Có rất nhiều người cho rằng pháp môn mình tu cao, cao hơn người khác, người khác không bằng mình. Chỉ có thể nói phương pháp này thích hợp với ta, ta tu pháp môn này cảm thấy dễ dàng hơn, nhưng phải tôn trọng các pháp môn khác. Nếu hủy báng các pháp môn khác, nghĩa là đang hủy báng Phật, báng Pháp, báng Tăng. Tội hủy báng Tam bảo là đọa vào địa ngục A tỳ, điều này không thể không biết. Hủy báng người khác nghĩa là cống cao ngã mạn, tâm ngã mạn là sanh phiền não không sanh trí tuệ, học Phật nhất định phải biết khiêm tốn. Trong sáu ba la mật của Bồ Tát dạy chúng ta trì giới, nhẫn nhục. Trong Bồ Tát giới nói, khen mình chê người, trong Du Già Giới Bổn nói là trọng tội. Tự khen mình mà hủy báng người khác, tội rất nặng.
Chúng ta xem ở sau Kinh Hoa Nghiêm, 53 lần tham bái của Thiện Tài Đồng Tử, Thiện Tài Đồng Tử tu pháp môn niệm Phật. Đối với 53 vị thiện tri thức, họ tu học không phải pháp môn Tịnh độ, nhưng quý vị thấy ngài luôn cung kính, luôn cảm ân. Điều này chính xác, là để dạy chúng ta, đều là lời Phật dạy. Đức Phật nói ra nhiều phương pháp như thế để độ chúng sanh căn tánh bất đồng, làm gì có chuyện sai lầm. Thiện Tài là một người hành Bồ Tát đạo, là tấm gương tốt cho người tu hành, chúng ta phải học theo ngài. Bản thân khiêm tốn, lễ kính người khác, khen ngợi người khác, như vậy là đúng. Cổ đức thường nói: “nếu muốn Phật pháp thịnh, chỉ có tăng khen tăng”. Tứ chúng đệ tử trong Phật môn đều có thể khen ngợi lẫn nhau, Phật pháp sẽ hưng thịnh, hòa thuận, gia hòa vạn sự hưng. Trong nhà bất hòa nhất định suy bại, người bên ngoài cũng coi thường. Bốn chữ thành kính khiêm hòa rất quan trọng.
Xem tiếp bên dưới. “Như trong kinh nói: Phát tâm cuối cùng đều như nhau, hai tâm như vậy tâm trước khó. Tự mình chưa được độ độ người trước, cho nên tôi lễ sơ phát tâm”. Phát tâm ở đây là phát tâm bồ đề, tức là nói về sự. Tứ hoằng thề nguyện không phân biệt tông phái, không phân biệt pháp môn, tất cả đều phát tâm như thế. Phải chăng là phát thật? Đó là vấn đề khác. Phật Bồ Tát yêu cầu đối với hàng sơ học là phải thật sự phát tâm, tâm này nghĩa là khẳng định phương hướng, khẳng định mục tiêu. Ba điều trước là phương hướng, sau cùng Phật đạo thề nguyện thành là mục tiêu. Đoạn phiền não là đoạn đức, học pháp môn là trí đức, độ chúng sanh là ân đức. Ba đức này thành tựu mục tiêu sau cùng- Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.
Người có tâm từ bi khẩn thiết, mình chưa được độ nhưng độ chúng sanh trước. Trong hàng Bồ Tát có biểu pháp, Bồ Tát Địa Tạng chính là trường hợp này, đúng là quên mình vì người, điều này rất khó có được. Kinh Hoa Nghiêm nói tứ tịnh đức của pháp thân Bồ Tát, điều sau cùng là khổ thay cho chúng sanh. Trong này quan trọng nhất là đoạn đức và trí đức, đoạn đức là đức hạnh, trí đức là trí tuệ. Không có đức năng, không có trí tuệ làm sao độ chúng sanh? Có trí tuệ không có đức năng cũng không được, có đắc năng không có trí tuệ cũng không được.
“Tâm này quả báo tuy là bồ đề”, bồ đề nghĩa là thành Phật. “Mà hoa báo của nó ở cõi Tịnh độ”, đây là vãng sanh, là nói đối với hàng trung hạ căn tánh. Chúng ta biết đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, chỉ có hàng thượng thượng căn mới có phần. Thông thường mà nói ba căn thượng trung hạ đều không làm được.
