/ 600
667

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 211

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 01.12.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 261 hàng thứ sáu.

“Hoặc có nghi hoặc, trong văn chỉ nói mười niệm, tại sao lại là xưng danh hiệu Phật, mà không phải niệm vị Phật khác? Đáp rằng, niệm trong mười niệm, chỉ cho miệng niệm danh Phật, thực có chứng minh”. Nguyện này rất quan trọng: “Thập niệm tất sanh”.

Ở trước có nói với quý vị, chỉ có nguyện này mới có thể phổ độ tất cả chúng sanh có duyên trong biến pháp giới hư không giới. Chúng sanh thêm vào nhân duyên, có nhân duyên là sao? Là họ có thể tin, có thể phát nguyện và chịu niệm Phật, như vậy là có duyên. Chỉ cần niệm mười niệm đều có thể vãng sanh, cho nên đây là vô cùng hy hữu, thù thắng. Pháp môn này đơn giản, người người đều có thể học, mỗi người đều có thể tu. Nó không khó, dễ dàng, chắc chắn lại nhanh chóng. Phàm phu thành Phật, tìm đâu ra pháp môn tiện lợi như thế? Không tìm thấy. Chư vị tổ sư đặc biệt chú trọng nguyện này, giải thích rất tường tận cho chúng ta, vì nó quá khó tin. Thành Phật không dễ chút nào, chứng A la hán đã khó như vậy, thì thành Phật đâu đơn giản tí nào? Không dễ sanh khởi tín tâm. Cho nên phải không cảm thấy chán ghét. Nói rõ ràng minh bạch cho chúng ta biết.

Đầu tiên là một nghi vấn giả thiết, trên thực tế rất có thể có người có nghi vấn này. Trong kinh chỉ nói mười niệm, làm sao biết được mười niệm này chính là niệm danh hiệu Phật A Di Đà, mà không phải niệm Phật khác? Có người đưa ra câu hỏi này. Bên dưới trả lời rất hay, chữ niệm trong mười niệm chính là chỉ niệm của miệng niệm danh hiệu Phật. Đích thực có minh chứng, có chứng minh.

Thực tế mà nói, văn tự tiếng Trung có rất nhiều cách nói. Chữ niệm này, bên cạnh không thêm chữ “khẩu”, niệm này là trong tâm niệm. Khẩu không niệm, tâm niệm được chăng? Được, nghĩa của chữ niệm này là chữ hội ý. Quý vị xem cách viết của chữ này, “kim tâm” chính là tâm hiện tại, trong tâm hiện tại thật sự có Phật, nên gọi là niệm. Không nhất định niệm trên miệng, quan trọng nhất là ở trong tâm. Trong tâm không có Phật, miệng niệm Phật cũng vô ích. Cổ nhân nói: “miệng niệm Di Đà tâm tán loạn”, trong tâm không có Phật, “hét khô cổ họng cũng vô ích”. Cho thấy trong tâm cần có Phật, ngoài Phật ra không có niệm thứ hai.

Phải biết, thiện pháp bậc nhất trong pháp thế xuất thế gian, thiện bậc nhất không phải nó chỉ có một thiện, mà thiện này bao gồm tất cả thiện pháp của thế xuất thế gian, đều trong danh hiệu này, rất tuyệt vời! Ý này ở trước có nói rất nhiều lần, không thể không biết. Quý vị thử nghĩ xem, thiện pháp nào có thể bao gồm tất cả thiện? Duy nhất thiện này bao gồm tất cả thiện.

Ta niệm Phật vãng sanh thế giới Cực Lạc, sanh về thế giới Cực Lạc có nghĩa là thành Phật. Tuy là phàm phu, nhất phẩm tập khí phiền não cũng chưa đoạn, nhưng sanh về thế giới Cực Lạc, liền được 48 nguyện của Phật A Di Đà gia trì. Nghĩa là nói, những gì ngài nói trong 48 nguyện, ta đều đạt được, quý vị nói không tuyệt vời ư? Nguyện này đầy đủ 47 nguyện khác, đạt được tất cả. Tuy nói mỗi nguyện đều bao hàm 47 nguyện khác, nhưng nguyện này chân thực nhất, không có gì để nói, là thiện pháp viên mãn trong thế xuất thế gian. Quý vị xem niệm Phật hay biết bao! Nếu thật sự rõ ràng minh bạch, dù gặp bất kỳ khó khăn gì, buông bỏ mọi ý niệm chỉ niệm Phật, vấn đề liền được giải quyết. Hoàn toàn tin tưởng, không chút hoài nghi. Bị bệnh nan y, niệm Phật có thể trị lành.

Mấy ngày trước có một vị đồng tu ở Đại Đồng Sơn Tây đến đây thăm tôi, ông nói ông mắc bệnh ban đỏ. Ông xem đĩa CD của Lưu Tố Vân rất cảm động, học theo bà, quả nhiên niệm Phật ba tháng sau, đi kiểm tra lại thì không còn nữa. Ông ta đến nói với tôi, là sự thật, là tự thân ông trải nghiệm, đến thẹo cũng không có. Khi bệnh phát tác ban đỏ nổi lên khắp toàn thân, lạy Phật cũng không lạy được. Niệm Phật đệ nhất đức, niệm Phật đệ nhất thiện! Khi phiền não khởi hiện hành, lập tức niệm Phật hiệu, phiền não không còn. Thiện niệm hay ác niệm đều là phiền não, chỉ có chánh niệm, chánh niệm không có ý niệm. Không có bất kỳ ý niệm nào, đó gọi là chánh niệm, chánh niệm tương ưng với tự tánh.

/ 600