/ 600
791

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 213

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 03.12.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 264, hàng thứ năm.

“Duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp”, nguyện thứ 18- “Thập niệm tất sanh”. Hai câu sau chính là “duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp”, đây là hai câu sau cùng. Nói cách khác, người tạo ngũ nghịch và hủy báng chánh pháp, không thể vãng sanh. Đây là trong kinh văn nói với chúng ta một cách rất khẳng định.

Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Lão, thế nào gọi là ngũ nghịch? “Ngũ nghịch, về lý là tội ác cực nghịch, cho nên gọi là nghịch”. Lý là tự tánh, thông thường chúng ta gọi là tánh đức. Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật nói với chúng ta: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai”. Thông thường chúng ta nói về lý nghĩa là đức, trong tự tánh có đức năng này, đây là lý. Trong tự tánh vốn đầy đủ trí tuệ, chúng ta biết tự tánh là bất sanh bất diệt, vĩnh hằng bất biến. Tất cả chúng sanh đều có tự tánh, không những là hữu tình chúng sanh_chúng ta nói về động vật, thực vật cũng có tự tánh, khoáng vật cũng có tự tánh.

Trong lúc dạy học, Đức Phật vì phương tiện cho chúng ta thấu hiểu, Đức Phật phân tự tánh thành hai loại. Đối với loài hữu tình gọi là Phật tánh, đối với vô tình chúng sanh gọi là pháp tánh, thật ra Phật tánh và pháp tánh là cùng một tánh. Phật tánh đặc biệt chú trọng trí tuệ, tất cả chúng sanh đều có trí tuệ của Như Lai. Hữu tình đặc biệt chú trọng trí tuệ, vô tình chúng sanh chú trọng đức tướng, chú trọng về đức tướng.

Bây giờ các nhà khoa học đã chứng minh cho chúng ta, nghĩa là đến một hạt căn bản. Các nhà lượng tử khoa học nói về lượng tử, tiểu quang tử, đều đầy đủ năm uẩn chính là sắc thọ tưởng hành thức. Sắc là vật chất, trong kính hiển vi nhìn thấy được, thấy nó là một vật có thể tích. Trong tiểu quang tử này, ngoài sắc ra, nó còn có thọ tưởng hành thức. Nói cách khác, nó biết nhìn, biết nghe, hiểu được ý của chúng ta. Chúng ta dùng lòng yêu thương đối với nó, nó cũng cảm thấy rất vui, phản ứng của nó rất đẹp. Nếu như đối với nó bằng tâm chán ghét, nó cũng rất phiền não, nó biểu hiện ra tướng rất xấu xa.

Cho nên toàn bộ vũ trụ là có cơ thể, điều này phù hợp với những gì trong kinh nói. Như trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán của quốc sư Hiền Thủ nói, đó là tinh hoa của Kinh Hoa Nghiêm, một phần tinh túy nhất. Vũ trụ hình thành như thế nào? Là tự tánh biến hiện ra. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “duy tâm sở hiện, vi thức sở biến”. Ở tâm gọi là kiến văn giác tri, ở thức gọi là thọ tưởng hành thức. Tâm là chân tâm, thức là vọng tâm. Vọng tâm từ đâu mà có? Từ chân tâm biến hiện ra, chân tâm bất động. Nếu có một niệm vọng động, từ chân tâm biến hiện ra vọng tâm, đây là hiện tượng rất tự nhiên, biến ra vọng tâm. Vọng tâm này trong Phật học gọi là A lại da, trong A lại da không gọi là kiến văn giác tri, mà gọi là thọ tưởng hành thức. Bởi vậy tự tánh vĩnh hằng bất biến, bất sanh bất diệt. Khi mê nó sẽ biến, mê là thức biến, tâm không biến, nhất định phải biết điều này.

Làm sao biết tâm không biến, kiến văn giác tri không biến? Trong hội Lăng Nghiêm Đức Thế Tôn nói rất rõ ràng, vua Ba Tư Nặc tuổi ngày càng lớn, cảm thấy già rồi nhất định phải chết. Vì thế sinh tâm sợ hãi, đến thỉnh giáo Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vua Ba Tư Nặc cùng tuổi với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, năm đó vua Ba Tư Nặc 62 tuổi, như vậy Đức Thế Tôn cũng 62 tuổi, ngài nói với ông về điều này. Đức Phật nói thân thể của ông là hư vọng, nó không phải thật, nó sẽ thay đổi, có sanh lão bệnh tử. Nhưng trong thân có thứ bất biến, thứ bất biến đó nó không tùy theo sanh lão bệnh tử của ông. Phàm những gì thay đổi mới có sanh lão bệnh tử theo ông. Thứ không thay đổi, nó sẽ không đi theo sanh lão bệnh tử của ông.

Thứ bất biến là gì? Tức là tự tánh. Tự tánh ở đâu? Ở mắt gọi là tánh thấy, không phải nhãn thức. Nhãn thức là sau khi mê liền biến thành nhãn thức, không mê gọi nó là tánh thấy. Ở tai gọi là tánh nghe, ở tỷ thiệt thân gọi là tánh giác, ở ý gọi là tánh tri. Kiến văn giác tri, đây là tánh đức. Trong kiến văn giác tri, không những không có phân biệt, không có chấp trước, đến khởi tâm động niệm cũng không có. Nhưng nếu có cảm nó liền có ứng.

/ 600