Do đây có thể biết, phiền não khó đoạn, vô cùng khó khăn, nguyên nhân gì? Chúng ta ở trong lục đạo thời gian quá lâu, những tập khí phiền não này đều nuôi dưỡng từ trong lục đạo. Cổ nhân có câu: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Người trong lục đạo, nhiều người mê muội, người giác ngộ ít. Cho dù giác, nhưng giác chưa triệt để, cao nhất là tu thiện tích đức. Mục đích tu thiện tích đức là gì? Hy vọng quả báo đời sau càng tốt hơn, bởi vậy họ không ra khỏi luân hồi lục đạo.
Trong tình trạng này, có thể nói Phật Bồ Tát đặc biệt từ bi. Chúng ta phải cảm kích Phật A Di Đà, đã vì chúng ta mà kiến lập nên thế giới Cực Lạc, giúp người tập khí phiền não rất nặng như chúng ta, cũng có thể thành tựu ngay trong đời này. Như ở trước nói, nếu chúng ta đặt mục tiêu ở thế giới Cực Lạc, phương hướng của chúng ta là ở phương tây, mục tiêu là đến thế giới Cực Lạc gặp Phật A Di Đà. Chúng ta ở đây đoạn ác tu thiện, chúng ta không cần quả báo trong lục đạo, ta chỉ nhất tâm nhất ý muốn đến thế giới Cực Lạc, được chăng? Được. Bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, trong 48 nguyện này nói rất rõ ràng minh bạch, thật sự có thể đến đó. Cho nên nói hoa báo ở Tịnh độ. Sau khi đến thế giới Cực Lạc, sự thọ dụng thù thắng đó vượt xa sức tưởng tượng của chúng ta. Như trong nguyện này nói: “Đều làm A Duy Việt Trí Bồ Tát”, không đáng nể ư! A Duy Việt Trí Bồ Tát vượt qua mười pháp giới, chúng ta vãng sanh tự nhiên vượt khỏi mười pháp giới. Pháp môn này vô cùng thù thắng hy hữu khó gặp, đời này đã gặp được.
Chư vị ghi nhớ một nguyên tắc chung là, có cái ta sẽ không ra khỏi luân hồi lục đạo, vô ngã mới ra khỏi luân hồi lục đạo. Thế giới tây phương Cực Lạc cõi phàm thánh đồng cư có ngã, cõi phương tiện hữu dư cũng có ngã. Trong thế giới đó không có ba đường ác, trong thế giới đó vĩnh viễn không thoái chuyển. Sanh đến đó được 48 nguyện của Phật A Di Đà gia trì, nghĩa là những gì trong 48 nguyện nói, khi ta đến thế giới Cực Lạc đều đầy đủ, không thiếu thứ gì.
Ta thử suy nghĩ tường tận xem trí tuệ, thần thông và đạo lực của mình hầu như không có gì khác với Phật A Di Đà, đúng vậy. Từ đâu mà có? Là đại từ đại bi và oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì quý vị, không phải chính ta tu được. Ở thế giới Cực Lạc có cần tu chăng? Phải tu, ta không thể vĩnh viễn nương tựa Phật A Di Đà, chúng ta ở đó phải cố gắng tự lập, cố gắng đoạn phiền não. Sau khi đoạn tận, đó là ta tự tu được. Trước khi chưa tu được phải dựa vào Phật A Di Đà, sau khi tu được không cần dựa vào Phật A Di Đà nữa. Như con cái vậy, khi chưa trưởng thành phải dựa vào cha mẹ, sau khi trưởng thành phải độc lập. Phật A Di Đà giống như cha mẹ vậy, chăm sóc chúng ta rất tường tận, mỗi người đều thành tựu.
Bên dưới nói: “Cho nên rất tự nhiên, tâm lượng bồ đề, rộng lớn vô biên, dài xa vô hạn. Nên có thể chiêu cảm y báo cõi tịnh rộng lớn vô tận, chánh báo thọ mạng dài xa vô lượng”. Câu này rất quan trọng, quá quan trọng! Ba câu ở trước: “Tâm lượng bồ đề, rộng lớn vô biên, dài xa vô hạn”, 12 chữ này quan trọng. Cổ nhân có câu nói rất hay, lượng lớn phước lớn. Tâm lượng ta không lớn, đó là chướng ngại việc vãng sanh. Người niệm Phật chơn chánh, tâm lượng phải rộng mở. Kinh điển đại thừa thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, đó là tâm bồ đề. Nói cho chư vị biết, đó là chân tâm của mình, chúng ta vốn là như thế, vì sao bây giờ tâm lượng lại biến thành nhỏ bé như vậy? Hai người sống với nhau cũng không thể bao dung, ngày ngày cãi nhau? Đây là tập khí phiền não, không phải là bổn thiện. Đây là tập tánh, không phải bản tánh.
