759

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

淨土大經解演義

Tập 204

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 24.11.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội _HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 248, bắt đầu xem từ hàng thứ sáu dưới đếm lên.

“Trong khoảng một niệm”, trong kinh nói trong khoảng một niệm, ở dưới là nguyện biến cúng Chư Phật. “Trong chừng một niệm là chỉ thời gian cực kỳ ngắn ngủi. Giới hạn thời gian một niệm có nhiều thuyết khác nhau, ở trước có giải thích. Ngày nay y theo Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập lấy sát na làm một niệm, lại theo Đại Luận một khảy móng tay có 60 sát na. Cho nên biết một niệm, chỉ một khảy móng tay chiếm 1/60 phần thời gian, cho nên nó vô cùng ngắn ngủi”.

Trong Phật pháp, sát na là thời gian cực kỳ ngắn. Trong Kinh Nhân Vương nói, một khảy móng tay có 60 sát na. Đại Trí Độ Luận cũng nói như thế. Nhân Vương Kinh còn nói, một sát na có 900 lần sanh diệt. Chúng ta đọc Bồ Tát Xứ Thai Kinh, đoạn đối thoại của Bồ Tát Di Lặc với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng ta biết cách nói này rất nhiều. Bồ Tát Di Lặc nói với chúng ta, ngài nói một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm, niệm niệm thành hình, hình đều có thức. So với Kinh Nhân Vương còn ngắn hơn, thời gian càng ngắn. Bồ Tát Di Lặc nói và các nhà lượng tử lực học hiện nay phát hiện gần giống nhau. Có thể là tiểu quang tử mà các nhà khoa học nói, trong Phật pháp gọi là cực vi chi vi, không thể phân chia thêm nữa, phân nữa là không còn, đây là vật nhỏ nhất trong hiện tượng vật chất. Các nhà khoa học cũng chứng minh vật chất không phải thật, là huyễn tướng do những tiểu quang tử này tích lũy liên tục sinh ra. Khiến chúng ta lãnh hội được trong Phật pháp đại thừa nói về ngũ uẩn giai không, hiện tượng này Đức Phật phân rất tường tận, phân nó thành “sắc thọ tưởng hành thức”. Tức trong thời gian ngắn ngủi đó, sanh ra những hiện tượng này. Sắc là hiện tượng vật chất, thọ tưởng hành thức là hiện tượng tinh thần. Hay nói cách khác, dùng Phật pháp để nói về cực vi chi vi, nó đầy đủ hiện tượng ngũ uẩn. Do đó chúng ta biết, toàn thể vũ trụ đều không ra ngoài hiện tượng này, trong một niệm nhỏ nhất này, nó có hiện tượng viên mãn, hiện tượng viên mãn của thọ tưởng hành thức.

Lấy con người chúng ta mà nói, thân thể con người là một hiện tượng ngũ uẩn. Bây giờ chúng ta hiểu, thân thể ngũ uẩn này bất luận phân như thế nào, phân đến cực vi chi vi, mỗi điểm đó vẫn là hiện tượng ngũ uẩn hoàn chỉnh. Điều này hình như các nhà khoa học cũng đã chứng minh. Thật ra thông thường chúng ta rất khó tưởng tượng, có thể nói là không thể tưởng tượng, đây là chân tướng sự thật.

Trong kinh Phật nói: “hạt cải chứa núi tu di, núi tu di chứa hạt cải”, cũng là nói rõ hiện tượng này. Thật ra tiểu quang tử nhỏ hơn nhiều so với giới tử, giới tử là hạt cải, chỉ lớn như hạt mè vậy, như vậy là rất lớn. Trong đó có thể dung nạp núi tu di, vì sao vậy? Vì núi tu di không tách rời ngũ uẩn, tiểu quang tử cũng là ngũ uẩn viên mãn. Nhìn từ đây, trong Kinh Hoa Nghiêm nói lớn nhỏ không hai, đây là thật. Mặc dù tiểu quang tử này, trong đó bao hàm toàn bộ tin tức của vũ trụ. Đây là khoa học trong kinh Phật nói.

