/ 600
1.543

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 214

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 05.12.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 264, trang 264 bắt đầu xem từ hàng thứ năm. Hàng thứ năm, bắt đầu xem từ câu “duy trừ ngũ nghịch”. “Duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp”. Hai câu kinh văn này là hai câu sau cùng trong nguyện thứ 18.

Bên dưới là chú giải của Hoàng Niệm Lão: “Ngũ nghịch, về lý là tội ác cực nghịch, cho nên gọi là nghịch, là vì cảm ứng ác nghiệp quả khổ của địa ngục vô gián, cho nên lại gọi là nghiệp vô gián. A Xà Thế Vương Vấn Ngũ Nghịch Kinh nói: Có tội ngũ nghịch, nếu là người nam hay là người nữ, vì năm tội này mà không được cứu, chắc chắn đọa vào địa ngục không nghi”. Ngữ khí này rất khẳng định, ở trước chúng ta học đến đây.

Bên dưới nói những gì là năm? “Là giết cha, giết mẹ, hại A la hán, đấu loạn tăng chúng, khởi ác ý đối với nơi ở của Như Lai”. Đây là trong kinh nói về ngũ nghịch, thứ nhất là giết cha, thứ hai là giết mẹ, thứ ba là hại A la hán, thứ tư là đấu loạn tăng chúng, thứ năm là khởi ác ý đối với Phật.

Trước tiên cần phải hiểu về nhân quả trong Phật pháp nói, vì sao con người đến thế gian này, vì sao phải đến? Trong Phật pháp nói, vì mê mất tự tánh. Nghĩa là nói, tự tánh là thanh tịnh quang minh vĩnh hằng bất biến. Minh tâm kiến tánh gọi là thành Phật, thực tế mà nói chúng ta trở về tự tánh gọi là thành Phật, mục tiêu giáo dục sau cùng của Phật giáo là đây. Sau khi mê mất tự tánh, tự tánh là chân tâm, nó khởi vọng tâm, vọng là nương vào chân mà khởi lên. Cho nên trong giáo lý đại thừa nói chân và vọng không hai, nhưng tác dụng của nó không giống nhau. Khi ngộ, tác dụng của nó hoàn toàn là tánh đức tự nhiên hiển lộ ra. Sau khi mê, trí tuệ liền biến thành phiền não, đức năng biến thành tạo nghiệp, tướng hảo biến thành quả báo của luân hồi lục đạo. Mê và ngộ tác dụng không giống nhau, không thể không biết điều này.

Chúng ta mê mất tự tánh quá lâu, trong kinh Phật thường nói: “Từ kiếp lâu xa đến nay”, thời gian này quá dài, trong lục đạo đã nuôi dưỡng thành thói quen. Nói cách khác, không phải bản tánh làm chủ, mà là tập tánh chi phối làm chủ. Có bản tánh, tuyệt đối không mất đi, nhưng nó không khởi tác dụng. Sự thật này trong kinh điển Đức Phật nói rất tường tận, chúng ta nghe xong đúng là sanh tâm hổ thẹn. Phải nỗ lực học tập, trở về tự tánh, không còn chịu những nỗi khổ luân hồi này nữa, điều này quan trọng hơn tất cả!

Trong kinh điển thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Ý nghĩa hai câu này rất sâu xa, thân người đích thực khó được. Trong lục đạo, trong thời đại hiện nay, thọ mạng con người không dài, quả thật không dễ có được. Trong Phật pháp gọi đây là nghiệp báo, chúng ta có nghiệp là có quả báo, không thể không đến, ta bị nghiệp lực chi phối.

Nghiệp có hai loại, một là dẫn nghiệp, dẫn dắt chúng ta, dẫn dắt ta đến đường nào trong lục đạo, đây gọi là dẫn nghiệp. Thứ hai là mãn nghiệp, lần này ta đến đây, ví dụ bây giờ chúng ta đều đến cõi người, đến cõi người, dẫn nghiệp của chúng ta tương đồng. Trong Phật pháp nói với chúng ta một cách đơn giản then chốt, nghĩa là do trong đời quá khứ tu tập ngũ giới. Nội dung của ngũ giới, ý nghĩa hoàn toàn tương đồng với ngũ thường trong truyền thống văn hóa. Ngũ thường là nhân lễ nghĩa trí tín, trong đời quá khứ chúng ta từng tu, tu rất tốt. Nghiệp này trong đời này thuần thục, thuần thục khi gặp nhân duyên, quả báo liền hiện tiền. Hiện tiền điều gì? Chúng ta đến nhân gian, được thân người. Tuy được thân người, nhưng sự gặp gỡ trong đời của mỗi người không giống nhau, tình trạng thân thể không giống nhau, lành dữ họa phước không giống nhau. Có người giàu có, có người nghèo hèn, đây là thuộc về mãn nghiệp. Mãn là chữ mãn trong mãn túc, nghiệp này thuộc về chữ mãn trong mãn túc. Điều này không giống nhau, mới có nhiều hiện tượng rất phức tạp như thế.

Sau khi hiểu rõ, trong đời này của chúng ta biết cần phải biết làm những gì. Chúng ta có phương hướng, có mục tiêu, như vậy còn tiếp tục trôi lăn trong luân hồi lục đạo chăng? Không còn, cần xa lìa chăng? Rất muốn ra khỏi, không muốn trầm luân trong lục đạo nữa, đây là thân người khó được. Nếu trong đời này được thân người, không gặp được Phật giáo, có muốn ra cũng không ra khỏi. Không gặp được Phật giáo, ta đối với tánh tướng, lý sự, nhân quả cũng không hiểu rõ ràng. Hay nói cách khác, đời này ta đến đây một cách mê hồ, khi đi cũng mê mê hồ hồ. Ngạn ngữ nói: “túy sanh mộng tử”, khi sanh giống như kẻ say rượu, khi chết mê hoặc điên đảo. Nói cách khác, rất khó ra khỏi lục đạo. Trong kinh điển Đức Phật nói với chúng ta: “dục tri tiền thế nhân”, chúng ta phải biết đời trước đã làm ra những gì? Đức Phật nói: “kim sanh thọ giả thị”, chính là đời này những gì chúng ta nhận lãnh. Nếu muốn biết đời sau chúng ta có quả báo như thế nào, Đức Phật nói: “kim sanh tác giả thị”. Đời này ta nghĩ những gì, nói những gì, làm những gì, đây là nhân, đời sau quả báo liền hiện tiền.

/ 600