Từ những điều này, từ bản tánh và tập tánh sẽ rõ ràng minh bạch. Bản tánh là thật, vĩnh viễn bất biến. Tập tánh là giả, giả đương nhiên có thể đoạn, thật tự nhiên hiện tiền. Phật A Di Đà là chân tâm chiêu cảm nên thế giới Cực Lạc y chánh trang nghiêm. Chúng ta cũng dùng chân tâm, tâm lượng vô lượng vô biên tu tứ hoằng thệ nguyện, cho nên nhất định chiêu cảm được cõi tịnh của Phật Di Đà.
Sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc, điều đầu tiên ta đạt được là chánh báo thọ mạng dài xa, vô lượng thọ. Vừa sanh đến thế giới Cực Lạc, vô lượng thọ này, cổ nhân cũng có nói là vô lượng của hữu lượng, không phải vô lượng thật, là vô lượng của hữu lượng, có thể nói như thế. Vì sao vậy? Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói rất rõ ràng, nếu chúng ra vãng sanh, sanh vào cõi đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh, tức là hạ phẩm hạ sanh, ở thế giới Cực Lạc đến khi nào mới có thể hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh? Hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh, chính là Viên giáo sơ trụ Bồ Tát. Chưa đến được cảnh giới này, ở thế giới Cực Lạc hưởng thọ đãi ngộ của A Duy Việt Trí Bồ Tát, chúng ta biết là nhờ bổn nguyện Phật A Di Đà gia trì. Đến hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh, là tự thân ta chứng được. Thời gian cũng không dài, 12 kiếp. Đối với chúng ta 12 kiếp rất dài, nhưng tu hành trong cõi nước của Chư Phật, thông thường gọi là tu vô lượng kiếp, ở thế giới Cực Lạc 12 kiếp là thành công, đây là vô lượng của hữu lượng.
Sau khi hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh thì sao? Như vậy sẽ biến thành vô lượng thật, đó là vô lượng của vô lượng, là thật sự vô lượng thọ. Phải hiểu đạo lý này, phải rõ ràng chân tướng sự thật, như vậy chắc chắn không còn hoài nghi. Các bậc cổ đức có tư tưởng khác nhau, chúng ta đều biết. Tư tưởng khác nhau, khác nhau ở đâu đều rõ ràng minh bạch, không có nghi hoặc.
“Ngoài tâm bồ đề ra, không thể đến cõi nước này, cho nên nói tâm này là chánh nhân của cõi nước này, là nói rõ tướng tùy sự phát tâm”. Đoạn này là nói về tùy sự phát tâm, chính là tứ hoằng thề nguyện, đích thực chúng ta có thể học được điều này. Nếu càng thấu triệt về lý, như vậy thì rất dễ. Không hiểu về lý, rất khó buông bỏ. Thấu triệt về lý, buông bỏ rất dễ.
Bên dưới nói: “Những gì nói ra đều thuận lý mà phát tâm”. Đây là nói về thuận lý, lý là gì? Lý là tự tánh, chân như bản tánh. Nghĩa là trong Tam Tự Kinh nói “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, nếu chúng ta tùy thuận tánh bổn thiện mà phát tâm sẽ rất dễ. Tùy sự vẫn là tùy tập tánh, tùy tập tánh. Thuận lý là tùy bản tánh, không giống nhau. Quý vị xem thuận lý mà phát tâm. “Tin hiểu các pháp đều như huyễn mộng, phi hữu phi vô, ly ngôn tuyệt lự”. Thứ nhất là phải tin, thứ hai là phải thấu hiểu. Tin điều gì? Thấu hiểu điều gì? Tin và hiểu các pháp đều như huyễn như mộng. Tất cả pháp giữa vũ trụ, tất cả pháp này hiện nay chúng ta dùng ba loại hiện tượng là bao gồm hết tất cả. Thứ nhất là hiện tượng vật chất, thứ hai là hiện tượng tinh thần, thứ ba là hiện tượng tự nhiên, như vậy là bao gồm tất cả. Ba loại hiện tượng này đều là giả, không có loại nào là thật. Trong Kinh Kim Cang nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, chúng ta tin được chăng? Rất khó tin, vì sao vậy? Vì không lý giải. Trong bài kệ khai kinh nói: “nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai”, chủ yếu là hiểu nghĩa chân thật của câu này.
