/ 600
725

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 203

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 23.11.2010

Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội _HongKong

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống! Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 246, chúng ta bắt đầu xem từ kinh văn.

“Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đắc tha tâm trí thông, nhược bất tất tri, ức na do tha, bách thiên Phật sát, chúng sanh tâm niệm giả, bất thủ chánh giác”.

Chương này chỉ có một nguyện thứ chín là Nguyện tha tâm thông. Tha tâm thông, cũng gọi là tha tâm trí thông, ở trước chúng ta đã học qua, sáu loại thần thông đều là trí tuệ khởi tác dụng. Trí tuệ này không phải tu được, là trí tuệ bát nhã vốn đầy đủ trong tự tánh. Nghĩa là trong Kinh Hoa Nghiêm nói, ngài nói tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai. Trí này là chính Đức Phật nói, Như Lai là nói về tự tánh, là trí tuệ vốn đầy đủ trong tự tánh của chúng ta. Cũng có thể nói, nó là bản thể thật sự của pháp thân.

Khi đại sư Huệ Năng khai ngộ, ngài nói câu thứ ba trong năm câu rằng: “đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”. Đầy đủ những gì? Như trong Kinh Hoa Nghiêm nói là trí tuệ, đức năng, tướng hảo, nói ra ba điều nhưng đã bao hàm hết tất cả pháp khắp biến pháp giới hư không giới vào trong đó. Trí tuệ là nguồn gốc của hiện tượng tinh thần, mà hiện tượng tinh thần lại là bản chất của hiện tượng vật chất. Cho thấy, tất cả pháp giữa vũ trụ không lìa bát nhã vốn đầy đủ trong tự tánh.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở thế gian này, vì chúng ta giảng kinh thuyết pháp suốt 49 năm. Ngài nói về trí tuệ bát nhã vốn có trong tự tánh, đã chiếm hết thời gian 22 năm, như vậy chúng ta biết, bát nhã chiếm phân lượng trong tất cả pháp. Pháp mà Đức Phật nói trong 49 năm, 12 năm đầu là A hàm_nhân thiên và tiểu thừa. Tám năm tiếp theo là Phương Đẳng, đây là đại thừa. 22 năm bát nhã, tám năm sau cùng là Pháp Hoa. Niết Bàn là một ngày một đêm, đó là di giáo sau cùng. Từ những chỗ này ta có thể lãnh hội được, then chốt của Phật pháp là trí tuệ bát nhã. Có người nói Phật giáo mê tin, đó là do họ không biết gì về Phật giáo, họ hoàn toàn không hiểu. Phật pháp lấy trí tuệ làm then chốt, trí tuệ ở trong ý thức khởi tác dụng, chính là tha tâm thông, có thể biết tâm niệm của người khác, khởi tâm động niệm họ đều biết.

Tha tâm trí là trí biết tâm niệm người khác, tha tâm trí thông chiếu soi tất cả ý niệm trong tâm tất cả chúng sanh, như gương sáng hiện ra vạn tượng. Chúng ta đọc tiếp, như đại sư Trừng Hiến nói, thế tục do muốn biết tâm người làm trọng, huống gì lợi vật xuất thế!. Người thế gian rất coi trọng vấn đề này, vì sao vậy? Vì có thể biết trước lành dữ họa phước. Biết trước lành dữ họa phước tức là biết làm sao để tránh hung họa, làm sao để nghênh đón lành phước, gọi là tìm lành tránh dữ.

Phật Bồ Tát biết, biết nhưng Phật Bồ Tát không có ý niệm tìm lành tránh dữ, vì sao vậy? Vì họ có năng lực hóa giải mọi hung dữ tai kiếp, họ không cần trốn tránh mà có năng lực hóa giải. Họ có tha tâm trí thông, nên giảng kinh dạy học rất khế cơ, vì thế Đức Phật thuyết pháp, kinh điển ngài lưu lại gọi là khế kinh. Nghĩa là nói trên khế với lý Đức Phật chứng, đó chính là tự tánh, hoàn toàn tương ưng với tự tánh. Dưới khế cơ có thể độ chúng sanh, chúng sanh không những trong đời này, mà còn trong đời quá khứ. Như vậy phải giống như chư vị Bồ Tát ở thế giới Tây phương, vô lượng kiếp trước quý vị đã làm những gì họ đều biết hết, đó là túc mạng thông. Khởi tâm động niệm họ cũng biết, đó là tha tâm trí thông, cho nên họ hoằng pháp lợi sanh không có chướng ngại, đạo lý là như vậy.

Chúng ta học Phật, nhìn thấy nguyện này_hôm qua tôi cũng có nói với quý vị, nguyện này khiến người thật sự tin nhân quả, không lạnh mà run. Nghĩa là nói chúng ta khởi tâm động niệm, không thể che giấu người khác, che giấu được đều là phàm phu, đều là người ngu si. Người có trí tuệ, có thần thông, có đạo hạnh, chúng ta không thể che giấu được họ.

Bây giờ Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta thế giới tây phương Cực Lạc, mỗi người ở thế giới đó, đều đầy đủ viên mãn 48 nguyện. Vì sao vậy? Vì mỗi người vãng sanh, đều được 48 nguyện của Phật A Di Đà gia trì họ mới vãng sanh, cho nên gọi là 48 nguyện độ chúng sanh. Sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc, mỗi người đều có đủ 48 nguyện này. Thế giới tây phương Cực Lạc có bao nhiêu người? Không sao tính kể được. Không giống địa cầu chúng ta, địa cầu này là một tinh cầu quá nhỏ bé. Hiện tại nhân khẩu trên địa cầu này, các nhà khoa học dự tính khái lược, là khoảng trên dưới 65 ức người. Lấy tài nguyên thiên nhiên trên địa cầu này, nuôi 65 ức người rất khó khăn. Các nhà khoa học nói, 65 ức người cần mấy địa cầu? Cần hai địa cầu rưỡi để nuôi chừng đó người mới thích hợp. Chứng tỏ tài nguyên thiên nhiên trên một địa cầu lớn như thế, hiện nay nhân khẩu đã quá nhiều, đã vượt quá, vì thế cuộc sống ngày càng gian nan. Thêm vào đó là thời cận đại, khoa học kỹ thuật phát triển, gây cho địa cầu sự ô nhiễm nghiêm trọng. Ô nhiễm lớn nhất, ô nhiễm nghiêm trọng nhất là đất đai và nguồn nước. Đất đai dùng thuốc sâu và phân bón, hơn nữa nước thải của công nghiệp làm ô nhiễm biển cả. Nghiêm trọng đến mức tương lai lương thực đều có độc tố, đều là độc tố hóa học. Nước cũng không ngoại lệ. Lúc này người trên địa cầu rất đáng thương, không có thức ăn sạch, không có nước sạch để uống. Đây là tác dụng phụ mà văn minh khoa học kỹ thuật gây ra, tác dụng phụ này là tai họa, là hiểm họa nghiêm trọng. Mối hiểm họa này bây giờ chúng ta đã thấy, cảm nhận được một cách rõ ràng.

/ 600