Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 215
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 06.12.2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 266, hàng thứ tư từ dưới đếm lên.
Đại sư Thiện Đạo lại nói: “Hoằng thệ môn đa phần là 48 nguyện, nhưng tiêu chuẩn niệm Phật là gần gũi nhất. Con người có thể niệm Phật Phật vẫn niệm, chuyên tâm nhớ Phật Phật biết người”. Đây là một bài kệ của đại sư Thiện Đạo, cũng là khen ngợi tuyên dương sự thù thắng của pháp môn niệm Phật.
Câu đầu tiên là nói về 48 nguyện, nghĩa là trong bộ kinh này, hiện tại chúng ta đang học “phát đại thệ nguyện thứ sáu”. Câu thứ hai nói, chính là nguyện thứ 18 trong 48 nguyện, thập niệm tất sanh. Nguyện này, chư vị tổ sư đại đức của Tịnh tông, đều dị khẩu đồng thanh nhất trí tán thán, nguyện này là bổn nguyện trong 48 nguyện.
Bây giờ sau khi chúng ta đọc Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, những đại kinh luận này, mới có thể lãnh hội được một chút ý nghĩa. Ý nghĩa này rất sâu rộng, có thể nói là sâu rộng không có biên tế. Tất cả Chư Phật khắp biến pháp giới hư không giới, thị hiện trong mười pháp giới, phổ độ chúng sanh, tuyên dương Phật pháp, đều không thể lìa nguyện này. Nguyện này là nguyện vọng chung độ chúng sanh của tất cả Chư Phật. Gọi là nguyện thứ nhất, nguyện vọng chung. Như vậy chúng ta cũng có thể lãnh hội được, 48 nguyện của Phật Di Đà sao không phải là 48 nguyện của tất cả Chư Phật! Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Một tức tất cả, tất cả tức một”, sự lãnh hội này là chân thật.
Bên dưới khuyên chúng ta, hai câu bên dưới khuyên chúng ta: “Con người có thể niệm Phật Phật niệm lại”. Trong Tịnh Ngữ, cư sĩ Hạ Liên Cư nói rất hay, ông nói chúng ta niệm Phật A Di Đà, Phật A Di Đà cũng niệm chúng ta, như vậy nghĩa là sao? Nghĩa là tâm tâm tương ấn. Nếu Phật A Di Đà không niệm chúng ta, vậy làm sao ngài ứng được? Chúng ta niệm Phật A Di Đà là cảm, Phật A Di Đà niệm chúng ta là ứng. Cảm ứng đạo giao, không thể nghĩ bàn. Chúng ta niệm Phật A Di Đà là dùng tâm ý thức, Phật A Di Đà niệm chúng ta là dùng chân tâm. Chúng ta là có niệm mà niệm, Di Đà là vô niệm mà niệm. Vô niệm mà niệm là thật, vì sao vậy? Vĩnh viễn bất biến. Chúng ta có niệm mà niệm, có khi thay đổi. Phật đối với chúng ta không có thay đổi, ngài dùng chân tâm, tâm niệm của chúng ta khởi cảm ứng với chân tâm.
Các bậc cổ đức nhắc nhở chúng ta, tâm niệm Phật, nhất tâm niệm Phật, chân thành niệm Phật, niệm niệm cảm ứng đạo giao với chân tâm. Đây gọi là một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật, đạo lý này rất thâm sâu. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: “Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật”, nói rõ ràng minh bạch đạo lý này, đây là triết học Phật giáo. Muốn nói gì? Phật là gì? Phật chính là chân tâm, chân tâm chính là Phật. Cho nên trong kinh điển đại thừa Đức Phật nói: “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, câu nói này là thật không phải giả. Nếu thật sự hiểu thấu triệt, ta mới biết Phật giáo không phải Tôn giáo. Đầu năm dân quốc, đại sư Âu Dương Cánh Vô nói rất hay, ông nói Phật giáo không phải Tôn giáo, cũng không phải khoa học. Vào đầu năm dân quốc, ông có một bài diễn giảng rất nổi tiếng, đề của bài giảng là “Phật giáo không phải Tôn giáo, không phải triết học, mà là nhu cầu cần thiết của thời đại này”. Vì sao vậy? Vì có thể giải quyết vấn đề xã hội hiện tại.
Thầy Phương Đông Mỹ nhìn Phật pháp là triết học, là triết học đỉnh cao nhất trên toàn thế giới. Phật không phải thần, Bồ Tát và A la hán không phải tiên nhân, không liên quan đến tiên nhân. Họ là gì? Họ là tự tánh. Ở đây nói về tâm, tâm trong câu thị tâm thị Phật chính là nói về tự tánh. Bất luận là chân tâm hay vọng tâm, tóm lại mà nói đều cùng một cái tâm. Giác ngộ gọi là chân tâm, mê gọi là vọng tâm. Tâm không có mê ngộ, mê ngộ do con người!
Còn có một câu nói: “Biển chánh biến tri của Chư Phật từ tâm tưởng sanh”. Chánh tri chánh giác không có sai lầm, biến tri là trí tuệ viên mãn không có khiếm khuyết, chánh biến tri. Biển là ví với sự sâu rộng vô biên, nghĩa là sao? Nghĩa là trí tuệ bát nhã vốn đầy đủ trong tự tánh, hết thảy chúng sanh đều đầy đủ, không có ai ngoại lệ.