“Phi hữu phi vô”, ta không thể nói nó có, cũng không thể nói là không. Như chúng ta hiện nay xem trên màn hình ti vi vậy, tướng hiện ra trên màn hình ti vi, quý vị nói nó là có hay là không? Nếu nói có nhưng nó quả thật không tồn tại, nếu nói là không nhưng rõ ràng nó ở ngay trước mắt. Như thế nào mới thấy có trong không, thấy không trong có, như vậy mới tin được. Có là gì? Có là huyễn có. Tướng có- tánh không, sự có- lý không, đây là chân tướng sự thật.
Ngày nay các nhà khoa học lượng tử nói với chúng ta, họ biết thế giới này quả thật không có thứ gọi là vật chất. Chúng ta đều nhìn thấy vật chất, vậy mà họ nói không có vật chất, căn cứ vào đâu mà nói như vậy? Căn cứ vào nghiên cứu phát hiện của họ, họ nói bản chất của vật chất là ý niệm. Vật chất từ đâu sinh ra? Là huyễn tướng do ý niệm tích lũy liên tục sản sinh ra. Chính là nói rõ ý niệm, hiện tượng vật chất sinh ra từ hiện tượng tinh thần. Hiện tượng tinh thần từ đâu mà có? Bây giờ họ nói với chúng ta, từ không sinh ra có. Những tư tưởng này rất tương tự với trong kinh điển đại thừa nói! Trong Bồ Tát Xứ Thai Kinh, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đưa ra một vấn đề hỏi Bồ Tát Di Lặc, Phật hỏi: “Tâm hữu sở niệm”, đây là nói tâm người bình thường chúng ta khởi ý niệm, Đức Phật hỏi Bồ Tát Di Lặc, trong một niệm này có mấy niệm, có mấy tướng, có mấy thức? Đức Phật hỏi rất hay, trong niệm này có bao nhiêu niệm vi tế? Có bao nhiêu tướng, tướng nghĩa là hiện tượng vật chất? Có bao nhiêu thức, thức là hiện tượng tinh thần? Bồ Tát Di Lặc trả lời rằng: một khảy móng tay, một khảy móng tay này có 32 ức trăm ngàn niệm. 32 ức trăm ngàn niệm, đơn vị là trăm ngàn, trăm ngàn là mười vạn, 32 ức nhân mười vạn là 320 triệu. Một khảy móng tay có 320 triệu ý niệm, là hiện tượng tích lũy liên tục sanh ra. Bồ Tát Di Lặc nói: niệm niệm thành hình, hình tức là tướng, hình đều có thức, thức chính là thọ tưởng hành thức. Trong mỗi ý niệm đều có sắc thọ tưởng hành thức, tướng đó chính là sắc. Trong giáo lý đại thừa thường nói ngũ uẩn, mỗi ý niệm đều đầy đủ ý niệm, từ đâu mà có? Từ ý niệm. Có ý niệm chăng? Ý niệm cũng không thể nói có, cũng không thể nói không. Nếu nói có nó đã không tồn tại, thời gian nó tồn tại chỉ có một khảy móng tay. Thời gian một khảy móng tay rất ngắn, một khảy móng tay là 1/320 triệu niệm. Một khảy móng tay, nếu chúng tôi khảy_tôi tin thanh niên có sức khỏe khảy nhanh, nếu một giây khảy năm lần, bây giờ dùng giây làm đơn vị, một giây có bao nhiêu ý niệm? Có 1600 triệu niệm, nghĩa là 1/1600 triệu niệm một giây. Quý vị nói nó có hay là không? Hiện tượng chúng ta nhìn thấy là liên tục, các nhà khoa học nói, hiện tượng do ý niệm tích lũy liên tục. Như chúng ta xem film vậy, tốc độ hình ảnh trên ti vi rất nhanh. Ngày xưa film ảnh làm bằng băng nhựa, một giây có 24 tấm, chúng ta xem film giống như thật, không nhận ra nó là giả. Nhưng mỗi tấm đều không giống nhau, mỗi ý niệm đều không tương đồng!
Trong Hoàn Nguyên Quán nói rất hay, ý niệm vừa khởi liền chu biến pháp giới, xuất sanh vô tận. Trong kinh điển nói rõ ràng hơn các nhà khoa học nói rất nhiều, không phải trong không sanh ra có, mà là tự tánh gặp duyên, duyên này chính là động. Bây giờ các nhà khoa học gọi là định luật đàn hồi, cũng rất tương tự với Phật pháp nói. Phật pháp nói: “nhất niệm bất giác mà có vô minh”, nhất niệm bất giác này là động, chấn động vô cùng vi tế, chúng ta không thể phát hiện được chấn động này, vì tâm chúng ta quá thô, rất trôi nổi. Đối với những ý niệm vi tế, bản thân không cảm nhận được.
