Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 205
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 25.11.2010
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội – Hongkong
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 250, bắt đầu xem từ hàng thứ ba.
“Đại sư Thiện Đạo đem năm nguyện trong 48 nguyện, gọi là định thành chánh giác, quang minh vô lượng, thọ mạng vô lượng, chư Phật xưng thán và thập niệm tất sanh làm chân thật nguyện, xem nó là tâm yếu của 48 nguyện. Có thể thấy nguyện này thật là tâm tủy hoằng thệ của Phật A Di Đà. Bản hoài của Phật này chính là vì tất cả chúng sanh nhất định thành Phật”. Chúng ta xem đến đây. Hôm qua chúng ta học đến đây, thấy một đoạn khai thị của đại sư Thiện Đạo, đoạn khai thị này rất quan trọng.
Những người tu học Tịnh tông, tôi tin rằng có không ít người từng nghe, đại sư Thiện Đạo là Phật A Di Đà ứng hóa tại Trung quốc. Cho nên lời của ngài Thiện Đạo nói, chính là Phật A Di Đà trực tiếp nói với chúng ta. Năm nguyện quan trọng nhất trong 48 nguyện, đây là nòng cốt của đại nguyện. Nguyện định thành chánh giác đã nói ra bản hoài của Phật A Di Đà. Phật A Di Đà kiến lập thế giới Cực Lạc, tiếp dẫn đại chúng đến tu hành, mục đích là gì? Dụng ý là gì? Đại sư Thiện Đạo nói cho chúng ta biết, chỉ là vì tất cả chúng sanh chắc chắn thành Phật, ngữ khí này khẳng định biết bao, không hề có chút nghi hoặc nào.
Vì thực hiện nguyện này, “mới có mười niệm tất sanh”, mười niệm tất sanh chính là vì chắc chắn thành Phật, tức là định thành chánh giác. Niệm này khiến cho chư vị đồng tu niệm Phật, kiên định tín tâm đối với Tịnh tông, cũng kiên định tâm nguyện đối với việc cầu sanh tây phương Cực Lạc.
Đại sư Ngẫu Ích nói rất hay, vãng sanh được hay không, quyết định là ở chỗ có tín nguyện hay không. Nếu có tin thật, có nguyện thiết, thật sự muốn vãng sanh, đầy đủ hai chữ này, điều kiện của ta cũng đầy đủ. Đối với hành môn là quyết định phẩm vị cao thấp của chúng ta khi vãng sanh thế giới Cực lạc. Đại sư Ngẫu Ích thị hiện, làm tấm gương tốt cho chúng ta, mục tiêu đầu tiên là cầu vãng sanh, không cần biết phẩm vị cao hay thấp, không cần để trong lòng. Vì sao vậy? Vì trong mấy nguyện trước chúng ta đã hiểu, thấy rõ ràng, thế giới Cực lạc là thế giới bình đẳng. Vãng sanh đến cõi phàm thánh đồng cư và vãng sanh đến cõi thật báo trang nghiêm không có gì khác biệt. Thể chất của thân thể đều là thân tử kim sắc, tướng mạo đều là 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp, giống như Phật Ai Di Đà. Tướng của Phật A Di Đà không tốt hơn chúng ta, chúng ta cũng không thua kém Phật A Di Đà, không có, hoàn toàn tương đồng, điều này không thể nghĩ bàn. Thực tế mà nói, tướng hảo nhất định phải thành Phật mới tương đồng. Bồ tát thì lại khác, vì sao vậy? Vì Bồ Tát chưa đoạn vô thỉ vô minh, cho nên tướng mạo không giống nhau. Hình như giống nhau, nhưng xen tường tận có điểm không giống nhau. Ở thế giới tây Phương Cực Lạc không như thế, hoàn toàn giống nhau, đây là oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì. Sự gia trì này không phải chỉ nói một cách tùy tiện, ngài tu hành thời gian năm kiếp. Chính là nói ngài gia trì chúng ta, hồi hướng cho chúng ta là thật, vì ngài có thật công phu. Phàm phu chúng ta nói gia trì, trên thực tế không có năng lực gia trì. Tuyệt đại đa số là giải ngộ, không phải chứng ngộ, bản thân chưa làm được, không có công phu thật sự, lấy gì để gia trì? Đức Phật A Di Đà có năm kiếp tu hành, là một mục đích này. Ngài phát đại nguyện này, 48 nguyện, mỗi nguyện đều viên mãn ngài mới thành Phật. Có một nguyện chưa viên mãn, ngài sẽ không thành Phật. Đức Thế Tôn nói với chúng ta, Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc thành Phật đã mười kiếp. Mười kiếp đối với thế giới Cực Lạc mà nói là không dài, ở đó thọ mạng con người là vô lượng kiếp, thì mười kiếp có đáng gì?
Trong đời này của chúng ta, nếu đến thế giới Cực Lạc, tương lai ở thế giới Cực Lạc, đó là một tốp đến sớm nhất, quý vị xem mười kiếp họ đã đến. Tuyệt đối đừng bỏ lỡ cơ duyên này, cơ duyên vô cùng thù thắng, bỏ qua rất đáng tiếc. Có thể không mất cơ hội chăng? Có thể, chỉ cần ta thật sự hiểu rõ ràng minh bạch những gì trong Kinh Vô Lượng Thọ nói, y giáo phụng hành, nhất định thành tựu ngay trong đời này. Nếu muốn nâng cao phẩm vị, như vậy phải nỗ lực thực hành, buông bỏ vạn duyên, phẩm vị mới nâng cao được. Nếu vẫn còn xen tạp nghi, còn nghi hoặc, những thứ này chướng ngại rất lớn cho việc nâng cao phẩm vị.