Thời gian ngắn ngủi như thế_chúng ta xem tiếp. “Nhưng sự ngắn ngủi trong khoảng sát na này, có thể vượt qua ức na do tha trăm ngàn cõi Phật, đi khắp hết một vòng”. Cảnh giới này giống như trong Kinh Hoa Nghiêm nói, giống như Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán của quốc sư Hiền Thủ, ba loại chu biến. Bất luận là hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần hoặc là hiện tượng tự nhiên, mọi hiện tượng đều không ngoài ba loại lớn này. Ba loại hiện tượng lớn này, bất kỳ một hiện tượng nào phát sinh, đều chu biến pháp giới, xuất sanh vô tận, hàm dung không hữu. Ba loại chu biến này là tánh đức của tự tánh, thuật ngữ của Phật pháp gọi là pháp nhĩ như thị, nó vốn là như vậy.

Khi những hiện tượng này dừng lại, hoạt động của nó là hiện tượng dao động, khi dừng lại là bản thể của tự tánh, trong tịnh tông gọi là thường tịch quang. Nó phát sanh hiện tượng chấn động, liền biến thành A lại da, A lại da biến hiện ra tất cả vạn pháp trong vũ trụ. Trong kinh Đức Phật nói, vũ trụ này là “tâm hiện thức biến”. Tâm hiện là tâm này động, tâm bất động nó không hiện, tâm động nó lập tức hiện ra. Khi nào nó động, vì sao động? Không có, không có thời gian, cũng không có nguyên nhân. Cho nên động này gọi là vọng động, nó không phải thật. Trong Phật giáo còn có một danh từ, nói hiện tượng này là “vô thỉ vô minh”, hiện tượng này là vô minh. Vô minh là vô thỉ, vô thỉ là gì? Không có bắt đầu. Vì sao nói nó không có bắt đầu? Vì thời gian của nó quá ngắn, ta không cách nào cảm nhận được nó bắt đầu. Một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm, như vậy làm sao phát hiện được? Cho nên gọi nó là vô thỉ. Trên thực tế có một câu nói rất hay: “ngay tại đây”. Câu này cũng rất khó hiểu, khó hiểu vô cùng. Vì sao vậy? Trong quan niệm ngay tại đây này, thời gian đã rất dài, không biết bao nhiêu cái ngay tại đây tích lũy một nơi, chúng ta mới có cảm nhận. Trên thực tế ngay tại đây, chúng ta không cách nào cảm nhận được. Trong kinh điển đại thừa nói, Bồ Tát bát địa trở lên, gần với quả vị Diệu giác, họ mới cảm nhận được. Trước thất địa đều không thể cảm nhận được, đương nhiên phàm phu chúng ta càng không cần nói. Đây là trong kinh Phật nói cho chúng ta về thật tướng các pháp. Trong hiện tượng này, mọi hiện tượng là bình đẳng, hoàn toàn không có sai biệt. Về sau những sai biệt này là thức biến, chính là phân biệt chấp trước, từ đây biến hiện ra. Khi không có phân biệt chấp trước, hiện tượng là bất biến. Nhưng hiện tượng cũng không phải tồn tại thật, nhất định phải hiểu đạo lý này. Khi đã hiểu rõ, khẳng định rồi, tự nhiên sẽ buông bỏ. Biết những gì trong Kinh Bát Nhã nói là thật, “vạn pháp giai không”. Trong Kinh Kim Cang nói: “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”. 600 quyển Đại Bát Nhã vói về hiện tượng này, thực tế chính là một câu. Đức Phật nói suốt 22 năm, 22 năm nhưng người thật sự hiểu không nhiều. Ngài nói: “nhất thiết pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”. Cho nên vì sao Đức Phật dạy chúng ta buông bỏ, đạo lý là như thế. Nếu nó là thật ta có thể đạt được. Không đạt được! Chẳng những không đạt được cảnh giới bên ngoài, đến thân thể chúng ta cũng không đạt được. Chẳng những thân thể không đạt được, chúng ta khởi tâm động niệm cũng không đạt được.