Bồ Tát Di Lặc rất tuyệt vời, quý vị thấy ý niệm vi tế như thế, một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm, ngài đều thấy một cách rõ ràng. Dùng phương pháp gì để thấy? Tâm thanh tịnh thấy được, thông thường chúng ta gọi là định công, định công đến mức độ thâm sâu mới có thể nhìn thấy. Trong kinh điển đại thừa có nói, bát địa Bồ Tát, bát địa gọi là bất động địa, bát địa Bồ Tát trở lên thấy được. Nhìn thấy hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần, hiện tượng tự nhiên này, rốt cuộc là như thế nào, nhìn thấy rất rõ ràng. Trong Phật pháp dùng Thiền định để thấy, không phải dùng máy móc, còn vi tế hơn máy móc nhiều.
Điều này chứng minh vật chất không phải thật, tinh thần cũng không phải thật, nhất niệm bất giác đó cũng không phải thật. Bởi vậy không thể nói nó có, cũng không thể nói nó không. Nếu nói nó có tức là chấp tướng, còn như nói nó không cũng là chấp tướng, càng mê càng sâu. Cho nên Phật chỉ nói bất khả thuyết, bất khả thuyết. Đây không phải không thể nói, vì khi ta nói là đã khởi tâm động niệm, đã có phân biệt chấp trước. Cái này nhất định là không khởi tâm không động niệm, không phân biệt không chấp trước, như vậy là đã chứng được.
Trong kinh Phật có câu nói rất hay, chỉ có ngộ mới biết, nếu không khai ngộ không thể hiểu được. Ngộ này là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, thấy được thể tướng và tác dụng của chân tánh, thật sự nhìn thấy. Chân tánh tồn tại mọi lúc mọi nơi, bất kỳ một pháp nào đều là nương nó làm thể, không có nó mọi hiện tượng đều không phát sanh. Nó là bản thể của tất cả vạn pháp, trong triết học gọi là bản thể.
“Ly ngôn tuyệt lự”, câu này nói với chúng ta, ly ngôn tuyệt lự là ta chứng được. Nếu dùng lời nói không thể nói ra được. Lự là suy nghĩ, nếu suy nghĩ cũng nghĩ không ra, vì sao vậy? Vì ngôn ngữ thuộc về năm thức trước nhãn nhĩ tỷ thiện thân, đây là hiện tượng vật chất, sắc thanh hương vị xúc đều là hiện tượng vật chất. Tự tánh không phải vật chất, cho nên lục căn và lục trần đối với nó không khởi tác dụng. Lục căn lục trần không khởi tác dụng, vì nó không phải vật chất, cũng không phải tinh thần. Nhưng nó có nguyên tố của tinh thần, nghĩa là trong tự tánh có kiến văn giác tri. Đây là chính mình vốn có, bất sanh bất diệt, có kiến văn giác tri. Sau khi mê trong A lại da biến thành thọ tưởng hành thức, bởi vậy ngũ uẩn là giả, không phải thật.
Trong Kinh Bát Nhã nói: Quán Tự Tại Bồ tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiên ngũ uẩn giai không”. Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, chứng minh ba loại hiện tượng đều không tồn tại. Hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần, hiện tượng tự nhiên đều không tồn tại, đã kiến tánh. Thấy nó không tồn tại, tức là kiến tánh. Vì nó không phải hiện tượng tinh thần, nên đệ lục ý thức không duyên đến được, nghĩa là thọ tưởng hành thức không duyên được, lục thức không duyên được. Quý vị xem sáu căn, sáu trần, sáu thức không duyên được tự tánh, không liên quan với tự tánh. Do đó tự tánh đúng là ly ngôn tuyệt lự, không thể nói cũng không thể suy nghĩ.
“Nương vào sự tin hiểu này mà phát tâm rộng lớn”. Thật sự hiểu được đạo lý này, tâm thanh tịnh, tâm vĩnh viễn ở trong định. Vì sao vậy? Vì lục căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần, thấu triệt căn trần và thức đều là huyễn có, đều không phải thật, hoàn toàn buông bỏ. Phát tâm rộng lớn, tâm rộng lớn này phát như thế nào? Nếu có phát thật, như vậy bốn loại phiền não ta đều có đủ. Khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, chỉ cần có chữ phát là nó đầy đủ cả, ta lại biến thành phàm phu, lại trở về luân hồi lục đạo. Phát ở đây không phải phát như trong tưởng tượng của chúng ta, phát đây là hình dung từ, tâm tánh rộng lớn tự nhiên hiển lộ ra. Chỉ cần ta buông bỏ khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, toàn thể tự tánh tự nhiên hiện ra, đây gọi là phát tâm rộng lớn.
