/ 600
747

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 212

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 02.12.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 262, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ câu thứ hai. Bắt đầu xem từ điều thứ tám.

“Thứ tám, ư thế đàm hoa, bất sanh vị trước”. Niệm này là niệm thứ tám của thập niệm, là trong cuộc sống hằng ngày, đàm luận về tất cả pháp thế gian. “Bất sanh vị trước”, vị nghĩa là hứng thú, trước là chấp trước. Nói một cách đơn giản, nghĩa là không để trong lòng, đừng xem nó là điều quan trọng, như vậy là đúng. Vì sao vậy? Vì lục đạo không phải thật, mười pháp giới cũng không phải thật. Nếu ta ở trong này cảm thấy thú vị, chữ vị này nghĩa là tình chấp. Quý vị mê muội, chấp trước, trước là chấp trước, như vậy là sai. Đối với tất cả ngôn luận của thế gian, nếu coi là thật, chấp trước nó. Đây chính là tạo nghiệp luân hồi, không cách nào ra khỏi luân hồi lục đạo. Cho nên nhất định phải biết, biết là trí tuệ! Kinh điển đại thừa thường nói: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh”. Thật sự lãnh hội được ý này, không còn chấp trước pháp thế gian nữa, giống như xem kịch trên truyền hình vậy. Chúng ta xem kịch trên truyền hình, đây là giả không phải thật. Ta có thể thưởng thức, tuyệt đối không được chấp trước, không được phân biệt, đây là Bồ Tát. Nếu ở đây ta nhìn thấy những hiện tượng này, không khởi tâm không động niệm, như vậy quý vị chính là Phật. Điểm khác nhau của Phật Bồ Tát và chúng ta là đây, chúng ta không thể không biết.

Chúng ta ở trong cảnh giới, từng giờ từng phút phải giống như Bồ Tát Quan Thế Âm, “phản văn văn tự tánh”. Thế gian có câu: “hồi quang phản chiếu”, quay lại chiếu soi tự tánh, sẽ biết bản thân tu học vào giai đoạn nào. Nếu cảnh giới bên ngoài còn có thể dẫn khởi tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn của chúng ta, như vậy chúng ta chính là phàm phu lục đạo. Nếu chúng ta đối với tất cả hiện tượng trước mắt, hoàn toàn không chấp trước, nhưng vẫn còn phân biệt, đây chính là A la hán, không phải phàm phu, phàm phu chắc chắn có tình chấp. A la hán đoạn tận tình chấp, không còn chấp trước. Nghĩa là ở đây nói, họ bất sanh vị trước. Nói như hiện nay là họ không cảm thấy hứng thú, họ không còn chấp trước.

Thánh nhân thế xuất thế gian thường dạy chúng ta, phải nhạt đối với vị của thế gian, năm này nhạt hơn năm kia, như vậy là có tiến bộ. Nếu còn rất hứng thú với thế gian, như vậy phiền phức rất lớn, khổ não rất nhiều. Buông bỏ, khổ não trước mắt không còn, phiền não không còn, ưu tư không còn, vướng mắc không còn, liền được tâm thanh tịnh. Tương lai khi đi, rời khỏi thế gian này không có thống khổ, vì sao vậy? Vì không có lưu luyến, nên không có đau khổ, dễ vãng sanh. Không thể không lưu ý điều này, không thể không học tập. Học tập như thế nào? Vẫn là không thể rời kinh điển, kinh giáo quan trọng biết bao! Kinh giáo là khai thị của Phật Bồ Tát, là khuyến cáo của Phật Bồ Tát đối với chúng ta. Nói rõ ràng chân tướng sự thật của thế gian này, nói rõ nguồn gốc của vũ trụ, cũng nói rất triệt để về thế giới Cực Lạc. Mục đích sau cùng là khuyên chúng ta buông bỏ tất cả, vãng sanh thế giới Cực Lạc. Sanh về thế giới Cực Lạc, tức là một đời viên mãn thành Phật. Nếu thật sự nghe hiểu câu này, vật thì chúc mừng, quý vị đã biết trong tất cả pháp thế xuất thế gian, điều gì là quan trọng nhất. Bất luận là tự lợi hay lợi tha, một câu A Di Đà Phật là công đức viên mãn, quả thật không thể nghĩ bàn. Tin thật, phát nguyện, niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, đây là người hàng đầu trong thế xuất thế gian. Thấy người này, họ sắp đi làm Phật, tu bất kỳ pháp môn nào đều không thể sánh được với họ. Cho nên chúng ta cần phải nhớ.

Chúng ta xem tiếp câu bên dưới: “Thứ chín, cận với ý giác, sanh khởi vô số thiện căn nhân duyên, xa lìa tâm hỗn độn ồn náo tán loạn”. Đây đều là đại Bồ Tát, nói một cách nghiêm túc thì đều là pháp thân Bồ Tát, người bình thường không làm được! Gần với ý giác, đây là tâm Bồ đề, tâm bồ đề nghĩa là ý giác, tâm bồ đề hiện tiền. Cho nên tự nhiên có thể sanh khởi vô số thiện căn nhân duyên.

Trong kinh điển đại thừa thường nói giác mà không mê, niệm niệm giác mà không mê, ý này rất khó hiểu. Nếu chúng ta chưa học Hoàn Nguyên Quán, chưa học Kinh Lăng Nghiêm thì không dễ lãnh hội được. Niệm niệm này Bồ Tát Di Lặc nói, một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm, niệm niệm đều không mê, đây chính là pháp thân Bồ Tát. Thông thường phàm phu ý niệm đầu tiên là giác, niệm thứ hai là mê, niệm thứ hai thứ ba càng mê càng sâu, đây là phàm phu. Trong tứ thánh pháp giới cũng tương đương với lục đạo, niệm thứ nhất cũng là giác, niệm thứ hai là mê, nhưng họ mê nhẹ hơn lục đạo, tuy nhẹ cũng không ra khỏi mười pháp giới. Niệm niệm không mê liền ra khỏi mười pháp giới, mới có thể ra khỏi mười pháp giới, mê thì không được. Đạo lý này trong kinh điển đại thừa nói rất nhiều. Cho nên cổ đức nói mười niệm của Bồ Tát Di Lặc, mười niệm này không phải người bình thường. Nhưng ngày nay ở đây chúng ta học cũng có ưu điểm, được lợi ích, nâng cao thiện căn nhân duyên của mình trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta phải biết từng giờ từng phút, lấy nó để làm gương soi lại chính mình, điều này rất có lợi ích.

/ 600