“Tuy không thấy có phiền não thiện pháp”. Thật vậy, họ thấu rõ chân tướng sự thật. “Nhi bất bát vô”, nghĩa là họ cũng không bài trừ những huyễn tướng trong lục đạo và mười pháp giới. Họ rất rõ ràng, biết đây là giả, giả nên không có chướng ngại gì, giống như ta xem ti vi vậy. Ta hiểu rõ đối với toàn bộ ti vi và sự cấu tạo của nó, biết được những ảnh tượng này toàn là huyễn tướng. Màn hình ti vi không nhiễm chút trần, hoàn toàn sạch sẽ, cần đoạn tận những tướng này chăng? Không cần thiết, vì tướng là giả, đích thực không ô nhiễm đến màn hình. Sau khi kiến tánh, thấy toàn bộ mười pháp giới, thấy luân hồi lục đạo, tình hình hoàn toàn giống như xem trên mà hình ti vi vậy. Chính là phi không phi hữu, phi giả phi chân, như vậy là tâm thanh tịnh.
“Mà không bài trừ, có thể đoạn có thể tu”. Họ không bài trừ đoạn phiền não, cũng không bài trừ tu pháp môn, vì sao vậy? Vì rất nhiều người không hiểu chân tướng, nói với họ về chân tướng sự thật cũng không nói rõ được. Đây là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, trong Hoàn Nguyên Quán gọi là tùy duyên diệu dụng, đây là tùy duyên diệu dụng. Chỉ có người thật sự thấu triệt mới có thể làm được, người không hiểu muốn học cũng học không giống, là giả không phải thật.
“Cho nên tuy nguyện đều đoạn đều tu, mà không trái với vô nguyện tam muội”. Vô nguyện tam muội là chân tâm của họ. Đây là ai? Là người giác ngộ. Sau khi thật sự khai ngộ minh tâm kiến tánh, họ ở thế gian này tức là hiển lộ bốn đức trong Hoàn Nguyên Quán. Đây thật sự gọi là vô duyên đại từ, đồng thể đại bi, đúng là chịu khổ thay chúng sanh.
Đương thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm thí nghiệm, làm gương cho chúng ta. Các đời tổ sư đại đức, trong này không ít người cũng đạt đến cảnh giới của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên, hơn 1700 công án, trường hợp. Trong Truyền Đăng Lục ghi chép, giáo môn được đại khai viên giải, Tịnh tông đạt được lý nhất tâm bất loạn. Có. Chúng ta tổng hợp lại, Phật giáo truyền đến Trung quốc 2000 năm nay, khế nhập cảnh giới đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, ít nhất phải trên 3000 người. Dự đoán này không quá đáng, dự đoán rất chắc chắn, khoảng trên 3000 người. Họ thị hiện cho chúng ta thấy, không khác gì khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, đây gọi là từ bi vô tận.
“Tuy nguyện đều độ vô lượng hữu tình, mà không tồn tại năng độ sở độ”. Ngài dạy người khác, chúng sanh vô biên thề nguyện độ, ngài nỗ lực làm nhưng không chấp tướng. Kinh Kim Cang nói buông bỏ bốn tướng, bốn kiến cũng buông bỏ, tâm ngài hoàn toàn thanh tịnh, như trên đề kinh này gọi là thanh tịnh bình đẳng giác, bởi vậy rất siêng năng tinh tấn, ở đó nỗ lực giúp tất cả chúng sanh khổ nạn, không có khởi tâm động niệm. Mà không tồn tại năng độ và sở độ, họ không khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm còn không có, đương nhiên không có phân biệt chấp trước. Cảnh giới này bây giờ chúng ta có thể lãnh hội được một ít, nếu không trường thời huân tu rất khó lãnh hội.
“Cho nên có thể tùy thuận không vô tướng”. Ở trước nói đến vô nguyện, đại tam không tam muội. Không, vô tướng, vô nguyện. Câu ở trước nói về vô nguyện. “Như trong kinh nói”, đây là trong Kinh Kim Cang nói: “Diệt độ vô lượng chúng sanh như vậy, thật ra không có chúng sanh nào được diệt độ”. Diệt là diệt phiền não, độ là giúp họ liễu sanh tử xuất tam giới, chứng bát niết bàn, những điều này đều bao hàm hết trong chữ này. Làm việc này không có gì vui bằng.
Trong tâm có gì chăng? Không có, nếu trong tâm thật có độ chúng sanh, làm việc tốt, đã đoạn phiền não. Nói cho chư vị biết, họ chưa vượt thoát lục đạo, những gì họ tu là thiện pháp của thế gian, không ra khỏi luân hồi lục đạo. Sau khi chết, họ sanh lên cõi trời. Nhất định trong lòng không còn lưu lại chút dấu vết nào, đến A la hán cũng không chấp tướng, họ mới có thể ra khỏi luân hồi lục đạo, nhưng không ra khỏi mười pháp giới. Không thể không biết điều này.
Nhưng chỉ có một ngoại lệ, đó là niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Trong pháp thế xuất thế gian chỉ có duy nhất pháp môn này, không có pháp môn thứ hai, không thể không biết điều này. Pháp môn này, ngày nay phàm phu chúng ta có đoạn phiền não, thật có đoạn. Chúng ta thật sự thấy chúng sanh để giúp, chúng ta đều chấp tướng, đều có phân biệt chấp trước. Theo kinh điển đại thừa nói, đây là thiện pháp thế gian, hoàn toàn không tương ưng với nghĩa trong kinh này. Nhưng nếu nhất tâm cầu sanh Tịnh độ thì được. Chúng ta sanh vào cõi nào của thế giới Cực Lạc? Sanh vào cõi phàm thánh đồng cư, nhất định phải biết điều này.
Phá tứ tướng, như Kinh Kim Cang nói: vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng, đã phá tứ tướng. Đoạn phiền não, độ chúng sanh, tu thiện pháp, sanh vào cõi phương tiện hữu dư, chưa đoạn sanh vào cõi phàm thánh đồng cư. Nhưng ở thế giới tây phương Cực Lạc rất thù thắng, cõi đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh, được Phật A Di Đà gia trì, chúng ta cũng là A Duy Việt Trí Bồ Tát, điều này không thể nghĩ bàn.
Theo trong Kinh Hoa Nghiêm, A Duy Việt Trí Bồ Tát là sơ trụ trở lên. Nghĩa là chúng ta thường nói, người đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Đến thế giới Cực Lạc, được bổn nguyện của Phật A Di Đà, đưa ta nâng lên đến cảnh giới này, nhưng ta vẫn ở trong cõi phàm thánh đồng cư, chưa rời khỏi cõi này. Nhưng trí tuệ, thần thông, đạo lực hoàn toàn tương đồng với Bồ tát minh tâm kiến tánh. Tương đồng này là nhờ Phật A Di Đà gia trì, không phải tự chứng được. Tự chứng được, ở trước chúng ta đã nói, tu hành ở thế giới Cực Lạc, hạ hạ phẩm vãng sanh là tự chứng được. Trở thành A Duy Việt Trí Bồ Tát, phải 12 kiếp sau. Trong 12 kiếp này, điều nhờ Phật gia trì, điều này không tìm thấy trong mười phương thế giới. Trong giáo lý đại thừa, tám vạn bốn ngàn pháp môn, không có pháp môn này. Bởi vậy pháp môn này được gọi là môn dư đại đạo, pháp môn đặc biệt.
Bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, là bộ kinh hàng đầu trong kinh điển đại thừa. Kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa sau cùng đều là niệm Phật quy Tịnh độ. Văn Thù, Phổ Hiền, đó là kim cang tát đỏa trong Mật giáo, sau cùng biểu diễn cho chúng ta thấy, đều là niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, thị hiện này quá tuyệt!
Thực tế mà nói, đây cũng là cư sĩ Hoàng Niệm Tổ lúc còn tại thế nói với tôi. Trong thời hiện đại của chúng ta, về sau pháp vận của Phật pháp còn 9000 năm, chỉ có pháp môn Tịnh độ, duy nhất pháp môn này thành tựu trong một đời. Ngoài pháp môn này ra, không thể thành tựu trong một đời, chúng ta phải nắm bắt cơ hội này, không nắm bắt quả thật rất đáng tiếc! Chúng ta lại được thân người, lại gặp được pháp môn này, không dễ chút nào.
Xem tiếp bên dưới. “Cho đến rộng nói, phát tâm như thế, không thể nghĩ bàn, là nói rõ tướng thuận lý phát tâm”. Lý, trong kinh điển đại thừa, tuy không phải chứng ngộ, nhưng niệm nhiều, nghe nhiều dần dần lý giải, gọi là giải ngộ. Giải ngộ có thể giúp chúng ta tùy sự phát tâm, như vậy chính mình nắm chắc việc vãng sanh thế giới Cực Lạc. Đặc biệt là hiện nay thiên tai dồn dập, bây giờ trên toàn thế giới đều đang bàn luận về thảm họa năm 2012. Rất nhiều đồng học đến hỏi tôi, chúng ta học Phật làm sao để ứng phó vấn đề này. Trong kinh Đức Phật dạy chúng ta thật thà niệm Phật. Phải biết, trước thời Càn Long nhà Thanh, pháp sư Quán Đảnh dạy rằng, thế xuất thế gian gặp thiên tai cũng vậy, hoàn cảnh khó khăn cũng vậy, hết thảy mọi vấn đề khó khăn. Trong kinh điển đại thừa, tất cả mọi phương pháp đều không thể giải quyết, đều không giải quyết được. Sau cùng vẫn còn một phương pháp, nhất tâm chuyên niệm Phật A Di Đà, không có gì không thể giải quyết. Trong khai thị này quan trọng nhất chính là nhất tâm chuyên niệm.
Vì sao có người niệm rất hiệu quả, có người niệm không hiệu quả? Chính là bốn chữ nhất tâm chuyên niệm này. Có người niệm rất tinh cần nhưng vẫn còn hoài nghi, là thật ư? Vẫn còn vọng niệm, công phu chưa thuần, cho nên họ không có cảm ứng. Nếu công phu thuần, cảm ứng liền hiện tiền.
Trong nhiều năm lại đây, chúng ta từng thấy trong số đồng học, cảm ứng rất thuần, họ không cần nhiều thời gian, thời gian hai ba năm, họ đạt được hiệu quả rất tốt, họ biểu diễn cho chúng ta thấy. Biểu diễn như thế nào? Họ vãng sanh, biết trước giờ chết, biết mình khi nào đi, được Phật đến tiếp dẫn. Không bệnh, đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, biểu diễn cho chúng ta thấy đoan tướng hy hữu, điều này giả được ư? Trong mắt tôi những người này đều không phải người thường, mà là Phật Bồ Tát tái sanh, biểu diễn cho chúng ta thấy. Trong tam chuyển pháp luân, những người này làm chứng chuyển, họ làm chứng minh cho chúng ta.
Từ trong kinh điển, chúng ta hiểu được những đạo lý này. Lại thấy tấm gương của những bậc tu hành này, về sự tướng chúng ta thấy được chứng cứ, có thể không tin chăng? Còn có thể nghi hoặc sao? Nếu còn có nghi hoặc, có xen tạp, như vậy phải nhanh chóng tiếp tục nỗ lực. Nỗ lực từ đâu? Từ trong kinh điển. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh dạy học suốt 49 năm, như vậy là không uổng phí. Nếu không bắt đầu từ kinh giáo, chính là mê tín!
Chúng ta đọc kinh điển đại thừa, lại nghe được báo cáo của các nhà khoa học. Bất luận từ vũ trụ vĩ quan hay lượng tử lực học, ngày càng tiếp cận kinh Phật, đây là việc tốt. Ta có lý do tin rằng, hai ba mươi năm sau, Tôn giáo trên thế giới nếu muốn tồn tại rất khó khăn, không hề đơn giản, còn Phật giáo được truyền thừa mãi mãi. Vì Phật giáo không còn là Tôn giáo, mà nó biến thành khoa học, trên thế giới này nó là khoa học cao cấp.
Quý vị xem hôm nay chúng ta đọc đoạn kinh này, y theo lý phát tâm, nghĩa là thuận lý phát tâm: “Tin hiểu các pháp đều như huyễn mộng, phi hữu phi vô, ly ngôn tuyệt lự”. Ngày nay các nhà lượng tử lực học đã chứng minh, nhưng không rõ ràng như Đức Phật nói. Nếu họ phát tâm học Phật, tốc độ thành tựu của họ nhanh hơn chúng ta nhiều, họ có nền tảng, vừa nghe kinh Phật liền hiểu ngay. Cũng như chúng ta vậy, đối với kinh điển chúng ta rất thuần thục, cho nên vừa nghe báo cáo của họ lập tức hiểu ngay.
Những gì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói từ 3000 năm trước, và những gì hiện nay các nhà khoa học nói là cùng một vấn đề. Thật sự có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề, giải quyết bất sanh bất diệt của chính mình, liễu sanh tử xuất mười pháp giới, đây hoàn toàn là sự thật. Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.
Hết tập 217